Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh một lễ hội truyền thống lâu đời – Tết cổ truyền
Hướng dẫn
Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh một lễ hội truyền thống lâu đời – Tết cổ truyền
Bài làm tham khảo
“Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau
Một năm thêm sung túc an vui…”
Lời bài hát vui tươi ấy luôn ngân vang khắp mọi nơi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trong đó không chỉ ngập tràn không khí vui xuân mà còn gợi nhắc một phong tục đã có từ lâu đời ở đất nước ta – phong tục chúc Tết.
Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của dân tộc. Ngày Tết, mọi người tạm gác lại rất cả công việc để trở về sum họp bên gia đình, cùng đón một năm mới tốt lành, như ý. Ngoài gói bánh chưng xanh, dựng cây nêu đỏ, đi chùa hái lộc thì chúc Tết chính là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán. Phong tục chúc Tết đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu đời, trải qua nhiều biến động của lịch sử, cha ông ta vẫn hết mực trân trọng, giữ gìn, truyền lại cho con cháu hết đời này sang đời khác, cho đến tận hôm nay vẫn vẹn nguyên.
Phong tục chúc Tết của người Việt được gói gọn trong câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.
Theo đúng như ý trong câu tục ngữ ấy, sáng ngày mồng Một – ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt trong nhà sẽ về bên nhà nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Quà chúc Tết rất đa dạng, bánh chưng, hoa quả, đồng tiền vàng,… Theo quan niệm và tục lệ đã có, cứ sang năm mới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ sẽ nối tiếp nhau chúc tụng ông bà, cha, mẹ và người lớn tuổi hơn sức khỏe và những điều tốt lành; trong năm mới. Ông bà, cha mẹ và những người lớn sẽ chúc Tết lại con cháu bằng những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng, cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui.
Sang mồng Hai Tết, vợ chồng con cái, anh chị em lại sang chúc Tết bên nhà ngoại giống như chúc bên nhà nội. Sau những nghi thức trang trọng, đầm ấm và thân tình như ngày mồng Một, hai bên gia đình nội ngoại thường quây quần, sum họp bên nhau cùng thưởng thức bữa cỗ Tết đông vui, nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai nhà để con dâu con rể đều vui vẻ, hạnh phúc.
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ…” thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với cả hai bên nội ngoại. Đó là giá trị của chữ ” Hiếu”. Trong đời sống của nhân dân ta, chữ “hiếu” luôn đặt được lên hàng đầu. Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đúc gia đình. Vì vậy, ngay khi Tề Nguyên Đán ra đời, cha ông ta đã quyết định chọn ngay hai ngày đầu tiên của năm mới để bày tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hai bên nội ngoại.
Người xưa có câu “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” vậy nên Tết cha, Tết mẹ xong, đến ngày mồng Ba, người Việt sẽ dành riêng để chúc Tết thầy cô giáo.”Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” ngụ ý chỉ một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, thầy cô có công lao dạy dỗ ta lên người, đầu xuân người học trò sẽ đến nhà và gửi lời chúc Tề thầy cô một năm mới an khang, tốt lành.
Những lời chúc chân thành, tốt đẹp trao đi hàng năm đã tạo nên phong tục đáng quý, trở thành nếp sống đẹp của người Việt mỗi dịp xuân sang. Phong tục ấy được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thhệ khác thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của thế hệ trước với thế hệ sau, với bậc sinh thành, dưỡng dục. Phong tục ấy thể hiện tinh thần vô cùng đáng quý của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”. Dịp trọng đại, ý nghĩa nhất trong năm, không hẹn mà cùng nhau hướng về cội nguồn của mỗi con người, bày tỏ tấm lòng chân thành nhất, trao đi những lời nói yêu thương, những ước nguyện cao quý.
Mỗi năm qua đi, Tết đến đều mang vể những niềm vui mới, niềm hi vọng mới. Phong tục chúc Tết giống như một cầu nối kỳ diện lan tỏa yêu thương và may mắn đến mọi người, là chất keo gắn kết người gần người hơn. Phong tục ấy đã cho chúng ta thấy được hình ảnh những con người Việt Nam trọng tình trọng nghĩa, sống đẹp và nhân nghĩa, thực sự là niềm tự hào lớn lao.
Theo hoctotnguvan.vn