Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải – Ngữ Văn 9
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Đề bài: Chép lại và phân tích khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
1. Yêu cầu
– Thuộc lòng và chép lại chính xác khổ đầu (6 dòng) trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
– Viết bài văn nghị luận về một khổ thơ trong bài thơ.
– Vấn đề cần nghị luận (phân tích, cảm nhận) là khổ đẩu của bài thơ.
– Phân tích, cảm nhận về cái hay, cái đẹp của nội dung và hình.
– Những điều cảm nhận, phân tích phải đặt trong tương quan với cả bài và làm nổi rõ tư tưởng chủ đề của bài thơ
2. Gợi ý
– Đọc kĩ cả bài thơ, đặc biệt là khổ đầu.
– Tham khảo các bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình về bài thơ.
– Những cảm nhận mùa xuân thể hiện qua các giác quan nào? Sự tinh tế và mới lạ trong cách cảm nhận và thể hiện là gì?
– Hiểu thế nào về “giọt long lanh rơi”? Sự trân trọng của tác giả với tín hiệu mùa xuân.
– Kết hợp nghị luận với biểu cảm.
3. Lập dàn ý (dàn ý sơ lược)
a. Mở bài: Thanh Hải và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
b. Thân bài
– Cảm nhận về mùa xuân của tác giả.
– Phân tích vai trò các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác).
– Vẻ đẹp của việc đảo trật tự cú pháp: mọc… bông hoa tím biếc.
– Suy nghĩ về tín hiệu mùa xuân: hoa, tiếng chim.
– Sự trân trọng của tác giả với mùa xuân: hứng giọt long lanh.
c. Kết bài: Nhấn mạnh vẻ đẹp của khổ thơ trong vẻ đẹp của toàn bài: mùa xuân của đất trời và mùa xuân dâng hiến của mỗi con người.
4. Bài làm minh họa
Thanh Hải đến với chúng ta trong một niềm cảm mến sâu xa. Ông đã tặng lại chúng ta một mùa xuân thấm đượm lòng người trước lúc đi xa. Và cũng chính ông đã nuôi dưỡng được trong trái tim mỗi người chúng ta một mùa xuân tươi đẹp và rạo rực hương sắc của thiên nhiên, tâm tình con người. Điều đó thể hiện rõ ngay từ khổ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải thể hiện cảm xúc của tác giả về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước, mùa xuân con người của xứ Huế, Việt Nam. Ớ khổ thơ đầu bài thơ, chỉ bằng một vài nét “phác thảo”, nhà thơ Thanh Hải đã vẽ ra một khung cảnh mùa xuân thiên nhiên tuyệt đẹp, trong trẻo. Không gian mùa xuân ấy mở ra cả chiều ngang theo dòng sông, cả chiều cao theo cánh chim chiền chiện. Tác giả sử dụng hai gam màu: xanh, tím, trộn lẫn hài hoà chúng với nhau thành một sắc màu rất Huế. Tác giả dùng hai hình ảnh: chim chiền chiện và hoa tím tạo thành một quang cảnh đậm chất miền Trung.
Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc ơi con chim chiền chiện Hót chi mà vang trời.
Cứ thế, nhà thơ Thanh Hải khắc hoạ trước mắt chúng ta một mùa xuân yên bình, thanh tĩnh, trong sáng của xứ Huế. Trong câu thơ đầu, tác giả còn sử dụng phép đảo cấu trúc câu, đặt động từ “mọc” lên trước làm cho không gian như lan toả sức sống căng trào của dòng sông. Sự sinh sôi, nảy nở của “bông hoa tím biếc” đã được nhấn mạnh một cách khéo léo. Bức tranh với những sắc màu trang nhã, đậm đà và sâu lắng. Đường nét, màu sắc hoà vào trong sự dịu dàng, duyên dáng của xứ Huế mộng mơ.
Không những thiên nhiên cho chúng ta cảm nhận về thị giác, mà còn gợi lên cả âm thanh ngọt ngào đó là tiếng hót trong trẻo tươi vui của loài chim chiền chiện. Thán từ “ơi” cho chúng ta thấy sự bất ngờ, ngạc nhiên, vui thú của tác giả khi nghe tiếng chim hót. Phần đặc sắc nhất của khổ thơ nằm ở hai câu thơ cuối:
Từng giọt long lanh
Tôi đưa tay tôi hứng.
Câu “Từng giọt long lanh rơi” gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. “Giọt” ở đây, phải chăng chính là những hạt sương, hạt mưa xuân rơi dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, trở nên long lanh, lấp lánh. Hay đó là chuỗi hạt được cô đọng lại từ tiếng hót tuyệt diệu của những chú chim chiền chiện? Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, ta có thể nhận ra tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, giúp chúng ta chạm được âm thanh cao vút của mùa xuân, chứ chẳng phải là nghe thấy nó. Cách hiểu này hơi cầu kì, tinh tế hơn cách nhìn trước. Nhưng hiểu theo cách nào cũng rất hay, rất đẹp. Không chỉ có chúng ta mà tác giả cũng rất muốn “hứng được dòng âm thanh tinh tuý của đất trời” đó. Đại từ “tôi” được lặp lại hai lần cho thấy tác giả trân trọng những giọt này hay mùa xuân Việt Nam như thế nào: Tôi đưa tay tôi hứng.
Tình cảm của tác giả dành cho mùa xuân là tình cảm yêu quý, trân trọng thiên nhiên cuộc sống. Thanh Hải đã vĩnh viễn đi xa nhưng bài thơ của ông vẫn làm nên mùa xuân trong lòng mỗi chúng ta. Bất chấp thời gian, lao động và cống hiến của con người sẽ chính là mùa xuân bất diệt của dân tộc, của đất nước.
(Nguyễn Việt Hương, lớp 9A3, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhận xét
Bạn đã biết cách làm bài văn nghị luận về một khổ thơ. Bạn đã phân tích hình ảnh, âm thanh và vẻ đẹp của câu thơ dùng biện pháp đảo trật tự cú pháp. Với một khổ thơ ngắn để bắt đầu một bài thơ thì bài viết của bạn là vừa phải.
Theo hoctotnguvan.vn