Đề 66: Suy nghĩ của em về nạn ùn tắc giao thông hiện nay – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 66: Suy nghĩ của em về nạn ùn tắc giao thông hiện nay – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Nạn ùn tắc giao thông hiện nay

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: hiện tượng đời sống xã hội (nạn ùn tắc giao thông)

– Giải thích hiện tượng ùn tắc giao thông hiện nay?

– Đưa ra các nguyên nhân dẫn đến nạn ùn tắc giao thông hiện nay (luật không nghiêm, còn mang nặng tình cảm, người dân chưa có ý thức trong việc điều khiển phương tiện giao thông…)?

– Đưa ra các biện pháp khắc phục, cải thiện hiện tượng đáng báo động trên (phạt thật nặng, thay đổi luật cho phù hợp với xã hội hiện tại, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân…)?

– Cảm nghĩ của em về hiện tượng trên? (là tốt hay không tốt)

– Bàn thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Xã hội đang ngày càng phát triển, và nhu cầu đi lại của mọi người cũng phát triển theo, vấn đề ùn tắc giao thông đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.

– Vậy hiện tượng ùn tắc giao thông có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống cùa chúng ta?

II. THÂN BÀI

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

Giao thông có nghĩa là gì? => Giao thông là những con đường, những ngã tư, cột đèn giao thông… và người tham gia giao thông.

Hiện tượng ùn tắc giao thông là hiện tượng như thế nào? => Đó là hiện tượng kẹt xe hàng giờ liền do các xe không tuân thủ luật giao thông dẫn đến biết bao phiền toái cho người dân nhất là về mặt thời gian.

b. Đưa ra các biểu hiện:

– Vào giờ cao điểm, ta sẽ thấy hàng ngàn chiếc xe và các phương tiện khác. Do không còn đủ chỗ để đi, họ lấn chiếm lên vỉa hè.

– Những chiếc xe phóng nhanh vượt ẩu muốn vượt lên cho nhanh vì mục đích cá nhân nhưng điều đó vô tình đã khiến cho tình trạng ùn tắc càng thêm rối loạn mặc dù đã có các anh cảnh sát giao thông đứng chỉ đường, điều khiển phương tiện.

– Xe đi ngang, đi dọc, xe đi xuôi, đi ngược dường như đan vào nhau như một cái nêm khó mà có lối thoát.

c. Đưa ra các nguyên nhân:

– Do người dân đổ ra đường quá nhiều dẫn đến ùn tắc.

– Các đèn giao thông ở các ngã tư, ngã năm đã hư lâu ngày mà không ai sửa chữa.

– Do đường phố vừa hẹp vừa ngắn, lượng xe đủ kiểu quá nhiều cùng một lúc lưu thông trên đường phố.

– Ý thức chấp hành luật lệ giao thông quá kém, bất chấp đường hẹp, bất chấp luật lệ về dừng xe, đỗ xe, về bốc xếp hàng hóa, chỗ nào cũng có thể thành ga ra, thành bến bãi, thành kho hàng.

– Cảnh sát giao thông quá mỏng.

– Luật pháp không nghiêm.

– Vỉa hè đã biến mất ở nhiều phố, không còn một chỗ len chân.

– Trình độ văn hóa người dân còn thấp.

– Nguyên nhân sâu xa là do người dân nông thôn đổ ra thành thị quá đông để sinh sống, kiếm việc làm cũng gây nhiều phiền toái.

d. Tác hại của vấn nạn ùn tắc giao thông

– Gây ô nhiễm, phá hủy môi trường.

– Bị đinh tai nhức óc bời tiếng còi xe, hai lá phổi của con người cũng đang dần bị nhiễm bệnh.

– Dễ gây ra tai nạn giao thông.

e. Biện pháp khắc phục

– Người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành mọi quy định, luật an toàn giao thông.

– Cần sửa chữa các cột đèn giao thông và phải kiểm tra thường xuyên.

– Cần có sự quan tâm nhiều hơn đến các công trình thi công còn đang dang dở trên đường phố.

– Phạt thật nghiêm khắc những trường hợp vi phạm luật giao thông.

III. KẾT BÀI

– Ùn tắc giao thông có thể giải quyết tốt được nếu như những nguyên nhân trên được khắc phục một cách triệt để.

– Tất cả chúng ta hãy cùng chung tay xóa đi vấn nạn nhức nhối này bằng cách luôn luôn ý thức tự giác thực hiện đúng luật an toàn giao thông.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Ùn tắc giao thông hình như đã thành căn bệnh mạn tính của nhiều thành phố lớn, trong đó Hà Nội hầu như ít ngày không gặp tai nạn ấy. Tại sao vậy? Có nhiều nguyên nhân lắm.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Những ngôi sao xa xôi

Trước hết, ùn tắc giao thông sẽ làm mất rất nhiều thì giờ của mọi người, mà lẽ ra thì giờ phải được coi là quý giá, chỉ mất một phút, một giờ thôi cũng sẽ là thiệt hại về vật chất. Mà nghĩ cho cùng, một trong những nguyên nhân ùn tắc giao thông, thủ phạm gây ra nó, lại chính là người quý thì giờ, nhưng là quý cho riêng mình mà không cần nghĩ đến người khác. Người lái xe cố luồn lách, cố nhoai lên, không chịu nhường ai, để mong đi sớm một vài phút, thế là nghẽn lại, hoặc đã ùn tắc rồi nhưng không chịu lùi lại vì nếu lùi sẽ chạm vào lòng tự ái, coi như mình bị thua, nên cứ chạy vượt lên, bất chấp tất cả.

Chúng ta đều biết đường phố Hà Nội hiện nay có rất nhiều điều chưa hợp lý cho một thành phố công nghiệp có nếp sống hiện đại, tốc độ. Nguyên nó chỉ là một đô thị nhỏ, đường đã hẹp lại ngắn, rất nhiều ngã ba, ngã tư cắt nhau, nhiều đường phố chỉ một hai cái ô tô tránh nhau đã khó khăn, vậy mà không ít trường hợp xe tải, xe khách đỗ lại hàng giờ, hàng buổi để bốc dỡ hàng hóa từ tỉnh khác về, có cả loại xe kềnh càng mười bánh như một căn nhà tầng di động. Họ đỗ bất chấp bên số chẵn hay số lẻ, bất chấp đầu xe xuôi hay ngược. Và lúc ấy, một cái xe con khác, chờ một ông “quan” nào đó, cũng cần đỗ lại ở đoạn ấy, xe đỗ lại phía bên kia đường. Thế là cảnh hai xe nghênh ngang hai bên đường, ở giữa lòng đường chỉ còn hẹp bé tí tẹo, một cái xích lô, thêm mấy chị hàng rau, trờ vai, đưa ngang quang gánh ra đường, ùn tắc là dĩ nhiên không tránh khỏi.

Phố Hàng Buồm, phố Nguyễn Xí, phố Đinh Lễ, phố Đinh Liệt và nhiều phố khác đã luôn có cảnh đông vui như lễ hội ấy xảy ra. Không kể còn thêm ít xe đạp, người đi bộ, một vài chị phe tiền, xe bán hàng rong, đồ nhựa hoặc thuốc tây, cứ chen ào tới… cái phố yên tĩnh ấy bỗng nổ ra những cuộc tranh luận bất phân thắng bại, có người phải quay ngược đầu xe, tránh sang lối khác. Người đi bộ, có việc vội thì tự tìm lấy lối mà đi, tự khai phá lấy con đường riêng, lách qua mấy hàng nước vỉa hè, mấy chõng phở hay cái tủ kính của ông bán kính, chị bán thuốc nhuộm móng chân móng tay… mà thoát ra khỏi cảnh chen lấn, không biết hàng giờ nữa có thông thoáng được không?

Phố Nguyễn Khuyến chật chội, đường ổ gà, nhà cửa cũng lộn xộn, gặp lúc xe hỏa dồn toa, chắn một đầu đường, thế là hàng trăm xe nghìn người bắt buộc phải đứng lại giải lao, khinh thường nắng, mặc kệ mưa gió. Cứ đứng đấy, hãy đợi đấy. Và xe ô tô, không ai chịu nhường ai.

Trở lại chuyện ùn tắc ở đầu phố Nguyễn Khuyến, giáp với đường Lê Duẩn, Cửa Nam, ít lâu nay có chắn đường, phân luồng, gọi là phần mềm, có đỡ đi được một phần, nhưng ùn tắc vẫn còn là cái nạn, mà nhiều người phải tự nhắc mình: Khôn hồn thì đừng có đi vào ngã tư ấy, con đường ấy vào những giờ cao điểm, mất hàng giờ đồng hồ như chơi. Và cũng chẳng biết kêu với ai, họa chăng là về nhà bị vợ mắng là đi đâu mà lâu thế.

Ngã tư Khâm Thiên, Nguyễn Thượng Hiền còn gây ấn tượng mạnh hơn. Cũng có giải phân cách mêm, nhưng có lúc nó cũng vô hiệu như cái “thiên kiều” là cái cầu vượt bắc lên trời, biến thành nhà vệ sinh công cộng không ai quét dọn, còn dưới đường thì cứ là chen vai thích cánh mà chờ giải tỏa mấy cái đầu xe ô tô hôn nhau, không anh tài nào chịu anh tài nào. Có anh còn khuỳnh tay ra ngoài, hút thuốc lá phì phèo một cách bất cần đời, mặc chuyện thiên hạ muốn ra sao thì ra. Những lúc ùn tắc như thế, không còn ai phân biệt bên nào là bên phải, đâu là bên trái, luồng đường nào là cùa xe cơ giới chỗ nào là xe thô sơ và người đi bộ thì đi đứng ở chỗ nào. Nó thực sự là một cuộc quân hồi vô phèng, đúng theo khấu hiệu “đường ta, ta cứ chen…” Đã có năm lễ hội giỗ trận Quang Trung, người tắc từ giữa phố Nguyễn Thượng Hiền, đến hết ngã ba ngõ chợ Khâm Thiêm, đứng như lèn cá hộp trong xe buýt. Rồi qua giờ khai mạc lễ hội, có nhiều người bê cái xe đạp lên đầu mà lách đi, trông như cái xe đạp trôi nổi trên làn sóng đầu người, như nó tự bơi, hoặc nó từ từ bay một cách tự động mà động cơ lắp ở đâu thì có trời mà biết.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Mùa xuân nho nhỏ

Xuôi xuống một chút nữa, ngã tư Kim Liên – Đại cồ Việt cũng không thoát khỏi cảnh ùn tắc như thế, dù ngã tư này may mắn hơn vì rộng rãi hơn, thỉnh thoảng mới xảy ra? Có lần vì nước úng, lần khác vì một xe cát đánh đố. lẩn khác nữa thì do tàu hỏa tránh nhau gì đó, lần khác nữa thì có nguyên nhân khác nữa. Đây là lối đi vào Hà Đông, qua chùa Bộc, qua mấy khu tập thể đông người… nên xe cộ đông, người đi bộ cũng đông, mà con đường mới mở rộng thênh thang tốn bạc tỉ, suốt Đại Cồ Việt, suốt một đoạn của Kim Liên, nhưng đến chỗ giao nhau với đường xe lửa bỗng bị ngẵng lại, để cho ô tô có dịp nghỉ máy, người di các loại xe khác ghếch chân lên mà ngắm con tàu hỏa ì ì chậm trườn trườn qua, rồi lúc sau mới rồng rắn kéo nhau đi, người này nhìn lưng người khác, chán mắt thì thôi.

Ngã tư Trung Hiền, chỗ Đại La – Trương Định – Minh Khai, ngã tư đã được mở rộng, nhà đã được cắt xen, nhưng là trục đường cho ô tô, nó là con đường vành đai, là một đoạn xuôi về phía Nam, nên lượng xe cộ ở ngã tư này có thể sắp thành kỉ lục, và ùn tắc thành bệnh kinh niên. Những ô tô tải, những quang gánh rau quả, những xe công nông, và nhiều thử khác khó thống kê được, sáng sáng, chiều chiều phải đi qua đây để vào thành phố hoặc ra liên tỉnh…

Quãng giữa phố Khâm Thiên, một dạo người ta đào đường, đặt công trình gì đó, và cả lúc không đào đường, nước thải, nước mưa, ổ voi, vỉa hè long lở, thế là ngã ba với ngõ Văn Chương thành ngã ba quái ác. Mấy tấm sắt vừa dầy, vừa to đặt tạm trên đường để che những cái hố như cửa vào một đường hầm dẫn sang thế giới bên kia, sắt cong vênh lên, mà đường vẫn chưa được giải tỏa, và không phải giờ cao điểm, nó vẫn cứ diễn ra, chỉ cần một cái xe tải quá khổ, quá tải, quay đầu, rẽ vào hay rẽ ra mà chết máy… Thế là… vở kịch không thể vui cười kia được diễn ra không cần sân khấu, mà toàn mặt người nhăn nhỏ.

Trên kia đã nhắc đến nguyên nhân. Vậy nguyên nhân là gì? Trước hết là đường Hà Nội vừa hẹp, vừa ngắn, xe cộ từ ô tô các loại đến xe bình bịch đủ kiểu (mà theo như quảng cáo, các loại xe này còn đang được khuyến khích tiêu dùng, để góp phần vào việc quá tải hơn nữa, nào là trả góp, chỉ cần mấy trăm đô, nào là xe thiên thần, có xe là có tất cả,…) vì vậy mà đường phố không chịu đựng nổi lượng xe nhiều quá mức như hiện nay.

Nguyên nhân nữa là ý thức chấp hành luật lệ giao thông quá kém, bất chấp đường hẹp, bất chấp luật lệ về dừng xe, đỗ xe, về bốc xếp hàng hóa, chỗ nào cũng có thể thành ga ra, thành bến bãi, thành kho hàng. Và khi đã đỗ rồi thì xe không còn muốn nổ máy nữa, mặc ai nổi còi, xin đường, mặc ai đứng chửi, cái xe nó vốn không có tai mà. Hai xe châu đầu vào nhau, nhưng người ta quen hiếu thắng, không ai chịu nhường ai, ai cũng thấy chỉ có mình là nhất trên trần gian này, người khác phải lùi để nhường mình chứ mình không việc gì phải lùi để nhường người khác.

Thứ ba là cảnh sát giao thông mỏng quá, ùn tắc xảy ra mà mãi không thấy một bóng áo vàng. Khi các anh đến thì tai nạn ùn tắc đã phình ra rồi, rất khó giải quyết vì không có lối, hon nữa lời nói của các anh ít trọng lượng, nhiều người không thèm nghe. Các anh có phần hiền lành quá, không dừng đến dùi cui, súng phun nước, phun sơn hay biên lai phạt thật nặng.

Xem thêm:  Hướng dẫn viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự

Nguyên nhân thứ tư là luật pháp không nghiêm như vừa nói. Nếu một xe đỗ sai luật, một xe cố lách lên làm đường tắc, anh cảnh sát có biện pháp cứng rắn, từ phạt nặng đến tịch thu bằng lái, bắt giam xe máy, cảnh cáo… thì hẳn những kẻ cú nhảy kia phải nhớ mà chờn.

Nguyên nhân thứ năm là vỉa hè đã biến mất ở nhiều phố, không còn một chỗ len chân. Có nơi để bán hàng, có nơi làm ga ra rửa xe máy, nơi khác lại biến vỉa hè thành bếp riêng, có phuy nước, bếp thang, rổ rá, thùng chậu và khói đun mù mịt như căn bếp riêng…từ nguyên nhân ấy còn có nguyên nhân thứ sáu là trình độ văn hóa người dân còn thấp, thói quen tản mạn lề mề, coi đường phố nhừ cái ngõ làng cái bờ ruộng, cứ nghênh ngang mà đi, cứ lừ đừ mà bước, kể cả quang gánh, xe thồ, xe đẩy chở hàng, chờ trẻ em, và rõ nhất là nghênh ngang tản bộ, coi như xe phải tránh mình vì mình có tự do cá nhân, chứ mình không việc gì phải tránh xe cho phí công, cho mất đi tinh thần độc lập cửa người công dân…

Có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa chăng?

Con bệnh đã ở thời kỳ nguy kịch. Bắt mạch cũng đã tìm ra căn bệnh. Nhưng thuốc thang thế nào đây? Ai là vị thầy thuốc cao tay, dám cho liều thuốc công phạt mạnh, hay dám cầm dao làm cuộc giải phẫu đau, nguy hiểm nhưng sẽ khỏi?

Trước hết có lẽ là vấn đề luật pháp, là sự có mặt của người thi hành công vụ về giao thông, và cũng không xem nhẹ các vấn đề khác như quy định giờ nào xe nào đi vào đâu là được phép, là bị cấm, cách đỗ xe chỉ một bên đường, theo ngày chẵn lẻ, chứ không cùng một lúc có xe đỗ cả hai bên, tăng cường những biên báo, những lời nhắc nhở một cách cứng rắn…như ai đi vào đường một chiều, đường cấm, vượt đèn đỏ, thì không thể phạt ở mức thông thường, mà coi như vi phạm pháp luật, tạm giam, phạt tiền gần ngang với giá trị cái xe…

Nạn ùn tắc giao thông không thể là bệnh không chữa được. Quan trọng là người cầm luật có dám và có muốn ra tay hay không? Đưa ra nếp giao thông thành phò vào trật tự kỉ cương hay cứ nhu nhơ, biến thành phố thành làng quê, để khi tai nạn chết người xảy ra mới đổ lỗi cho khách quan…

Những dải phân cách mềm là rất có ích. Nhưng một số đường mới phân chia thành đường một chiều, có chỗ thật tốt, nhưng cũng có chỗ chưa hợp lí lắm (như cửa ga Hàng cỏ chẳng hạn…) sẽ gây thêm ra nạn ùn tắc ở chỗ khác.

Thành phố còn đang mở rộng, xe cộ còn đang phát triển. Giao thông công cộng như xe buýt, tắc-xi còn xa vời…Điều khiển giao thông ở một thành phố cổ cho lưu lượng xe cộ thời mới, thật không dễ dàng, nhưng có lẽ không vì khó mà bó tay không làm. Càng khó lại càng cần làm hơn mới phải, chứ không tự bằng lòng, rồi cho qua để cái sảy sẽ nảy cái ung được, vấn đề đã thấy rõ là như thế.

(Theo Băng Sơn, Hà Nội rong ruổi quẩn quanh, 2013)

>> Xem thêm Đề 67: Cảm nhận về hình ảnh “sóng” trong hai khổ thơ bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến tại đây.

Tags:Đề 66 · Nạn ùn tắc giao thông hiện nay · Văn chọn lọc 9

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *