Hướng dẫn thuyết minh về giới thiệu danh thắng Hương Sơn theo cách đối thoại – Tập làm văn 9

Hướng dẫn thuyết minh về giới thiệu danh thắng Hương Sơn theo cách đối thoại – Tập làm văn 9

Hướng dẫn

Thuyết minh về danh thắng Hương Sơn. Văn 9

Đề bài: Giới thiệu danh thắng Hương Sơn theo cách đối thoại.

Bài làm

Hôm nay mùng hai Tết mà thiên đình vẫn vắng vẻ.

Ngọc Hoàng: Các khanh! Trẫm chán quá, chẳng có việc gì để làm cả!

Nam Tào (nhanh nhẩu đáp): Hay thần chuẩn bị kiệu để Ngọc Hoàng đi chúc tết các Táo. Như vậy liệu có được không ạ?

Ngọc Hoàng: Việc đó đã nhầm rồi. Năm nào chả đi. Các ngươi có sáng kiến gì không?

Bắc Đẩu: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, thần có ý này ạ. Thần thấy ở dưới hạ giới, đầu năm ai cũng đi lễ để cầu phúc cho cả năm. Hay ngày mai Ngọc Hoàng thử xuống thăm thu cảnh chùa chiền ở hạ giới xem sao?

Ngọc Hoàng: Sáng kiến của ngươi rất hay. Ngày mai, ta sẽ đi thử một chuyến. Nhưng có bao nhiêu chùa, như vậy, ta biết đi chùa nào?

Nam Tào: Thần thấy hình như có Chùa Hương rất nổi tiếng, ai cũng biết đến. Ngọc Hoàng đi thăm ngôi chùa này được không?

Ngọc Hoàng: Vậy hả. Ta quyết định sáng sớm mai sẽ xuất phát.

(Theo như kế hoạch đã định, hôm sau Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu lên đường)

Ngọc Hoàng: Nam Tào, nghe nói ngươi giỏi địa lí, thế ngươi có biết Chùa Hương nằm ở đâu không?

Nam Tào: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, Chùa Hương chỉ là cách nói trong dân gian. Trên thực tế, Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hoá – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mĩ Đức, Hà Nội, ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là Chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là Chùa Trong. Hội Chùa Hương diễn ra từ ngày mồng sáu tháng giêng đến rằm tháng ba âm lịch hằng năm.

Ngọc Hoàng: Ra là vậy! Thế nhưng tại sao nó lại có tên là Chùa Hương? Nguồn gốc lịch sử là từ đâu?

Nam Tào: Theo truyền thuyết, vùng nhiều hang động này được tìm thấy cách đây hơn nghìn năm và đã được đặt tên Hương Sơn – lấy tên một ngọn núi ở phía bắc Tuyết Sơn trong dãy Hi-ma-lay-a (Ấn Độ) nơi Đức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt sáu năm ròng rã. Đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất chùa Thiên Trù. Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiên phú thì Chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hoà (1680 – 1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim dung Bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686. Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỉ XVII. Cho đến đầu thế kỉ XX, trong khu vực này đã có hơn 100 ngôi chùa.

Ngọc Hoàng: Ngươi tả qua cho ta nghe về khu di tích này đi.

Bắc Đẩu: Thưa Ngọc Hoàng, quần thể thắng cảnh Chùa Hương bao gồm 18 đền chùa, hang động nằm rải rác ở bốn thôn Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn. Các chùa động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỉ XVIII, XIX, đa số dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những nơi có địa thế đẹp dễ kiến tạo. 18 điểm được chia làm bốn khu như sau:

1. Khu Hương Thiên có tám di tích là: động Hương Tích, chùa Thiên Trù, Đền Trình, Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng và động Đại Binh.

2. Khu Thanh Hương: gồm chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.

3. Khu Long Vân gồm bốn điểm: chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế, hang Thánh Hoá.

4. Khu Tuyết Sơn gồm bốn di tích: chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì, đền Trình Phú Yên.

Nếu có đủ thời gian, Ngọc Hoàng phải đi trọn ba ngày mới hết.

Ngọc Hoàng: Thế thì lâu nhỉ. Ta sợ không kịp về Thiên đình.

Bác Đẩu: Nếu vậy thì chúng ta chỉ tham quan những phần chính thôi. Mà cũng đến nơi rồi đấy Ngọc Hoàng ạ. Trước mắt chúng ta là Bến Đục, nằm bên bờ sông Đáy. Đây là cửa ngõ vào khu danh lam thắng cảnh, thuyền đò chen chúc. Mời Ngọc Hoàng lên thuyền.

Xem thêm:  Thuyết minh một loài hoa, quả mà em thích nhất

Ngọc Hoàng: Ái chà! Cảnh vật ở đây thật đẹp và nên thơ. Lên đến bờ rồi, chúng ta đi đâu đây?

Nam Tào: Từ Bến Đục, ta đi bộ gần một cây số sẽ đến Bến Yến để lên thuyền xuôi theo một dòng suối có tên là Yến Vĩ đến Bến Trò (Bến Thiên Trù). Ngoài ra, có thể đi theo con đường bộ ven chân núi. Trên đường từ Bến Yến vào Bến Trò, ta có thể dừng chân tại Đền Trình (có nghĩa là nơi “trình diện” với thần linh trước khi đến cõi Phật) trên núi Ngũ Nhạc. Đây là đền thờ một vị thần núi. Đền còn có tên Đền Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng. Trên dòng suối Yến có cây cầu gỗ tên là cầu Hội. Từ chân cầu đi vào bên trái có thể đi vào chùa Thanh Sơn trong một động núi.

(Thuyền vừa cập bến Đền Trình, Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu vui vẻ thưởng ngoạn cảnh chùa)

Ngọc Hoàng: Chúng ta trình diện thần linh rồi, tiếp tục lên đường thôi.

Nam Tào: Bây giờ, ta sẽ đến chùa Thiên Trù hay còn gọi là chùa Ngoài.

Ngọc Hoàng: Chùa Ngoài à? Đây là lần đầu tiên ta nghe thấy đấy!

Nam Tào: Chùa được khởi dựng từ thời Lê Thánh Tông, năm Đinh Hợi (1467), niên hiệu Quang Thuận thứ tám. Đến niên hiệu Chính Hoà năm thứ bảy (1686), hoà thượng Trần Đạo Viên Quang tái thiết. Qua bao thế kỉ, đến năm 1942 thì toàn bộ công trình hoàn chỉnh, trở thành một lâu đài tráng lệ “ Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Trong kháng chiến chống Pháp, bọn thực dân và tay sai đã ba lần tàn phá chùa vào những năm 1947, 1948, 1950. Ngày 11 tháng 2 năm Kỉ Tị (1989), Ban xây dựng chùa Hương khởi công xây dựng lại. Đến ngày 11 tháng giêng năm Tân Mùi (1991) thì hoàn thành. Hiện nay, với quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng khiến Thiên Trù trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn. Giữa sân chùa có một đỉnh đồng cao 3m. Cạnh sân chùa có hồ bán nguyệt và vườn tháp. Trong vườn tháp có ngôi tháp Viên Công chứa hài cốt Trần Đạo Viên Quang, người có công trùng tu Chùa Hương. Ở đây còn có Thiên Thuỷ Tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp chảy xuống.

Ngọc Hoàng: Vãng cảnh chùa ở đây thật là thích. Không gian tĩnh mịch, trang nghiêm. Ngôi chùa còn rất đẹp nữa chứ!

Bác Đẩu: Thưa Ngọc Hoàng, phía trước mắt chúng ta còn rất nhiều chùa chiền, Ngọc Hoàng nhanh chân kẻo không kịp! Gần chùa Thiên Trù là Núi Tiên, có chùa Tiên ở trong hang. Năm 1770, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đề một bài thơ bát cú ca ngợi cảnh đẹp của động này. Trong chùa còn có năm pho tượng bằng đá do những người thợ đá ở Kiện Khê (Hà Nam) tạc năm 1907 dựa theò truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đã đắc đạo thành Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hương Sơn. Tượng Bà Chúa Ba ở giữa, phía trước là người chị cả Diệu Thanh cưỡi sư tử xanh (Văn Thù Bồ Tát) và tượng người chị thứ hai Diệu Âm cưỡi voi trắng (Phổ Hiền Bồ Tát). Phía sau là tượng vua cha và hoàng hậu mẹ của bà Chúa Ba.

Ngọc Hoàng: Không ngờ đây chính là nơi Quan Thế Âm Bồ Tát đã đắc đạo.

Bác Đẩu: Thần cũng vô cùng ngạc nhiên, thưa Ngọc Hoàng. Gần núi Tiên là chùa Giải Oan, nơi có giếng nước trong vắt gọi là “Thiên nhiên Thanh trì” hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Tương truyền Phật Bà Quan Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần nghỉ ngơi trước khi vào cõi Phật. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Chùa Giải Oan nằm trên sườn núi, phía trái đường đi Hương Tích, do sư tổ Thông Dục khai sáng vào thời Lê Thuần Tông (1735). Đến năm 1928, đại sư Thanh Tích tôn tạo lại theo thế bích sơn. Năm 1995, Ban xây dựng Chùa Hương trùng tu quanh chùa có: am Phật Tích, động Tuyết Kình Âm, Từ Vân, giếng “Thiên nhiên Thanh trì”.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về “Vấn đề rác thải”- Văn lớp 9

Ngọc Hoàng: Ngôi chùa này thật ấn tượng, ta rất thích cảnh quan nơi đây. Chùa Hương không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là một di tích có giá trị lịch sử lâu đời.

Nam Tào: Ngọc Hoàng chưa thấy được phần tuyệt vời nhất đâu ạ. Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi đi quanh co khoảng 2 km thì đến Chùa Hương (Chùa Trong). Đường xuống hang chùa là một cái dốc có 120 bậc đá. Vách núi trước cửa động có chữ “Nam Thiên đệ nhất động” khắc năm 1770.

Ngọc Hoàng: Cái tên này do ai đặt vậy?

Nam Tào: Bẩm Ngọc Hoàng, đây là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ông ta thật sự đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của chùa…

Ngọc Hoàng: Thế thì ta nên đi tiếp nhanh nhanh.

Nam Tào: Vào trong động, vẻ đẹp khác thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tuỳ theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người. Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo là một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng. Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng, bạc lấp lánh. Vào trong góc động, gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén,… toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động, thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là toà Cửu Long.

Ngọc Hoàng: Ta thấy bức tượng nào cũng đẹp cả. Vậy theo ngươi, cái nào là tuyệt vời nhất?

Nam Tào: Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc không những trong Chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài kí khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793. Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63 m đúc năm Thịnh Đức thứ ba (1655).

Ngọc Hoàng: Đẹp, đẹp thật, vẻ đẹp của ngôi chùa này khó có thể miêu tả bằng lời. Thật không uổng công ta vất vả từ trên Thiên đình xuống đây. Sao từ nãy không thấy Bắc Đẩu nói câu nào nhỉ?

Bắc Đẩu: Khởi bẩm Ngọc Hoàng, thần đang suy nghĩ: nếu Chùa Hương đẹp như vậy thì hẳn nó còn phải có ý nghĩa lớn lao nào đấy.

Ngọc Hoàng: Các ngươi nghĩ xem có đúng thế không?

Nam Tào: Ngọc Hoàng còn nhớ lúc chúng ta đi qua rừng mơ không. Những cánh rừng mơ đã ửng vàng, toả hương thơm dịu nhẹ cả không gian. Mơ là đặc sản của Chùa Hương. Giống mơ vàng óng nơi đây nổi tiếng khắp đất nước bởi hương vị dịu nhẹ, quả chắc và mọng nước, thơm ngon không nơi nào có được. Nếu giã từ cảnh đẹp Hương Sơn, Ngọc Hoàng có thể mang về làm kỉ vật một gậy trúc đã chống trên đường hành hương, vài mảnh gốc mơ già để pha nước uống, những quả mơ dày cùi nhọ hạt và mấy mớ rau sắng nấu canh hương vị thơm ngọt. Đó đều là những kỉ niệm rất tuyệt vời.

Ngọc Hoàng: Thế còn Bắc Đẩu, ngươi nghĩ sao?

Xem thêm:  Nét mới của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Bắc Đẩu: Thần nghĩ rằng cảnh đẹp Hương Sơn rất đa dạng, phong phú, vừa thực mà cũng thơ mộng, là trần thế mà thoáng chút thần tiên. Cảnh đẹp như thơ, như vẽ giúp chúng ta có thêm cảm hứng yêu núi sông này. Nét trội nhất, đặc sắc nhất của vẻ đẹp thiên nhiên Hương Sơn là sự hài hoà giữa non và nước, tạo nên vẻ tuyệt vời, xứng với bốn chữ “Sơn thuỷ hữu tình” khắc trên vách đá. Chính vì thế, đã có rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của Chùa Hương. Chùa Hương là nguồn gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam. Trong số đó, hổi tiếng nhất có lẽ là Hương Sơn phong cảnh ca (.Bài ca phong cảnh Hương Sơn) của Chu Mạnh Trinh, làm từ thế kỉ XIX, xưa nay rất được ca ngợi:

“Bầu trời cảnh Bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

[…]

Nhác trông lên, ai khéo hoạ hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây ”

Ngọc Hoàng: Theo ta nghĩ, du khách trở về với Hương Sơn như được trở về với cái thanh sạch, với đất thiền, cho tâm hồn trong trẻo, tinh khôi. Đứng trước những kiệt tác mà tạo hoá đã hào phóng ban tặng cho trời Nam ấy, cần rũ bỏ mọi bụi trần vương vấn, sống gần hơn với thiên nhiên để tìm lại cái thanh sạch cho tâm hồn. Khi xuống đây, ta đã lâng lâng một niềm vui, rời khỏi những công việc bộn bề trên Thiên đình để hoà vào một chốn Bồng Lai ngay trên trần gian.

Nam Tào: Bắc Đẩu: Ngọc Hoàng nói chí phải ạ.

Ngọc Hoàng: Cảm ơn các ngươi. Cuộc đi chơi của chúng ta hôm nay thật thú vị. Nếu chỉ cứ ngồi mãi trên Thiên đình thì chắc ta không thể biết rằng chốn trần gian lại có một ngôi chùa đẹp đến nhường này. Nhưng ta thấy cũng còn một vài điều cần nhắc nhở con người nơi hạ giới. Thứ nhất, ta thấy trên đường đi còn rất nhiều rác do khách du lịch vứt. Chính vì thế, ta sẽ gọi Táo Môi Trường đến để bảo ông ta nhắc nhở người dân có ý thức hơn. Thứ hai, đây là một ngôi chùa đẹp đã có từ rất lâu nên việc tu bổ, giữ gìn là vô cùng quan trọng. Ta sẽ đề nghị vị sư trụ trì tu bổ, sửa chữa những nơi đã cũ, có nguy cơ hỏng để chùa trở nên đẹp hơn, to hơn,… Nếu làm được như vậy thì ta tin chắc rằng Chùa Hương sẽ là một thắng cảnh không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Nam Tào: Thần nghe nói hình như Chùa Hương đang được UNESCO xem xét để có thể công nhận là Di sản thế giới đó ạ.

Ngọc Hoàng: Nếu vậy thì tuyệt quá! Ta mong Chùa Hương sớm trở thành Di sản văn hoá thế giới. Thôi, cũng sắp tối rồi, ta và các ngươi cùng về Thiên đình. Năm sau, chắc ta sẽ rủ các Táo cùng xuống thưởng ngoạn cảnh tuyệt vời của Chùa Hương.

(Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu cùng nhau trở lại Thiên đình. Tuy vậy, Chùa Hương đã để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng mỗi người về vẻ đẹp hoàn thiện hoàn mĩ của nó).

Đặng Kim Anh

(Trường THCS Ngô Sĩ Liên)

Xem thêm Một cuộc đối thoại về con trâu. Văn 9

Tags:Danh thắng Hương Sơn · Tập làm văn 9 · Theo cách đối thoại · Văn thuyết minh

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *