Hướng dẫn thuyết minh về giới thiệu con trâu theo cách đối thoại – Tập làm văn 9
Hướng dẫn
Giới thiệu con trâu đối thoại. Văn 9
Đề bài: Giới thiệu con trâu theo cách đối thoại.
Bài làm
Nắng hè rải nhẹ trên đồng cỏ xanh mướt. Gió lượn khẽ khàng làm rung rinh những ngọn cỏ non. Những ngọn tre cao vút cũng rì rào.
– A! Chào bác trâu Vạn! Bác đang nghỉ trưa ạ? – Nghé ọ chào trâu Vạn.
– Chào nghé con, bác vừa cày xong thửa ruộng mà! – Trâu Vạn dừng gặm cỏ, nhìn nghé ọ.
– Bác ơi, sao họ nhà trâu chúng ta cứ phải làm việc vất vả cho con người như vậy? – Nghé có vẻ bức xúc.
Trâu giải thích:
– Chúng ta làm việc để trả ơn con người mà cháu. Chính họ đã thuần hoá trâu rừng Đông Nam Á – tổ tiên chúng ta thành trâu nhà ngày nay đấy.
Nghé con gặm búi cỏ non, hếch mặt thắc mắc:
– Hoá ra vậy. Không biết hình dáng của tổ tiên có giống chúng ta ngày nay không hả bác?
Vừa gặm cỏ, trâu Vạn vừa giảng giải:
– Bác chỉ biết rằng trâu rừng sống hoang dã to lớn và dữ tợn hơn trâu nhà. Nhưng nhìn chung, trâu rừng hay trâu nhà cũng có những điểm chung. Trâu lông ngắn màu đen hoặc xám, cũng có khi màu trắng gọi là trâu bạc. Bụng và đầu trâu to, mông dốc, bốn chân vững chãi. Trâu có cái trán gồ, đôi mắt hơi lồi, đen và rất sáng. Họ nhà trâu đặc biệt vì có đôi sừng dài và cong nhọn như lưỡi liềm ở trên đầu. Cặp sừng này khiến kẻ thù dù đáng sợ cũng phải gờm.
Nghé con vẫn ngây thơ hỏi:
– Bác bảo họ nhà trâu to thế sao cháu bé tí thế này. Mà bác sao cũng không to bằng bác trâu Mộng?
– Đó là vì cháu mới chỉ là con nghé, là trâu con chưa trưởng thành. – Trâu Vạn tủm tỉm cười vì sự nôn nóng của nghé con, lại kiên nhẫn giảng giải – Lúc mới sinh, trâu chỉ nặng 25 đến 30 kg, khi trưởng thành nặng 400 đến 450 kg. Cân nặng còn tuỳ thuộc loài và giống; giống cái thường nhẹ cân hơn, như bác đây chỉ nặng 350 kg thôi.
– Thế bao giờ cháu mới mọc sừng? Các anh chị của cháu ai cũng có sừng rồi – Nghé phụng phịu.
– Mỗi trâu mẹ có khoảng năm hay sáu con, cháu chưa phải là con út đâu. Các anh chị của cháu đã trưởng thành nên mọc sừng, phải đi làm việc như trâu bố mẹ. Còn cháu mới là con nghé chưa mọc răng thì so sánh làm gì!.
– Vâng, cháu nhớ rồi, bác bảo đến ba tuổi trâu mới mọc răng cửa giữa cố định, đến sáu tuổi thì có tám răng cửa giữa. Vậy là còn ba năm nữa cháu là trâu trưởng thành, bác nhỉ?
– Cháu nhớ giỏi lắm! – Trâu Vạn khen nghé.
Tất cả những gì bác dạy cháu đều nhớ, nhất là những kiến thức về họ trâu nhà mình. – Nghé con tự hào – Bác dạy cháu rằng: Trâu là loài động vật thuộc họ Bò, thuộc nhóm Sừng rỗng, bộ Móng guốc chẩn, lớp Động vật có vú. Và… – Nghé con cau mày nhớ bài cũ.
Và vì có tới bốn ngăn dạ dày nên trấu thuộc phân bộ Nhai lại. Điều này thuận lợi cho chúng ta vì trâu làm việc vất vả nên cần có thức ăn dự trữ khi đói – Bác trâu cười, nhắc bài cho nghé con.
– Như vậy trời sinh ra trâu là để làm việc nặng nhọc hả bác?
Bác trâu Vạn tự hào, mắt sáng lên:
– Ừ, có thể nói như vậy vì nhà nông nuôi chúng ta để lấy sức kéo cày, mà kéo căy là công việc rất nặng nhọc. Như bác đây là loại trâu khoẻ, có thể cày được từ ba đến bốn sào mộng mỗi ngày, còn có trâu chỉ cày được đến ba sào. Trâu còn giúp cho người nhiều việc như kéo xe, kéo gỗ,… Cái đáng quý nhất là họ nhà trâu ai cũng chăm chỉ, cần mẫn.
– Chưa hết đâu ạ. Sữa trâu còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho con người. Mỗi chu kì, trâu sữa cho từ 400 đến 500 kg sữa tươi. Sữa này làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo – Nghé bổ sung.
Trâu Vạn nói với nghé con:
– Họ nhà trâu giúp người làm ra cây ngô, cây lúa nên người cũng yêu quý trâu hết lòng, người chăm sóc trâu rất chu đáo. Người nấu cháo gạo và cám chợ trâu ăn khi trâu làm việc nhiều. Trâu được người cho ăn cỏ non, rơm tươi. Mùa đông ít cỏ tươi thì cho ăn rơm, ăn cỏ khô, lá ngô,…; mùa hè cho trâu tắm mát dưới sông. Trâu là bạn của người nông dân. Từ tuổi thơ, trẻ con ở làng quê đã quen với việc chăn trâu, cắt cỏ. Chiều chiều, lũ trẻ cưỡi trâu, thổi sáo từ cánh đồng trở về là cảnh không thể quên khi nhớ về làng quê. Cảnh này đã đi vào thơ ca, chắc ai cũng nhớ câu thơ của vua Trần Nhân Tông “Mục đồng địch lí ngưu quy tận” (“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết”) tả cảnh buổi chiều trên cánh đồng. Trâu đi vào tranh dân gian, điêu khắc,… Tục ngữ có biết bao câu nói đến trâu: Con trâu là đầu cơ nghiệp, Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng,… Lòng trâu dịu đi sau những lúc vất vả lại nghe người hát:
‘Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Câỳ cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa cố bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Nghé con gật gù như người lớn nhưng vẫn cứ hỏi:
– Bác ơi, người yêu trâu thế sao vẫn cứ làm thịt trâu để lấy thịt, lấy sừng, lấy da trâu? Rồi người còn tổ chức hội chọi trâu, lễ đâm trâu?
Vừa nói xong, nghé con đã sụt sịt.
Bác trâu Vạn an ủi:
– Cháu còn nhỏ nên nhiều điều chưa hiểu cũng phải thôi. Da, thịt, sừng là những bộ phận của trâu mang đến lợi ích cho người, được người dùng làm thực phẩm, đồ mĩ nghệ hoặc đồ dùng. Còn hội chọi trâu, đâm trâu là những phong tục có ý nghĩa tâm linh văn hoá của dân tộc Việt Nam nên rất có ý nghĩa, cả thế giới loài người đối xử với trâu bò như vậy mà. Cháu à, ở đời, sống chết là chuyện sớm muộn, cái chính là phải sống sao cho có ích, có tình, có nghĩa để khi chết đi vẫn là một cái chết có ích cho đời, không phụ công người đối với ta. “Trâu chết để da, người ta để tiếng” là như vậy.
– Vâng, cháu hiểu rồi, cháu sẽ cần cù chăm chỉ như họ nhà trâu bao đời.
Cao Khánh Linh
(Trường THCS Trưng Vương)
Xem thêm Thuyết minh về con trâu. Văn 9
Tags:Con trâu đối thoại · Tập làm văn 9 · Văn thuyết minh
Theo hoctotnguvan.vn