Đề 26 – Thuyết minh về một món ăn của người Việt Nam (Bún thang) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Thuyết minh về bún thang
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần chọn cho mình một chủ đề với sản phẩm cụ thể (Món ăn: phở, nem chua, gỏi cuốn, cốm; Sản phẩm văn hóa phi vật thể: nhã nhạc cung đinh Huế, đờn ca tài tử…) miễn là món ăn và sản phẩm phi vật thể đó gần gũi, em có nhiều tình cảm về nó và có nhiều kiến thức về nó. Khi thuyết minh, em cần đảm bảo những ý sau đây:
VỀ MÓN ĂN:
+ Nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử hình thành nên món ăn đó?
+ Địa danh vùng miền nào gắn liền với tên tuổi món ăn đó?
+ Món ăn ấy bao gồm nhũng nguyên vật liệu nào?
+ Cách chế biến ra sao?
+ Trình bày thành phẩm như thế nào là bắt mắt?
+ Cách dùng (ăn) nó như thế nào mới đúng cách và đúng “gu” của vùng miền đó?
+ Giá trị dinh dưỡng trong món ăn ấy là gì?
+ Ý nghĩa của món ăn trong đời sống tinh thần của chúng ta?
+ Cảm nghĩ của em về món ăn đó?
VỀ MỘT SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ:
+ Nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử hình thành nên sản phẩm đó?
+ Địa danh vùng miền nào gắn liền với tên tuổi sản phẩm đó?
+ Sản phẩm ấy có cách thức trình bày, thể hiện như thế nào?
+ Sản phẩm ấy được UNESCO công nhận trong thời gian nào? Vi lí do gì mà được công nhận? Hay sản phấm ấy được mọi ngưòi thực hiện vì lí do gì? (ví dụ như: lễ Tết, lễ Vu Lan,…)
+ Cách bảo quản, trùng tu, phát triển sản phẩm đó ra sao?
+ Ý nghĩa, giá trị lịch sử của sản phẩm đó?
+ Em có cảm nhận như thế nào về sản phẩm đó?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Ngoài bún chả, bún nem,… cũng có rất nhiều loại bún kiểu chan canh như bún riêu cua, bún ốc,… nhưng đặc trưng hơn cả là bún thang.
II. THÂN BÀI
1. Nguồn gốc, tên gọi
Trong các loại bún canh có một loại bún mà người ta gọi chệch tên đi là bún thang. Bún này cũng là loại bún canh. Dùng chữ “thang” có văn vẻ hơn chữ “canh”.
Những năm từ 1940 đến 1944 ở Hà Nội cũng có một số hiệu bán bún. Nhưng hiệu chả rán, bún thang nổi tiếng nhất, lịch sử nhất, ngon nhất là hiệu bún thang Tế Mỹ. Nay ở số nhà 33 Hàng Quạt.
2. Nguyên vật liệu và cách làm
Bún dùng cho bún thang là loại bún đặc sắc với nơi sản xuất. Tốt nhất là làng bún Phố Đô: sợi bún nhỏ, có độ mịn, độ hút nước cao.
Miếng giò được thái mỏng, hình chữ nhật.
Thịt gà chọn loại gà quê, chân chì, xé nhỏ, trắng nõn.
Không lấy bi.
Ruốc thịt lợn và ruốc tôm he phải bông tơi.
Trứng gà được tráng mỏng, không xác quá cũng không nhẽo quá, đưọc thái ra thành những miếng chữ nhật và những sợi dây tơ hồng.
Thịt gà, xương gà, cánh gà, xương lợn được ninh lên làm nước dùng. Nước dùng muốn đạt loại cao cấp phải có tôm he cho dậy mùi và cỏ được nét đặc trưng của bún thang.
Thời gian gần đây có cho thêm mỳ chính.
Nước dùng phải trong vắt, không có váng.
Trước khi ăn bún thang, người ta thường nếm chút nước dùng, xuýt xoa, gật gù khen hoặc chê kín đáo, đánh giá. Do vậy, nước dùng thay rượu khai vị và quan trọng lắm.
Kỹ thuật cho muối vào nước dùng là khó nhất. Ngay người làm bếp cao thủ cũng không dám chủ quan. Họ phải dùng phương pháp chiết trung.
Nếu thịt, trứng, tôm, giò, ruốc… mà đậm thì bún mặn.
Nếu chúng nhạt, thì bún càng nhạt.
Những sợi bún được chần trong nước sôi rồi vẩy cho kiệt nước, đơm vào bát với số lượng vừa đẹp.
Nghĩa là nhiều quá sẽ là thô, ít quá sẽ là bạc.
Xếp đặt những miếng giò trắng hồng, miếng trứng vàng tươi, mấy lát thịt gà trắng phau, ruốc tôm he đỏ vàng, nhúm sợi tơ hồng vàng xuộm, mấy mũ nấm màu nâu… lên mặt bún…
Làm sao cho khi chan nước dùng bốc khói vào trông phải động đậy, sóng sánh mà ưa nhìn.
3. Cách trình bày và thưởng thức
Bát bún được thăng hoa qua vài giọt cà cuống.
Người ta ăn bún thang với vài lá rau răm, kinh giới và bát nước mắm con để bên cạnh, có người thích mùi vị mạnh hơn, có thể tự cho thêm vào một chút mắm tôm.
Mọi người gắp trứng, thịt… ăn với bún.
Thỉnh thoảng lại húp thìa nước dùng một cách say sưa.
Mọi người ăn thong thả, nhỏ nhẹ, lịch sự, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, thân tình.
III. KẾT BÀI
Bún thang – cái tên xứng đáng trong ẩm thực truyền thống dân tộc Việt Nam.
Đó là món ăn rất Hà Nội và của Hà Nội ngàn năm văn vật.
Nó sẽ còn sống mãi với người Hà Nội sành ăn và tế nhị.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Ngoài bún chả, bún nem, bún chấm nước mắm chanh ớt, bún đậu rán mắm tôm, chúng ta còn nhiều loại bún kiểu chan canh như: bún riêu cua, bún măng với chân giò, bún ốc, bún sườn, bún dọc mùng, bún mọc… đều rất phổ biến, rất bình dân chưa bao giờ bị mọi người nhạt tình với chúng.
Trong các loại bún canh có một loại bún mà người ta gọi chệch tên đi là bún thang. Bún này cũng là loại bún canh. Dùng chữ “thang” có văn vẻ hơn chữ “canh”. Làm bún thang cầu kỳ hơn, có nhiều thành phần hơn so với tất cả các loại bún.
Bún thang được đơm vào bát sứ trang trọng. Có khi là sứ Giang Tây. Không ai đong bún thang vào bát sành hoặc bát đàn. Dưới bát bún thang còn được lót bằng một cái đĩa. Người ta ăn bún thang theo kiểu ăn chơi, ăn nếm thưởng thức cái phong vị và tài hoa của người làm ra nó. Ăn bún thang không phải là kiểu ăn lấy no. Do đó, bún thang là món bún phong lưu, đài các. Làm bún thang để thể hiện cái tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống và chứng tỏ rằng, món này rất “xứng miệng người phong lưu”. Nó không kèm bất kì các món sơn hào hải vị như long tu, yến sào, bào ngư. Những gia đình ăn bữa nay, lo bữa mai không làm bún thang. Chỉ ngần ấy thôi, bún thang đã đáng được tôn phong là Nữ hoàng của các món bún. Do vậy, người ta bảo bún sườn hiền lành, bún riêu dân dã, bún thang kiêu kỳ, thanh sắc. Người ta thường tổ chức những bữa bún thang vào những dịp trước hoặc sau những ngày lễ Tết, ngày hóa vàng, khi có dịp vui mừng hoặc tiên đưa, gặp lại nhau…Bún thang là bún tình cảm. Làm một bữa bún thang thường do một mệnh phụ, một người chị, một cô gái nào đó tinh thạo gia chánh và được sự tín nhiệm của mọi người điều khiển. Dưới tay người đó, có cô em, bạn hoặc cô cháu nhỏ giúp việc và chấp hành những lời sai bảo. Thành phần bún thang phần nào mang tính tập thể. Các thành viên được mời ăn bún thang thường không ăn mặc xuềnh xoàng mà chải chuốt, trang trọng một chút.
Dư vị và dư âm của bát bún thang để lại dai dẳng. Thậm chí cuộc đời gọi là miếng ăn nhớ đời.
Ngồi vào mâm bún thang gia đình yêu cầu: ăn ngon, không khí vui, người thảnh thơi.
Bún dùng cho bún thang là loại bún đặc sắc với nơi sản xuất. Tốt nhất là làng bún Phố Đô: sợi bún nhỏ, có độ mịn, độ hút nước cao. Mọi người kén khoanh giò Ước Lễ còn thoáng lòng đào. Miếng giò được thái mỏng, hình chữ nhật. Thịt gà chọn loại gà quê, chân chì, xé nhỏ, trắng nõn. Không lấy bì. Ruốc thịt lợn và ruốc tôm he phải bông tơi. Trứng gà được tráng mỏng, không xác quá cũng không nhẽo quá, được thái ra thành những miếng chữ nhật và những sợi dây tơ hồng.
Thịt gà, xương gà, cánh gà, xương lợn được ninh lên làm nước dùng. Nước dùng muốn đạt loại cao cấp phải có tôm he cho dậy mùi và có được nét đặc trưng của bún thang. Thời gian gần đây có cho thêm mỳ chính. Nước dùng phải trong vắt, không có váng. Trước khi ăn bún thang, người ta thường nếm chút nước dùng, xuýt xoa, gật gù khen hoặc chê kín đáo, đánh giá. Do vậy, nước dùng thay rượu khai vị và quan trọng lắm. Kĩ thuật cho muối vào nước dùng là khó nhất. Ngay người làm bếp cao thủ cũng không dám chủ quan. Họ phải dùng phương pháp chiết trung. Nếu thịt, trứng, tôm, giò, ruốc… mà đậm thì bún mặn. Nếu chúng nhạt, thì bún càng nhạt.
Những sợi bún được chần trong nước sôi rồi vẩy cho kiệt nước, đơm vào bát với số lượng vừa đẹp. Nghĩa là nhiều quá sẽ là thô, ít quá sẽ là bạc. xếp đặt những miếng giò trắng hồng, miếng trứng vàng tươi, mấy lát thịt gà trắng phau, ruốc tôm he đỏ vàng, nhúm sợi tơ hồng vàng xuộm, mấy mũ nấm màu nâu… lên mặt bún…Làm sao cho khi chan nước dùng bốc khói vào trông phải động đậy, sóng sánh mà ưa nhìn.
Bát bún được thăng hoa qua vài giọt cà cuống. Người ta ăn bún thang với vài lá rau răm, kinh giới và bát nước mắm con để bên cạnh, có người thích mùi vị mạnh hơn, có thể tự cho thêm vào một chút mắm tôm.
Mọi người gắp trứng, thịt… ăn với bún. Thỉnh thoảng lại húp thìa nước dùng một cách say sưa. Đây là động tác và tâm tình của người cầm trống chầu trong buổi diễn tuồng hoặc người đánh trống thưởng thức giọng hát của đào nương trong ca trù. Mọi người ăn thong thả, nhỏ nhẹ, lịch sự, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, thân tình. Khi gió heo may về, ăn bún thang thấy ấm. Và cảm thấy mát mẻ khi gió nồm Nam gọi.
Hà Nội là quê hương của bún thang. Nó thường được tổ chức ở các gia đinh. Nhưng ở các phố cũng có một số hiệu bún thang. Những năm từ 1940 đến 1944 ở Hà Nội cũng có một số hiệu bán bún. Nhưng hiệu chả rán, bún thang nổi tiếng nhất, lịch sử nhất, ngon nhất là hiệu bún thang Tế Mỹ. Nay ở số nhà 33 Hàng Quạt. Cho đến tận bây giờ, người Hà Nội chưa hề quên cái tên Tế Mỹ mà còn tấm tắc lời khen.
Bún thang! Người ta nhắc đến nó một cách cảm động. Nó có tên xứng đáng trong ẩm thực truyền thống dân tộc Việt Nam. Đó là món ăn rất Hà Nội và của Hà Nội ngàn năm văn vật. Nó sẽ còn sống mãi với người Hà Nội sành ăn và tế nhị.
(Theo Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn hóa và Phong tục, 2014)
>>Xem thêm Đề 27: Thuyết minh một món ăn của người Việt Nam (Bánh bèo) tại đây.
Tags:Bún thang · Đề 26 · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn