Đề 24 – Thuyết minh một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam(Tết trung thu) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 24 – Thuyết minh một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam(Tết trung thu) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Nét đẹp của Tết trung thu

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Tết Trung thu là một cái Tết đặc biệt dành cho thiếu nhi.

Đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, trò chuyện,…

II. THÂN BÀI

1. Nguồn gốc, xuất xứ

Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Trung Quốc.

Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.

Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

2. Đặc điểm

Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm.

Xem thêm:  Đề 72: Suy nghĩ về lời dạy của Bác “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng … giữ lấy nó” – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác.

Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.” Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.

3. Ý nghĩa

Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu.

Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết trẻ em hay Tết nhi đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó.

Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc như các hội đoàn người Việt hải ngoại đã và đang làm.

Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là “ăn kẹo hư răng.”.

III. KẾT BÀI

Tết Trung thu là một trong những cái Tết rất có ý nghĩa không chỉ đối với người lớn mà còn đặc biệt đối với thiếu nhi.

Chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những ý nghĩa cao đẹp của nó.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Từ rất xa xưa đã có tục lệ, mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng. Tế xong, mọi người cùng thưởng thức bánh dưới trăng. Phong tục này cứ kéo dài. Ngày 15 là ngày giữa tháng tám, cũng là giữa mùa thu. Đó là ngày trăng tròn nhất trong cả năm. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc tròn đầy, sự vuông tròn của ước mong. Là sự đoàn viên của các thành viên trong gia đình cũng như họ hàng và cộng đồng. Với trẻ em, được tung tăng chơi và ăn bánh, hoa quả dưới bầu trời có trăng sáng là một điều thú vị và say sưa lắm. Chúng thường nghêu ngao:

Xem thêm:  Đóng vai Thúy Kiều để kể lại cho lớp nghe về việc báo ân báo oán

Ánh trăng trăng ngà

Có cây đa to

Có thằng cuội già

Ôm một mối mơ…

Với người lớn, người ta nhìn lên mặt trăng sáng mát cảm thấy thanh thản như mình trẻ lại. Có khi họ nghĩ đến những kỉ niệm xưa, người xưa: trăng thề nhớ buối hoa viên; vầng trăng ai xẻ làm đôi; ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương, trông trăng lại nhớ đến người đêm trăng ; nhìn trăng đang hát điệu vong tình; Thái Bạch ôm trăng lạnh, thuyền trăng Phạm Lãi luyến Tây Thi… Trăng là đề tài muôn thuở và chứa đựng biết bao nhiêu huyền thoại…

Dần dà, người ta không tế trăng nữa mà bày cỗ và chơi dưới trăng. Xung quanh mâm cỗ, chủ yểu là trẻ con rồi đến các thành viên khác trong gia đình và khách. Các trẻ em đi rước đèn ngoài phố qua xóm ngõ, cánh đồng ven đô. Chúng tụ tập chừng 10 đến 20 em, mỗi em mang một chiếc đèn thắp bằng nến. Đèn con thỏ, đèn ông sao, đèn xếp, đèn nổi, đèn lồng, đèn con cóc… các em lớn hơn một chút đi đầu múa sư tử. Chúng vừa đi vừa hát, có khi đứng vòng lại với nhau rồi múa. Sau khi rước đèn, chúng về nhà phá cỗ.

Chúng cùng ăn bánh dẻo, bánh nướng với mọi người và còn được chia thêm các hoa quả như hồng, na, chuối, bưởi, cam, ổi và các loại bánh bằng bột nướng hoặc rán mang hình các con vật thân thuộc như tôm, cá, thỏ, lợn, hươu… Mâm cỗ được thắp sáng bằng nến, ở giữa có bày tượng một ông tiến sĩ giấy ngồi bảnh chọe, có cờ, có biển. Hình ảnh này tượng trưng cho sự hiếu học, lòng ham mê khoa cử. Bên cạnh còn được bày những con vật nhỏ xíu được nặn bằng bột và quét màu xanh, đỏ, vàng trông rất xinh và ngộ nghĩnh.

Trong mỗi nhà, thường treo ở gian giữa một chiếc đèn kéo quân tạo nên những hình ảnh hoạt động của các nhân vật trong truyện như: Ông già úp cá, Thị Mầu lên chùa, Thạch Sanh đốn củi, Lã Bố hí Điêu Thuyền… Những hình ảnh đó cứ diễu quanh nhiều vòng, in bóng vào mặt giấy của đèn nhanh hay chậm là do ngọn nến ở giữa cháy to hay cháy nhỏ tạo nên gió chuyển nhiều hay ít. Bọn trẻ còn bận bịu và hồi hộp với những đồ chơi Trung thu như: quả đào úp mở theo bánh xe phía dưới chuyển động, tàu thủy chạy dưới nước, con thỏ đánh trống, con gà thổi kèn…bằng sắt Tây. Mấy hôm trước ngày rằm, một số em thiếu nhi hiếu động rủ nhau đi trống kèn và kể vè. Chúng nắm tay nhau, xếp thành vòng tròn có tầng trên và tầng dưới. Những đứa ở tầng trên đứng lên vai những đứa ở tầng dưới. Một đứa tốt giọng kể vè, những đứa khác xen vào câu “Dô ta” để hưởng ứng. Ví dụ, chúng kể về việc làm ăn:

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao- Văn lớp 9

Tháng tám, bánh đúc ôm chua

Làng ta làm giấy, thua tài làng Đông.

Hoặc để chế nhạo:

Con ngựa bạch đeo cái cương sừng

Một cô con gái ôm lưng ông già…

Mỗi năm, cứ đến Tết Trung thu, nơi nào cũng náo nhiệt. Nhưng đặc biệt náo nhiệt là mấy phố chính như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Thiếc, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cũng có những đoàn múa sư tử, múa rồng của nhũng người lớn thích chơi, nhũng người mãi võ biểu diễn hoặc múa tranh giải do các nhà từ thiện hoặc các cửa hàng trao cho đoàn nào múa đẹp và sôi nổi. Có năm lại xuất hiện một vài đoàn múa sư tử gồm toàn con gái mặc võ phục gọn gàng và dũng mãnh làm nức lòng mọi người.Ở vùng Bưởi, các em còn chơi trồng hoa trồng nụ, bịt mắt bắt dê, nhảy cừu, rồng rắn lên mây…trong những ngày trước và sau rằm tháng tám.

Tết Trung thu là Tết truyền thống của nước ta, là Tết cùa các em thiếu nhi, nhưng người lớn cũng có phần. Nó làm sống lại quãng đời trẻ thơ không bao giờ trở lại của họ.

(Theo Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn hóa và Phong tục, 2014)

>> Xem thêm Đề 25 – Thuyết minh một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam(Bánh trung thu) tại đây.

Tags:Đề 24 · Tết trung thu · Văn chọn lọc 9

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *