Đối với người dân miền Bắc, hoa đào tượng trưng cho ngày Tết. Cánh hoa đào màu hồng rực rỡ làm ấm cúng hơn không khí đón xuân của các gia đình và là tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, hạnh phúc
Những năm trước đây vào thập kỷ 80 trở lại, người dân chỉ chơi cành đào cắm vào hai lọ hoa lục bình trên bàn thờ trong ba ngày Tết. Nhưng những năm trở lại đây, người chơi đào Tết có xu hướng chơi hẳn một cây đào thế. Để có cây đào thế đẹp trong 3 ngày Tết, nhiều người không tiếc tiền và bỏ công đi chọn mua. Thế cây uyển chuyển, mềm mại vừa uốn lượn, vừa vươn lên, thế: phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, trực ngôn, hình hài linh vật… Cầu kỳ hơn, có người còn cấy đào vào phôi đá. Người trồng đào phải dày công uốn tỉa vài ba năm trở lên mới mong có một cây đào thế giá trị. Tuỳ không gian trong nhà, ngoài sân mà người mua có thể chọn thế cây cho phù hợp. Không to, cao quá làm lấn át đi không gian xung quanh, cây đào phải nổi bật lên những đường nét đẹp tự nhiên của nó, vừa phải tô điểm rực rỡ cho ngày xuân. Điều tiếp theo khi đã có thế đào đẹp đối với người chơi đào là nụ và lộc. Người sành hoa phải chọn cây đào có nhiều nụ và đặc biệt phải nở trúng 3 ngày Tết một cách rực rỡ; nụ, lộc tươi tắn. Cho dù hoa đào đều là màu hồng (đào bích), phớt hồng (đào phai), song mỗi cây cùng giống đào nếu trồng ở đất không phải ở Nhật Tân thì đào cũng kém sắc.
Thú chơi đào ở miền Bắc giờ đã lan toả đến các miền đất nước, bay sang cả trời Tây. Ngày nay nhờ kỹ thuật lai ghép, người ta đã tạo ra được một số giống đào mới phù hợp với môi trường sống mới, như trồng ở Đà Lạt, cao nguyên Lâm Đồng là một ví dụ, những vườn đào nơi đây có thể sánh đẹp với đào miền Bắc. Tuy nhiên là người tâm huyết với cây cảnh, sinh vật cảnh, đều lo lắng cho số phận cây đào Nhật Tân, rồi đây thú chơi đào tết của người Hà Nội liệu còn có được như xưa?
Hoctotnguvan.vn