Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 1

Phan Bội Châu (1867 1 1940) là chiến sĩ cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong ba thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 1913, cụ đang hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, một ngày cuối năm, tổng đốc Quảng Đông đã bắt giam cụ vào khám từ hình, âm mưu trao trả nhà cách mạng Việt Nam cho thực dân Pháp.

van mau phan tich bai tho vao nguc tu quang dong cam tac cua phan boi chau Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Tại nhà ngục, ngay đêm đầu tiên, cụ viết bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật để an ủi, động viên mình. Nhan đề bài thơ là Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mồi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Bài thơ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ trong cảnh tù đày nguy hiểm.

Câu thơ thứ nhất có hai vế tiểu đối, điệp ngữ vẫn làm cho giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, khẳng định một tâm thế hào kiệt và phong lưu:

Vẫn là hào kiệt

vẫn phong lưu.

Hào kiệt là người có tài cao, chí lớn khác thường. Phong lưu có nghĩa là dáng vẻ lịch sự, trang nhã biểu lộ một phong thái ung dung tự tại và thanh cao. Câu thơ thứ hai, tác giả xem nhà ngục quân thù như một bến đậu sau những tháng ngày chạy mỏi chân, hoạt động sôi nổi, trải qua muôn vàn gian truân thử thách:

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Sau gần 10 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước (1905 – 1913), Phan Bội Châu lúc hoạt động ở Nhật, lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc. Bốn tiếng thì hãy ở tù nói lên một thái độ chủ động, bình tĩnh trước tai ương thử thách. Hai câu đề biểu thị một cốt cách kẻ sĩ anh hùng.

Hai câu thực nói lên cảnh ngộ của một chiến sĩ cách mạng trong cảnh nước mất nhà tan, phải sống lưu vong nơi xa lạ (khách không nhà), lại bị tù tội. Đó là bi kịch lịch sử mà Phan Bội Châu và hàng nghìn chiến sĩ cách mạng tiền bối đã trải qua. Hai câu 3, 4 đối nhau làm nổi bật tinh thần hy sinh xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, một chí lớn tung hoành trên một không gian địa lý mênh mông: năm châu bốn bể.

Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu.

Hai mươi bảy năm sau (1940), trước lúc qua đời, ý thơ trên đã được nhắc lại như một nỗi niềm đau đớn:

Những ước anh em đầy bốn bể,

Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.

(Từ giã bạn bè lần cuối cùng)

Hai câu 5, 6 trong phần luận thể hiện niềm tự hào về tài kinh bang tế thế (bồ kinh tế) giúp nước giúp dân, làm nên sự nghiệp lớn. Mối thù đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến tay sai (cuộc oán thù) không bao giờ nguôi, quyết cười tan, rửa sạch:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù

Các từ ngữ hình ảnh: Bủa tay ôm chặt, mở miệng cười tan nói lên một tư thế hào hùng, một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi, sẵn sàng xả thân vì một lý tưởng cách mạng cao cả: giúp đời, cứu nước.

Nghệ thuật đối làm cho giọng thơ thêm đĩnh đạc hào hùng. Hình ảnh kỳ vĩ, các động từ gợi tả, (ôm chặt, cười tan) đã dựng nên một trang anh hùng hào kiệt trong cảnh tù đày nguy hiểm vẫn lạc quan, bất khuất.

Hai câu trong phần kết khẳng định một niềm tin mạnh mẽ, biểu lộ một khí phách hiên ngang. Tin mình vẫn tồn tại, hãy còn; sự nghiệp cứu nước, cứu dân là chính nghĩa đang mở rộng ở phía trước. Chứ còn điệp lại hai lần, giọng thơ thêm hùng hồn, niềm tin tưởng lạc quan thêm chói sáng:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!.

Đang bị gông cùm trong nhà ngục tử tù, là nguy hiểm. Nay mai phải bước ra pháp trường, là nguy hiểm… Bao nhiêu nguy hiểm máu chảy đầu rơi, thịt nát xương tan, nhưng đối với Phan Bội Châu thì sợ gì đâu. Trước vòng nguy hiểm vẫn hiên ngang thách thức, vẫn bất khuất, kiên cường: Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu! Phan Bội Châu đã thể hiện một tâm thế uy vũ bất khuất của nhà cách mạng chân chính.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác đã thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ vĩ đại: giàu lòng yêu nước, hiên ngang, bất khuất, lạc quan trong tù đày nguy hiểm. Bài thơ có ngôn từ trang trọng, giọng điệu mạnh mẽ hùng hồn làm hiện lên bức chân dung tinh thần tự họa của bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng như Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là viên ngọc quý trong thơ văn Phan Bội Châu, một khúc tráng ca anh hùng.

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 2

Với cảm hứng hào hùng, đậm chất anh hùng ca, bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu đã để lại trong long người đọc nhiều dư âm. Hình tượng người tù hiên ngang, bất khuất, đầy chí khí giữa ngục tù tăm tối được tạc lên thật sinh động, đáng ngưỡng mộ.

Hình ảnh của người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu hiện lên thật hiên ngang, đầy khí phách, không hề run sợ trước ngục tù nhiều bất công, ngang trái. Bài thơ được lấy nhan đề “Vào nhà ngục quảng đông cảm tác” bắt nguồn từ chính hoàn cảnh của người chí sĩ. Đây cũng là dòng cảm xúc chủ đạo làm nên tình thần tráng ca bất diệt của bài thơ.

Hai câu thơ đầu cất lên như chính tiếng long của người chí sĩ, ông xem việc ngồi tù rât bình thường:

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù

Đấng nam nhi sinh ra trên đời này phải làm việc lớn, phải gánh vác trọng trách của đất nước, vì nhân dân mà phấn đấu và cố gắng hết mình. Phan Bội Châu xem việc ở tù như việc đi mỏi chân thì ngồi nghỉ. Tâm thế rất điềm tĩnh, không hề nao núng và lo sợ. Đây chính là nhân cách và phẩm giá của một anh hùng trong thiên hạ.Người chí sỹ vẫn tự nhận thấy mình vẫn « hào kiệt » và « phong lưu », vẫn có thẻ dời non lấp biển, có thể đi khắp năm châu nên chỉ một phút sa cơ như thế này sẽ không bao giờ làm giảm chí lớn. Ở tù không phải là việc gì đó lớn lao, không cần phải bận tâm quá nhiều, coi như sa cơ lỡ bước một lúc, coi như đây là thời gian đẻ nghỉ ngơi, để có thể bàn mưu tính nghiệp lớn sau này. Hai câu thơ hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ nhau làm nổi bật hình ảnh người chí sỹ yêu nước có tâm thế vững vàng.

Hai câu tiếp theo, Phan Bội Châu nhìn lại cuộc đời mình ở hiện tại và ở quá khứ với một tư thế bình tĩnh :

Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu

Mặc dù ở tù nhưng người chí sĩ vẫn luôn hướng về đất nước đang chịu cảnh nô lệ, lầm than. Ông ngẫm cảnh đời mình phiêu bạt năm châu bốn biển và ngẫm cảnh đất nước chìm trong máu và nước mắt. Giữa đất trời rộng lớn, chẳng có một nói nào gọi là nhà, chẳng có một nơi nào mà người chí sỹ có thể nghỉ một giây, một lát. Sự cô đơn, lạc lõng trong con đường cứu nước cứu dân. Bế tắc rơi vào bế tắc khi thân mang trọng tội. Hai từ « đã » và « lại » được đặt ở đầu câu đã như nhấn mạnh và cứa sâu hơn nữa nỗi lòng của người chí sĩ. Đã nước mất nhà tan lại còn mang tội trong người. Sự xót xa, niềm nhớ thương về đất nước cứ cuộn cuộn chảy trong trái tim của người anh hùng.

Tiếp nối giọng điều trầm lắng, da diết ở hai câu thơ trên, mạch cảm xúc bỗng nhiên chuyển đỏi đột ngột ở hai câu tiếp theo :

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

Mở miệng cười tan cuộc oán thù

Hai câu thơ cất lên từ chính trái tim của Phan Bội Châu chính là lý tưởng, là lẽ sống, là con đường mà ông đã lựa chọn để cứu dân cứu nước. Tác giả dùng từ « bủa tay » khẳng định chắc nịch và mạnh mẽ lý tưởng ấy. Ông muốn ôm lấy dân lấy nước, muốn có thể dùng chút sức lực của mình để mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong nhân gian, thế sự đổi thay, kẻ thù đã gây nên bao nỗi đau mát mát và chính cuộc đời Phan Bội Châu cũng phải chứng kiến nhiều đau thương nhưng ông vẫn luôn lạc quan và kiên cường. Đây chính là tinh thần đáng ngưỡng mộ, đáng học hỏi của Phan Bội Châu.

Dẫu mát mát và gian nan còn nhiều nhưng ý chí và quyết tâm của người chí sĩ yêu nước vẫn còn vang vọng cùng non sông, đất nước. Đúc kết ở hai câu thơ cuối chính là hoài bão lớn lao của ông :

Thân này hãy còn, còn sợ nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu

Câu thơ như một lời thề sắt son, như một lời tuyên ngôn của một người đang chịu cảnh lao tù tăm tối. Nhưng dường như chốn ngục tù ấy không thể giam cầm nổi một con người, một tấm lòng trung đối với đất nước. Ông khẳng định rằng chỉ còn mình đang sống thì sự nghiệp cứu đất nước sẽ vần còn đó. Ông sẽ dốc hết sức lực của mình để hoàn thành sự nghiệp đó. Những nguy hiểm, gian lao đối với Phan Bội Châu không là vấn đề gì. Tinh thần bất khuất, khảng khái, không sợ hiểm nguy ấy của Phan Bội Châu khiến người đọc cảm phục trước một tấm lòng trung cao thượng.

Xem thêm:  Tôi thấy mình đã khôn lớn

Bài thơ « Vào nhà ngục quảng đông cảm tác » khiến cho người đọc ngưỡng mộ, khuất phục trước một hình ảnh Phan Bội Châu kiên cường bất khuất. Đất nước chúng ta có được hòa bình như hôm nay chính là nhờ công sức của những người như Phan Bội Châu.

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 3

Cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào đấu tranh chống Pháp lần lượt bị thất bại, đất nước chìm ngập trong đau thương. Bước sang đầu thế kỷ XX, hưởng ứng luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, những con người yêu nước, quyết chí dành tự do cho dân tộc lại náo nức bước vào một cuộc đấu tranh mới, theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

Phan Bội Châu xuất thân nho học song lại là người sớm có tinh thần tiên tiến, bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục) của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng. Ngày 19-1-1914, Phan Bội Châu bị bắt giam vào ngục Quảng Đông. Trước đó, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông. Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nằm trong Ngục trung thư – một huyết tâm thư tuyệt mệnh. Ngay từ đêm đầu tiên vào ngục Phan đã làm hai bài thơ Nôm (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong hai bài ấy): “Làm xong hai bài thơ tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vành, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục”. Xem ra, tù ngục cũng chẳng mảy may khiến bậc trượng phu nao núng.

Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu vào bài thể hiện ngay khẩu khí của bậc anh hùng:

“Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”.

Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy, cổ nhân nói: Trí hơn vạn người gọi là “anh”, trí hơn nghìn người gọi là “tuấn”, trí hơn trăm người gọi là “hào”, trí hơn mười người gọi là “kiệt”. Kẻ tài trí hơn người, phong thái ung dung, đường hoàng (phong lưu) đang ngân nga tỏ chí. Hai từ vẫn trong câu thơ đầu mang đậm tính khẩu ngữ. Một sự việc nghiêm trọng (tù) được nói đến bằng một thái độ cười, cợt, xem thường. Bị giam hãm trong tù ngục (lại là tử tù!) mà cứ như khách tài tử tạm dừng chân trên chặng đường dài dặc. Hoàn cảnh dù có đổi thay, tai biến có thể đến bất cứ lúc hào nhưng chí khí thì chẳng khi nào dời đổi.

Hai câu tiếp, giọng thơ chợt chuyển:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu

Tác giả tự nghiệm về thân thế của mình. Một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Phan Bội Châu từng phiêu bạt khắp nơi (khi Trung Quốc, khi thì Nhật Bàn, Thái Lan). Trên hành trình lưu lạc ấy ông đã phải trải qua biết bao cay đắng, cực khổ.

Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi. Phiêu bạt, lênh đênh, chẳng được yên ổn bao giờ, con người ấy cất tiếng than cho mình cũng là đau cho nỗi đau chung của một đất nước đang mất chủ quyền. Tiếng thở dài ấy là của bậc anh hùng. Cái buồn ấy là cái buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách phi thường. Một phút ngẫm ngợi về mình để rồi lại sang sảng ca lên âm giai lãng mạn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Kinh tế – kinh bang tế thế, người chí sĩ chẳng lúc nào thôi ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời. Đây là con đường Phan đã chọn, nguyện dấn thân, vẫn là cái khẩu khí hơn người, tiếng “cười” của một người tù sao mà khoáng đạt đến thế. Đến độ ta chỉ còn thấy âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Như trong bài thơ Chơi xuân, Phan viết:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,

Nắm địa cầu vừa một tí con con.

Đạp toang hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà…

Hai liên giữa câu 3 – 4 và câu 5-6 của bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông đã tuân thủ khuôn mẫu của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường trong đối ý, đối lời. Sự đăng đối, hài hòa ở những câu thơ này góp phần tạo ra ấn tượng về cái vững vàng. Các cặp từ đối: bốn biển – năm châu, bủa tay – mở miệng, bồ kinh tế – cuộc oán thù khiến cho tầm vóc của người chi sĩ trở nên phi thường phù hợp với âm hưởng chủ đạo của bài thơ.

Bản lĩnh và tư thế khác người của người anh hùng yêu nước được khẳng định dứt khoát trong hai câu thơ kết bài:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Con người ấy còn sống là còn tranh đấu đến cùng cho lý tưởng chính nghĩa của mình. Hai chữ còn ngắt ra, điệp lại càng tăng thêm sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát cho câu thơ. Ý chí thép sẽ chiến thắng hiểm nguy.

Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 4

Đầu thế ki XX, khi các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược ở cả ba miền lần lượt thất bại, một bầu không khí đau thương bao trùm trên đất nước ta. Trong văn chương, bên cạnh những bài ca hùng tráng đã xuất hiện những tiếng thở than bi phẫn và bất lực.

Phong trào cần vương do vua Hàm Nghi khởi xướng đã bị dập tắt. Ông vua yêu nước bị chính quyền thực dân bắt đi đày trên một hòn đảo mịt mù giữa đại dương, cách biệt hẳn đất nước và dân tộc. Tuy vậy, chí báo thù phục quốc vẫn âm ỉ nung nấu trong mọi tầng lớp nhân dân. Bước sang đầu thế ki XX, luồng gió mới của tư tưởng dân chủ tư sản từ Âu châu thổi tới, từ Nhật Bản, Trung Hoa tràn sang đã thúc đẩy những người có tâm huyết với sự nghiệp cứu nước lại náo nức khởi sự một cuộc đấu tranh theo khuynh hướng mới, với mục đích vừa đánh đuổi kẻ thù xâm lược, vừa tấn công vào giai cấp phong kiến tay sai cam tâm bán nước. Chủ trương của họ là khai thông dân khí, mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, để nước nhà phát triển toàn diện, đạt tới mức văn minh, giàu mạnh. Phương pháp thực hiện có thể khác nhau (có phái chủ trương bạo động, có phái chủ trương ôn hòa) nhưng đều nhằm mục đích cao cả là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi thế, các khuynh hướng không loại trừ nhau mà hợp nhất thành cao trào đấu tranh cách mạng lan rộng khắp nơi. Thực dân Pháp khủng bố dã man, phong trào tạm lắng, những người lãnh đạo phần lớn phải vào tù hoặc lưu lạc ở nước ngoài.

Từ năm 1912, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Khi bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam và biết chúng có ý định trao trả cho Pháp, cụ Phan Bội Châu đã nghĩ rằng mình khó có thể thoát chết. Bởi thế, đầu năm 1914, ngay từ những ngày đầu bị giam vào ngục, cụ đã viết Ngục trung thư; nhằm ghi lại những điều tâm huyết để lại cho đồng bào, đồng chí. Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác theo lời cụ là làm để tự an ủi mình. Cụ còn kể rằng sau khi làm xong, cụ đã “ngâm nga lớn tiếng rổi cả cười vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục”. Nội dung bài thơ như sau:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Bài thơ mang đậm khẩu khí anh hùng này đã khắc hoạ rõ nét khí phách hiên ngang, bất khuất và hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ cách mạng lúc sa cơ.

Thể thơ thất ngôn bát cú gồm 4 phần : đề, thực, luận, kết, mỗi phần chỉ có hai câu ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một nội dung cực kì hàm súc.

Xem thêm:  Thuyết minh về con thỏ

Hai câu đề: 

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Một tù nhân mà vẫn tự khẳng định mình là bậc hào kiệt, phong lưu, điều đó thể hiện phong thái đường hoàng, tự tin, vừa ung dung, thanh thản, vừa hiên ngang bất khuất, lại vừa tài hoa tài tử. Người chiến sĩ cách mạng chẳng may rơi vào vòng tù ngục thì cứ coi như người đi đường dài chạy mỏi chân thì nghỉ một chút để lấy sức đi tiếp. Thực chất không phải như vậy. Cụ Phan kể rằng trên đường bị áp giải đến nhà lao, bọn lính đã đối xử với cụ rất tàn nhẫn: nào trói tay, nào xiềng chân. Vào ngục, cụ lại bị giam chung một chỗ với bọn tử tù. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Đúng là như vậy ! Bị giam cầm có nghĩa là bị tước đoạt tự do, bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần và cận kề cái chết. Ấy vậy mà người anh hùng vẫn ngẩng cao đầu và cảm thấy mình vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn ấy nên khi bàn đến sự sống chết, Phan Bội Châu vẫn nói bằng giọng cười cợt như vậy. Đây là lối thơ khẩu khí khá phổ biến trong văn chương dùng để nói lên chí lớn của người xưa.

Hai câu thực:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Nhà thơ tóm lược về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Mười năm lưu lạc, khi Nhật Bản, khi Trung Quốc, khi Xiêm La (Thái Lan), xa mái ấm gia đình, chịu trăm ngàn cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần; thêm vào đó là sự hiểm nguy thường xuyên đe doạ vì cụ Phan là đối tượng truy nã đặc biệt của thực dân Pháp và đã bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Phan Bội Châu nói như vậy không phải là để than thân mà chỉ nêu lên bi kịch chung của các chí sĩ yêu nước thời bấy giờ.

Cuộc đời đầy sóng gió của cụ Phan gắn liền với tình cảnh nô lệ của đất nước, đồng bào. Giọng điệu trầm thống của hai câu thơ trên phần nào thể hiện được tâm trạng đau đớn, xót xa của bậc anh hùng cứu nước.

Hai câu luận:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Đúng là khẩu khí của một bậc đại trượng phu. Cho dù gặp hoàn cảnh bi đát đốn mức độ nào thì lí tưởng kinh bang tế thế, lo đời giúp dân của Phan Bội Châu vẫn không thay đổi. Trước sau cụ vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm. Lí tưởng và mục đích cao cả ấy đã giúp cụ giữ vững khí tiết cương cường, tư thế hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Lối nói khoa trương này thường được dùng nhiều trong thơ ca lãng mạn, nhất là trong anh hùng ca. Nó nâng cao tầm vóc và năng lực của con người lên đến mức siêu nhiên, thần thánh.

Từ thuở thanh niên, Phan Văn San (tên thật của Phan Bội Châu) đã nuôi chí lớn chờ thời cơ cứu nước:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,

Nắm địa cầu vừa một ti con con.

Đạp toang hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại cho non nước nhà…

(Chơi xuân)

Gần như suốt cuộc đời, cụ Phan đã chấp nhận gian khổ, hi sinh để theo đuổi và thực hiện lí tưởng thiêng liệng ấy.

Hai câu kết:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Ý chí gang thép và niềm tin to lớn của người anh hùng quả là không gì lay chuyển nổi. Con người ấy còn sống nghĩa là còn tiếp tục chiến đấu, còn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, vì thế mà bất chấp mọi thử thách gian nan.

Từ còn lặp lại hai lần liền nhau ở giữa câu thơ vừa có tác dụng ngắt nhịp, vừa nhấn mạnh ý thơ. Hai câu kết như một tuyên ngôn dõng dạc, dứt khoát, có sức truyền cảm mạnh mẽ, lớn lao, lay động hồn người.

Phan Bội Châu được nhân dân tôn vinh là một trong những nhà chí sĩ yêu nước và cách mạng nổi tiếng đầu thế ki XX. Tên tuổi và gương sáng của cụ ảnh hưởng rộng rãi tới phong trào giải phóng dân tộc không chi trong thời kì đó mà mãi mãi về sau.

Người chiến sĩ cách mạng lão thành họ Phan dù trải qua bao giông bão cuộc đời vẫn giữ vững khí tiết của một bậc chính nhân quân tử: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. (Giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục). Tuy xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng cụ đã vượt khỏi khuôn khổ cứng nhắc của giáo lí thánh hiền để tiếp cận tư tưởng dân chủ, dân quyền mới. Trước cảnh đồng bào đang chịu cảnh lầm than, nô lệ, cụ đau đớn, xót xa và nuôi khát vọng xoay chuyển càn khôn, đánh đuổi quân thù, đem xuân vẽ lại cho non nước nhà. Với lí tưởng cao đẹp đó, cụ lao vào cuộc đấu tranh, bất chấp mọi gian khổ, hi sinh, thậm chí đối diện với cái chết, cụ cũng không sờn lòng, nản chí. Bởi thế nên đối với cụ, dẫu có sa cơ, rơi vào vòng tù ngục thì chẳng qua cũng chi là dừng bước tạm nghi trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ.

Ở bài thơ này, các biện pháp nghệ thuật thường thấy trong thơ Đường như nghệ thuật đối: bốn biển – năm châu, bủa tay – mở miệng, bồ kinh tế – cuộc oản thù… được sử dụng hợp lí đã làm cho tầm vóc của nhân vật trữ tình trở nôn lớn lao, kì Vĩ, phù hợp với giọng điệu hào hùng. Cảm xúc chân thành của tác giả đã tạo nên sức sống bất diệt cho bài thơ.

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 5

Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX đã khắc họa thành công nhiều hình tượng nhân vật anh hùng mà bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ đã đem đến cho chúng ta một cảm nhận đẹp về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. 

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đồng bào lầm than cực khổ, Phan Bội Châu rất đau lòng. Tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha sâu sắc thôi thúc người thanh niên Phan Văn San quyết chí tìm đường cứu nước. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân sóng gió, đầy bất trắc hiểm nguy vẫn không làm ông sờn lòng nản chí, mà càng hun đúc thêm cái khí phách anh hùng nơi ông. Và đây, một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng đó:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu 

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. 

Đã khách không nhà trong bốn biển, 

Lại người có tội giữa năm châu. 

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế, 

Mở miệng cười tan cuộc oán thù. 

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp 

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. 

(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác) 

Bài thơ được viết khi Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt giam năm 1913, trước đó, năm 1912, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Cho nên, khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông bắt giam và có ý định trao ông cho thực dân Pháp, ông nghĩ rằng mình khó có thể thoát khỏi cái chết. Bài thơ cũng có thể coi như lời tâm huyết cuối cùng của ông. 

Càng đọc bài thơ ta càng cảm phục tư thế lẫm liệt của con người cách mạng, lúc sa cơ lỡ bước lâm vào cảnh tù ngục hiểm nghèo.

Đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, Phan Bội Châu vẫn rất ngang tàng: 

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu 

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. 

Một phong thái thật đường hoàng, tự tin, thật ung dung thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đọa của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần. 

Vừa ngạo nghễ cười trên gông cùm, xiềng xích, Phan Bội Châu quay lại với thực tại chua xót cay đắng: 

Đã khách không nhà trong bốn biển, 

Lại người có tội giữa năm châu. 

Kể từ khi Phan Bội Châu từ biệt Tổ quốc ra đi tìm dường cứu nước đến nay đã gần 10 năm. 10 năm trôi lưu lạc nơi đất khách quê người, không một mái ấm gia đình, bao nhiêu sự cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần! Thêm vào đó là sự săn đuổi, truy lùng của kẻ thù. Tình cảnh của nhà cách mạng yêu nước quả thật là một bi kịch lớn, khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Nhưng đằng sau bi kịch riêng của cá nhân là bi kịch của cả một dân tộc, một đất nước. Nước đã mất thì nhà đâu còn! Lúc bấy giờ không chỉ có Phan Bội Châu, còn bao nhà cách mạng khác như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng bị lâm vào hoàn cảnh khách không nhà trong bốn biển, bị săn đuổi khắp năm châu. Đọc hai câu thơ, ta bỗng thấy tầm vóc người tù yêu nước vụt trở nên lớn lao phi thường. Nỗi đau của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước. 

Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt khách không nhà, người có tội, ông vẫn giữ vững chí khí hào kiệt. 

Xem thêm:  Em hãy kể lại buổi tiệc sinh nhật của em

Và người anh hùng hào kiệt ấy còn nguyên vẹn khí phách và chí lớn: 

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế, 

Mở miệng cười tan cuộc oán thù. 

Một hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp! Hoài bão kinh bang tế thế (lo nước, cứu đời) đã đưa người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu từ một người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành một hình ảnh lớn lao đến mức phi thường, thần thánh. 

Nhìn lại cuộc đời Phan Bội Châu, hoài bão cứu nước, cứu đời đã được ông ôm ấp từ khi còn là chàng thanh niên Phan Văn San: 

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ 

Nắm địa cầu vừa một tí con con 

Đạp toang hai cánh càn khôn, 

Đem xuân vẽ lại trên non nước nhà. 

Khát vọng ấy, chí lớn ấy không hề suy giảm ngay cả khi ông đã vào trong ngục tù. Cận kề với cái chết nhưng ông vẫn ngạo nghễ cười trước mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù. 

Tinh thần cách mạng lạc quan đã tạo nên sức mạnh dể ông chiến thắng hoàn cảnh, giữ vững ý chí chiến đấu sắt son của mình: 

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp 

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. 

Đó là ý chí của con người đứng cao hơn cả cái chết. Kẻ thù có thể giam cầm, đày đọa người cách mạng, nhưng chúng không thể lung lạc được tinh thần của họ, không thể đánh gục ý chí của họ. Sau này nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ

Chí Minh lại khẳng định: 

Thăn thể ở trong lao 

Tinh thần ở ngoài lao 

Muốn nến sự nghiệp lớn 

Tinh thần phải càng cao 

(Trích Nhật kí trong tù) 

Đọc xong bài thơ, gấp sách lại, những hình ảnh kỳ vĩ của nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao đẹp, với khí phách kiên cường và tấm lòng yêu nước cháy bỏng vẫn còn in đậm trong tâm trí người đọc, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc.

Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu – Bài làm 6

Trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một tác phẩm để lại khá nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Với cảm xúc trữ tình cách mạng, mang âm hưởng lãng mạn hào hùng, bài thơ đã để lại cho đời sau một hình ảnh tuyệt đẹp về tư thế của con người cách mạng lúc sa cơ lỡ bước lâm vào hoàn cảnh tù ngục hiểm nghèo. 

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã, gắn với tên tuổi của một bậc chí sĩ cách mạng, một bậc anh hùng hào kiệt là Phan Bội Châu. 

Tư tưởng yêu nước thấm đẫm trong tâm hồn Nay ta hát một thiên cứu quốc ! Yêu gì hơn yêu nước nhà ta, đã thôi thúc chàng thanh niên Phan Văn San nuôi chí lớn: 

Đúc gan sắt để dời non lấp bể 

Xối máu nóng rửa vét nhơ nô lệ 

(Bài ca chúc tết thanh niên) 

Chí khí đó đã khiến Phan Bội Châu không quản gian lao, hi sinh cứu nước. 

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cụ Phan chịu không ít gian khổ đắng cay: khi thì bị trục xuất khỏi Nhật, lúc bị truy lùng săn đuổi ở Xiêm la, và nay là cảnh lao tù trong nhà ngục của bọn quân phiệt Quảng Đông. 

Đối với cụ Phan, bước chân vào nhà tù đồng nghĩa với việc cận kề cái chết bởi trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình cụ. Tuy nhiên, bài thơ không hề có một chút bi quan tuyệt vọng, mà ngược lại, bao trùm lên đó ià một âm hưởng hào hùng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi cảm xúc trữ tình cách mạng mãnh liệt. 

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ để cảm nhận được cái hào khí của một bậc anh hùng hào kiệt: 

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu 

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. 

Đã khách không nhà trong bốn biển, 

Lại người có tội giữa năm châu. 

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế, 

Mở miệng cười tan cuộc oán thù. 

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp 

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. 

Tám câu thất ngôn bát cú Đường luật giản dị, tự nhiên mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. 

Bài thơ mở đầu bằng hai câu với khẩu khí rất ngang tàng, ngạo nghễ: 

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu 

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù. 

Chạy mỏi chân thì hãy ờ tù, ta nghe trong câu thơ dường như có tiếng cười của một con người coi thường mọi gông cùm xiềng xích, coi nhà tù của bọn đế quốc chỉ là nơi tạm nghỉ, tạm dừng chân trên chặng đường cách mạng dài dặc của mình. Với tư thế của một con người không bị trói buộc bởi gông cùm xiềng xích, ở cụ Phan toát lên một phong thái ung dung, thanh thản, đường hoàng tự tin. Phong thái ấy chỉ có thể cổ được ở những con người biết làm chủ hoàn cảnh. Con người ấy có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh tự khẳng định mình: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu. 

Từ giọng ngang tàng, ngạo nghễ ở hai câu đề, bài thơ chuyển sang giọng trầm thống ở hai câu thực. Mạch cảm xúc trữ tình có pha chút chua xót, cay đắng; 

Đã khách không nhà trong bốn biển, 

Lại người cố tội giữa năm châu.

Hai câu thơ giúp ta hình dung ra cuộc đời bôn ba chiến đấu đầy sóng gió, hiểm nguy mà cụ Phan từng nếm trải. Nhưng tại sao lại là Khách không nhà trong bốn biển? Mười năm trời lênh đênh lưu lạc khi Nhật Bản, lúc Trung Quốc, khi Xiêm La, hỏi làm gì có nhà. Vả lại nước đã mất thì nhà tan. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn đã từng cảm nhận thấm thía điều này. Và với những bậc chí sĩ cách mạng thời nay Non sông đã mất sống thêm nhục thì khách không nhà là điều cũng dễ hiểu. Nhưng còn người có tội giữa năm châu? Câu thơ nghe thật đau xót! Một người yêu nước sâu sắc và manh mẽ như cụ Phan, thương xót đồng bào hơn cả bản thân mà bỗng trở thành người có tội, bị săn đuổi, truy lùng và bị kết án tử hình! Đối với bọn đế quốc thực dân, phàm những ai yêu nước, muốn cứu nước, cứu dân tộc đều bị coi là có tội. Cái tội đó chúng không chỉ gán cho riêng cụ Phan. Nhà cách mạng Hồ Chí Minh cũng đã từng phải chua xót thốt lên: 

Phạm tội gì đây ta tự hỏi 

Tội trung với nước, với dân à? 

(Nhật ký trong tù) 

Như vậy, đằng sau bi kịch riêng của những chí sĩ cách mạng là bi kịch của cả một dân tộc, là tình cảnh thương tâm của cả một đất nước. Nỗi đau của cụ Phan không còn là nỗi đau riêng mà trở thành nỗi đau lớn lao của cả dân tộc. Chính nỗi đau ấy đã nâng tầm vóc người tù yêu nước trở nên phi thường. 

Đối với bậc anh hùng, đau thương nhưng không bi lụy. Người tù chỉ để lòng mình lắng lại một chút với cảm xúc đau thương, rồi lại quay trở lại với khí phách ngang tàng ban đầu: 

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù. 

Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: Khát vọng kinh bang tế thế (lo nước cứu đời). Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật, con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên, từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao, thần thánh. 

Nếu trước đây người đời đã từng ngưỡng mộ hoài bão và khí phách của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, thì lúc này đây, họ càng thêm cảm phục bản lĩnh của cụ Người anh hùng ấy, dù trong cảnh tù đầy vẫn Dang tay ôm chặt bồ kinh tế và Mở miệng cười tan cuộc oán thù. 

Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ khẳng định ý chí sắt son bất khuất: 

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp 

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. 

Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm, đầy đọa, thậm chí sát hại những người yêu nước, những người cách mạng, nhưng niềm tin sắt son của họ, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của họ thì chúng làm sao có thể khuất phục. Đối với những người cách mạng như Phan Bội Châu, còn sống là còn chiến đấu. 

Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ, ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta. Chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên vẻ đẹp kì diệu cho hình tượng thơ và tạo nên phong cách trữ tình cách mạng Phan Bội Châu. Và cũng chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn không gì cưỡng lại được của thơ ca Phan Bội Châu.

Bài liên quan

Thuyết minh về một trò chơi dân gian

Thuyết minh về một trò chơi dân gian – Bài làm 1 Thả diều không chỉ…

Thuyết minh về một loài hoa

Thuyết minh về một loài hoa – Bài làm 1 Mỗi dịp xuân về, ngàn hoa…
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh – Bải làm 1 Nói đến Thủ đô…
Thuyết minh về chiếc nón là Việt Nam

Thuyết minh về chiếc nón là Việt Nam

Thuyết minh về chiếc nón là Việt Nam – Bài làm 1 Nón lá là hình…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *