Đề 29 – Mối quan hệ giữa văn học và tình thương – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Văn học và tình thương
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần hình thành trong đầu những ý chính liên quan đến hai khái niệm: văn học và tình thương.
Vậy văn học là gì?
Tình thương có nghĩa là gì?
Giữa văn học và tình thương có mối quan hệ ra sao?
Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho mối quan hệ đó?
Suy nghĩ của em về tác dụng của văn học trong việc bồi dưỡng tình yêu thương trong trái tim của mỗi con người?
Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Tình yêu thương luôn là thước đo nhân cách của con người.
Văn học với chức năng của nó đã thể hiện một cách rõ rệt những mảng sáng, mảng tối của cuộc sống đặc biệt là tình yêu thương con người.
II. THÂN BÀI
Trong văn bản “Ý nghĩa văn chương” của tác giả Hoài Thanh đã nhấn mạnh: “Nguồn gốc cốt yếu cùa văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.” (SGK Ngữ văn 7 – trang 60).
Dẫn chứng một vài ví dụ cụ thể:
Trong tác phẩm “Cô bé bán diêm” của nhà văn Đan Mạch An- đéc – xen, chúng ta thấy rằng với tấm lòng yêu thương con người vô hạn, nhà văn đã tạo dựng rất nhiều tình huống đầy tính nhân đạo nhằm mang đến cho cô bé bán diêm những điều mà cô mong muốn. Đó là lò sưởi ấm, là bữa ăn ngon miệng, là cây thông nô- en tuyệt đẹp, là người bà kính yêu, là được bay lên thiên đường cùng bà. Nụ cười cuối truyện thật sự làm ấm lòng con người bởi cuối cùng cô bé đã được toại nguyện. Tình yêu thương con người của nhà văn còn bộc bạch qua những lời xì xào của người qua đường khi thấy cô bé đã qua đời “Chắc nó muốn sưởi ấm”, nhà văn đã lên án cái xã hội đầy bất công ấy đã vô tâm, thờ ơ với cuộc sống của những người nghèo khổ. Tất cả đã được chứa đựng một cách đầy đủ, rõ ràng trong tác phẩm. Hay tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn người Mỹ O Hen-ri đã thực sự làm cho chúng ta rung cảm tâm hồn trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.
Văn học và tình thương con người có một mối quan hệ khắng khít với nhau.
Bên cạnh đó, văn học không chỉ có chức năng ca ngợi tình yêu thương mà nó còn có khả năng phản ánh, phê phán những con người vô tâm, thờ ơ với cuộc sống của con người xung quanh. Những kẻ này cần phải được xã hội lên án.
III. KẾT BÀI
Nói chung, văn học là sự phản ảnh thực tế đời sống của nhà văn, nhà thơ.
Giữa văn học và tình thương luôn có một mối dây gắn bó khắng khít và bổ sung cho nhau.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Trong những tình cảm của quan hệ giữa người với người thì tình cảm gia đình là quan trọng nhưng trong tình cảm gia đình thì tình mẫu tử là loại tình cảm thiêng liêng nhất. Chẳng hạn như số phận đau thương, nỗi giày vò của chú bé Hồng trong hoàn cảnh nghèo nàn khi bố mất, mẹ phải đi tha hương cầu thực, Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của dòng họ nội. Không những vậy, Hồng còn bị bà cô gieo rắc vào đầu những ý nghĩ xấu xa để Hồng ruồng rẫy, khinh ghét mẹ của mình. Tất cả đều được thể hiện qua tập truyện ngắn “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng. Tình mẫu tử được thể hiện rõ nét qua sự miêu tả tinh tế của tác giả khiến người đọc không sao kiềm được những giọt nước mắt xúc động, nghẹn ngào.
Tình anh em cũng thế. Có hai người anh em đang sống hòa thuận, hạnh phúc với nhau nhưng hai người họ rất ngạc nhiên khi biết tin bố mẹ mình li dị vì lí do riêng. Cô em thì phải nghỉ học theo mẹ về quê còn người anh thì ở lại với bố. Sau đó, người anh trai đưa cô em cái đến trường để tạm biệt thầy cô, bạn bè. Khi về nhà, hai anh em chia đồ chơi cho nhau nhưng không nỡ chia cắt hai con búp bê đang ngồi mỉm cười trong lồng kính. Đó là câu chuyện đầy xúc động của Thành và Thuỷ qua truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê”.
Con người khác loài vật ở chỗ là biết suy nghĩ và có tình cảm. Tuy rằng ta khác màu da, tiếng nói, phong tục tập quán, thói quen nhưng vẫn giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn khó khăn cho dù ở bất cứ nơi đâu như lời giao hẹn của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân thời trước.Tuy vậy, nhưng vẫn có những kẻ tỏ thái độ lạnh lùng, thò’ ơ, dửng dưng trước người gặp nạn, khó khăn như bà cô chú bé Hồng trong “Những ngày thơ ấu”. Bà cô đã nhẫn tâm gieo rắc vào đầu đứa cháu ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên những suy nghĩ tanh bẩn để Hồng khinh miệt và ruồng rẫy mẹ của chính mình.
Vì vậy, trong văn học cũng như trong quan hệ giữa người với người ngoài cuộc sống, ta cần phải biết yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua những thử thách đầy chông gai, khó khăn để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và góp phần giúp ích cho đất nước phát triển giàu mạnh hơn.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 30: Trình bày suy nghĩ của em về lỗi lầm và sự biết ơn tại đây.
Tags:Đề 29 · Văn chọn lọc 9 · Văn học và tình thương
Theo hoctotnguvan.vn
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- hay lam sang to moi quan he giua : van hoc va yeu thuong