Đề 13: Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Duy – Bài văn chọn lọc lớp 9
Hướng dẫn
Đề 13: Phân tích hình ảnh ánh trăng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Duy.
Bài làm
Chẳng biết tự bao giờ vầng trăng với ánh sáng bàng bạc đã làm say lòng biết bao thi nhân. Có khi trăng là bạn tâm giao, là người đồng hành trên những chặng đường hành quân, cũng có khi chỉ đơn thuần là vẻ đẹp tuyệt mĩ của tạo hoá. Nguyễn Duy – nhà thơ “cơm bụi ca” – qua thi phẩm Ánh trăng cũng góp vào văn đàn một vầng trăng lạ, vầng trăng khiến cho con người “giật mình”, vầng trăng chứa đựng chiều sâu ý nghĩa.
Mớ đầu bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc về với quá khứ qua sự hồi tưởng, khi đó, trăng hiện lên là một người bạn thật gần gũi, thân quen:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Cụm từ “hồi nhỏ” như một chiếc cầu nối đưa người đọc về với miền kí ức tuổi thơ xa xôi của nhân vật trữ tình. Những hình ảnh “đồng, sông, bể” được sắp xếp theo thứ tự lớn dần mở ra một không gian thiên nhiên, đất trời bao la. ở đó con người chan hoà, gắn bó, “sống” với thiên nhiên. Từ tuổi ấu thơ tác giả “chuyển kênh” đưa người đọc đến với một miền quá khứ khác, những tháng ngày đi chiến đấu, những năm tháng chiến tranh ác liệt: “hồi chiến tranh ở rừng – vầng trăng thành tri kỉ”. Đây không phải là lời nhận định chung chung mà là lời tự thuật từ chính cuộc đời Nguyễn Duy. Ông là một nhà thơ mặc áo lính, từng sống và chiến đấu ở biết bao chiến trường, trải qua bao mặt trận. Cho nên, hơn ai hết, Nguyễn Duy thấu hiểu cuộc sống của người lính. Câu thơ gợi ta nhớ đến những vần thơ của Bác:
Nhãn hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
(Vọng nguyệt)
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
Điểm gặp gỡ giữa hai chiến sĩ – thi sĩ đó là đều coi trăng là người bạn tri kỉ, gắn bó thân thiết. Điều này chỉ có ở những tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên, tinh tế, nhạy cảm. Tình cảm đậm sâu đó với Nguyễn Duy là một tình cảm thiêng liêng, đáng trọng, tình cảm mà ông “ngỡ không bao giờ quên” trong suốt cuộc đời. Chữ “ngỡ” cũng mang tính dự báo, dự cảm về một sự đổi thay. Sự đổi thay đó chắc hẳn không phải đến từ phía vầng trăng bởi với nhà thơ trăng mang một phẩm chất tốt dẹp, “tình nghĩa”, sống thủy chung, trước sau như một. Vậy chỉ có thể là sự đổi thay của lòng người!
Hai khổ thơ đầu là một bức tranh hồi tưởng quá khứ trong đó trăng hiện lên như một người bạn “tri kỉ”, “tình nghĩa” gắn bó thân thiết với con người. Thủ pháp nhân hoá đã xoá nhoà khoảng cách giữa thiên nhiên và con người.
Tuy nhiên, vầng trăng hiện lên không chỉ là người bạn thân thiết mà còn là người “đánh thức” tâm hồn con người. Trong dòng mạch hồi tưởng, nhà thơ từ quá khứ với không gian làng quê “đồng, sông, bể” trở về hiện tại với không gian thành phố:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Nếu như trong quá khứ, làng quê gắn liền với những gì mộc mạc, “hồn nhiên” của thiên nhiên thì hiện tại, thành phố gắn với những gì hiện đại, tối tân (“ánh điện, cửa gương”). Hai không gian, hai nếp sống hoàn toàn đối lập nhau tạo nên sự thay đổi của con người. Sống giữa phồn hoa đô hội, tràn ngập ánh sáng đủ sắc màu, vầng trăng tri kỉ ngày nào giờ bị rơi vào quên lãng:
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Không còn là sự rộng lớn của không gian sông bể, chiều kích của không gian đã bị thu hẹp lại ở “ngõ”. Nhưng sự thu hẹp không gian không phải là lí do quên lãng “vầng trăng” mà là do lòng người đổi thay.
Có lẽ, trăng sẽ mãi rơi vào quên lãng nếu như không có một tình huống bất ngờ:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tôi om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Từ láy “thình lình” đặt đầu câu thơ diễn tả sự đột ngột, bất ngờ. Trong chốc lát, sự hiện đại kia biến mất, con người trở về với bóng tối muôn thuở và theo bản năng “vội bật tung cửa sổ” và khi đó đối diện với “đột ngột vầng trăng tròn”. Trong một khổ thơ ngắn mà tác giả sử dụng liên tiếp các từ diễn tả trạng thái bất ngờ như “thình lình”, “đột ngột” thể hiện sự ngỡ ngàng của con người. “Vầng trăng tròn” sau bao năm vẫn vẹn nguyên, hiền hậu, chỉ có lòng người vô tình nên mang những cảm giác bất ngờ khi gặp lại cố nhân. Vầng trăng đã đánh thức tâm hồn của con người:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đổng lả bể
như là sông là rừng
Trăng và người đối diện với nhau trong một tư thế: con người phải ngước nhìn chứ trăng không phải cúi xuống, gợi một sự ăn năn, sám hối. Từ láy “rưng rưng” chứng tỏ con người chưa bị cuộc sống hiện đại làm trơ lì mọi cảm giác mà vẫn còn những rung động, “rưng rưng”, nghẹn ngào không nói nên lời. Xưa trong bài Tĩnh dạ tứ bậc “thi tiên” Lí Bạch viết:
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
(Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)
Nhìn ánh trăng bàng bạc nơi đất khách, Lí Bạch nhớ đến quê nhà. Còn ở đây, sự đối diện với trăng đã khiến cho cả một miền quá khứ hiện về. Biện pháp lặp cấu trúc ngữ pháp “như là..” khiến cho những hình ảnh của quá khứ ào ạt trở về càng làm cho con người day dứt:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kê chi ngưởi vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Lần thứ hai tác giả miếu tả “vầng trăng tròn” nhấn mạnh sự thủy chung, son sắt, sự nhân hậu, bao dung. Trăng là vậy còn người thì “vô tình”. Tuy nhiên, trăng không hề trách cứ, “ánh trăng im phăng phắc” nhưng chính sự lặng lẽ đó càng khiến con người ăn năn, day dứt vì sự vô tình của mình. Cái “giật mình” đâu chỉ là ở bề ngoài mà còn là ở chiều sâu trong tâm hồn, cái “giật mình” thức tỉnh lương tri.
Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Duy thường để cho nhân vật trữ tình có những phút giây “giật mình” như thế. Trong bài Nghe tắc kè kêu trong thành phố, ông viết:
Tắc kề…
tắc kè…
tôi giật mình
nghe
Đó là cái “giật mình” của một con người có ý thức, luôn biết nhìn lại chính bản thân mình, dám đối diện với cả phần tốt và phần xấu trong con người mình.
Như vậy, vầng trăng tri kỉ đã trở thành vầng trăng giúp con người “phản tỉnh”, bởi lẽ, trăng là vẻ dẹp của thiên nhiên nhưng cũng là quá khứ, là quê hương dấu yêu, là những gì mộc mạc, gần gũi nhất. Với nhà thơ Nguyễn Duy, vầng trăng đã khiến cho mỗi con người phải tự nhận thức lại chính bản thân mình. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, chúng ta đôi lúc có thể quên đi những gì vốn gần gũi, binh dị, thân quen nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết tự cảm thấy xấu hổ vì điều đó và biết tự điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng muốn gửi gắm đến người đọc một triết lí muôn đời: con người sống trên đời không thể quên gốc gác, cội nguồn, phải luôn nhớ về cha ông, tổ tiên để sống đẹp, sống tốt hơn.
Nếu vầng trăng trong thi phấm Ánh trăng làm cho nhân vật trữ tình “giật mình” thì bài thơ Ánh trăng cũng làm cho mọi người đọc “giật mình” thức nhận lại chính mình. Chiều sâu, sức mạnh của tác phẩm nghệ thuật chính là ở đó. Tôi hiểu vì sao cho đến nay Ánh trăng của nhà thơ “cơm bụi ca” Nguyễn Duy vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc.
THỦY HÀ
Lời nhân xét:
– Người viết đã phân tích thành công hình ảnh vầng trăng trong bài thơ đậm chất triết lí của Nguyễn Duy. Đặc biệt người viết đã nhấn mạnh vào đặc điểm thứ hai: vầng trăng đã đánh thức tâm hồn mỗi con người, khiến họ phải “giật mình ”, thức nhận lại. Bạn đã có những đánh giá, nhận xét khá sâu sắc, tinh tế như: “vầng trăng tri kỉ đã trở thành vầng trăng giúp con người “phản tỉnh”, bởi lẽ, trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cũng là quá khứ, là quê hương dấu yêu, là những gì mộc mạc, gần gũi nhất. Với nhà thơ Nguyễn Duy, vầng trăng đã khiến cho mỗi con người phải tự nhận thức lại chính bản thân mình. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, chúng ta đôi lúc có thể quên đi những gì vốn gần gũi, bình dị, thân quen nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết tự cảm thấy xấu hổ vì điều đó và biết tự điều chỉnh. Bên cạnh đố, nhà thơ cũng muốn gửi gắm đến người đọc một triết lí muôn đời: con người sống trên đời không thể quên gốc gác, cội nguồn, phải luôn nhớ về cha ông, tổ tiên để sống đẹp, sống tốt hơn ”
– Bài viết đã có những liên hệ, so sánh hợp lí, ví dụ như so sánh thơ Nguyễn Duy với thơ Hồ Chí Minh, thơ Lí Bạch,… hay so sánh với chính thơ Nguyễn Duy đề tìm ra một nét phong cách nổi bật của ông.-
– Bố cục bài viết chặt chẽ, mạch lạc.
Xem thêm Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy tại đây.
Theo hoctotnguvan.vn