Hãy kể một kỷ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 – Bài làm 1
Ngày ấy tôi mới vào học lớp 1. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không mướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô ăn mặc giản dị nhưng lịch thiệp, ấn tượng nhất ở cô là đôi mắt sáng, nghiêm nghị mà dịu dàng. Cái nhìn vừa yêu thương vừa như dò hỏi của cô cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên…
Hôm ấy là ngày thứ 7. Mai có một chiếc bút máy mới màu trắng sọc vàng với hàng chữ “My pen”lấp lánh và những bông hoa nhỏ xíu tinh xảo ẩn nấp kín đáo mà duyên dáng ở cổ bút. Tôi nhìn cây bút một cách thèm thuồng, thầm ao ước được cầm nó trong tay…
Đến giờ ra chơi, tôi một mình coi lớp, không thể cưỡng lại ý thích của mình, tôi mở cặp của Mai, ngắm nghía cây bút, đặt vào chỗ cũ rồi chẳng hiểu vì sao tôi bỗng không muốn trả lại nữa.Tôi muốn được nhìn thấy nó hàng ngày, được tự mình sở hữu nó, được thấy nó trong cặp của chính mình…
Hết giờ ra chơi, các bạn chạy vào lớp, Mai lập tức mở cặp và khóc oà lên khi thấy chiếc bút đã không cánh mà bay! Cả lớp xôn xao,bạn thì lục tung sách vở, bạn lục ngăn bàn, có bạn bò cả xuống gầm bàn ngó nghiêng xem chiếc bút có bị rơi xuống đất không… Đúng lúc đó, cô giáo của chúng tôi vào lớp! Sau khi nghe bạn lớp trưởng báo cáo và nghe Mai kể chi tiết về chiếc bút: nào là nó màu gì, có chữ gì, có điểm gì đặc biệt, ai cho, để ở đâu, mất vào lúc nào…Cô yên lặng ngồi xuống ghế. Lớp trưởng nhanh nhảu đề nghị:
– Cô cho xét cặp lớp mình đi cô ạ!
Cô hình như không nghe thấy lời nó nói, chỉ chậm rãi hỏi:
– Ra chơi hôm nay ai ở lại coi lớp?
Cả lớp nhìn tôi, vài giọng nói đề nghị xét cặp của tôi, những cái nhìn dò hỏi, nghi ngờ, tôi thấy tay mình run bắn, mặt nóng ran nh có trăm ngàn con kiến đang bò trên má. Cô giáo tôi nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trường, chỉ một cái gật đầu của cô lúc này, cái cặp bé nhỏ của tôi sẽ được mở tung ra…Bạn bè sẽ thấy hết, sẽ chê cười, sẽ chẳng còn ai chơi cùng tôi nữa… Tôi sợ hãi, ân hận,xấu hổ,bẽ bàng… Tôi oà khóc, tôi muốn được xin lỗi cô và các bạn… Bỗng cô giáo của tôi yêu cầu cả lớp im lặng, cô hứa thứ hai sẽ giải quyết tiếp, giờ học lặng lẽ trôi qua…
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ,cô bước vào lớp, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô nhẹ nhàng đến bên Mai và bảo:
– Hôm thứ bảy bác bảo vệ có đưa cho cô cây bút và nói rằng bác nhặt được khi đi đóng khoá cửa lớp mình, có phải là cây bút của em không?
Mai cầm cây bút, nó sung sướng nhận là của mình, cô dặn dò cả lớp phải giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận, giờ học trôi qua êm ả, nhẹ nhàng…Ra chơi hôm ấy, các bạn lại ríu rít bên tôi như muốn bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Chỉ riêng tôi là biết rõ cây bút thật của Mai hiện ở nơi đâu…
Sau đó vài ngày cô có gặp riêng tôi, cô không trách móc cũng không giảng giải gì nhiều. Cô nhìn tôi bằng cái nhìn bao dung và thông cảm, cô biết lỗi lầm của tôi chỉ là sự dại dột nhất thời nên đã có cách ứng xử riêng để giúp tôi không bị bạn bè khinh thường, coi rẻ…
Năm tháng qua đi, bí mật về cây bút vẫn chỉ có mình tôi và cô biết. Nhưng hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi tự thấy mình đã đủ can đảm kể lại câu chuyện của chính mình là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống.
Giờ đây tôi đã lớn,đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về lỗi lầm và sự bao dung! Và có lẽ trong suốt cả cuộc đời mình,tôi sẽ chẳng lúc nào nguôi nỗi nhớ về cô như nhớ về MỘT CON NGỜI CÓ TẤM LÒNG CAO CẢ!
Hãy kể một kỷ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 – Bài làm 2
Cứ đến ngày này, ngày Nhà giáo Việt Nam thiêng liêng 20/11, lòng tôi lại đau đớn nhớ đến cái ngày đó…, cũng là ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng là ngày tôi nhận được tin cô giáo chủ nhiệm kính yêu của tôi, người cô mà tôi chưa kịp xin lỗi, đã ra đi mãi mãi.
Năm ấy tôi học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm của tôi, người cô mà tôi hằng kính trọng bằng cả trái tim, cô chỉ có bốn mươi mấy tuổi. Bốn mươi mấy ấy nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ cô có một khuôn mặt hiền hậu và sự dịu dàng cùng tấm lòng bao dung rất lớn. Cô luôn luôn truyền cho chúng tôi những tình cảm tốt đẹp nhất, khai sáng tâm hồn chúng tôi. Cô còn rất tận tình giúp đỡ những bạn học kém và luôn động viên tất cả học sinh phải nỗ lực hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà trong cả học kỳ một, tôi luôn là một học sinh xuất sắc của lớp. Đó là vì, như bao bạn học sinh khác, tôi luôn có cô ở bên, cô giáo Hoài Thương của chúng tôi.
Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bước qua học kỳ hai, cô thường xuyên nghỉ dạy vì bị bệnh tim. Tôi không còn được nhận những sự chỉ dạy của cô nên càng ngày tôi càng sút kém trong học tập. Cứ từ từ, từ từ, tôi mất dần đi những kiến thức căn bản nhất. Tôi cảm thấy chán nản, không còn coi trọng việc học nữa. Và rồi, cái ngày ấy đã đến, cái ngày tôi trượt vào lỗi lầm không thể quên.
Hôm ấy, tôi bình thản bước vào trường thì gặp mấy cậu bạn học cũ. (Chúng tôi cùng học một lớp tiểu học với nhau, giờ cùng học một trường cấp hai, nhưng chúng học khác lớp tôi). Vừa thấy tôi, chúng liền hỏi:
_ Minh, đi chơi không? Tụi này bao cho!
Tôi ngỡ ngàng:
_ Đi chơi ở đâu? Thôi, đi thì phải cúp học ở trường mất. Nghỉ học, tớ sợ lắm!
_ Chơi điện tử chứ đâu! Lâu lâu cúp học một buổi có sao đâu nào!
Mấy đứa bạn xúm vào thuyết phục. Lúc này trong đầu tôi bao nhiêu suy nghĩ đối chọi nhau: “Thôi, lâu lâu đi có sao đâu!”, “Đi mà ba biết thế nào cũng no đòn cho xem!” Hai ý nghĩ ấy cứ cấu xé nhau làm đầu tôi như muốn vỡ tung ra. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nghe theo lời thuyết phục hấp dẫn của mấy đứa bạn. Cả ngày hôm đó, tôi đi chơi rất vui vẻ. Hình ảnh của cô, của ba, của lớp học,… tất cả đều tan biến hết. Tôi không còn thời gian để nghĩ đến hậu quả của sự việc. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Ngày hôm sau, vừa vào lớp, cô đã gọi tôi lên để hỏi tại sao nghỉ học ngày hôm qua. Lúc đó tôi rất sợ hãi, tim đập thình thịch, tưởng chừng như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Dù rất sợ, tôi vẫn cố bình thản trả lời cô là nhà có việc bận nên nghỉ. Lúc đó, đôi mắt nhỏ bé của tôi nhìn vào mắt cô, tôi có thể cảm nhận được điều gì đó rất lạ trong mắt cô. Linh cảm cho tôi biết là cô đã biết rằng tôi nói dối. Và rồi cả ngày hôm sau, tôi cứ bị ám ảnh mãi về những điều cô nói. Tôi tự hỏi mình trả lời cô thế có đúng không và có ổn không. Nhưng rồi tôi tặc lưỡi: “Mọi việc đã qua rồi, hãy cứ để nó qua đi, đằng nào cô cũng đâu có truy cứu.” Những ý nghĩ ấy đã giúp tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Rồi chuyện gì đến thì nó phải đến. Cuối giờ, cô yêu cầu tôi viết một bản tường trình về việc nghỉ học của mình và đưa cho phụ huynh ký. Tôi lạnh hết cả xương sống khi nghĩ đến trận đòn nhừ tử của ba mẹ nếu biết mình trốn học. Biết làm sao bây giờ? Một ý nghĩ đen tối và liều lĩnh lóe lên trong đầu tôi: “Phải giả chữ ký thôi, chỉ có giả chữ ký mới may ra thoát được nạn này.” Đâm lao thì phải theo lao! Nghĩ sao làm vậy, ngay tối hôm đó, tôi chẳng còn tâm trí đâu mà học. Gài thật chặt cửa phòng, tôi loay hoay ngồi tập chữ ký của ba. Cuối cùng thì tôi cũng thành công, nói đúng hơn là chỉ thành công dưới con mắt nhỏ bé của tôi. Điều đó được chứng minh khi tôi đưa bản tường trình cho cô. Lúc nhìn thấy bản tường trình, đôi mày cô cau lại, những vết hằng trên trán cũng sâu hơn. Cô từ từ đặt bản tường trình xuống và nhìn tôi:
_ Minh, đây có phải là chữ ký của ba em không?
Câu hỏi của cô khiến hơi thở của tôi nóng lên, sống mũi của tôi cay cay, nước mắt tôi chỉ chực ùa ra. Tôi chỉ muốn nói thật to với cô rằng: “Cô ơi, em biết lỗi của em rồi!” Nhưng tôi đã kịp nén lại. Nếu tôi khóc tức là tôi đã nhận mình có lỗi. Tôi mà nhận lỗi với cô thì sau đó chắc chắn sẽ là một trận đòn của ba. Lấy hết can đảm, tôi từ từ ngước nhìn cô. Khuôn mặt của cô khi ấy ánh lên một niềm hy vọng nào đó, chắc là cô đang rất hy vọng tôi sẽ trả lời thành thật.
_ Thưa cô, đây… đây chính là chữ ký của ba em!
Khuôn mặt đầy hy vọng, chờ đợi của cô như tan biến, nhường chỗ cho sự thất vọng đang lộ rõ trong đôi mắt cô. Càng nhìn đôi mắt ấy, tôi lại càng đau đớn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm để nói ra sự thật.
Cô nhẹ nhàng:
_ Thôi được rồi, em về chỗ đi!
Vừa nghe câu đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng sự yên tâm đó chẳng kéo dài được lâu. Chiều đó, cô nói tôi mời phụ huynh vào cho cô gặp. Bấy giờ, tôi mới “hồn lìa khỏi xác”. Chân tay tôi như rời ra từng mảnh, tôi không còn đủ sức lực để bước ra khỏi cánh cửa kia, để mời ba tôi vào. Nhưng tôi thật sự không còn lựa chọn nào khác.
Ba và cô đã nói chuyện gần mười lăm phút rồi. Chỉ có gần mười lăm phút nhưng tôi cảm tưởng như đã vài tiếng trôi qua vậy. Tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm, sợ hãi đến khôn cùng. Cuối cùng, ba tôi cũng bước ra. Ba không nói gì cả, không la cũng chẳng mắng. Khuôn mặt ba trông rất buồn. Ba lặng đi, nhìn tôi một lát rồi nói:
_ Con hãy suy nghĩ về những việc làm của mình đi. Ba bất ngờ và buồn về con quá!
Suốt đêm hôm ấy, tôi không tài nào chợp mắt được. Việc tôi gây ra làm không khí cả nhà buồn bã, trầm lặng hẳn. Tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Càng nghĩ tôi càng thấy ăn năn, hối hận. Ba ơi, giá mà ba đánh con thật đau! Cô ơi, giá mà cô mắng con thật nhiều! Nếu được như thế thì con không phải day dứt, ân hận thế này. Ba mẹ và cô đã tin con nhiều đến thế, vậy mà con lại… Ngày mai, ngày 20/11, tôi sẽ nói với cô rằng: “Cô ơi, em xin lỗi cô nhiều lắm!”
Rồi một đêm dài đầy mệt mỏi và dằn dặt cũng qua đi. Ánh bình minh đã ló dạng, tôi bước vào trường nhưng trong lòng vẫn cảm thấy nặng nề vì chưa nói được lời xin lỗi cô. Thế rồi, tôi đâu có ngờ chính sáng hôm ấy, buổi sáng mà người học trò đầy mặc cảm tội lỗi như tôi mong chờ được gặp cô để nói lời xin lỗi bằng cả tấm lòng, thì một tin sét đánh đã xé nát lòng tôi. Đêm hôm qua, cô tôi đã ra đi. Một cơn đau tim đột ngột đã cướp đi mạng sống của cô tôi, khiến cô vĩnh viễn không bao giờ có thể nghe tôi nói lời xin lỗi được nữa.
Hãy kể một kỷ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 – Bài làm 3
Buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam kết thúc trong niềm hân hoan. Không khí sôi động của buổi lễ kỷ niệm trọng đại này dần nhường lại cho không gian yên ắng đến lạ kỳ. Lúc này, sân trường chỉ còn lác đác một vài học sinh ngồi đó để chờ ba mẹ đến rước. Ba tôi hôm nay lại đến muộn. Tôi lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít cả một khoảnh sân. Một mình bên chiếc ghế đá, tôi bỗng nhớ lại một kỉ niệm xưa, thời mà tôi còn là cậu học sinh lớp năm trường Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm về cô giáo của tôi ngày đó.
Tôi vẫn nhớ, khi còn học tiểu học, môn Toán của tôi rất khá. Điểm số của tôi luôn rực rỡ những con chín, mười tuyệt đẹp. Tôi luôn dẫn đầu lớp về điểm số. Tôi tự hào và hãnh diện về mình lắm. Trong tâm trí của cô chủ nhiệm đáng kính, của cha mẹ tôi, tôi hiện lên trong hình ảnh một học sinh giỏi, một đứa con ngoan. Chính vì những nhận thức, đánh giá bản thân quá mức đó, tôi đâm ra chủ quan và xem thường mọi thứ. Không biết từ bao giờ, tôi không chăm chỉ làm bài tập Toán cô cho nữa. Tôi ham mê đọc truyện tranh và thỉnh thoảng chỉ làm một số bài toán khó. Ở trên lớp, tôi chẳng còn chăm chú nghe giảng hay tập trung làm bài. Tôi ngập trong sự chủ quan, kiêu hãnh và bê trễ cho đến một ngày kia… Kỳ kiểm tra học kỳ một đã đến, tôi bước vào phòng thi với bao niềm phấn khích và tràn đầy tự tin. “Thế nào mình cũng đạt điểm mười lần này thôi, như bao lần khác ấy mà.” Nhưng mọi chuyện lại không như tôi muốn. Tôi bị sụp ngã ngay từ những câu đầu. Đó là những câu hỏi lý thuyết và bài tập rất căn bản, nhưng do không học bài nên tôi không biết cách làm. Mặt tôi lấm tấm mồ hôi, tim tôi đập thình thịch, đầu óc tôi rối bời, chẳng còn có thể tập trung tính toán nữa. Tôi tự hỏi mình phải xoay sở thế nào đây. Bước ra khỏi phòng thi, tôi như người mất hồn. Những ngày sau đó, tôi vẫn không sao quên được nỗi lo sợ ám ảnh trong phòng thi hôm ấy. Và điều gì đến rồi cũng đến…
Hôm phát bài thi môn Toán, khuôn mặt cô tôi có vẻ đượm buồn. Tôi lặng người với ý nghĩ rằng cô buồn vì kết quả bài thi của tôi. Quả không sai, khi bài thi môn Toán được chuyền đến tay tôi, tôi không thể bình tĩnh được nữa. Trời ơi! Con “năm” to đùng cùng những vệt đỏ đầy kín cả bài thi. Đây có phải là sự thật không vậy? Tôi đã bị điểm kém môn Toán, môn học sở trường của tôi. Tôi thấy bế tắc vô cùng. Kết quả này rồi sẽ được đưa đến tay cha mẹ, cha mẹ sẽ nghĩ sao đây: thất vọng và mất hết hy vọng về tôi, đứa con trai duy nhất của cả gia đình. Cha mẹ luôn đặt niềm tin vào tôi, luôn tự hào mỗi khi nhắc đến tôi. Cha mẹ ơi, con có lỗi với cha mẹ nhiều lắm! Chưa hết nữa, bạn bè sẽ nghĩ sao về tôi đây? Chúng bạn sẽ mỉa mai, chế giễu tôi suốt ngày. Trong phút chốc, tôi bỗng đánh mất mình. Một ý nghĩ dại khờ chợt lóe lên trong tôi vào giờ tan học hôm ấy. Cô đã để quên phiếu điểm trên bàn. Khi ấy, cả lớp về hết, chỉ còn Nam và tôi ở lại. Nam là một học sinh yếu của lớp về môn Toán. Tôi liền bàn bạc với Nam và dụ nó lên trên bàn giáo viên sửa điểm cho hai đứa. Chuyện này sẽ được giữ bí mật giữa hai đứa mà thôi.
Sau ngày hôm đó, vào thứ hai đầu tuần, cô đã phát hiện ra chuyện đó. Trịnh trọng và nghiêm khắc, cô hỏi cả lớp rằng ai đã sửa điểm cho tôi và Nam. Do lúng túng và sợ hãi, Nam đứng lên nhận lỗi và cúi mặt xuống. Giọng cô buồn bã hỏi Nam:
_ Tại sao em sửa điểm giúp bạn?
Nam không trả lời mà chỉ cúi xuống, thỉnh thoảng liếc sang nhìn tôi. Tôi bối rối và hoang mang vô cùng. Tôi phải làm sao đây? Tại sao tôi lại hành động như thế, một hành động thật xấu xa và hèn nhát? Tại sao tôi không nghĩ đến hậu quả sau này mà chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt? Cha mẹ, thầy cô, bạn bè sẽ nghĩ sao về tôi đây: một học sinh cá biệt, luôn toan tính những điều xấu xa cốt để đạt được điểm cao ư? Một đứa trẻ khi phạm sai lầm lần đầu tiên sẽ làm người ta có thành kiến mãi. Thế thì còn gì là lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của tôi nữa. Tôi hối hận và xấu hổ vô cùng. Bằng tất cả lòng can đảm, tôi đứng dậy và nhận lỗi với cô mà nước mắt rơm rớm. Mặt tôi xanh xao, môi run run bần bật, tay chân không thể cử động được. Bằng tất cả lòng khoan dung, độ lượng, cô đã cân nhắc rất nhiều và chấp nhận tha thứ cho tôi. Tuy nhiên, cô đã cảnh cáo tôi trước lớp. Cuối buổi học hôm ấy, cô đã gọi tôi lại và nói:
_ Em đã chứng tỏ được sự ăn năn của mình bằng cách nhận lỗi. Em đã cho cô thấy rằng em là người luôn muốn vươn lên, luôn muốn phục hồi danh dự cho mình, dù điều đó đã khiến em nhận điểm xấu. Em phải luôn cố gắng học và hãy nhớ rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Khi về nhà, tôi đã thú thật với ba mẹ những chuyện đã xảy ra và cầu mong được tha thứ. Ba tôi chẳng nói gì cả, chỉ thỉnh thoảng lại thở dài. Tôi thoáng thấy ánh mắt đượm buồn của mẹ. Mẹ ân cần dạy tôi:
_ Con ơi, con người ai cũng một lần phạm lỗi trong đời. Con biết lỗi và tự nhận lỗi là một điều tốt. Lần này ba mẹ tha thứ cho con. Nhưng con phải chăm chỉ học tập và không được làm như thế nữa.
Tôi gật đầu, khuôn mặt tỏ ra sung sướng đến không nói nên lời. Kể từ hôm đó, tôi phấn đấu hết mình trong học tập, vào lớp thì chăm chú nghe cô giảng bài, về nhà thì hoàn thành đầy đủ bài tập cô cho và còn dành thời gian tìm thêm những bài tập khó đề giải nữa.
Trải qua sự việc ấy, đến bây giờ, nó vẫn còn là bài học đáng nhớ và kỉ niệm khó phai trong cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi đã là một học sinh lớp Chín. Bốn năm đã trôi qua rồi, cô giáo chủ nhiệm lớp Năm kính yêu của tôi giờ này có còn dạy ở ngôi trường cũ không? Gửi gió, gửi mây, hãy mang giúp tôi những lời ăn năn chân thành nhất đến cô. Cô ơi, kỉ niệm sẽ mãi in sâu trong em, luôn bên cạnh nhắc nhở em không được phạm sai lầm đó thêm một lần nào nữa. Khi đó, cô có thật sự tha thứ cho em không?
Tiếng bước chân người và những lời chuyện trò chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi lặng thầm trong phút chốc và cất bước ra về, trong lòng vẫn lâng lâng kỷ niệm đã qua. Chính nhờ nó, tôi đã hiểu được lòng trung thực của một con người quý giá đến nhường nào. Trong tôi bỗng có một mong muốn tha thiết: ngày hôm nay, 20/11, tôi sẽ cùng những đứa bạn thân hồi tiểu học trở về trường xưa thăm cô. Tôi tin rằng ba tôi sẽ ủng hộ ý định này của tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình như đang đứng giữa sân trường tiểu học năm xưa, xung quanh vẫn là cô và bạn bè ngày xưa ấy. Chúng tôi nói cười rôm rả với nhau. Tôi thấy ấm lòng lạ khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt nhân hậu dịu dàng của cô tôi. Ôi, yêu sao những kỷ niệm dấu yêu một thời!
Hãy kể một kỷ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 – Bài làm 4
Trong cuộc đời mỗi con người, nhất là với những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường, hẳn phải có kỉ niệm sâu sắc với thầy (cô) giáo. Với tôi, một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi và nó giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều, đó là kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm lớp Năm của tôi.
Hồi ấy, tôi là một học sinh ưu tú của lớp. Trong mắt chúng bạn, tôi luôn là một tấm gương học tập và kỉ luật. Các thầy, cô giáo cũng rất yêu quý tôi. Được bạn bè và thầy cô yêu mến, bản tính của tôi luôn pha chút kiêu ngạo cũng là điều dễ hiểu. Càng ngày, tôi càng thêm tự hào về mình.
Phải cái tội nhà tôi quá nghèo. Bố tôi là bộ đội, ông đã nghỉ mất sức từ năm năm nay. Còn mẹ tôi chỉ là công nhân trong một xí nghiệp nhỏ. Dưới tôi còn có hai đứa em. Cũng có thể nói, bữa cơm gia đình tôi chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của mẹ mà thôi. Đã có lúc, tôi định bỏ học, ở nhà kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình nhưng bố tôi không cho, người ngăn cản tôi quyết liệt nhất là mẹ. Mẹ nói tôi phải cố gắng học thật giỏi, mai này đi làm, còn phải nuôi hai em ăn học đến nơi đến chốn. Tôi càng thương mẹ bao nhiêu, lại càng tự nhủ với minh, phải cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ.
Hôm ấy, trên đường đi học, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại thấy thèm một bát bún riêu quán bà Năm ghê gớm. Lần nào đi qua, bà cũng gọi tôi vào và hứa bán rẻ cho tôi. Nhưng với gia cảnh của tôi, một bát bún tiêu là điều hết sức xa xỉ. Biết vậy nên tôi cũng chẳng dám xin mẹ tiền.
Lần ấy là phiên tôi trực nhật. Cái bát bún riêu cứ lởn vởn trong tâm trí, khiến tôi bần thần cả người. Đang miên man, tôi chợt nhận thấy mình giẫm lên một thứ gì đó. Nhấc chân lên, hóa ra là cái khuyên tai bạc của bạn Lan đánh rơi. Tôi định mang đi trả nhưng mùi thơm và vị ngọt của bát bún riêu làm tôi lặng đi mấy giây. Nhà Lan giàu sụ, một chiếc khuyên tai này chắc chẳng đáng gì! Tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ ngây thơ ấy. Nhân lúc không có ai trong lớp, tôi nhẹ nhàng bỏ cái khuyên tai ấy vào túi quần, lặng lẽ tiếp tục công việc của mình.
Giờ học bắt đầu. Đột nhiên, Lan hét toáng lên. Tôi biết thừa nguyên do nhưng cố tỏ vẻ hiếu kì và ngạc nhiên. Nó vừa thút thít vừa kể đầu đuôi sự việc. Biết tin, tổ trực nhật trong đó có tôi, đứng lên, đề nghị cô giáo và cả lớp cho kiểm tra cặp sách của từng bạn. Chẳng có lí do nào để từ chối, cô giáo tôi đồng ý. Và đương nhiên chiếc khuyên tai vẫn không được tìm ra, bởi nó đang nằm trong túi quần tôi.
Bất chợt một đứa con gái lớp tôi bỗng nảy ra ý tưởng khám người. Ban đầu, cô tôi không đồng tình bởi cô nghĩ làm như vậy sẽ chẳng hay tí nào, nhất là đối với những bạn trong sạch. Đây là đôi khuyên tai do mẹ Lan tặng nó khi bác ấy còn sống nên ý kiến này được cả lớp tôi đồng tình và hưởng ứng. Ai ai trong lớp tôi cũng muốn làm mọi cách vừa để tìm lại chiếc khuyên tai cho Lan, vừa để chứng minh sự trong sạch của mình. Chỉ có tôi là chết điếng cả người. Vã mồ hôi hột, tôi lặng im không nói. Trong đầu tôi đang rối bời. Hay là tìm lí do ra ngoài như đau đầu phải lên y tế, vào toa lét,… để tránh không bị kiểm tra? Nhưng có lẽ tôi làm như vậy thì lại càng khiến mọi người nghi ngờ.
Vài phút sau cuộc thảo luận tìm khuyên tai cho Lan, công việc được tiến hành nhanh chóng. Nam khám nam, nữ khám nữ. Công việc kiểm tra hết sức tỉ mỉ, cẩn thận chứ không như tôi tưởng. Những ai đi giày ba ta cũng đều phải bỏ giày ra để khám. Riêng phần khám các bạn nữ, có cô chủ nhiệm tham gia để công việc nhanh chóng hoàn tất.
Đến lượt tôi, cô vỗ mạnh vào vai tôi và nói: “Giơ tay lên con!”. Tôi cảm tưởng như tay tôi dang nâng khối đá nặng đến chục ki-lô-gam vậy, việc giơ tay lên thôi mà đối với tôi sao mà nặng nề đến thế. Cô khám tóc, áo, quần, giày,… Bất chợt, cô dừng tay lại ở túi quần tôi khoảng vài giây. Quãng thời gian đó với tôi tưởng chừng là một thế kỉ vậy. Tôi thấy lạnh cả sống lưng, mặt tôi trắng bệch, không còn giọt máu. Ánh mắt cô nhìn tôi đầy nỗi thất vọng, cái nhìn ấy chứa đựng một nỗi buồn da diết, khôn nguôi. Bỗng cô nở một nụ cười phúc hậu với tôi và nói thật to như để cả lớp nghe thấy: “Được rồi! Con có thể về chỗ của mình.
Các bạn tiếp theo. Nhanh lên con!”. Bước qua ải, tim tôi đập loạn xạ. về chỗ ngồi mà tôi “tim đập chân run”, không dám nhìn cô. Cả tiết học hôm ấy, tôi chẳng chú tâm vào bài vở được. Tôi thấy lạ rằng sao lúc ấy cô không lật tẩy tôi mà lại bỏ qua cho tôi như thế. Rồi bao câu hỏi xoay quanh chiếc khuyên tai của Lan và bát bún riêu cứ chạy vòng quanh trong tâm trí tôi. Cuối giờ, cô bảo tôi ở lại.
Giờ đây, sân trường im lặng, để sự tĩnh mịch ấy cho cuộc trò chuyện của hai cô trò tôi. Cô hỏi: “Sao em lại làm thế? Cô rất thất vọng về em!”. Không nói được gì, tôi bật khóc. Đây là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt cô và cũng là lần đầu tiên tôi nói được ra những suy nghĩ ấm ức của mình bởi sự quyến rũ chết người mà bát bún riêu đưa lại, để tôi mắc một khuyết điểm động trời này. Giá như có khe hở nào dưới đất, tôi thề sẽ chui xuống đó ngay lập tức cho đỡ xấu hổ. Nói hết những gì trong lòng mình ấp ủ lâu nay, tôi như trút một gánh nặng. Rồi tôi xin lỗi cô, đưa cho cô chiếc khuyên tai kia và nói mong cô sẽ đưa trả tận tay cho Lan. Cô rút trong túi ra một tờ giấy bạc đưa cho tôi. Cô nói tôi hãy ăn một bát bún riêu thật ngon, cô bắt tôi hứa từ nay sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Cầm tờ bạc cô đưa, tôi ăn năn vô cùng và tự hỏi sao cô tốt bụng đến thế.
Trưa hôm đó, đi học về, tôi ghé vào cửa hàng bún riêu của bà Năm, ăn bát bún riêu mà tôi ao ước bấy lâu. Những giọt nước mắt ăn năn, nóng hổi rơi, ướt đầm cả má, tôi cảm nhận được vị đắng của mồ hôi mà cô đã đổ ra qua bao tháng ngày vất vả. Cô đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa đích thực của câu nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Hôm sau, cả lớp tôi đều vui mừng thay cho Lan vì đã tìm được chiếc khuyên tai, hỏi ra mới hay bác bảo vệ đã nhặt được và đưa cho cô tối hôm qua. Cô nói đã thay mặt Lan cảm ơn bác bảo vệ và cô mong muốn cả lớp sẽ đoàn kết, nỗ lực hết sức chuẩn bị cho buổi kết nạp đội viên mới vào buổi sinh hoạt cuối tuần.
Vậy là mọi chuyện đã kết thúc một cách êm đẹp qua sự khéo léo của cô giáo tôi. Buổi sinh hoạt diễn ra hết sức náo nhiệt trong không khí vui vẻ của cả lớp. Riêng tôi, qua sự việc vừa rồi, tôi đã nghiệm ra được một điều: sự no ấm không bao giờ xây dựng trên của cải của người khác mà phải do bàn tay mình tạo dựng. Như vậy, nó mới bền chặt và lâu dài.
Tuy mọi thứ đã qua nhưng kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm lớp Năm vẫn im đậm trong trí tôi, nó đã đem lại cho tôi một cái nhìn đúng đắn về lẽ sống. Và cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.
Hãy kể một kỷ niệm đáng nhớ giữa em và thầy cô giáo cũ nhân ngày 20 tháng 11 – Bài làm 5
Hồi ấy, cô Tâm là chủ nhiệm của lớp 1 E chúng tôi, ngày từ ngày khai giảng đầu tiên, trong ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của đứa trẻ thơ, tôi đã thấy cô thật hiền hậu trong tà áo dài rực rỡ màu xanh có những bông hoa lốm đốm nhiều màu sắc, cô có dáng người dong dỏng, khuôn mặt có trái xoan với đôi mắt nâu ấm áp luôn nhìn chúng tôi với vẻ thân thương, trìu mến, mái tóc dài mượt đen óng ánh làm nổi bật nước da trắng hồng của cô, sống mũi cô cao với đôi môi trái tim lúc nào cũng đỏ hồng như được xoa lên một lớp son mỏng. Ấn tượng nhất với tôi là nụ cười duyên dáng với hàm răng trắng ngà đều tăm tắp cùng má lúm đồng tiền hiện rõ trên má trái, cô ăn mặc giản dị không diện như các cô giáo khác trong trường nhưng trong ánh mắt của học trò chúng tôi, cô lúc nào cũng xinh đẹp nhất, tươi trẻ nhất.
Tôi quên thế nào được bàn tay búp măng thon nhỏ của cô Tâm, bàn tay ấy đã mềm mại đưa những nét phấn trên bảng đen, đã thoăn thoắt xòe que tính cho chúng tôi tập làm toán, bàn tay cô đã nắm lấy những bàn tay bé nhỏ của chúng tôi diễu hành qua lễ đài trong buổi tựu trường đầu tiên, đã nắn nót đưa từng nét bút trên những trang giấy trắng thơm tho, đã rèn luyện cho tôi chữ viết và cách trình bày một bài văn hay một đoạn văn, thơ. Ngày ấy, tôi là một học sinh cá biệt của lớp 1 E, vốn là con gái nhưng chữ tôi rất cẩu thả, chữ viết thì xấu nhất lớp. Bởi vậy, một số bạn trong lớp chê cười tôi, tôi buồn lắm, cứ mỗi lần đến giờ chính tả tôi đều rất sợ hãi, lo lắng, tim tôi cứ đập thình thịch, nhưng mỗi lúc ấy, bên cạnh tôi luôn có cô Tâm- người cô tôi yêu quý nắm lấy tay tôi đưa từng nét chữ nắn nót trên giấy. Chao ôi! cái ấm áp của bàn tay cô khiến con người ta phải xao xuyến nhớ mãi không quên, lúc đầu khi được cô nắm tay, tay tôi run run nên nét chữ hơi nghệch ngoạc, nhưng cô đã nhìn tôi cười với ánh mắt của tình yêu thương đã sưởi ấm trái tim của một tâm hồn nhỏ bé. Cô vẫn cố gắng rèn chữ cho tôi, chỉ sau một vài lần, chữ tôi đã tiến bộ hơn. Cô luôn quan tâm tới tôi, luôn để ý đến chữ viết của tôi khiến cho mấy đứa trong lớp cũng phải phát ghen. Khi tôi viết sai chính tả cô không mắng mà chỉ dịu dàng nhắc nhở, bàn tay búp măng ấy đã uyển chuyển đưa những nét chữ đẹp đẽ đậm nhạt làm mẫu cho tôi về nhà tập viết, cô luôn dặn dò khuyên nhủ tôi phải tích cực luyện chữ viết để chữ viết tiến bộ hơn, mỗi lần nhìn lên bàn tay trắng nõn nà nhỏ nhắn đang đưa nét phấn lên bảng đen của cô tôi lại thầm cảm ơn cô – cảm ơn bàn tay ấm áp của cô. Cứ thế, tôi khôn lớn dần trong vòng tay tràn đầy tình yêu thương mãnh liệt của cô. Tôi không còn sợ hãi khi mỗi lần viết chính tả nữa, tôi không còn run rẩy mỗi khi cô nắm tay nữa, cuối cùng tôi cũng đạt được điểm chín môn chính tả. Khi nhìn thấy cô nở nụ cười rạng rỡ khen tôi có sự cố gắng trong học tập, tôi thấy lòng mình vô cùng sung sướng và hạnh phúc, từ một học sinh có chữ xấu nhất lớp tôi đã vươn lên đứng thứ mười một trên hai mươi tư bạn trong lớp. Tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện khi được học dưới sự chỉ dẫn ân cần, tận tụy của cô Tâm.
Giờ đây, sóng gió cuộc đời xô đẩy tôi tới nhiều nơi, đưa tôi vượt qua bao gian nan, thử thách trong cuộc sống khiến tôi đôi lúc lãng quên đi những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, nhưng hình ảnh cô Tâm luôn hiện lên trong tâm trí tôi với một nụ cười thân thiện cùng đôi bàn tay nhỏ nhắn ấm áp ấy. Cô chính là nguồn động lực luôn tiếp sức cho tôi trên con đường học tập. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ ghi nhớ mãi lời cô Tâm dạy bảo, mỗi lần nhìn những dòng chữ nắn nót trên trang giấy trắng, tôi xúc động thầm nghĩ đến cô và thầm nhắc ” giờ cô đang ở đâu”