Trình bày phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu – Bài làm 1
Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Tố Hữu là một chiến sĩ – thi sĩ, làm thơ trước hết là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng của Đảng. Trong thơ Tố Hữu từ trước đến sau, dù đề tài, nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tưởng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư của chính nhà thơ. Với Tố Hữu, “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ (…) là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi” (Chế Lan Viên).
Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lý tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng. Đặc biệt ở những bước ngoặt trong đời sống cách mạng của dân tộc, hồn thơ Tố Hữu thường vang ứng nhạy bén và dào dạt cảm hứng, kết tinh trong những bài thơ đặc sắc, được sự đồng cảm và hưởng ứng rộng rãi của đông đảo công chúng. Xuân Diệu khẳng định “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. Thơ Tố Hữu đã kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của các chiến sĩ cộng sản lớp trước ờ nửa đầu những năm 30 nhưng đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hóa thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, đã mở ra một khuynh hướng lớn và có vị trí chủ đạo – khuynh hướng trữ tình chính trị – trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam.
Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi nổi bật trong thơ Tố Hữu nhất là ở những thời kì sau, kể từ cuối tập Việt Bắc. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, về sau càng trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng chiến chống Mĩ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng. Do khuynh hướng cảm hứng ấy mà thơ Tố Hữu chú trọng tác động đến tình cảm, cảm xúc của người đọc, đặc biệt khai thác giá trị gợi cảm của nhạc điệu thơ.
Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Giọng điệu ấy có phần là do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ một quan niệm của nhà thơ: “Thơ là chuyện đồng điệu ( … ), thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí’’. Nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giãi bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ. Thơ Tố Hữu phần nhiều có cách diễn đạt tự nhiên, hơi thơ liền mạch.
Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chích trị, đạo lí cách mạng qua sự cảm nhận và thể hiện của Tố Hữu đã gắn bó, hòa nhập với truyền thống tinh thần tình cảm và đạo lí của dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy. Về thể thơ, Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (như lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ Tố Hữu có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Sáng tạo hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng khá quen thuộc. Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng nhịp nhàng nên dễ ngâm dễ thuộc. Nghệ thuật thơ Tố Hữu nghiêng về tính truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi mới theo hướng hiện đại hóa.
Trình bày phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu – Bài làm 2
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, nhà thơ chiến sĩ. Ông làm thơ trước hết là phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Thơ ông đã kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX, nhưng đã có sự “cách tân”. Vì vậy, thơ Tố Hữu có một phong cách đa dạng và khá hấp dẫn.
1. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị
Những vấn đề chính trị quan trọng như lòng yêu nước, lí tưởng cộng sản, tình cảm đồng bào, đồng chí, tình yêu nhân dân, đất nước… đã trở thành nguồn cảm hứng chân thành sâu xa và trở thành lẽ sống, niềm tin. Với Tố Hữu, những vấn đề chính trị đã trở thành cái riêng tư và được ông diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm tình, ngôn ngữ của tình yêu, tình bè bạn, mẹ con một cách tự nhiên không bị gượng ép.
– Thơ Tố Hữu ít quan tâm đến mặt đời tư mà thường quan tâm và thể hiện những vấn đề như lẽ sống lớn, tình cảm lớn của cách mạng: lẽ sống cộng sản, lẽ sống dân tộc, niềm say mê lí tưởng, niềm vui chiến thắng, ân nghĩa cách mạng, lòng kính yêu Đảng, lãnh tụ, tình cảm quốc tế…
Vì vậy, đối với Tố Hữu, thơ trước hết phải là phương tiện đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị được hình thành trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Với ông, thơ chính trị đã trở thành thơ trữ tình sâu sắc.
2. Thơ Tố Hữu giai đoạn sau (từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến lúc thống nhất đất nước) mang nặng khuynh hướng sử thi
– Thơ ông chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân (cái “tôi” công dân, về sau là cái “tôi” dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho phẩm chất dân tộc, thâm chí mang tầm vóc lịch sử, thời đại như anh giải phóng quân, anh Trỗi, chị Trần Thị Lý…).
3. Thơ Tố Hữu tràn đầy cảm hứng lãng mạn, luôn luôn hướng người đọc tới một chân trời tươi sáng và tương lai xã hội chủ nghĩa
Thể hiện cuộc sống bằng cảm quan ấy, thế giới hình tượng trong thơ Tố Hữu là thế giới của sự cao cả, lí tưởng, của ánh sáng, gió lộng, niềm tin.
4. Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình, ngọt ngào, tha thiết, giọng của tình thương mến
Nhiều vấn đề chính trị, cách mạng đã được thể hiện như những vấn đề của tình cảm muôn đời (biểu hiện rõ nhất là qua cách xưng hô, trò chuyện, tâm sự với đối tượng…). Giọng tâm tình, tiếng nói tình thương này có liên quan đến chất Huế của hồn thơ Tố Hữu, nhưng chủ yếu là do quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc; do quan niệm của Tố Hữu về thơ.
5. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc không chỉ trong nội dung mà còn cả trong nghệ thuật
Các thể thơ truyền thống và thi liệu quen thuộc được sử dụng nhuần nhuyễn, ngôn ngữ giản dị, vần điệu phong phú, nhạc tính dồi dào.
a. Thể thơ lục bát kết hợp với giọng cổ điển và dân gian thể hiện những nội dung cách mạng, làm phong phú cho thể thơ lục bát; thể thơ thất ngôn vừa trang trọng, cổ điển vừa biến hóa, linh hoạt, diễn tả được nhiều trạng thái cảm xúc.
b. Tố Hữu sử dụng từ ngữ lời nói quen thuộc với dân tộc, thậm chí cả những ước lệ, những so sánh ví von truyền thống nhưng dùng để biểu hiện nội dung mới của thời đại.
c. Về nhạc điệu thơ: Thơ Tố Hữu rất giàu nhạc điệu. Ông có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, dùng các vần phối hợp với thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ, tạo thành các nhạc điệu phong phú cho các câu thơ, diễn tả được cảm xúc của dân tộc, tâm hồn dân tộc.
d. Tính dân tộc còn được biểu hiện ở thế giới hình tượng mang đậm đà bản sắc quê hương, con người rất đỗi Việt Nam.
Kết luận:
Đúng như Xuân Diệu đã khẳng định “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”, vì vậy, Tố Hữu xứng đáng là thi sĩ của nhân dân, là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam”.
Trình bày phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu – Bài làm 3
1. Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng Cộng sản:
– Ở Tố Hữu, tư cách thi sĩ và chiến sĩ, nhà thơ và nhà Cộng sản thống nhất làm một. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho lí tưởng Cộng sản của Đảng. Khi chưa giác ngộ lí tưởng Cộng sản, Tố Hữu từng “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, từng “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Khi giác ngộ lí tưởng, nhà thơ thấy tâm hồn mình như được hồi sinh và nhà thơ toàn tâm, toàn ý hiến dâng cuộc đời, tâm hồn mình cho lí tưởng Cộng sản.
– Khi bắt gặp lí tưởng cộng sản cũng là khi Tố Hữu tìm thấy nguồn thơ của cuộc đời mình. Con đường thơ của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh Cách mạng, gắn liền với lí tưởng Cộng sản. Ở thơ Tố Hữu, từ trước về sau, dù đề tài nội dung, cảm hứng có đa dạng đến đâu, thì vẫn luôn lấy lí tưởng Cộng sản, lấy quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cho cách nhìn nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tượng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư.
– Đúng như Chế Lan Viên nhận xét: Với Tố Hữu “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn, hay về sự việc nhỏ(…) là để nói cho được cái lí tương Cộng sản ấy thôi”.
2.Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị Việt Nam.
– Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định: Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trinh độ là thơ rất đỗi trững tình. Điều ấy có nghĩa là thơ Tố Hữu có tính chất trữ tình, chính trị, có sự giao duyên kết hợp giữa chất chính trị và tính trữ tình của thơ ca. Là một chiến sĩ – thi sĩ, Tố Hữu làm thơ trước là để phục vụ sự nghiệp cách mạng, để nói “lí tưởng cộng sản”, để tuyên truyền chính trị.
– Nhưng là một thi sĩ luôn phải lòng đất nước, nhân dân mình nên Tố Hữu viết về đất nước, về nhân dân, về cách mạng, về lí tưởng, về trái tim trần bằng tình cảm háo húc, mê say. Tố Hữu nói với đất nước, nhân dân mà như tâm sự với người đàn bà mình yêu.
– Trước Tố Hữu, thơ trữ tình chính trị Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với các sáng tác của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Tất Đắc… Tố Hữu đã kế tục truyền thống ấy đồng thời đổi mới nó trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá của thơ ca đương thời, mở ra một khuynh hướng lớn có vị trí chủ đạo trong mấy chục năm của nền thơ Việt nam hiện đại.
=> Vì thế nói mọi sự kiện của đời sống cách mạng thông qua trái tim của Tố Hữu đều trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu đã thơ hóa vấn đề chính trị vốn khô han cứng nhắc.
– Sự kết hợp nhuẩn nhuyễn giữa nội dung chính trị và cảm xúc trữ tình đã đưa thơ Tố Hữu lên đến đỉnh cao nhất của thơ trữ tình chính trị trong văn học Việt Nam hiện đại. Đây cũng là đóng góp nổi bật độc đáo của ngọi bút thơ Tố Hữu cho thơ ca kháng chiến.
– Đối với người đọc, sự kết hợp ấy khiến những vấn đề chính trị, cách mạng của dân tộc bỗng trở nên gần gũi, dễ hiểu, giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người, lay động trái tim người đọc. Thơ Tố Hữu là tiếng nói đồng chí, là chuyện đồng điệu
Thơ Tố Hữu thường có khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
a) Sử thi:
– Sử thi vốn là một thể loại độc đáo một đi không trở lại của văn học dân gian.
– Nền văn học hiện đại không còn thể loại sử thi nhưng cái không khí, tính chất hào hùng của sử thi vẫn được người cầm bút mang vào sáng tác tạo nên khuynh hướng sử thi cho các tác phẩm hiện đại.
– Ra đời và phát triển trong không khí cao trào của cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 nói chung, thơ Tố Hữu nói riêng mang đậm khuynh hướng sử thi với những đặc điểm nổi bật. Thơ Tố Hữu là tiếng nói của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nổi bật sự kiện, biến cố trọng đại, liên quan đến vận mệnh, quốc gia, dân tộc. Cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử dân tộc, chứ không phải là thế sự đời tư. Nhân vật trung tâm là con người phi thường, anh hùng mang tầm vóc lịch sử, hội tụ tinh hoa, phẩm chất, ý chí của toàn dân tộc. Tố Hữu bày tỏi ngưỡng mộ, ngợi ca những anh hùng “từ chân lí sinh ra, đẹp như ánh mặt trời, rắn hơn sắt thép”. Lời thơ trang trọng, hào sảng, đẹp, tráng lệ, hào hùng
b) Lãng mạn:
– Khuynh hướng sử thi thường đi đôi với cảm hứng lãng mạn.
-Cảm hứng ấy thể hiện niềm tin vào tương lai, niềm tin vào chiến thắng, ở niềm say mê với con đường cách mạng.
– Thơ Tố Hữu thường cất lên thành thơ ca, tiếng hát, khúc ca chiến đấu, chiến thắng
4. Tính dân tộc
– “Một nghệ sĩ chỉ có thể coi là nhà văn mẫu mực của dân tộc nếu tác phẩm của anh ta thấm nhuần tính dân tộc”. Tính dân tộc là một phần độc đáo của tác phẩm văn học với bản sắc văn hóa, giá trị tinh thần của dân tộc
– Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặặc biệt là thơ ca dân gian và cổ điển, thơ Tố Hũu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung lẫn nghệ thuật
– Chiều sâu tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu. Nhà thơ khai thác hiệu quả từ láy, từừ tượng thanh, tượng hình, thanh điệu tạo nên âm điệu trầm bổn nhịp nhàng, dễ ngâm, dễ thuộc
Trình bày phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu – Bài làm 4
I. Mở bài
Tố Hữu là một nhà thơ chiến sĩ. Một tiếng nói trữ tình mới; cái tôi cá thể hòa đồng với mọi người, do vậy Tố Hữu đã có một phong cách thơ rõ rệt: phong cách trữ tình — chính trị,
II. Thân bài
1. Thơ Tố Hữu biểu hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn
– Thơ Tố Hữu thường khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, đời sống cách mạng.
– Thơ Tố Hữu nổi bật là các vấn đề lí tưởng, lẽ sống cách mạng.
– Thơ Tố Hữu khắc sâu tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lòng yêu dân yêu nước, ân tình cách mạng.
(Có thể dẫn chứng: Từ ấy, Việt Bắc, Mẹ Tơm, Bác ơi!…)
2. Thơ Tố Hữu còn mang tính sử thi
Thơ Tố Hữu thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.
– Từ cái tôi – chiến sĩ đến cái tôi – công dân; tiến tới cái tôi nhân danh dân tộc, cách mạng (nhiều bài thơ trong tập Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa).
– Nhân vật trữ tình trong thơ Tố hữu là những con người đại diện cho phẩm chất của dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại: Anh giải phóng quân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, mẹ Suốt, v.v…
– Cảm hứng trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử — dân tộc; số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng.
3. Thơ Tố Hừu có giọng điệu riêng: giọng tâm tình
– Cách xưng hô với đối tượng trò chuyện, tâm sự, kêu gọi (Bạn đời ơi, Anh vệ quốc quân ơi, Anh chị em ơi, Xuân ơi Xuân, Đất nước ta ơi, Hương Giang ơi…),
– Chất Huế của hồn thơ Tố Hữu.
– Quan hệ nhà thơ với bạn đọc: “Thơ là chuyện đồng điệu”.
4. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc
– Sử dụng đa dạng các thể thơ đặc biệt các thể thơ truyền thống: Thơ lục bát (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du), thơ hảy chữ (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!….).
– Sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc của dân tộc, những so sánh, ví von truyền
thông.
– Phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt: sử dụng tài tình từ láy, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, vần, tạo nên chất nhạc chứa đựng cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Em ơi… Ba Lan).
III. Kết bài:
Phong cách thơ Tố Hữu rất đa dạng, đã kế tục được truyền thống thơ ca dân tộc, kết hợp một cách nhuần nhị hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật. Sức thu hút của thơ Tố Hữu chính là ở niềm say mê lí tưởng và tính dân tộc đậm đà.