Suy nghĩ về mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống
Hướng dẫn
Cuộc sống là biết cho đi và nhận lại
- Mở bài:
Đức phật đã từng dạy chúng ta rằng gieo nhân nào, gặt quả ấy. Người cho đi của báu tất sẽ nhận được về của báu; người cho đi nghiệp ác tất sẽ nhận lãnh lại nghiệp ác. Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý. Trên đời có cho đi thì tất sẽ có nhận lại. Cho một cách thành tâm và nhận lại một cách trân trọng mới có thể tạo ra được phúc tốt duyên lành trong cuộc đời này.
- Thân bài:
Cho và nhận một cái gì đó vốn là hoạt động thường thấy trong xã hội loài người. Chính việc cho và nhận có vai trò thúc đẩy các mối quan hệ xã hội được gắn kết và trở nên bền chặt.
Cho là gì?
Cho có nghĩa là trao cho người khác một cái gì đó có thể là vật chất tiền bạc, của cải,…) hoặc tinh thần (tình cảm, thái độ, …) nhằm thể hiện sự trân trọng, mến yêu, giao kết hoặc giúp đỡ họ. Cho đi là một hành động có tính tự chủ, tự nguyện và chủ động, phụ thuộc rất lớn vào người cho. Hành động cho đi thể hiện lối sống nhân đạo, nghĩa tình và ý thức trách nhiệm cao cả của con người trong mối quan hệ với xã hội.
Nhận là gì?
Nhận có nghĩa là nhận lấy, tiếp nhận, chấp nhận một sự giúp đỡ của người khác có giá trị về vật chất (tiền bạc, của cải, hiện vật,….) hoặc tinh thần (tình cảm, thái độ,…). Hành động nhận cũng mang tính tự nguyện, tự giác. Việc nhận một cái gì đó từ người khác thể hiện sự chấp thuận, trân trọng và hàm ơn của con người.
Tại sao phải biết cho đi và nhận lại trong cuộc sống đẹp?
Người xưa từng nói: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”. Nghĩa là biết bao nhiêu là đủ tâm sẽ được thanh tịnh, không cầu mong gì nhiều nhân cách tự tôn coa, sáng đẹp. Bởi thế, cuộc sống không nên có quá nhiều tham vọng bởi lòng tham vô đáy, không bao giờ ta chạm đến tận cùng giới hạn của nó. Càng tham vọng càng khổ đau hơn. Biết mình cần những gì cho cuộc đời thì tự nhiên ta sẽ hài lòng với những gì mình đang có.
Cuộc sống luôn có người giàu sang, kẻ nghèo khó. Và khi biết mình đã đủ thì hãy nên cho đi những gì mình không cần đến. Có thể điều đó sẽ mang lại niềm vui, giúp người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn thậm chí là làm tái sinh nhũng cuộc đời lầm than.
Nhưng không phải đợi đến khi ta có đủ, ta thỏa mãn với những gì mình có mới hào phóng cho đi mà hãy luôn dành một phần nào đó cho người khác còn khó khăn, vất vả, cần kíp hơn mình. Đối với ta, một phần giá trị nhỏ bé là phần dư thừa, hoặc chưa dùng đén thì có thể đối với người khác đó lại là tất cả nguồn sống, là món quà tặng quý giá, là phép màu giúp họ vượt lên nghịch cảnh.
Một bình nước giúp người ta vượt qua cơn khát, một bát cơm làm no lòng kẻ lang thang, một lời động viên giúp con người vượt qua cái chết, một sự hi sinh để cứu lấy vạn người. Hãy luôn biết cho đi những gì mình có thể bởi bất kì một giá trị bình thường nào trong cuộc sống này đều luôn có ý nghĩa với một ai đó cần đến nó.
Thế nhưng, không phải là cho đi tất cả những gì mình có để được nhận về lời khen ngợi vô nghĩa. Hãy cho đi những gì mình có thể để đảm bảo cuộc sống của mình và người thân trong gia đình được an toàn. Hãy cho đi với tấm lòng thành thật và không cầu mong nhận về sự đền đáp. Hãy cho đi một giá trị nào đó cho người cần có nó chứ không phải bất kì ai cũng nhận được. Cho đúng cách là một việc khó làm, cần có trí tuệ và lòng thương con người sâu sắc, cao thượng.
Cùng với việc cho đi có lúc ta cũng sẽ được nhận một giá trị nào đó từ người khác. Không phải lúc nào cuộc sống của chúng ta cũng đủ sung túc hay không gặp rủi ro. Những lúc như thế ta rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Một sự giúp đỡ tốt đẹp của người khác sẽ là nguồn lực, là sức mạnh, là niềm tin tưởng giúp ta vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh.
Cho đi không đồng nghĩa với việc ta sẽ nhận lại một giá trị tương xứng. Đôi khi cuộc sống không phải vậy, không phải luật nhân quả lúc nào cũng có hiệu lực, người làm việc tốt chưa chắc sẽ nhận ại được duyên tốt, kẻ gây điều ác chắc gì sẽ phải nhận lãnh điều ác. Nhưng hãy tin tưởng vào điều đó.
Nhận một điều tốt đẹp từ người khác thể hiện sự trân trọng, yêu thương và ghi ơn tấm lòng tốt đẹp của họ. Rất có thể giá trị đó ta chưa cần đến nhưng hãy nhận lấy một cách vui vẻ và trang trọng để người cho cảm thấy hài lòng, thấy hành động của mình có ý nghĩa mà vui sống trong cuộc đời.
Người biết cho đi nhiều hơn, không mong gì sự đáp trả và chỉ nhận những gì mình cần là những người vị tha, sống vì nghĩa cả, vì lí tưởng cao đẹp, có trách nhiệm với xã hội. Cho nhiều hơn nhận xã hội sẽ tốt đẹp hơn về cả vật chất lẫn mối quan hệ giữa người với người. Không có trường hợp chỉ cho mà không nhận, vì sống trong xã hội không thể tiếp nhận những giá trị sống do xã hội mang lại, ít nhất là nhận những giá trị văn hóa của cuộc sống.
Làm thế nào để xây dựng một lối sống biết cho đi nhiều hơn và biết nhận lại đúng cách?
Trước hết là phải ra sức học tập và rèn luyện tri thức. Có tri thức con người làm việc thành công mới tạo ra đưpực nhiều của cải từ đó có cơ hội giúp đỡ người khác.
Liên tục rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng nhân phẩm, xây dựng lối sống lành mạnh, nghĩa tình hướng đến người khác. Biết chia sẻ nỗi đau thương mất mát của người xung quanh. Biết động viên an ủi, cổ động, tạo động lực giúp người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt đẹp về lòng vị tha, hào hiệp, mạnh thường quân, bố thí trong cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực các hoạt động cứu giúp người khác.
Biết trân trọng những gì người khác dành cho mình, không được xem thường, phung phí hay hủy hoại nó.
Phê phán:
Trong cuộc sống, có những người chỉ biết nhận lấy mà không cho đi điều gì. Họ tận hưởng các giá trị do người khác mang lại mà không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội. Thậm chí là sống ích kỉ, chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.
- Kết bài:
Hãy luôn biết cho đi nhiều hơn và nhận lại ít hơn. Nhận nhiều hơn cho là người chỉ biết sống cho mình hoặc là người thiếu khả năng, bất hạnh cần sự bảo bọc của người khác. Đừng để lòng tham biến bạn thành người ích kỉ.
Theo hoctotnguvan.vn