Trình bày cảm nhận của anh/chị về 2 đoạn thơ trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh: “Làm sao được tan ra …Để ngàn năm còn vỗ” và “Vội vàng” của Xuân Diệu: “Ta muốn ôm … Cho no nê thanh sắc của thời tươi.”
Đề bài:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.”
(Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, tập một, NXB GD, tr.23)
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB GD, tr.156)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên.
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu chung:
– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.
Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
– Xuân Diệu – một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ Mới 1932 – 1945. Ông được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới” bởi những cách tân cả về tư tưởng và bút pháp nghệ thuật.
“Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám, được coi là tuyên ngôn sống, tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ.
– Cả 2 đoạn thơ trên đều là đoạn kết của hai tác phẩm, thể hiện những khát vọng mãnh liệt.
2. Thân bài:
a. Đoạn thơ trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:
– Đoạn thơ thể hiện “cái tôi” ham sống, muốn tận hưởng cuộc đời mãnh liệt. Như một tuyên ngôn của lòng mình, nhà thơ tự xác định một thái độ sống gấp, tận hưởng vì cảm nhận cái hữu hạn của cuộc đời (Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm); ý thức chiếm lĩnh, tận hưởng cuộc sống ở mức độ cao nhất (chếnh choáng, đã đầy, no nê ) những gì tươi đẹp nhất (mùi thơm, ánh sáng, thời tươi ).
– Các yếu tố nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh.. góp phần thể hiện cái hối hả, gấp gáp, cuống quýt của tâm trạng, khiến nhịp điệu đoạn thơ sôi nổi, cuồng nhiệt.
b. Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:
– Đoạn thơ thể hiện khát vọng lớn lao, cao cả trong tình yêu: ước mong được tan hòa cái tôi nhỏ bé-con sóng cá thể, thành cái ta chung rộng lớn- “trăm con sóng” giữa biển cả mênh mông. Những câu thơ có tính chất tự nhủ mình gợi cách sống, tình yêu mãnh liệt, hết mình: mong muốn được tan hòa vào tình yêu lớn lao của cuộc đời. Đó là cách để tình yêu trở thành bất tử.
– Thể thơ năm chữ với hình tượng “sóng”vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mĩ khiến đoạn thơ sâu sắc, giàu nữ tính.
c. So sánh:
– Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, những suy ngẫm trước cuộc đời. Đây là hai đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc-triết lí.
– Điểm khác biệt: không chỉ nằm ở phong cách thơ (Xuân Diệu sôi nổi, mãnh liệt đầy nam tính, xuân Quỳnh thủ thỉ, tâm tình đầy nữ tính) mà còn trong cách “ứng xử” của mỗi nhà thơ: trước sự “chảy trôi” của thời gian, Xuân Diệu chọn cách sống gấp gáp, tận hưởng, Xuân Quỳnh lại thể hiện khát vọng muốn được tan hòa cái riêng vào cái chung để tình yêu trở thành bất tử …
3. Kết bài:
Kết luận lại giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên. Kết luận lại giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên.
Hoctotnguvan.vn