Đề 63 – Bàn luận về mối quan hệ giữa học và hành – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Mối quan hệ giữa học và hành
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí (Học và Hành)
– Giải thích hai khái niệm Học và Hành có nghĩa là gì?
– Đưa ra các biểu hiện của hai khái niệm trên được thể hiện như thế nào trong cuộc sống?
– Mối quan hệ giữa hai khái niệm Học và Hành?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: khi chúng ta học lí thuyết không thôi thì có tốt không? Hay nếu chúng ta chỉ thực hành không thôi mà không áp dụng lí thuyết thì có giải quyết được công việc hay không?
– Cảm nghĩ của em về hai khái niệm trên? (là có ích hay không có ích)
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Trong công việc học tập của một con người, thành công hay không là nhờ vào khả năng biết kết hợp giữa lí thuyết và thực hành.
– Vậy thì theo em, mối quan hệ giữa học và hành là gì?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Học có ý nghĩa là gì? => Học có nghĩa là chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại
– Hành có ý nghĩa là gì? => Hành có nghĩa là chúng ta dựa trên phần lí thuyết để thực hiện bài học lí thuyết ấy ngày càng sống động để việc tiếp thu kiến thức của chúng ta được tốt hơn.
b. Các biểu hiện của việc học và hành?
+ Nếu một người chỉ chăm chăm học lí thuyết vậy thì khi đụng tới thực tế của bài học thì ta khó mà thực hiện tốt được. Bởi vì ta chưa thực hành qua mà những kiến thức mà chúng ta tiếp thu chỉ đơn thuần là phần lí thuyết suông mà thôi.
+ Còn nếu một người chỉ lo thực hành, nhưng việc thực hành ấy không dựa trên một cơ sở lí thuyết nào thì chắc chắn việc thực hành ấy cũng không đạt được thành công tốt đẹp.
+ Vì vậy, để việc học tập đạt kết quả tối ưu, chúng ta cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí thuyết và thực hành.
+ Dẫn chứng: Trong học tập, khi học tập bộ môn Sinh, chúng ta không chỉ học lí thuyết đơn thuần về cấu tạo của một loài vật nào đó, mà chúng ta còn hay được thực hành mổ thí nghiệm trên con vật để tìm hiểu rõ hơn về loài vật đó. Hay trong bộ môn Hoá học, nếu như chúng ta chỉ biết lí thuyết đơn thuần các chất hoá học thông qua các kí hiệu thì chúng ta sẽ không hiểu rõ sự tuyệt vời của sự kết họp các chất hoá học với nhau nếu như chúng ta không thực hành thông qua các bài thí nghiệm,…
III. KẾT BÀI
– Nói tóm lại, học và hành có mối quan hệ với nhau hết sức chặt chẽ.
– Riêng em, em sẽ luôn kết hợp cả hai cách học này để việc học tập của mình đạt được kết quả tốt hơn.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Từ xưa đến nay, không một quốc gia nào thờ ơ với giáo dục. Nhiều thời đại rạng danh biết bao tên tuổi của các bậc kì tài. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một trong số đó. Con người “Thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu” này đã dâng lên vua Quang Trung một bài tấu bày tỏ ý kiến nghị về việc chấn chỉnh sự học của quốc gia vì sự hưng thịnh của đất nước. Đoạn trích “Bàn luận về phép học” đã thể hiện rõ quan niệm cùa ông về mục đích của việc học và cách học. “Theo điều học mà làm”, ngày nay chúng ta gọi đó là học gắn với hành. Vậy học và hành có mối quan hệ như thế nào?
Quả đủng như vậy, học thì luôn đi chung với hành. Vậy học là gì? Hành là gì? Tại sao học phải gắn liền với hành? Trước hết chúng ta cần biết, học là thu nhận kiến thức và kĩ năng mọi mặt từ trong sách vở và thực tiễn. Còn hành ở đây là thực hành, là áp dụng những tri thức đã học được vào công việc thuộc ngành nghề cụ thể. Học và hành là hai mặt của vấn đề học tập. Đó là học để biết và để làm. Mục đích chân chính của việc học là có đủ tài, đức để làm việc, khẳng định bản thân và cống hiến cho đất nước. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) xác định nhiệm vụ học tập trong thế kỉ XXI là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Trong quan điểm trên, “Học để biết” gắn liền với “Học để làm”. Học để biết là nắm những công cụ dễ hiểu. Học để làm là có những khả năng hoạt động sáng tạo tác động vào môi trường sống của mình. Hai mặt này gắn bó với nhau, như chúng ta thường nói: “Học” đi đôi với “Hành”.
Có một thời, có một số người chỉ học vì danh lợi. Họ đua nhau học hết trường này đến trường khác cốt để tìm cách có được một vài chứng chỉ hoặc bằng cấp nạp vào hồ sơ cho đẹp nhằm củng cố vị trí công tác hoặc chờ cấp trên bổ dụng. Hiện tượng bằng cấp “rởm” xuất hiện chỗ này chỗ kia là bằng chứng của tinh thần đua tranh thiếu lành mạnh thách đố sự công bằng trong một nền giáo dục lành mạnh.
Thời đại hiện nay, học càng phải gắn liền với hành, tức là học để đáp ứng yêu cầu của đời sống. Do đó, học không chỉ là chủ động tiếp nhận kiến thức, mà còn thành thạo về kĩ năng giải quyết những vấn đề khoa học và thực tiễn, đồng thời học để làm người hữu ích, chung sống với mọi người.
Nói tóm lại, học phải gắn liền với hành. Học mà không hành thì sẽ không biết vận dụng nhũng kiến thức đã học của mình vào việc gì, còn hành mà không học sẽ không có những kiến thức để thực hành. Vì thế, học phải đi đôi với hành.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 64: Trình bày quan niệm của em về vấn đề thế nào là sống có ích tại đây.
Tags:Đề 63 · Học và hành · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn