Hướng dẫn thuyết minh về cây lúa Việt Nam tự giới thiệu – Tập làm văn 9
Hướng dẫn
Cây lúa Việt Nam tự giới thiệu. Văn 9
Đề bài: Cây lúa Việt Nam tự giới thiệu.
Bài làm
Những tia nắng ban mai dịu dàng chiếu xuống mặt đất. Những chú chim líu lo gọi nhau rời tổ kiếm ăn. Tôi đang ngủ say chợt nghe có tiếng gọi: “Lúa ơi, dậy đi em!”. Tiếng gọi quen thuộc khiến tôi khẽ cựa mình, tỉnh giấc. Tưởng ai hoá ra là chị Gió hằng ngày vẫn kể cho tôi nghe về những miền đất xa xôì mà chị đã từng đi qua. Không biết hôm nay có chuyện gì mà chị tới tìm tôi sớm thế nhỉ? Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị Gió tươi cười giải thích:
– Hôm nay, chị có nhiệm vụ phỏng vấn họ nhà lúa các em đấy. Em có thể tự giới thiệu về mình được không?
– Em là lúa, tên khoa học là Cryza Sativa. Em là loài thực vật thuộc thân thảo, sống một năm, có rễ chùm, thuộc lớp một lá mầm.
– Em có biết gì về tổ tiên của mình không?
– Tổ tiên của em là loại lúa hoang, xuất hiện từ cách đây 3000 đến 2000 năm, trước Công nguyên đã được con người thuần hoá thành các giống lúa hiện nay.
– Em sinh sống ở đâu?
– Em rất dễ trồng. Chỉ cần đất không quá chua và đủ nước là em có thể sống được. Vì thế, trên đất nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
– Vậy em có thể cho chị biết quá trình sinh trưởng của em được không?
– Lúa chúng em chủ yếu có hai vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Đầu vụ, các bác nông dân sẽ chọn ra những hạt thóc tốt làm giống. Hạt giống sẽ được gieo ở ruộng riêng cho phát triển thành những cây lúa non gọi là mạ. Đến khi mạ cao khoảng 15-20 cm, các bác nông dần nhổ mạ sang cấy ở ruộng chính. Làm như thế, các bác nông dân vừa tiết kiệm được thóc giống mà lúa chúng em lại phát triển khoẻ mạnh. Được sự chăm bẵm của các bác nông dân, chúng em phát triển, cao dần và đẻ nhánh. Đó là lúc chúng em “đương thì con gái”. Rồi chúng em ra đòng, trổ bông, hình thành nên các hạt lúa và dần chín. Khi lúa chín vàng, đòng uốn cong vì sức nặng của những hạt thóc vàng mẩy, các bác nông dân sẽ đem liềm hái gặt chúng em về.
– Thế thì các bác nông dân chắc vất vả lắm nhỉ?
– Vâng. Chị biết không, khi chúng em ra đòng là lúc rất dễ bị sâu bệnh phá hoại nên các bác nông dân phải vất vả, nào là phun thuốc trừ sâu, nào là bón phân để bổ sung chất dinh dưỡng cho chúng em. Phải vất vả lắm mới làm nên được hạt thóc nên họ coi đó là “hạt ngọc”.
– Họ hàng của em rất đông đúc, đúng không? Chị thấy có bao nhiêu loại lúa: Khang Dân, Bắc Hương, Tám,…
– Họ hàng nhà em đông lắm. Hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo được hơn 30 giống lúa. Đấy đều là những giống lúa có năng suất cao, hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu.
– Suýt nữa chị quên mất, sau khi nông dân gặt lúa về thì họ làm gì?
– Họ cho chúng em vào máy tuốt để tách rơm và thóc, rơm để đun hoặc lợp mái nhà, còn thóc họ đem đi xát để tách vỏ (gọi là trấu) và nhân (gọi là gạo). Gạo là nguồn lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới. Việt Nam ta có hơn 80% người dân sống bằng nghề trồng lúa. Ngoài ra, ta còn có những đồng bằng màu mỡ thẳng cánh cò bay để trồng lúa, do vậy, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới sau Thái Lan.
– Ngoài nấu cơm ăn hằng ngày, người ta còn dùng gạo để làm gì nữa hả lúa?
– Ngoài gạo tẻ để nấu cơm còn có gạo nếp dùng để làm bánh chưng, bánh giầy, thổi xôi, nấu chè,… Đây là những thứ không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Chị đã bao giờ được thưởng thức hương vị của cốm chưa? Cốm được làm từ lúa nếp non. Đấy là một thức quà dân dã nhưng vô cùng thanh tao của dân tộc. Từ gạo người ta cũng có thể làm ra các loại bánh như bánh giò, bánh cuốn, bánh tẻ, bánh rợm,…tạo nên một nét văn hoá ẩm thực rất đặc trưng của người Việt.
– Ngoài ra, em còn có vai trò gì trong đời sống của người Việt Nam?
– Em không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất mà còn cả trong đời sống tinh thần của người Việt. Từ khi còn nằm nôi, những đứa trẻ đã thấm đượm những câu hát ru của mẹ:
“Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”.
(Ca dao)
Hình ảnh cánh đồng lúa đã đi sâu vào trong tiềm thức và trái tim mỗi người con dân đất Việt khi nhớ về quê hương Tổ quốc:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”.
(Nguyễn Đình Thi – Bài thơ Hắc Hài)
Cây lúa đã gắn bó với đất nước, với con người Việt Nam từ bao đời nay, tạo nên một nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ từ trong quá khứ. Hiện nay, đất nước đang bước vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cây lúa vẫn đi cùng sự phát triển của đất nước. Cầy lúa không chỉ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước mà còn là một nét đẹp văn hoá rất riêng, rất ấn tượng của con người và đất nước Việt Nam.
Lê Trần Bích Ngọc
( Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng)
Xem thêm Thuyết minh về cây tre. Văn 9, Giới thiệu về cá heo. Văn 9
Tags:Cây lúa · Tập làm văn 9 · Tự giới thiệu · Văn thuyết minh
Theo hoctotnguvan.vn