Đề 35 – Suy nghĩ về lời dạy của Phật: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”- Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ về lời dạy của Phật
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần hình thành trong đầu những ý chính liên quan đến khái niệm thông qua lời dạy của Phật: lòng khoan dung.
Vậy lòng khoan dung có nghĩa là gì?
Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho lòng khoan dung?
Bàn luận, mở rộng vấn đề: khi một con người không có lòng khoan dung, không có sự tha thứ, độ lượng cho những người mắc lỗi, lúc nào cũng tự cho mình là đúng thì những con người này đáng bị phê phán, lên án ra sao?
Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)
Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Trong vô vàn những đức tính tốt đẹp và quý báu của con người Việt Nam thì lòng khoan dung là tiêu biểu nhất.
Phật có lời dạy rằng: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
Vậy lời dạy trên có giá trị như thế nào trong xã hội của chúng ta?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
+ Tài sản là gì?
Đó là bao gồm những gì thuộc về vật chất hoặc tinh thần có giá trị giúp cho con người được trở nên sung túc, đầy đủ.
+ Lòng khoan dung là gì?
Chỉ sự tha thứ, độ lượng cho những gì mà người khác mắc lỗi nhưng biết sửa chữa lỗi lầm của mình.
=> Nghĩa của cả câu (lời khuyên, nhắc nhở): So sánh tài sản (thuộc về vật chất) có giá trị rất lớn với lòng khoan dung (thuộc về tinh thần) có giá trị tương đương. Điều đó chứng tỏ, câu nói của Phật đề cao đức tính con người quý giá hơn giá trị vật chất.
b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Như thế nào? Tại sao? Vì sao?)
* Tại sao chúng ta phải có lòng khoan dung?
+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.
+ Nói khái quát hơn thì lòng khoan dung chính là tấm lòng yêu thương con người, là sự chia sẻ, quan tâm đến những khó khăn của người khác.
+ Để tha thứ cho một người mắc sai lầm quả thật rất khó khăn nhưng khi ta làm được điều đó sẽ giúp cho việc hàn gắn tình cảm giữa con người và con người.
+ Khi ta tha thứ được cho một người phạm lỗi lầm, trong lòng ta dâng lên một niềm vui và hạnh phúc vì mình vừa làm được một việc tốt.
+ Dẫn chứng: Trong lịch sử chống giặc Minh xâm lược, sau khi giặc đầu hàng, ta mở rộng tấm lòng khoan dung: cung cấp phương tiện và lương thực để họ về nước, tha thứ cho những người bạn đã làm điều xấu đối với mình: như đánh mình, nghi oan mình là kẻ ăn cắp,…
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
Phê phán, lên án những con người thù dai, không mở rộng tấm lòng tha thứ cho người khác dễ dẫn đến sứt mẻ tình cảm giữa con người với con người khiến cho mối quan hệ tình cảm bị rạn nút. Có những người khi có cơ hội thì trả thù khi người khác mắc lỗi.
Dẫn chứng: trong lớp học, trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình…
III. KẾT BÀI
Lời dạy cùa Phật là đúng đắn.
Lòng khoan dung là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.
Tập luyện lòng khoan dung bằng cách mở rộng tấm lòng của mình để yêu thương và đối xử một cách tốt đẹp, thân thiện với mọi người xung quanh.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Trong cuộc sống của chúng ta, lòng khoan dung, độ lượng là một trong những đức tính tốt đẹp và cũng chính là tài sản của đòi người mà ngày nay trong mỗi chúng ta ai cũng cần thiết phải có. Vì thế câu nói trên là hoàn toàn đúng “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Vậy chúng ta hiểu “lòng khoan dung” là đức tính như thế nào?
Quả đúng như vậy, lòng khoan dung là sự tha thứ, độ lượng, không khắt khe, có thể tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho mình, không nóng nảy. Vì thế mỗi người trong chúng ta cần phải có lòng khoan dung để xử sự đúng cách trong cuộc sống và quan hệ xã hội.
Tại sao chúng ta phải có “lòng khoan dung”? Vì nó giúp ta ứng xử đúng mực trong cuộc sống, cho ta biết phải quan tâm đến người khác, biết độ lượng, tha thứ cho những việc làm sai trái, giúp ta hiểu hơn những cái đúng, cái sai, những gì nên tha thứ. Giống như Bác Hồ, khi thấy các anh bộ đội làm sai diều gì chỉ khuyên nhủ, nhắc nhở chứ không la mắng. Chúng ta thấy đó, lòng khoan dung chính là tài sản lớn nhất mà con người cần phải có.
Biểu hiện của lòng khoan dung là ta cần phải giúp đỡ, quan tâm người khác, đến người làm điều sai thì biết tha thứ, khuyên dạy điều đúng đắn. Khi ta biết khoan dung, ta sẽ được sự tôn trọng của người khác, yêu mến, quí trọng của mọi người xung quanh. Mặt khác, lòng khoan dung sẽ là một yếu tố quan trọng đem lại sự bình yên, hòa thuận, hạnh phúc cho xã hội và gia đình. Khi thể hiện lòng khoan dung với người khác thì tâm hồn ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vì đã làm được một điều có ý nghĩa của phẩm chất nhân ái, vì như thế là không phạm vào sự nhỏ nhen, hẹp hòi, trái với phẩm chất quí giá của con người.
Bên cạnh những điều ca ngợi về lòng khoan dung ta cũng cần phê phán lối sống ích kỷ, cố chấp, thù dai, thờ ơ. Tác hại của những lối sống đó làm cho con người trở nên ganh ghét nhau, có xích mích không thể giải quyết. Con người sẽ không còn sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Mà họ chỉ biết hơn thua, đấu đá để chứng tỏ chính mình.
Qua những dẫn chứng trên ta rút ra được lòng khoan dung làm cho tâm hồn ta trở nên độ lượng, cao thượng và giàu có hơn. Vì thế, ta phải lấy sự khoan dung, sự nhường nhịn làm phương châm xử thế “Một sự nhịn, chín sự lành”. Và chúng ta cần rèn luyện nhân cách, phẩm giá, sống là phải biết yêu thương sẻ chia, đồng cảm, biết kiềm chế những cảm xúc nóng giận và học cách yêu thương, vị tha, khoan dung.
Tóm lại, bản thân mỗi chúng ta phải không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu bồi đắp cho mình có lòng khoan dung rộng lớn. Lòng khoan dung là tài sản vô giá của con người và cũng là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 36: Suy nghĩ của em về tiền bạc và hạnh phúc tại đây.
Tags:Lời Phật dạy · Lòng khoan dung · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn