Đề 2: Về kết thúc có hậu trong hai tác phẩm Truyện Kiều và Chuyện người con gái Nam Xương – Bài văn chọn lọc lớp 9
Hướng dẫn
Đề 2: Em hãy phân tích, so sánh ý nghĩa của lối kết thúc có hậu trong hai tác phẩm Truyện Kiều của Nguyến Du và Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Bài làm
Trong xã hội phong kiến xưa, những người phụ nữ, những người dân thấp cổ bé họng phải chịu bao nỗi đắng cay, bất hạnh. Những đau khổ của họ như chất thành núi, nước mắt tuôn chảy thành sông. Nỗi niềm đó, con người chỉ có thể gửi gắm vào các áng thơ văn giàu xúc cảm. Ta có thể nhận ra trong các tác phẩm tiêu biểu của thời kì này những ước mơ, khát vọng của người bình dân về một xã hội công bình, mà ở đó, nhân nghĩa sẽ thắng hung tàn, kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Vì vậy, không chỉ truyện cổ tích mà các tác phẩm văn học viết cũng luôn hướng tới những kết thúc có hậu để đáp ứng tâm lí, tình cảm và ước mơ, khát vọng của nhân dân lao động. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có những cái kết ấm áp như vậy.
Chuyện người con gái Nam Xương được sáng tác dựa trên một câu chuyệi có thật xảy ra vào thế kỉ XIII đời Hồ. Tuy nhiên Nguyễn Dữ đã không ghi chép lại một cách thụ động mà đã sáng tạo thêm dể câu chuyện có được những ý nghĩa sâu sắc. Nếu như câu chuyện thực kết thúc bằng cái chết oan ức của Vũ Nương trên bến Hoàng Giang thì trong tác phẩm của mình, Nguyễn Dữ đã để cho nhân vật được sống ở dưới thuỷ cung sau khi gieo mình xuống sông và đặc biệt là nàng đã được lập đàn giải oan, hiện về giữa dòng Hoàng Giang trong cờ hoa võng lọng.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. So với tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân thì Truyện Kiều của Nguyễn Du thành công hơn, toả sáng rực rỡ hơn, là “tập đại thành” của văn học Việt Nam. Thành công đó của tác phẩm không chỉ được tạo nên từ giá trị hiện thực sâu sắc hay tài nghệ của một cây bút bậc thầy mà còn bởi tinh thần nhân đạo cao cả của một trái tim nghệ sĩ lớn chan chứa lòng yêu thương con người. Thanh Tâm Tài Nhân kết thúc tác phẩm của mình bằng cái chết oan nghiệt của Kiều trên sông Tiền Đường. Nhưng Nguyễn Du, bằng tài năng và trái tim ấm nóng của mình, đã sáng tạo thêm phần “đoàn tụ”, không để cho Thuý Kiều phải chết như lời báo mộng của Đạm Tiên. Tố Như đã để cho Thuý Kiều vượt lên trên định mệnh, được sư Giác Duyên cứu và sau đó nàng được trở về quê hương sum họp với gia đình và sống hạnh phúc giữa người thân.
Như vậy, cả hai tác phẩm đều kết thúc có hậu. Mỗi cách kết thúc ấy gửi gắm những dụng ý, tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du và Nguyễn Dữ – những nhà nhân đạo chủ nghĩa.
Vũ Nương sau một đời khổ cực, hi sinh vì chồng con, lại phải tìm đến với cái chết oan ức. Nguyễn Dữ không muốn người con gái “tính đã thuỳ mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” ấy phải chịu số kiếp “hẩm hiu”. Vì thế, ông đã sáng tạo thêm phần kết thúc mang tính chất kì ảo. Vũ Nương không chết mà được sống ở động tiên dưới thuỷ cung. Nhà văn để cho nàng được sống những ngày tháng vui vẻ trong tình yêu thương của các nàng tiên. Sống ở đó, nàng phần nào vợi được nỗi khổ trên trần thế. Nhưng Vũ Nương là một người vợ chung thuỷ, một người mẹ hết mực yêu con. Vì vậy mà cảnh sống sung sướng, đủ đầy không làm nàng nguôi vơi đi nỗi lòng vương vấn trần thế. Nàng luôn hướng về quê hương, nhớ tới phần mộ tổ tiên, nhớ chồng, thương con. Và trong trái tim của người phụ nữ tiết hạnh ấy luôn khắc khoải, canh cánh bởi nỗi oan chưa được giải. Vì vậy việc được gặp Phan Lang với nàng là cơ hội để được minh oan, chiêu tuyết. Hình ảnh nàng xuất hiện trên sông Hoàng Giang, “trên một chiếc kiệu hoa”, với “cờ tán, võng lọng đầy sông” là lời khẳng định mạnh mẽ về tấm lòng son sắt, thuỷ chung như nhất của người con gái ấy. Dẫu khôn được trở về dương gian, nhưng với một người có tấm lòng trong trắng thì việc Vũ Nương được giải oan, không chi làm vợi bớt đi nỗi day dứt của người chồng cả ghen, đa nghi, mà còn thoả nguyện ước mong tha thiết của quần chúng có oan phải được giải oan.
Nhưng kết thúc mang những nét có hậu ấy không làm giảm đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về nhưng chỉ “đứng ở giữa dòng”, “lúc ẩn, lúc hiện”. Nàng và chồng con sẽ mãi mãi chia lìa đôi ngả, âm dương cách biệt. Hạnh phúc trần thế đã vĩnh viễn rời xa nàng. Nguyễn Dữ đã ru người đọc trong cảm giác thoả mãn vì Vũ Nương được giải oan, nhưng rồi ngay lập tức kéo chúng tạ trở về thực tại. Màn sương khói huyền ảo như một giấc mơ tan đi cũng là lúc sự thật càng trở nên cay đắng, bẽ bàng. Nỗi oan của người phụ nữ không có đàn tràng nào giải nổi, dù là sự ân hận muộn màng của người chồng hay đàn cầu siêu của tôn giáo. Đó là giấc mơ, nhưng cũng là một lời tố cáo đanh thép. Nó lắng lại trong lòng ta những dư vị ngậm ngùi. Dù nó chỉ là ảo ảnh, nhưng nếu không có ảo ảnh này thì nỗi đau của người bất hạnh sẽ không được xoa dịu, trái tim người đọc sẽ mãi day dứt khôn nguôi.
Nguyễn Dữ gửi gắm ước vọng được minh oan, chiêu tuyết cho những thân phận bất hạnh trong xã hội cũ với một kết thúc mang tính chất kì ảo. Đại thi hào Nguyễn Du cũng mang trong mình ước nguyện về cuộc đời hạnh phúc cho những kiếp tài hoa bạc mệnh khi sáng tạo nên một kết thúc có hậu cho Truyện Kiều, khác với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Thuý Kiều được sư Giác Duyên cứu và nàng được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Sau mười lăm năm chìm nổi của kiếp đoạn trường, Kiều được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân. Ta nhận ra trong đó trái tim nhân đạo bao la của tác giả. Thấu cảm vẻ đẹp của những người phụ nữ, Nguyễn Du muốn đòi quyền sống cho họ bởi họ xứng đáng được hưởng một cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn. Cách kết thúc này đã xoa dịu nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến hà khắc cũng như thoả nguyện nỗi niềm của những người:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên
(Chế Lan Viên)
Nguyễn Dữ và Nguyễn Du sống cách nhau tới ba thế kỉ. Nhưng ta nhận ra ở họ sự đồng điệu của tấm lòng nhân đạo cao cả, của tình yêu thương sâu sắc dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đó chính là điều làm nên sức sống bền lâu của hai tác phẩm trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Ngày nay, ước mơ xưa đã thành hiện thực. Cuộc đời đã bước sang trang, và người phụ nữ không còn bị những khắc chế dồn ép mà được hưởng hạnh phúc. Nhưng những ý nghĩa nhân đạo cao cả thể hiện qua Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều sẽ còn mãi ngân vang, như khúc ca ấm áp tình người!
ĐỖ THỊ MAI HIÊN
Lời nhận xét
– Đây là một đề văn đòi hỏi người viết thể hiện năng lực tổng hợp, khái quát qua sự so sánh, đánh giá. Bài viết của Mai Hiên thể hiện tư duy mạch lạc, lô gíc. Bạn đã phân tích và so sánh kết thúc của hai tác phẩm một cách cụ thể, chì tiết đê từ đó thấy được “Nguyễn Dữ và Nguyễn Du cách nhau tới ba thế kỉ. Nhưng ta nhận ra ở họ sự đồng điệu của tấm lòng nhân đạo cao cả, của tình yêu thương sâu sắc dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đó chính là điêu làm nên sức sống bền lâu của hai tác phẩm trong đời sống tinh thần của dân tộc.
– Bố cục bài viết hợp lí, khoa học.
Văn phong trôi chảy,có những đánh giá, nhận xét sắc sảo: “Nhưng kết thúc mang những nét có hậu ấy không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về nhưng chỉ “đứng ở giữa dòng”, “lúc ẩn, lúc hiện”. Nàng và chồng con sẽ mãi mãi chia lìa đôi ngả, âm dương cách biệt. Hạnh phúc trần thế đã vĩnh viễn rời xa nàng. Nguyễn Dữ đã ru người đọc trong cảm giác thoả mãn vì Vũ Nương được giải oan, nhưng rồi ngay lập tức kéo chúng ta trở về thực tại
Xem thêm Phân tích bức tranh bốn câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tại đây.
Theo hoctotnguvan.vn