Bài học cuộc sống rút ra từ lời tâm sự của nữ nhà văn Mĩ Helen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày.”
Hướng dẫn
Đề bài: Bài học cuộc sống rút ra từ lời tâm sự của nữ nhà văn Mĩ Helen Keller:
“Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày.”
=> Gợi ý:
1. Giải thích:
“đã khóc”: Sự buồn bã, đau xót và tuyệt vọng, buông xuôi;
– “không có giày để đi”: Hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn (về vật chất);
– “không có chân để đi giày”: Hoàn cảnh bất hạnh, nghiệt ngã (của số phận);
– “đã… cho đến khi”: Sự nhận thức, “ngộ” ra một vấn đề cuộc sống.
* Ý nghĩa của lời tâm sự:
Sự thiếu thốn, khó khăn của riêng ta chẳng thấm gì nếu so sánh với những xót đau, bất hạnh của nhiều người khác quanh ta.
2. Bình luận – Rút ra bài học:
– Cuộc sống của mỗi người vốn luôn có thể gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Trước những điều đó, con người – nếu thiếu bản lĩnh, nghị lực và nhận thức – dễ buồn đau, thất vọng, buông xuôi.
– Tuy nhiên, nếu bước ra cuộc đời, hoặc nhìn lại xung quanh, ta sẽ thấy có những con người phải chịu những thiệt thòi, bất hạnh hơn ta rất nhiều.
– Nhận thức về điều đó, một mặt, ta phải tự vươn lên hoàn cảnh của chính mình – bởi thực ra, nó chưa thực sự đáng sợ như ta nghĩ; mặt khác, phải hiểu rằng: chính hoàn cảnh khó khăn ấy là sự thử thách, tôi luyện để ta ngày càng trưởng thành, hoàn thiện.
– Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Hơn thế nữa, ta còn phải nhìn ra cuộc đời để nhận biết, đồng cảm, chia sẻ; từ đó mà thêm động lực, thêm tin yêu để sống, làm việc và cống hiến.
=> Bài làm của bạn Nguyễn Tam Giang, lớp 12 Chuyên Văn – Quốc Học ( Đạt 7/8 điểm )
Cuộc sống quả thật rất kì lạ. Có những con người sinh ra được hưởng đầy đủ mọi ưu ái vật chất và tinh thần. Nhưng lại có những người bất hạnh mất đi một phần ưu ái đó. Và trớ trêu thay khi những người có đầy đủ mọi thứ lại thường cảm thấy không thỏa mãn khi thiếu đi một thứ vật chất thông thường nào đó. Họ cứ mãi nghĩ về bản thân mình mà không biết rằng xung quanh còn có biết bao nhiêu người còn kém may mắn hơn mình rất nhiều. Nữ nhà văn Mĩ Hellen Keller đã từng như thế cho đến một ngày bà chợt nhận ra những may mắn mà mình được hưởng, bà tâm sự “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Lời tâm sự chân thành đó đã đánh thức biết bao cảm xúc trong trái tim mỗi người.
Không đề cập trực tiếp đến vấn đề hay nêu ra bài học, chỉ bằng một câu kể rất thực nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, Hellen Keller đã khiến mọi người phải suy ngẫm, phải nhìn nhận lại những gì mình đang có để trân trọng, để giữ gìn.
“Tôi đã khóc vì không có giày để đi” đó là một lời thú nhận rất chân thành, trung thực bởi lẽ đối với những người sống trong đủ đầy, quen có đủ mọi thứ thì sẽ cảm thấy buồn, thấy chán nản khi không có “giày” hay có thể nói là những phụ kiện vật chất cần thiết để làm đẹp cho mình, làm mình tự tin. Tôi đã thấy nhiều cô bé, cậu bé, nhiều bạn học sinh-những người sinh ra được nhận tình yêu thương của bố mẹ, được sống hạnh phúc, ấm no… trở nên bướng bĩnh, giận dỗi hay khóc vì bố mẹ không đáp ứng những nhu cầu của mình, thậm chí có những người nông nổi vì giận bố mẹ mà bỏ nhà đi hay làm bất cứ việc gì để được thứ mình muốn. Thế nhưng, họ đâu biết rằng ở ngoài xã hội, ở xung quanh chúng ta hay thậm chí ngay cạnh nhà bạn lại có những cảnh đời bất hạnh, tồn tại biết bao con người “không có chân để đi giày”. Hình ảnh rất thực ấy nói về những người khuyết tật hay nói rộng ra là những người thiếu may mắn, những người sinh ra đã không được cuộc sống, được tạo hóa thương yêu để ban tặng những thứ cần thiết cho mỗi con người. Hai vế câu đối lập trong lời tâm sự của nhà văn Mĩ được kết nối với nhau bởi cụm từ “cho đến khi tôi nhìn thấy” giống như một sự nhận thức, một lời thức tỉnh đối với biết bao người. Sống trên đời đâu phải chỉ có riêng mình gặp khó khăn hay thiếu thốn. Hãy tự nhìn bên ngoài kia còn biết bao người kém may mắn hơn, họ không chỉ thiếu thốn vật chất, không chỉ thiếu thốn tình thương mà có người còn không thể tự chăm sóc mình, phải sống nhờ vào người khác hay phải nhận những ánh nhìn tội nghiệp của người xung quanh. Những người như vậy mới thực sự là kém may mắn, đáng để “khóc” hơn chúng ta.
Đọc lời tâm sự của Hellen, tôi chợt nhớ đến người thầy giáo đáng kính Nguyễn Ngọc Ký – người bị tật nguyền đôi tay và phải dùng đôi chân của mình để tập viết. Đã nhiều lần, những khó khăn, vất vả, những lần bị chuột rút đến quặp cả bàn chân, đau đớn đến vã mồ hôi nhưng sức mạnh của niềm tin, sức mạnh được nhân lên cả với sự mặc cảm đối với cuộc sống đã giúp thầy “đứng vững”, dũng cảm bước tiếp và trở thành một nhà giáo ưu tú. Hay những cậu học sinh bị mất đôi chân, những người mù hoặc không thể nói nhưng bằng trí óc, bằng những gì mà họ còn lại vẫn dũng cảm vượt qua khó khăn để sống tốt đẹp. Tôi tin chắc rằng không ít lần họ rơi nước mắt, không ít lần muốn bỏ cuộc nhưng họ vẫn can đảm, chính những gì họ đang thiếu hay không có đã thúc đẩy họ, đem đến sức mạnh giúp họ thành công. Vậy thì mỗi chúng ta, những người có đầy đủ chân tay, những người có thể lao động để nuôi sống mình tại sao phải buồn khi ta thiếu đi một đôi giày hay chiếc áo, chiếc quần? Hãy nhìn những tấm gương đó, hãy soi mình vào đó để tự hỏi và tự biết chúng ta hơn họ những gì nhưng lại thua họ những thứ căn bản này. Có một triết gia nổi tiếng đã nói rằng: “Tôi hạnh phúc vì có đủ cả tay lẫn chân”. Được sinh ra trọn vẹn là một con người, được có thể bằng đôi tay và đôi chân để tự lao động, tự nuôi sống bản thân, kiếm được đồng tiền chính nghĩa đã là một hạnh phúc lớn nhất cả đời người! Đừng vì những thứ nhỏ nhất, những vật phòng thân bên ngoài mà tự cho mình là khổ, mà đánh mất sức mạnh của mình.
Chỉ là một lời tâm sự, cảm nhận rút ra từ cuộc sống, từ thực tế mình quan sát nhưng Hellen Keller đã thức tỉnh, đã đánh lên một hồi chuông báo động cho những người chỉ chăm chăm nghĩ đến mình, ích kỉ hay tự ti. Lời tâm sự đó đã trở thành một bài học ý nghĩa một chiêm nghiệm sâu sắc không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào mà là cho tất cả mọi người về một cuộc sống, một cách sống tích cực trong xã hội: Phải biết ơn cuộc sống ban cho ta những điều đáng quý, hãy trân trọng những gì mình đang có và cố gắng hết sức mình để giành lấy những gì mình mong muốn. Đừng bao giờ buông xuôi bởi “không có gì là không thể”! Hãy sống dũng cảm và kiên cường như cô bé Aya trải qua năm tháng bệnh tật, đã qua đời trong nước mắt thương tiếc của mọi người và những đóa hồng đỏ thắm bao quanh.
Người chiến thắng cuối cùng chưa hẳn là người mạnh nhất mà là người có đủ niềm tin, dũng cảm và nghị lực nhất.
Cuộc sống không lấy hết của ai điều gì và con đường đi đến thành công không phải bao giờ cũng trải đầy hoa hồng. Chính vì thế hãy sống tích cực để đến “khi chúng ta qua đời, mọi người khóc còn chúng ta cười”. Nữ nhà văn Mĩ Hellen Keller thực sự đã tìm ra một chân lí cuộc sống, một cách sống đẹp, sống tốt và quan trọng hơn hết là để lại một bài học đáng quý cho tất cả chúng ta.
Theo hoctotnguvan.vn