Đề 68: Viết một bài văn trình bày những suy nghĩ của em về ý nghĩa của bản Quốc ca của cố nhạc sĩ Văn Cao – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ về ý nghĩa của bản Quốc ca
ĐỀ 68:
TIẾN QUÂN CA
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang lên trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mai ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Tiến quân ca do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Viết một bài văn trình bày những suy nghĩ của em về ý nghĩa của bản Quốc ca. Cảm xúc của em như thế nào khi tham dự những buổi chào cờ đầu tuần trong trường?
————————–
BÀI LÀM THAM KHẢO
Có nơi nào trên vũ trụ kia bảo vệ sự sống bằng máu và xương nhiều hơn nơi đây không? Bầu trời hòa bình ngày nay, trong trẻo và xanh biếc, có phải tự dưng mà có đâu? Hình ảnh trong đêm tối xa xôi ấy, hình ảnh những người anh hùng chiến đấu mạnh mẽ, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc. Trên mảnh đất mấy nghìn năm kiên cường, Việt Nam bây giờ, vẫn in dấu bước chân ấy, bước chân ra đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ vĩ đại, tài ba Hồ Chí Minh. Bác Hồ với bước chân rạo rực lòng yêu nước trong trái tim, sức mạnh đoàn kết, cùng chung lòng chiến đấu của nhân dân ta. Vì tinh thần sâu sắc ấy, vì đã trải qua biết bao chiến thắng cùng chính nghĩa, trong tiếng trống hào hùng, cố nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài “Tiến quân ca” như muốn khẳng định giá trị lòng yêu nước, ghi nhận lại những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc và hơn tất thảy cảm nhận niềm hạnh phúc và tự hào dành cho đất nước. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bạn đã từng dâng trào cảm xúc khi hát bài hát ấy chưa, ngay lần đầu tiên và bây giờ, hẳn chúng ta đã hiểu hết ý nghĩa trong nó?
Cảm ơn đời đã cho ta tiếng cười, cảm ơn đời đã cho ta những giọt lệ rơi, để cho ta biết cảm nhận giá trị của sự sống là thế nào, để đánh thức trái tim ta vẫy vùng chiến đấu vì Tổ quốc. “Tiến quân ca” chỉ vỏn vẹn ba từ nhưng ý nghĩa của nó rất sâu sắc, thắm đượm dòng máu hi sinh, thắm đượm dòng sữa quê hương tuổi thơ ngày nào, lặng một chút cũng đủ cảm nhận. Trong ngày lịch sử vẻ vang ấy, chúng ta mang chính nghĩa để chống chọi cái ác, mang nét lạnh lùng ở khuôn mặt và trái tim sắt đá ra chiến trường đấu tranh cho hòa bình, “đoàn quân Việt Nam đi” cùng “chung lòng cứu quốc”. Bước chân đều đặn, hùng dũng, kết thành một khối lớn mạnh bởi sự đoàn kết, “dồn vang trên đường gập ghềnh xa”. Dẫu có muôn trùng xa xôi tiến đến thành công, chúng ta vẫn kiên trì. Dẫu con đường đầy khó khăn, gian nan gập ghềnh, chúng ta phải cùng vượt qua hết sức. Hồn làng quê Việt, nước nhà, Tổ quốc, mang đặc tính rất riêng, đậm chất đặc biệt. Ấy là tâm hồn thiêng liêng, là vật vô giá không thể dùng tiền bạc để mua được cũng chẳng đánh đổi ngang với các vũ khí tiêu diệt, độc ác ngoài kia. Là tình người “chiến thắng mang hồn nước”, sống cùng chung khó khăn, chết cùng chung vinh quang, ranh giới giữa mất và còn dường như không tồn tại. Những người chiến sĩ ái quốc kia và gia đình họ, bạn bè họ, những người hậu phương chúng ta, đã vượt qua không gian, thời gian để cùng đến với nhau, “súng ngoài xa” sống cùng tình cảm, sự thúc đẩy động viên ở nơi quê nhà. “Cờ in máu”, hi sinh thân xác cao cả, hi sinh một sự sống để cả gia đình được sống, hi sinh một đội quân để cả một đất nước độc lập tự do; máu đỏ, nền cờ đỏ xung quanh bao bọc sao vàng năm cánh. Ngôi sao lung linh ấy, cứ phấp phới giữa cột cờ sân trường, bị gió thổi mạnh nhưng vẫn cố gắng bám víu, như những linh hồn yêu nước vĩ đại, dù giông tố bão bùng có vùi dập họ đến mức nào thì vẫn cố gắng vươn dậy. Đêm ấy, bầu trời mịt mù khói xám, là tiếng hô vang quyết chiến, có những cái chết đau thương, có những ngọn lửa bừng sáng lóa mắt, nhưng điều sáng nhất, rực rỡ nhất vẫn là tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta. “Đường vinh quang” trải đầy hoa của chiến thắng, như lời Bác Hồ nói rằng phải đưa nước Việt Nam ta tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhân dân ta cảm nhận điều vinh quang trong chính nghĩa tốt đẹp, con đường ấy sẽ tiếp tục đến tương lai, chúng em sẽ là người dẫn dắt đạo quân hùng mạnh ấy khi đất nước lâm nguy đế “xây xác quân thù”, nuôi dưỡng lòng yêu nước và căm hận lũ giặc bạo tàn. “Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”, cùng nhau là cùng làm việc, tập hợp sức mạnh vĩ đại của tập thể, cùng chung lòng xây dựng chốn gian nan. Vì dân tộc, vì năm mươi bốn anh em rải đều khắp đất nước, vì người mẹ già mòn mỏi đợi con bình yên trở về, vì người vợ và đứa con thơ đang nhớ nhung bên khung cửa sổ bám bụi vết lo âu, họ đã “chiến đấu không ngừng”, “tiến mau ra sa trường”. Lời cuối bài hát như một lời nói mạnh mẽ ngân vang, như một lời kêu gọi yêu thương song cũng quả quyết, như truyền thống lâu đời hàng nghìn năm là bảo vệ tổ quốc, mảnh đất “con rồng cháu tiên”:
“Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta vững bền
Bài “Tiến quân ca” được duyệt làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 13 tháng 8 năm 1944. Vậy đã mấy chục năm trôi qua, hưởng ứng nền tự do độc lập của nước ta, khi tham dự những buổi chào cờ đầu tuần cảm xúc của mọi người thế nào? Riêng tôi, đầu tiên là một sự biết ơn rất sâu sắc và lớn lao, bởi đó là Quốc ca của đất nước, bởi mỗi đầu tuần đều được cất tiếng ca rộn rã của riêng mảnh đất này, hơn hết, mỗi ngày trôi qua là cảm giác tự do, độc lập. Thế nhưng hiện nay, các bạn học sinh khi hát Quốc ca lại đùa giỡn, không nghiêm túc. Tại sao vậy, các bạn có cảm nhận được chăng niềm thương của người chiến sĩ dành cho Tổ quốc này, dành cho các bạn người nắm giữ chìa khóa cánh cổng tương lai? Họ đã hy sinh thân mình để giành lấy cuộc sống cho mọi người, cho các bạn. Có thể bây giờ họ còn sống, nhưng lại không trọn vẹn do di chứng của chiến tranh để lại. Có thể họ vẫn còn sống khỏe mạnh, nhưng cũng có thể đã ra đi về một miền xa xôi nơi chiến trường, không thể chăm sóc gia đình mình, người thân của họ giờ đây họ phải cô đơn một mình để sống tiếp quãng đời còn lại. Họ nhường quyền sống cho mọi người, để lại cho gia đình họ một nỗi đau xót xa, vết thương lòng qua thời gian cũng không thể chữa kịp.
Thế đấy, bài “Tiến quân ca”, nốt nhạc đầy hào hùng, chói loá nhưng sau nó còn có rất nhiều điều để chúng ta suy ngẫm, nhìn lại hành động của bản thân. Học sinh chúng ta cần phải nghiêm túc hơn khi cất tiếng hát Quốc ca, để tưởng nhớ công ơn xây dựng Tổ quốc, để ghi nhận và trân trọng sự hi sinh cao lớn như Biển Đông muôn trùng nước, núi cao cao ngất trời mây. Bài “Tiến quân ca” sẽ là một kỉ niệm để đời của học sinh, là sau này lớn lên hiểu được quá trình vĩ đại xây dựng đất nước là như thế nào, tương lai nhiệm vụ phát triển đất nước đang dựa vào trách nhiệm cao cả của học sinh chúng ta.
“Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc”.
Điều chúng ta cảm động, không chỉ là sự đánh mất máu và xương của người chiến sĩ đế giành lấy một nền hòa bình đất nước như bấy giờ mà là một suy nghĩ sâu sắc của họ, suy nghĩ mạnh mẽ không run sợ với cái chết đang đối đầu vì tương lai của toàn thể nhân dân Việt Nam. Bác Hồ đã nói: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, chúng ta giờ đây nên ra sức học tập, để mai sau bảo vệ và đưa đất nước Việt Nam lên một tầm cao mới. Ý nghĩa của bản Quốc ca là lòng yêu nước, đoàn kết cho chiến thắng của nhân dân, ghi nhận nền hòa bình hôm nay và cả mai sau.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 69: Suy nghĩ về câu chuyện anh Hai của Lý Thanh Thảo, Trích” Bốn mươi truyện rất ngắn” tại đây.
Theo hoctotnguvan.vn