“Ai nâng cách ước mơ cho em
Là thầy cô không quản ngày đêm
Ai dạy dỗ chúng em lên người
Là thầy cô em ghi nhớ suốt đời.”
Mỗi khi nghe lời bài hát ấy trong lòng em lại cháy bỏng ước mơ, cái ước mơ mà ngay từ khi còn rất bé em đã ôm ấp và khát khao, ước mơ mai này khôn lớn được đứng trên bục giảng dạy dỗ đàn em yêu thương, đó là ước mơ được trở thành cô giáo.
Em sinh ra tại một vùng quê miền núi xa xôi nghèo khó đó là xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, nơi cửa ngõ của tỉnh Điện Biên. Lớn lên trong một gia đình dân tộc Thái lại đông anh em, được đi học từ nhỏ là niềm hạnh phúc lớn lao đối với em. Ngay từ khi học mẫu giáo hình ảnh của cô giáo đã ăn sâu vào trong tiềm thức của em, chỉ nhớ lại kí ức khi năm lên năm tuổi học lớp mẫu giáo lớn cô giáo của em mang tên một loài hoa quyến rũ của núi rừng: Trần Tuyết Lan, mọi người thường gọi cô với cái tên “Lan trắng” bởi gương mặt cô luôn ánh lên vẻ tươi thắm, rạng rỡ nhờ nụ cười thường trực trên môi. Sự hiền từ của cô được biểu hiện qua đôi mắt dịu dàng và luôn sáng lên mỗi khi nhìn thấy những cô, cậu học trò nhỏ. Mái tóc dài mượt mà cùng dáng người nhỏ nhắn, cô “hút” ánh nhìn của mọi đứa trẻ ngay từ những phút đầu gặp gỡ. Có thể nói, đối với em cũng như các bạn cùng trang lứa lúc bấy giờ thì cô Lan giống như một nàng tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Trong tâm trí em vẫn còn lờ mờ hình ảnh một cô giáo trẻ được vây quanh bởi một lũ con nít, đứa thì đòi cô buộc tóc, đứa lại bắt cô kể chuyện cho nghe, chốc chốc lại có ứa chạy lại mách cô rằng có bạn trêu chọc… Cô Lan hát rất hay, cô có thể ngân lên những nốt nhạc cao nhất trong mọi bài hát. Mỗi khi cô cất giọng lên là tất cả lũ con nít dù đang nghịch ngợm hay mải mê chuyện trò cũng đều cố gắng giữ trật tự để được nghe giọng ca ngọt ngào của cô. Đặc biệt cô dành rất nhiều tình cảm cho em vì ngày ấy em là cô học trò còi cọc ốm yếu nhất lớp vì vậy cô chăm bẵm và có phần ưu ái với em hơn, cô chăm chút cho em từng miếng ăn giấc ngủ, mỗi khi trời trở gió cô thường mặc thêm áo và quàng chiếc khăn cổ của mình cho em, mùa đông giá lạnh cô luôn giữ cho em đủ ấm còn những ngày hè nóng bức cô thường cho em nằm cạnh cô lúc ngủ trưa chiếc quạt nan trong tay cô đều đều đưa đi đưa lại ru em vào giấc ngủ…..
Những tình cảm đấy đã nhen nhóm ước mơ nhỏ bé của em. Sau này khi đã lớn hơn chút chút được vào cấp một rồi lên cấp hai được học tập và tiếp xúc với rất nhiều thầy cô, ai ai cũng để lại trong em những ấn tượng sâu sắc, yêu thương chăm chút cho em… Hồi còn bé em làm sao hiểu hết ý nghĩa cao quý của nghề nhà giáo. Chỉ biết rằng những ngày đi học đầu tiên, em đã thấy yêu hình ảnh cô giáo một cách lạ lùng. Còn bây giờ khi đã lớn hơn chút xíu thì em lại hiểu thêm về ý nghĩa cao quý của nghề nhà giáo. Không thầy đố mày làm nên – câu phương ngôn của người Việt Nam đã được truyền từ đời này sang đời khác. Câu phương ngôn ấy nói lên tầm quan trọng của nhà giáo trong việc truyền thụ kiến thức, giáo dục nhân cách cho học sinh và cũng nhắc nhở mọi người phải Tôn sư trọng đạo.
Từ thời xa xưa, truyền thống Tôn sư trọng đạo đã là một truyền thống tốt đẹp được nhân dân Việt Nam đề cao, yêu quý và gìn giữ. Bác Hồ đã khẳng định: Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng phát biểu: Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo. Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Nhân dân tôn vinh, yêu mến gọi người thầy là Người giáo viên nhân dân, Người Kĩ sư tâm hồn. Bởi với người thầy giáo, dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lí làm người. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi.
Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy cô càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy.
Em biết rằng con đường đến với ước mơ của em còn rất dài, nhưng em sẽ học hành thật chăm chỉ cố gắng hết sức mình để đạt được ước mơ.
Ngay tối hôm qua khi lên giường đi ngủ mẹ em có hỏi: “Lớn lên con thích làm nghề gì?”. Không cần mất một phút để đắn đo, em trả lời luôn: “Con thích trở thành một cô giáo mẹ ạ !”. Mẹ cười hiền hậu, đọc cho em nghe những câu thơ rất đẹp về nghề nhà giáo:
“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng hoa trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm.”