Đề bài: Cảm nghĩ về bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
Bài làm
Cùng với các nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…, Bà Huyện Thanh Quan đã góp phần làm vinh dự cho nền văn học trung đại Việt Nam chúng ta. Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, nhưng là một tài danh hiếm có.
Tác phẩm của bà hiện còn lại sáu bài thơ Đường luật, trong đó có bài Qua Đèo Ngang nổi tiếng và rất quen thuộc với bạn đọc:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân dứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Bài thơ được viết bằng chữ Nôm, thuộc thể Đường luật thất ngôn bát cú (mỗi câu bảy tiếng, mỗi bài tám câu) với thanh điệu, vần điệu, bố cục, dối xứng rất hài hoà, tự nhiên, đúng niêm luật, đọc lên nghe xuôi tai, rất dễ thuộc, dễ nhớ. Lướt qua một lần từ câu chữ mở đầu đến kết thúc, chúng ta nhận ra bài thơ đẹp như một bức tranh vẽ lại một vùng non nước miền Trung đất Việt hùng vĩ, mà hoang sơ, gợi cảm.
Câu mở đầu cho ta biết cảnh Đèo Ngang hiện lên vào lúc xế tà, nắng nhạt. Cảnh vật gồm : cỏ, cây, hoa, lá, dãy núi, con sông, cái chợ, mấy túp nhà, vài chú tiều. Đường nét, màu sắc, chi tiết thưa thoáng, nhẹ nhàng, thanh đạm. Nét vẽ của nhà thơ chấm phá từ gần đến xa. Hoà với đường nét, văng vẳng vọng lại mấy âm thanh, tiếng kêu “nhớ nước” của chim cuốc, tiếng than “nhớ nhà” (muốn tìm về tổ) của chim đa đa. Trong nghệ thuật kết cấu thơ, tác giả thật khéo dùng câu đối xứng “Lom khom dưới núi tiều vài chú” đối xứng với “Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, đường nét đối xứng với đường nét, hình ảnh cuộc sống con người đối xứng với nhau. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” đối xứng với “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, âm thanh, loài vật đối xứng với nhau, hài hoà, cân đối. Trong nghệ thuật dùng từ, tác giả chọn những từ láy lom khom, lác đác, các từ tượng thanh quốc quốc, gia gio gợi hình, gợi cảm, tác động vào sự suy ngẫm, liên tường của người đọc. Thêm nữa, trong cấu trúc câu, xuất hiện phép đảo ngữ tài tình. Ở câu ba, động từ lom khom đảo lên trước danh từ tiều vài chú, xuống câu bốn, tính từ lác đác đảo lên trước danh từ chợ mấy nhà. Nhờ đó, ấn tượng về dáng hình vất vả của người tiều phu, sự thưa thớt, quạnh hiu của lều chợ được nhấn mạnh như nét đậm trong bức tranh… Có thể nói, sáu câu thơ đầu là bức tranh phong cảnh thiên nhiên ở Đèo Ngang, núi đèo bát ngát, thấp thoáng có sự sống con người, nhưng còn hoang sơ. Cảnh được nhìn vào lúc chiểu tà, tác giả đang trong cảnh ngộ phải xa nhà, mang tâm trạng cô đơn, nên không gợi nên cảm giác vui, dẹp mà buồn và vắng lặng. Từ cảnh, toát ra tình cảm con người. Mỗi câu thơ đều có ý nghĩa biểu cảm, trĩu nặng hồn người. Đọc thơ, chúng ta hiểu tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan: buồn, cô đơn, hoài cổ. Tiếng chim quốc nhớ nước, tiếng chim đa đa (đọc trệch thành gia gia) thương nhà cũng chính là tiếng lòng thiết tha, da diết của tác giả nhớ gia đình, nhớ quá khứ của đất nước. Hai từ quốc quốc và gia gia vừa tả thực, nói về hai loại chim, vừa ẩn dụ, gợi liên tưởng tới quốc – gia, Tổ quốc và gia đình, nước và nhà đã và đang cất lên tiếng kêu, tiếng gọi tha thiết khiến lòng người không thể thờ ơ.
Đến hai câu thơ cuối :
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
thì “lòng người”, tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan được giãi bày trực tiếp. Đến đây, ngòi bút tả cảnh ngụ tình chuyển sang ngòi bút tâm trạng, thơ hướng nội, tâm tình. Đối mặt trước cảnh trời, non, nước bao la, hùng vĩ, nhà thơ cảm thấy mình như nhỏ bé hẳn lại, nỗi nhớ nhà, thương nước càng thêm da diết, thẳm sâu.
Vậy mà không có ai, không tìm được ai để san sẻ, tâm tình, đành ta với ta, “Một mình mình biết, một mình mình hay” (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Ở đây lại xuất hiện một đối lập nữa. Cảnh trời, non, nước, rộng lớn đối lập với một mảnh tình riêng nhỏ hẹp. Cảnh càng rộng lớn, hùng vĩ bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề, khép kín bấy nhiêu. Cụm từ ta với ta bộc lộ nỗi cô đơn gần như tuyệt đối của tác giả. Nhưng đây không phải là nỗi cô đơn tiêu cực, bi luỵ mà là tấm lòng đau đáu, thiết tha của nữ sĩ Thanh Quan đối với đất nước, đối với gia đình, đáng cảm thông và trân trọng.
Đọc Qua Đèo Ngang, chúng ta cảm nhận, bài thơ trang nhã, rất tiêu biểu cho thơ Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan. Đèo Ngang hiện lên với cảnh thiên nhiên bát ngát, hùng vĩ, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn heo hút, hoang sơ, đủ gợi lên trong tâm hồn tác giả một nỗi nhớ nước, thương nhà, một nỗi buồn cô quạnh, não nề.