Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 11

Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 11

Hướng dẫn

Loading…

Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 11)

A. ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

RỄ

Rễ lầm lũi trong đất

Không phải để biết đất mấy tầng sâu

Rễ lam lũ cực nhọc và đen đúa

Loading…

Vì tầm cao trên đầu

Khi cây chưa chạm tới mây biếc

chưa là nơi ca hát của những loài chim

thì dẫu phải xuyên qua bao tầng đất đá

Rễ vẫn xuyên tìm

Có thể ai đó đã nghe lá hát

Đã nghe từ hoa, từ quả mùi hương

Nhưng với cây, bài ca đích thực

Là từ rễ cất lên.

(Rễ, Nguyễn Minh Khiêm)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 3. Trong văn bản trên có sử dụng nhiều hình ảnh tương phản giữa rễ và những bộ phận còn lại của cây như hoa, quả, lá. Hãy chỉ ra và phân tích hiệu quả của sự tương phản ấy. (1 điểm)

Câu 4. Vì sao tác giả lại viết:

Khi cây chưa chạm tới mây biếc

chưa là nơi ca hát của những loài chim

thì dẫu phải xuyên qua bao tầng đất đá

Rễ vẫn xuyên tìm… (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2 điểm)

Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về thông điệp được nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu:

Có thể ai đó đã nghe lá hát

Đã nghe từ hoa, từ quả mùi hương

Nhưng với cấy, bài ca đích thực

Là từ rễ cất lên.

Câu 2. (5 điểm)

Phân tích hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca

B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỀM)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. (0,5 điểm)

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm. (0,5 điểm)

Câu 3. Trong văn bản trên, tác giả đã sử dụng những hình ảnh tương phản giữa rễ và những bộ phận của cây như hoa, lá: Rễ “lâm lũi trong đất, rễ lam lũ cực nhọc và đen đúa” đối lập với “lá hát, hoa, quả, mùi hương”. (0,25 điểm)

Tác dụng của phép tương phản: nhấn mạnh sự vất vả lam lũ, cực nhọc của rễ để làm nên những mùa màng cây trái bội thu; thể hiện thái độ trân trọng biết ơn đối với công lao của rễ, làm tăng tính gợi hình biểu cảm của bài thơ. (0,75 điểm)

Câu 4.

Khi cây chưa chạm tới mây biếc

chưa là nơi ca hát của những loài chim

thì dẫu phải xuyên qua bao tầng đất đá

Rễ vẫn xuyên tìm…

Đoạn thơ thể hiện khát vọng mãnh liệt của rễ muốn đưa cây vươn tới những tâm cao, cho dù có phải trải qua bao vất vả gian truân. Với khát vọng lớn lao ấy nên dầu phải trải qua bao tầng đất đá rắn chắc, rễ vẫn xuyên tìm. Qua đó, tác giả đã gửi gắm thông điệp về lòng biết ơn với công lao của rễ, rễ đã lam lũ, cực nhọc để chắt chiu màu mỡ cho cây trổ lá đâm cành, ra hoa kết trái, vươn tới tận mây biếc, là nơi ca hát của các loài chim. (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIẾM)

Câu 1. (2 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng đoạn văn khoảng 200 từ.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Đoạn văn cần làm rõ được các ý sau:

– Lá hát, hoa quả, mùi hương là những thành quả ngọt ngào, còn rễ là biểu tượng của quá trình gian lao vất vả để làm nên thành quả đó; cũng có thể hiểu hoa, quả, lá là ẩn dụ cho người đạt được thành công trong cuộc sống, còn rễ là hình ảnh ẩn dụ cho những người âm thầm đứng đằng sau để làm nên thành công cho người khác.

– Đoạn thơ thể hiện niềm trân trọng biết ơn đối với những con người bé nhỏ thẩm lặng, đã trải qua bao gian lao để làm nên thành công cho người khác.

– Phê phán những người chỉ chú trọng đến thành quả đẹp đẽ ở bề ngoài mà không biết trân trọng quá trình vất vả làm nên thành quả ấy.

Đoạn văn mẫu

Mỗi chúng ta khi ngắm nhìn một cái cây, đều chỉ chú ý đến vẻ đẹp của lá, màu sắc rực rỡ của hoa và mùi hương ngọt ngào của quả chín. Nhưng với cây bài ca đích thực, vẻ đẹp chủ yếu của cây lại là từ rễ cất lên. Hình ảnh lá, hoa, quả là ẩn dụ cho những thành quả ngọt ngào, còn rễ là biểu tượng cho quá trình vất vả gian lao để làm nên thành quả đó. Hãy biết tự hào và trân trọng những thành quả mình đạt được, nhưng cần biết trân trọng hơn quá trình khó nhọc để làm nên thành quả ấy. Hãy ngắm nhìn đường phố sạch sẽ vào buổi sớm bình minh nhưng đừng quên công lao của những người lao công đã âm thầm quét rác hàng đêm. Nhưng thực tế trong cuộc sống hôm nay, không ít kẻ chỉ biết đến thành công của bản thân còn không để ý đến những người âm thầm đứng sau hỗ trợ. Đó là thái độ sống vô ơn, ích kỉ. Chúng ta cẩn luôn trân trọng và biết ơn những người đứng phía sau mỗi thành công, âm thầm làm nên vòng hào quang chiến thắng cho người khác.

Câu 2. (5 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng kết cấu bài văn gồm ba phần.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Bài viết cần đảm bảo các ý sau:

a) Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca.

Thơ ca là tiếng nói của trái tim, của tình cảm, cảm xúc mãnh liệt. Không có tình cảm, cảm xúc thì không thể làm thơ và càng không có thơ hay. Có lẽ vì thế mà chi trong một giây phút xuất thần, nhà thơ Thanh Thảo đã viết nên bài thơ Đàn ghi ta của Lorca như một nén tâm hương dành cho người nghệ sĩ tài năng có số phận oan khuất mà ông vộ cùng ngưỡng mộ – Garcia Lorca. Một trong những hình tượng chủ đạo xuyên suốt bài thơ là hình tượng đàn ghi ta – ẩn dụ cho cuộc đời, số phận và nghệ thuật Lorca: “Những tiếng đàn bọt nước… li la li la li la”.

b) Thân bài

1. Giới thiệu chung về hình tượng tiếng đàn

Hình tượng quen thuộc trong văn học từ tiếng đàn tì bà trong Tì bà hành của Bạch Cư Dị, cho đến tiếng đàn “trong như tiếng hạc bay qua, đục như nước suối mới sa nửa vời” của nàng Kiều trong Truyện Kiều (Nguyễn Du)… Trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca, tiếng đàn là một hình tượng chủ đạo xuyên suốt bài thơ, là ẩn dụ cho cuộc đời, số phận và nghệ thuật của Lorca.

2. Phân tích

– Tiếng đàn ẩn dụ cho nghệ thuật Lorca

“Những tiếng đàn bọt nước/ li la li la…” Hình ảnh tiếng đàn bọt nước tượng trưng cho nghệ thuật Lorca đẹp đẽ, trong sáng, mong manh dễ bị huỷ diệt nhưng lại có sức sống thật mãnh liệt, giống như bọt nước kia tan rồi lại hiện, mất rồi lại tái sinh. Điệp khúc “li la” vừa mô phỏng âm thanh tiếng đàn, vừa là tên của loài hoa li la (hay còn có tên gọi khác là hoa tử đinh hương) mênh mang sắc tím.

– Tiếng đàn ẩn dụ cho cuộc đời, số phận Lorca

“tiếng ghi ta nâu… tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”. Tiếng ghi ta nâu, màu nâu của đất, của làn da cô gái Digan rám nắng, tiếng ghi ta lá xanh, màu xanh của bầu trời, của cỏ cây hoa lá vùng Địa Trung Hải… Tiếng đàn gieo sự sống, gieo tình yêu hạnh phúc, gieo khát vọng tự do bỗng đột ngột bị đứt ngang dây “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”. Khi Lorca bị bọn phát xít giết hại thì tiếng đàn đang thánh thót vang ngân, đang trong trẻo, vẹn tròn, cũng “vỡ tan”, thậm chí “ròng ròng máu chảy”. Tiếng đàn rỏ máu hay chính Lorca đang quằn quại đau đớn dưới những đòn roi tra tấn tàn bạo. Từ láy “ròng ròng” gợi tả những giọt máu đang rơi, gợi nhớ đến câu thơ Nguyễn Du khi xưa tả tiếng đàn Thuý Kiều trong tiệc rượu hầu Hồ Tôn Hiến:

Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Thanh Thảo thể hiện sự sáng tạo hơn ở từ láy “ròng ròng”, ở cách ngắt đôi câu thơ làm hai vế: “tiếng ghi-ta/ ròng ròng máu chảy” khiến người đọc hình dung thật sâu sắc nỗi đau đớn khôn xiết của Lorca, khi đột ngột bị sát hại giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất trong đời người.

– Tiếng đàn bất tử như sự vĩnh hằng của cuộc đời và nghệ thuật Lorca

“không ai chôn cất tiếng đàn/tiếng đàn như cỏ mọc hoang”; “Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc” “li la li la”. Không ai có thể chôn cất nổi tiếng đàn Lorca, nghệ thuật Lorca. Lorca dù đã ra đi nhưng tên tuổi và nghệ thuật sẽ mãi mãi bất tử như cỏ mọc hoang có sức sống vĩnh hằng. Cùng với chiếc ghi-ta bạc – biến ảnh của ghi-ta nâu, ghi-ta lá xanh khi đi sang thế giới bên kia, Lorca sẽ sống mãi trong lòng nhân loại tiến bộ trên thế giới.

3. Về nghệ thuật

Bài thơ có cấu tứ như một bản nhạc giao hưởng với khúc nhạc dạo đầu – cao trào – khúc buông – vĩ thanh. Điệp khúc “li la li la” mô phỏng cú vê ghi-ta lặp đi lặp lại. Điệp từ tiếng ghi-ta gợi những nốt nhạc trở đi trở lại trong một bản đàn, thể thơ tự do viết liền mạch không viết hoa, không dấu chấm câu gợi liên tưởng bài thơ như một suối nhạc miên man trải dài không có điểm dùng… Tất cả đã khiến hình tượng tiếng đàn được biểu hiện thật trọn vẹn cả nội dung và hình thức.

c) Kết bài

Hình tượng tiếng đàn ghi-ta là một hình ảnh chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ bài thơ. Tiếng đàn được biểu hiện trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Tiếng đàn là ẩn dụ cho cuộc đời, số phận và nghệ thuật Lorca. Đây cũng là một sáng tạo nghệ thuật tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng siêu thực của Thanh Thảo.

Xem thêm Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 10 tại đây

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *