Đề 14 – Thuyết minh về một đồ dùng trong học tập của em – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Thuyết minh một đồ dùng học tập của em
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
– Trước hết, em cần chọn cho mình một đồ dùng học tập cụ thế (bút bi, bút chì, cặp sách, quyển tập,…) miễn là đồ dùng đó là vật gần gũi, em có nhiều tình cảm về nó và có nhiều kiến thức về nó. Khi thuyết minh, em cần đảm bảo những ý sau đây:
+ Nguồn gốc, xuất xứ, người phát minh?
+ Cấu tạo của đồ dùng đó bao gồm những bộ phận nào? (cấu tạo bên ngoài, cấu tạo bên trong)
+ Cách sử dụng đồ dùng đó như thế nào là đúng, là tốt?
+ Cách bảo quản đồ dùng đó như thế nào là tốt?
+ Ý nghĩa của đồ dùng trong cuộc sống của em?
+ Cảm nghĩ của em về đồ dùng đó?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Giới thiệu: Một vật dụng nhỏ gọn, tiện ích cho học sinh, sinh viên ngày nay mà chúng ta thường nhắc đến đó chính là cây bút bi.
II. THÂN BÀI
1. Nguồn gốc, xuất xứ
Người xin cấp bằng sáng chế bút bi đầu tiên trên thế giới là một người thợ thuộc da người Mỹ tên là John Loud vào năm 1888 nhưng không được khai thác thương mại. Cho đến năm 1938, một biên tập viên người Hungari tên là Laszlo Biro vì quá chán nản với việc sử dụng bút mực nên ông đã sáng chế ra cây bút bi viết bằng mực in báo khô nhanh và ngày 15 tháng 6, ông được cấp bằng sáng chế của Anh Quốc.
Từ năm 1940, ngày sinh nhật của Biro ngày 29 tháng 9 đã trở thành ngày của những nhà phát minh ra bút bi.
2. Cấu tạo
Bên ngoài bút là thân bút với một ống nhựa cứng, trên thân bút thường in hãng sản xuất, trang trí nhiều màu sắc bắt mắt.
Hình dạng rất phong phú, đa dạng.
Tháo bút ra, chúng ta sẽ thấy bên trong có một ống ruột.
Trong ống ruột có đoạn mực đặc. Phần dưới đầu bút có một viên bi rất nhỏ, chỉ từ không phẩy bảy đến một mi-li-mét. Viên bi này chuyển động lăn giúp mực in lên giấy khô và nhanh. Bút bi có rất nhiều loại khác nhau, có loại làm bằng nhựa cứng, có loại làm bằng kim loại màu,… và nhiều nguyên liệu khác.
Loại làm bằng nhựa cứng thường được dùng một lần, đến hết mực rồi bỏ.
Nắp bút bi cũng rất đa dạng. Có dạng nắp ròi ra, khi dùng tháo nắp gắn lên đầu, dùng xong đậy lại. Còn dạng nắp gắn liền với thân, khi dùng bấm nút để đẩy ngòi bút ra, không dùng bấm nút đẩy ngòi ngược vào trong.
3. Cách sử dụng và bảo quản
Khi viết, chúng ta phải để bút hơi nghiêng từ 40° đến 60°, đặc biệt tránh vừa nằm vừa viết.
Khi dùng xong, cần phải đậy nắp lại ngay để tránh bút rớt làm hư đầu bi. Vì đầu bi là bộ phần quan trọng nhất của bút nên nếu hư đầu bi thì bút sẽ không dùng được. Phải để bút luôn nằm ngang để mực luôn lưu thông trong ống.
Khi để bút lâu không dùng mực trong ống sẽ bị khô, đừng vội bỏ cây bút mà hãy bỏ bút vào một lượng nước nóng vừa phải ngâm từ mười đến mười lăm phút. Cây bút của bạn sẽ được phục hồi.
4. Ý nghĩa
Chúng ta có thể thấy nó nằm ở trên bàn, trong túi hay trong xe hơi,… Những nơi nào cần viết sẽ có sự hiện diện của bút bi.
Nó vừa rẻ tiền lại vừa tiện dụng. Tùy theo hãng sản xuất mà có những giá cả khác nhau, trung bình từ khoảng 3.000đ trở lên. Còn các hãng sản xuất nước ngoài như: Waterman, Paker,… thì giá một cây bút bi dao động hàng trăm USD trở lên.
Bút bi còn được dùng tặng miễn phí như một dạng quảng cáo.
III. KẾT BÀI
Bút bi luôn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống mọi người và đặc biệt đối với học sinh như chúng ta thì nó là một người bạn thân thiết trên con đường học vấn.
Vì vậy là một học sinh, chúng ta cần phải biết nâng niu và trân trọng bút để xứng đáng là người chủ “tài hoa” của nó.
BÀI VĂN THAM KHẢO
BÀI VĂN 1
Bút bi có thể được xem là người bạn thân thiết nhất đối với các bạn học sinh. Nó góp phần không nhỏ trong việc dẫn ta đến thành công trên con đường học vấn qua những nét chữ thơm mùi mực trên từng trang giấy.
Không ai biết chính xác thời gian ra đời của bút viết. Chỉ biết rằng khi con người phát minh ra chữ viết thì bút viết cũng từ đó mà có mặt trên đời. Thời xưa, người ta thường dùng lông ngỗng hoặc lông chim để chấm mực viết, tuy nhiên việc này đã gây ra không ít rắc rối. Mãi đến năm 1938, sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu, nhà báo Lazo Biro người Hungary đã phát minh ra cây bút bi đầu tiên trên thế giới.
Bút bi gồm hai bộ phận chính: vỏ bút và ruột bút. Phần vỏ bút được làm từ chất liệu nhựa hoặc kim loại, chiếm 80% vẻ đẹp của cây viết. Để thu hút tầm nhìn khách hàng, các nhà sản xuất thường tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, phong phú với các kiểu dáng và màu sắc khác nhau, làm tăng thêm tính thẩm mỹ của cây bút. Bộ phận này dùng để chứa các vật nhỏ bên trong như lò xo, ruột bút,… vỏ bút dạng hình ống, có kích thước vừa với cỡ tay mỗi người. Bộ phận thứ hai cũng không kém phần quan trọng là ruột bút, được làm từ nhựa dẻo, có khả năng giữ mực nên gọi là ống mực. Phần đầu ruột có gắn viên bi nhỏ xinh xinh, có đường kính khoảng 0,7 – 1 milimet được coi là ngòi bút. Khi ta viết, viên bi lăn đầy mực ra tạo thành những dòng chữ tròn trịa, thanh thoát. Loại mực dành cho bút này khô rất nhanh. Ngoài ra, đế tạo nên một cây bút bi thì không thể thiếu các vật dụng phụ như lò xo có tác dụng đẩy ngòi viết ra vào, nút bấm, nắp viết…
Bút bi có nhiều loại, có hàng nhập từ nước ngoài (hàng ngoại) hoặc sản xuất trong nước (hàng nội). Có ý kiến cho rằng hàng ngoại tốt hơn hàng nội nhưng trên thực tế thì điều này chưa hoàn toàn đúng. So về mặt giá cả thì hàng ngoại mắc hơn nhưng nếu xét về dung tích mực hoặc độ bền thì cả hai đều như nhau. Vì vậy, các bạn học sinh yêu thích hàng nội và dùng nhiều hơn. Mực bút bi rất đa dạng, có nhiều màu như xanh, đỏ, đen, tím,… các loại bút bi phổ biến là bút bấm, bút có nắp, bút xoay thân… Trên thị trường ngày nay có loại viết bi nhiều ruột, mỗi ruột là một màu, rất tiện cho người tiêu dùng.
Để bảo quản một cây bút bi cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên có nhiều người không biết cách bảo quản nên bút dễ hư hỏng. Muốn bút giữ được độ bền thì sau khi viết ta nên đóng nắp hoặc bấm nút để ngòi thụt vào trong, tránh làm bút khô mực và nếu chẳng may va chạm hay rơi xuống thì ngòi bút không bị hư. Nấu bút bị khô mực thì ta bỏ vào nước ấm trong 15 phút, sau đó lấy ra và tiếp tục dùng. Tóm lại bút dùng được lâu hay không là tùy vào cách bảo quản của người sử dụng như câu nói “của bền tại người”.
Bút bi rất có ích cho con người vi nó nhỏ gọn, tiện lợi, có thể mang đi mọi nơi mà vẫn tránh được các tác nhân bên ngoài va chạm vào ngòi bút. Mặc khác bút còn có một đặc điểm nhỏ mà ít ai để ý là có thể biến những cây bút bi thành món quà nhỏ nhỏ xinh xinh, dễ thương, vô cùng ý nghĩa để tặng thầy cô, bạn bè hoặc người thân và so với thời xưa khi ta còn dùng viết mực chấm thì bút bi bây giờ là một bước tiến đáng kể.
Bút bi rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Bút bi đã làm thay đổi lịch sử về chữ viết loài người. Và nó sẽ mãi là người bạn nhỏ đồng hành với con người cả hôm nay và mai sau.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
Chữ viết xuất hiện là thành tựu của loài người chúng ta. Từ khi chữ viết xuất hiện, thì bút bi được thiết kế và sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Bút bi rất có ích cho loài người trong việc giao tiếp bằng chữ viết. Nó là sản phẩm của trí tuệ, là một vật dụng rất tiện lợi và thông dụng.
Trước khi bút bi ra đời, con người đã sử dụng các công cụ để trao đổi thông tin như sử dụng những hòn đá có đầu nhọn để khắc chữ lên đá hay người Trung Quốc sử dụng bút lông được lấy từ lông con lạc đà. Rồi vào năm 1880, bút bi xuất hiện lần đầu tiên tại Mĩ. Bút bi xuất hiện ở thế kỉ XX vào những năm sáu mươi. Người đã có công và là cha đẻ của cây bút bi là hai anh em người Hungari, là Laszlo Biro và George. Khi Biro đang công tác cho một tờ báo nhỏ, điều cảm thấy Biro rất khó chịu là cây bút mực của Biro văng mực lên áo, làm bẩn giấy tờ quan trọng và chữ viết rất lâu khô. Biro biết rằng mực của máy in rất mau khô, không làm bẩn giấy tờ và Biro quyết định làm cây bút bi có mực từ máy in. Với quyết định này, anh trai của Biro và cũng là một nhà hóa học – George, Biro bắt đầu vào việc thiết kế một cây bút mới. Biro nhận bằng sáng chế Anh quốc vào ngày 15/06/1938.
Bút bi được chia làm hai loại: bút bi có nắp đậy và bút bi không có nắp đậy. Dù rằng thuộc kiểu nào thì bút bi cũng có hai phần: vỏ bút và ruột bút.
Vỏ bút được làm bằng nhựa cứng, bao quanh ruột bút để tránh va chạm mạnh. Tên nhà sản xuất hoặc hoa văn đều được in lên vỏ bút để tạo sự bắt mắt cho người mua. Vỏ bút có hình trụ, dài khoảng một gang tay, thon nhỏ như cây đũa. Nhờ cấu tạo này, mà ta có thể cầm viết dễ dàng hơn. Hiện nay, trên thị trường có loại bút có đệm một lớp bằng cao su để cho người viết không bị đau, mỏi tay khi cầm viết trong một thời gian dài.
Ruột bút nằm bên trong vỏ bút và là phần quan trọng nhất của cây bút, gồm hai phần là ống mực và ngòi bút. Ống mực có hình trụ dài, theo chiều dài của bút, đường kính khoảng 0,5cm, nhỏ mềm và chứa mực. Bên trong ruột bút bi là mực đặc sệt, sẽ khô ngay khi tiếp xúc với mặt giấy. Tùy theo loại bút: viết đỏ thì mực đỏ, viết xanh thì mực xanh… được nhà sản xuất bơm mực vào. Ngòi bút được gắn liền với ống mực. Ngòi bút được làm bằng kim loại hay hợp kim, gắn với một hòn bi rất nhỏ, khoảng 0,5mm, đó là lí do vì sao ta gọi là bút bi.
Ngoài ra, còn một số phụ kiện đi kèm. Đối với bút bi có nắp đậy thì nắp dùng để che đậy ngòi bút để tránh hư hỏng, không cho mực bị khô. Đối với loại bút bi bấm thì kèm theo lò xo và một miếng nhựa nhô ra ở phía trên đầu bút để kẹp chặt, không cho ống mực dịch chuyển.
Bút bi là một dụng cụ học tập rất quen thuộc đối với học sinh. Bút bi có thể đem đi, không cần phải đem lọ mực để nạp mực, giá thành cũng rẻ rất nhiều so với bút máy. Thế nhưng, bút bi lại viết không đẹp so với bút máy, dễ làm hư nét chữ, nhất là học sinh tiểu học. Nhưng không vì thế mà ta lại phủ nhận sự tiện dụng của nó. Nếu khi mực bị khô, ta khoan hãy bỏ nó. Ta có thể ngâm bút trong nước ấm sau đó có thể dùng lại một cách dễ dàng.
Tóm lại, bút bi là một dụng cụ học tập đắc lực và quen thuộc đối với mọi người, nhất là học sinh – sinh viên. Bút cũng được xem là một người bạn không thể thiếu trong mọi hoàn cảnh và chúng ta cần phải trân trọng và gìn giữ nó.
>> Xem thêm Đề 15: Thuyết minh về một đồ vật gần gũi trong đời sống(Kính đeo mắt) tại đây.
Tags:Bút bi · Đề 14 · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn