Tự học – hành trình của sự tìm kiếm và sáng tạo
Hướng dẫn
-
Mở bài:
Mục đích của việc học không phải là điểm số hay thành tích. Mục đích của việc học là hiểu biết thế giới, tạo ra nhiều điều hữu ích và sống thành công trong cuộc sống này. Tuy nhiên học cái gì và học tập như thế nào luôn là vấn đề khiến ta phải suy nghĩ. Có người cho rằng: “Tự học chính là con đường của sự tìm kiếm và sáng tạo”. (Nghị luận tự học)
- Thân bài:
Tự học là gì?
Tự học là tự mình học về một chủ đề hay nhiều chủ đề mà không có sự dạy dỗ hay định hướng chính thống nào. Bản chất của tự học là tự làm việc với chính mình trước khi nghe thầy cô hướng dẫn hoặc truyền đạt kiến thức. Tự học là tự nghiên cứu từ tài liệu, tự đọc sách hay tự tu duy một mình hoặc nhóm theo hướng dẫn của thầy cô.
Tự học là phương pháp học tập chủ động, lấy bản thân làm trung tâm. Người học tự phát hiện và nghiên cứu vấn đề theo kế hoạch của bản thân. Tự học sẽ giúp người học làm chủ được tiến trình, làm chủ tri thức, làm chủ bản thân.
Biểu hiện của tính tự học:
Người biết tự học luôn khát khao tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức. Vẻ đẹp của tri thức khiến họ say mê, thúc giục họ tiềm kiếm, trải nghiệm và sáng tạo.
Người biết tự học sẽ tự mình hoạch định kế hoạch học tập tích cực, đúng đắn và hiệu quả. Đối với họ, tri thức cũng quý giá như thức ăn và không khí để thở. Muốn có được tri thức, người học phải nỗ lực tiềm kiếm và chiếm lĩnh nó.
Người biết tự học sẽ không ngần ngại vượt qua khó khăn, thủ thách trong học tập. Họ xem những khó khăn là động lực để giúp họ làm việc và tiến bộ.
Ngoài việc tiếp nhận tri thức trong trường học, họ còn biết học hỏi từ nhiều nguồn khác. Với khả năng tự học, họ biết đánh giá và chọn lọc tiếp nhận tri thức hữu ích, trau dồi năng lực của mình. Bởi thế, những người tự học thường rất khiêm nhường. Lúc nào họ cũng mong muốn được hiểu biết nhiều hơn.
Thực tế cho thấy có nhiều đóng góp quan trọng được thực hiện bởi những người tự học. Với khát vọng tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác Hồ đã biết tự học, tự hoàn thiện bản thân. Người có thể nói được nhiều thứ tiếng và am hiểu sâu sắc nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Kết quả đó là nhờ có tinh thần tự học không mệt mỏi.
Nhiều thủ khoa các khóa thi có hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa phụ giúp gia đình khiến ta càng thêm cảm phục về tinh thần tự học của con người.
Nhà bác học Edison đã tự học mà trở thành nhà chế tạo vĩ đại nhất thế kỉ. Thiên tài Anhxtanh đã tự học mà phát minh ra học thuyết tương đối và nhiều công trình khác. Nhà sinh lý, bác sĩ Paplop đã học ở nhà suốt quãng đời tuổi thơ. Nhà vật lý Faraday từng làm phụ tá phòng thí nghiệm trước khi trở thành nhà phát minh lừng danh,… Họ trở nên vĩ đại bởi vì đã biết tự học.
Những tấm gương sáng ngời ấy luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là nguồn sức mạnh dồi dào thúc giục chúng ta không ngừng tiến lên trên con đường học vấn.
Biết tự học, người học sẽ mau chóng tiến bộ:
Tự học là cách học chủ động, lấy bản thân người học làm trung tâm. Người học tự tìm đến tri thức, khám phá tri thức, nhận thức tri thức chứ không bị động chờ đợi sự dẫn dắt của người khác. Với cách học đó, tri thức mới sâu sắc, bền vững.
Người biết tự học là người biết rèn luyện tư duy. Từ đó có thao tác chính xác, hiệu quả dễ thành công trong công việc. Đây là phẩm chất cần có để mai này chúng ta vững vàng hơn khi bước vào cuộc sống.
Chắc chắn khi tự học, chúng ta gặp không ít khó khăn. Nhưng niềm vui tự tìm kiếm sẽ là động lực thúc giục chúng ta vươn lên đến ngọn nguồn tri thức.
Ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của nền công nghệ thông tin, sự hiểu biết của con người là điều nhỏ bé so với thế giới. Nhà trường sẽ không thể có đủ thời gian để dạy cho chúng ta hiểu biết tất cả. Nếu không biết tự học, chúng ta sẽ mãi mãi phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào sự hướng dẫn. Chúng ta sẽ không có tiến bộ, bị tụt hậu và cũng không thể sáng tạo ra giá trị nào mới mẻ.
Bản chất của quá trình giáo dục là nhằm giúp con người biết tự học. Tự học, tự mình khám phá vẻ đẹp của thế giới thông qua hệ thống tri thức sẵn có. Niềm say mê thôi thúc chúng ta sáng tạo, tạo ra cái mới, cái tiến bộ, góp phần phát triển thế giới.
Không phải tri thức nào cũng cần thiết với tất cả mọi người. Đôi khi, ta thường mất thời gian với những điều không hữu ích. Nhờ khả năng tự học, ta mới biết mình cần học cái gì. Từ đó, có thể lựa chọn nguồn tri thức cần tiếp nhận.
Một khi con người đã biết tự học, họ sẽ tự giác tìm kiếm tri thức, trải nghiệm, tích lũy và sáng tạo. Không một ai sinh ra đã là thiên tài cả. Điều đó chỉ có được thông qua một quá trình miệt mài nghiên cứu, tích lũy và kiểm chứng tri thức đầy gian khổ.
Phê phán:
Hiện nay, vẫn còn không ít thầy cô giáo dạy học theo lối truyền đạt tri thức theo kiểu truyền thống. Họ thường độc giảng và bảo thủ với hệ thống tri thức, hệ thống kỹ năng cũ vốn đã rất lạc hậu và cũ kĩ. Nhiều học sinh vẫn còn học tập theo lối thụ động. Học sinh ỷ lại thầy cô, sách vở, không chịu tư duy hay tìm kiếm nguồn tri thức mới. Với cách học đó, họ sẽ sớm bị bỏ rơi lại phía sau, bị tri thức phủ nhận. Càng học họ càng thấy khó và sẽ không thể thành công trong cuộc sống.
Bài học:
Hãy biết khát khao hiểu biết trước đai dương tri thức. Hãy biết ngạc nhiên trước những điều quen thuộc. Hãy luôn nhắc nhở mình cần phải hiểu biết nó, lấy đó làm động lực giúp ta biết tự học. Hãy xây dựng một kế hoạch tự học một cách khoa học, phu hợp và đúng đắn.
Hãy nhớ rằng không phải sự nỗ lực nào cũng dẫn ta đến thành công. Nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn tiến bộ hơn và thành công hơn.
- Kết bài:
Học tập và làm việc luôn là đòi hỏi của xã hội. Tri thức là vô tận. Sự hiểu biết của con người chỉ là một giọt nước trên đại dương tri thức mênh mông ấy. Chương trình học tập trong nhà trường chỉ là một phần ngắn gọn. Nó giúp ta tiếp cận tri thức chứ chưa hẳn đã là toàn bộ tri thức. Vì thế, tự học phải là kĩ năng cần có ở mỗi con người. Hãy biết tự học, tự khám phá tri thức. Hãy biến yêu cầu ấy thành mục tiêu của bản thân. Hãy sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại trên con đường học vấn để vươn đến thành công.
Theo hoctotnguvan.vn