Kể về một lần trót xem trộm nhật kí của bạn – Ngữ Văn 9

Kể về một lần trót xem trộm nhật kí của bạn – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Kể về một lần trót xem trộm nhật kí bạn

Đề 5. Hãy kể về một lần trót xem trộm nhật kí của bạn

1. Yêu cầu

– Yêu cầu kể chuyện, câu chuyện có thực (người thực, việc thực) ; người kể trực tiếp tham gia vào câu chuyện.

– Cần xác định rõ mục đích kể chuyện (sự hối hận hay cảm thông).

– Bố cục truyện và các chi tiết cần hợp lí, dẫn dắt truyện tự nhiên và mạch lạc.

– Biết kết hợp với miêu tả, biểu cảm, nghị luận.

2. Gợi ý

– Câu chuyện là chuyện có thực nhưng cũng nên hiểu đây chỉ là một giả thiết của người ra đề. Nếu việc đó không có thực với bản thân thì cũng nên đặt mình vào tình huống đó mà kể. Việc xem trộm nhật kí của bạn là không hay. Thế nhưng cũng tùy trường hợp, vì vô tình hay cố ý mà biết. Và khi biết rõ sự việc, sẽ cư xử với bạn như thê nào mới là điều quan trọng. Nên chọn lấy một tình huống hợp lí để kể.

– Cái khó khi kể chuyện này là tạo ra được một tình huống hợp lí để có thể xem được nhật kí của người khác.

– Trong khi kể cần sử dụng các yếu tố miêu tả: hành động, dáng vẻ nhân vật cũng như khung cảnh diễn ra câu chuyện. Cần kết hợp biểu cảm và nghị luận khi đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ về bạn.

– Cùng một sự việc nhưng kết thúc có thể theo nhiều hướng.

3. Lâp dàn ý

a. Mở bài: Tình huống xảy ra câu chuyện (có thể là trong một buổi học nhóm tại nhà bạn ; đến thăm bạn ốm phải nghỉ học ; trong lớp học, khi bạn vô tình để quên nhật kí,…).

b. Thân bài

– Tâm trạng nhân vật “tôi” khi phát hiện ra đó là nhật kí của bạn

Cuộc đấu tranh giữa ý thức và sự tò mò. Cuối cùng sự tò mò thắng cuộc.

– Tâm trạng “tôi” khi đọc nhật kí của bạn

  • Khi đọc một trang nào đó, hiểu về hoàn cảnh của bạn thế nào và từ đó suy nghĩ về mọi việc xung quanh.
  • Khi đọc một trang khác, hiểu suy nghĩ, tình cảm của bạn.
  • Từ đó, hiểu gì về bạn.

– Trả nhật kí của bạn về chỗ cũ và suy nghĩ sau khi đọc nhật kí của bạn

  • Hiểu mình, hiểu hoàn cảnh của bạn, quý bạn hơn.
  • Hiểu việc làm của mình là có lỗi. Thầm xin lỗi bạn.

c. Kết bài: Những ngày sau khi đọc nhật kí của bạn ; tình cảm của mình với bạn, với mọi người.

4. Bài làm minh hoạ

Thời thơ ấu của mỗi con người thường gắn bó với rất nhiều kỉ niệm. Đối với tôi, mọi kí ức không bao giờ có thể phai mờ chính là lúc tôi lên mười tuổi, khi lần đầu tiên đọc nhật kí của người bạn cùng lớp. Sau lần ấy, tôi đã học được nhiều điều về cuộc sông.

Mai, bạn cùng lớp với tôi là một người khá ít nói và trầm tính. Bạn sống kín đáo, dường như cả lớp không ai thực sự hiểu rõ về hoàn cảnh cũng như con người Mai. Chỉ có một điều chắc chắn rằng: Lớp tôi không phải ai cũng ưa Mai và càng ngày Mai càng lẻ loi, cô độc.

Xem thêm:  Ước nguyện của Thanh Hải qua hai khổ thơ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”- Văn lớp 9

Có lẽ, tôi cũng sẽ chỉ như vô vàn người khác có thành kiến với Mai nếu không đọc quyển nhật kí của bạn. Hồi ấy, tôi là một đứa bé khá nghịch ngợm và hay tò mò. Hôm đó, ở lại trực nhật, tôi phát hiện một quyển sổ bìa xanh nằm dưới hộc bàn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi bước đến và lật quyển sổ ra xem. Thì ra, đó là quyển sổ nhật kí Mai để quên. Tính hiếu kì trỗi dậy. Từ trước đến nay, tồi chưa từng bao giờ được đọc nhật kí của người khác. “Nên làm gì bây giờ?” câu hỏi đó cứ xoáy vào trong óc tôi. Thực sự, tôi biết đọc nhật kí của người khác là không tốt, không tôn trọng bạn nhưng lần ấy, sự tò mò đã chiến thắng lí trí. Tôi đã cầm quyển sổ về chỉ với một suy nghĩ trẻ con rằng: Đọc xong, mình sẽ trả lại chỗ cũ, không ai biết đâu. Tôi đâu ngờ, điều đó làm thay đổi cả suy nghĩ của một cô bé mười tuổi, vốn quen với một cuộc sống sung túc như tôi.

Lật trang đầu quyển sổ nhật kí, tôi bắt gặp tấm ảnh Mai chụp cùng một người phụ nữ mà tôi chưa hề gặp. Người phụ nữ ấy có một ánh mắt nhân hậu, sáng ngời tình yêu thương. Chắc chắn, Mai đã chụp bức ảnh này từ lâu lắm rồi, lúc đó bạn chỉ khoảng bốn, năm tuổi. Bên dưới có dòng chữ “Mẹ thân yêu”. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Học suốt với Mai năm năm liền mà chưa bao giờ tôi thấy Mai nhắc đến mẹ mình. Tôi chỉ biết, bố Mai là thương binh đang nghỉ mất sức. Tò mò,.tôi lật tiếp trang sau quyển nhật kí. Và… thật không ngờ. Mẹ Mai đã mất cách đây bốn năm khi bạn vừa tròn sáu tuổi. Đọc những dòng chữ vô cùng nắn nót mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi đâu ngờ một người tưởng chừng lạnh lùng, vô cảm như Mai lại có một tình thương dạt dào đến vậy.

“Ngày 19-6. Mẹ ơi, con không thể quên ánh mắt mẹ đón con ở trường mẫu giáo. Hồi đó con còn bé chưa cảm nhận được gì. Bây giờ, con hình dung lại đôi mắt luôn dõi theo chăm sóc, nơi con tìm thấy tình thương của mẹ giữa vô vàn người khác. Ánh mắt ấy không thể lẫn vào đâu được…”

Đọc đến đây, mặt tôi ướt đầm nước mắt, cổ họng nghẹn lại, vừa bàng hoàng bất ngờ lại vừa xót xa. Sao lại có thể như vậy được. Thì ra bấy lâu nay, Mai ít nói như vậy là bởi bạn ấy đang phải trải qua nỗi đau quá lớn, vẫn chưa thể nguôi ngoai. Mai đã không thể chia sẻ với người khác hay tại chúng ta, những con người đã quá thờ ơ, bạc bẽo. Mai đã phải chịu đựng tất cả một mình. Bạn đã phải rất cố gắng sống vì bố, vì gia đình, vì niềm ao ước cuối cùng của người mẹ là Mai được hạnh phúc. Trong thâm tâm, từ trước tới nay tôi luôn nghĩ về cuộc sống quá đơn giản, đâu biết rằng xung quanh mình còn biết bao mảnh đời bất hạnh. Quyển nhật kí đã làm tôi bừng tỉnh, giúp tôi bước qua khỏi một thế giới hoàn hảo, đẹp đẽ mà tôi luôn tự vẽ ra cho mình. Lấy hết can đảm, tôi tiếp tục giở trang tiếp theo của quyển sổ. Lần này, trong tôi tràn ngập một sự kính trọng, nể phục người bạn nhỏ của mình.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Thuật ngữ

“Ngày 23 – 11. Trời hôm nay lạnh quá, mùa đông…, chẳng còn nhiều cửa hàng lấy bánh nữa. Mà bố thì ngày càng đau ốm, bệnh khớp lại tái phát rồi, còn cái Na nữa chứ. Mình biết làm sao đây…?”

Thì ra, sáng sáng, từ mờ sớm tinh sương, Mai đã dậy đi giao bánh mì cho các cửa hàng, không kể nắng mưa, gió bão. Mai phải làm tất cả những việc nặng nhọc đó trong khi những đứa bạn cùng tuổi vẫn đang chìm trong giấc mơ êm đềm. Tất cả, chỉ để kiếm những đồng tiền nhỏ nhoi về nuôi gia đình. Tôi mường tượng ra hình ảnh một cô bé ăn mặc phong phanh, đầu không đội mũ, len lỏi đi giữa tiết trời lạnh đến cắt da cắt thịt mà tự thấy xấu hổ cho bản thân mình. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết vòi vĩnh bố mẹ, chẳng giúp được gì. Còn Mai, đã gánh vác tất cả mọi việc trên.đôi vai bé nhỏ. Có lẽ, cũng chính vì vậy, Mai đã không thể tham gia vào các hoạt động của tập thể, vậy mà chúng tôi đã không hiểu, không biết và không thông cảm. Đọc tiếp những trang sau của quyển nhật kí, tôi còn cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của Mai với cha mình. Mai đã hết mực thương yêu, chăm sóc người cha bệnh tật. Mười tuổi, khi mà những đứa trẻ như tôi còn chưa biết lo, biết nghĩ thì Mai đã lo âu, chăm sóc người khác như một người trưởng thành. Dường như, Mai đã và đang từng giờ cảm nhận nỗi đau của bố mình bằng trái tim nhạy cảm, đầy yêu thương của một người con hiếu thảo tuyệt vời.

Chuông đồng hồ điểm, vậy là mười hai giờ đêm. Suốt cả buổi tối hôm ấy, tôi đã ngồi đọc quyển sổ nhật kí của Mai. Đó là một buổi tối tôi sẽ không bao giờ quên, một buổi tối đã dạy cho tôi biết bao bài học về cuộc sống làm người.

Sáng hôm sau, tôi đến lớp thật sớm, đặt quyển nhật kí vào đúng hộc bàn. Tôi biết mình phải làm gì. Tôi tìm đến cô giáo chủ nhiệm, kể với cô những gì mình biết. Cô cũng rất xúc động. Cô nói với tôi rằng phải thật khéo léo giúp đỡ, không nên động chạm đến nỗi đau của Mai. Cô đã lựa chọn một thời điểm thích hợp để nói chuyện với tất cả các bạn. Cuối cùng, cả tập thể lớp biết được hoàn cảnh của Mai vào một ngày cuối tuần. Bây giờ, chúng tôi mới hiểu ý nghĩa đích thực của hai chữ “tình bạn”. Dần dần, Mai đã hoà nhập, nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện trong sáng đã trở lại, xoá đi hình ảnh một cô bé gầy guộc, xanh xao ngày nào..

Thế đấy, bạn ạ. Đôi khi chỉ từ sự tình cờ có thể đưa đến biết bao sự thay đổi. Đôi lúc tôi tự hỏi: “Nếu ngày đó, mình không đọc quyển nhật kí thì giờ Mai sẽ thế nào nhỉ?” Thật khó để trả lời. Từ sự lưỡng lự, hối hận ban đầu giờ tôi tràn ngập một niềm vui khi đã cứu giúp được một người bạn. “Lỗi lầm” ấy cũng dạy tôi nhiều bài học, những bài học vô cùng quý giá. Bạn không thể chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người bởi không ai là hoàn hảo, sự đánh giá ấy sẽ là rất vội vã, thiếu chín chắn và đôi khi có thể gây tổn thương đến người khác. Chúng ta cần phải sống thực tế biết nhìn nhận tất cả những gì xung quanh bằng con mắt chân thực, khách quan nhất, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Đừng sống quá thờ ơ, vị kỉ bởi như một nhà văn đã viết “Vô cảm là con dao giết chết trái tim”. Vậy, hãy để con tim ta nảy nở những tình cảm gắn bó, chân thành, khi ấy ta sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Biết yêu thương người khác ta sẽ nhận lại được vô vàn tình cảm ấm áp như những gì Mai xứng đáng được hưởng vì sự hiền thảo, tấm lòng vị tha của chính mình.

Xem thêm:  Ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải qua đoạn thơ “Ta làm con chim hót…Dù là khi tóc bạc”

Cho đến tận bây giờ, Mai vẫn chưa biết rằng hôm đó tôi đã đọc quyển nhật kí. Mai là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó cho chúng tôi học tập. “Mai ơi! Những gì cậu có được ngày hôm nay chính là phần thưởng xứng đáng cho một người con tuyệt vời như cậu, không phải bắt nguồn từ sự tình cờ nào đầu… ”

(Nguyễn Thanh Tú, lớp 9A1, Trường THCS Trưng Vương,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhân xét

Việc xem nhật kí của bạn là một việc không có gì nhiều để nói, để kể, ngoài một điều ai cũng biết rằng đấy là một việc làm không hay, nếu không được bạn cho phép.

Người viết đã khéo léo thông qua việc tình cờ xem nhật kí để phát hiện ra những điều mà cả lớp ít biết về Mai, một người bạn ít người ưa và có vẻ lẻ loi, cô độc. Câu chuyện về Mai với hoàn cảnh éo le và nghị lực, cố gắng vượt bực của bạn đã dần dần hé lộ. Người viết không giấu niềm cảm xúc, khâm phục của mình với người bạn. Thì ra cái tính xấu của sự tò mò lại đem lại một điều quan trọng: hiểu biết về một con người, hơn nữa một người bạn rất đáng cảm thông, trân trọng và mến phục.

Cách cư xử của người viết là một cách cư xử đúng đắn, khi lặng lẽ báo cáo với cô giáo chủ nhiệm và thầm xin lỗi bạn của mình.

Kết thúc câu chuyện là lời độc thoại nội tâm, nhưng lại như là một lời nhắn, lời đối thoại “ngầm” với Mai chính là tình cảm và sự đánh giá chân thành của người viết.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *