Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Hướng dẫn

Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Bài Làm

Nhắc đến Nguyễn Du, một đại thi hào văn học nước ta thì không ai là không biết đến tác phẩm Truyện Kiều xuất sắc của ông. Truyện Kiều là một bức tranh hiện thực về môt xã hội bất công, là tiếng nói thương cảm trươc số phận bi kịch của con người. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích đặc sắc, “một bức tranh tâm tình đầy xúc động” được Nguyễn Du khắc họa tài tình tâm trạng Thúy Kiều. Đó là nỗi nhớ người yêu, cha mẹ trong sự buồn bã, cô đơn và vô vọng.

Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn, Tú bà vờ hứa hẹn đợi nàng bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế. Mụ đã đưa Kiều giam lỏng tại lầu Ngưng Bích đợi thực hiện âm mưu mới. Mở đầu đoạn trích, tác giả đã vẽ nên khung cảnh trước lầu Ngưng Bích đượm buồn:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.”

Chỉ với hai từ “khóa xuân” đã cho người đọc hiểu được Kiều đang bị giam lỏng,. Lầu Ngưng Bích lúc này chính là nơi khóa kín tuổi thanh xuân hạnh phúc của Kiều, đóng sập lại cánh cửa niềm vui và bao mơ ước của một người con gái. Mình Kiều đơn độc nơi không gian mênh mông hoang vắng, rợn ngợp trước không gian “bốn bề bát ngát”. Dường như lầu Ngưng Bích đang chới với, chơi vơi giữa mênh mang trời nước “non xa” “trăng gần”. Đó là một bức tranh hoang vắng, không một bóng người, không một nét thân mật, cũng chẳng có lấy một ngươi bầu bạn an ủi nàng lúc này.

Một mình Kiều vẫn cô đơn với những đau khổ tủi nhục vừa mới trả qua:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

Xem thêm:  Phân tích bài thơ “Sang thu” – Ngữ Văn 9

Hình ảnh “mây sớm đèn khuya” chỉ một vòng thời gian khép kín ngày rồi đêm cứ lặp đi lặp lại. Nhưng vẫn chỉ có một mình nàng Kiều “bẽ bàng” thui thủi một mình mà thôi trong cảnh bao la hoang vắng bốn bề chỉ có cồn “cát vàng”, dặm “bụi hồng”. Không gian rộng lớn vô bờ là thế mà chỉ xuất hiện một sự sống như đang chết dần trong từng hơi thở. Không gian càng bát ngát rộng lớn bao nhiêu thì con người lại càng trở nên bé nhỏ, hiu quạnh bấy nhiêu. Dường như tâm trang của Kiều cũng nhuốm buồn lên cảnh vật bởi “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Nỗi đau khổ buồn bã của Kiều càng khiến nàng nhớ về người yêu, nhớ về cha mẹ.

Kiều nhớ về Kim trọng, mối tình đầu lãng mạn nhưng lại gặp qúa nhiều trắc trở:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Thúy Kiều tưởng tượng đến chàng Kim Trọng với lời thề đôi lứa sắt son, ngày đêm vẫn đau đáu ngóng trông hướng về Kiều. Trong lễ giáo phong kiến xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Nhưng Kiều và Trọng đã dám vượt khỏi lễ giáo ấy, lắng nghe trái tim mình mách bảo để nguyện kết duyên cùng nhau. Hai người đã thề non hẹn biển, cùng uống chén rượu nguyện kết duyên, nhờ ánh trăng sáng chứng dám cho tình yêu đẹp đẽ ấy. Nhưng giờ đây sự xa cách “chân trời góc bể” đã khiến hai người bơ vơ, sự xa cách khiến nàng trở nên xót xa và đau đớn. Đau đớn vì tấm lòng son ấy của Kiều đã bị vùi dập hoen ô biết bao giờ “gột rửa”được. Các động từ “gột, rửa, trông, mong chờ” đã cho thấy nỗi nhớ người yêu khôn nguôi của Kiều. Nàng xót xa cho mối tình nặng lời thề son sắt đang dần tan vỡ, niềm khát khao mãnh liệt mối tình cháy bỏng nhưng không biêt rồi sẽ đi về đâu.

Nơi chân trời góc bể bơ vơ, Kiều không chỉ nhớ tới Kim Trọng mà còn nhớ tới mẹ cha nơi quê nhà:

Xem thêm:  Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về con vật nuôi ở quê em – Con Mèo

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng âp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”

Tưởng tượng ra hình ảnh “tựa cửa” của mẹ cha ngày ngày vò võ ngóng trông trong sự chờ mong khắc khoải, nàng nhớ tới Sân Lai “gốc tử” tất cả đã đổi thay. Đó là dấu hiệu của thời gian dần trôi qua lặng lẽ, cũng là lúc cha mẹ rồi sẽ dần dần già yếu. Nghĩ tới đây thôi Kiều đã day dứt khôn nguôi. Đó là nỗi niềm đau đáu của đứa con đầu lòng không được phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi già sức yếu, không giữ trọn đạo hiếu làm con. Kiều không biết giờ này ở quê, ai sẽ là người “quạt nồng ấp lạnh” cho cha mẹ. Tới đây, người đọc càng thấy cảm thông và trân trọng Thúy Kiều hơn. Bởi dù nàng đã hi sinh bản thân để cứu gia đình, cứu cha mẹ nhưng vẫn luôn đau đáu nhớ về cha mẹ. Nàng quả là một người con gái có tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu đáng trân trọng.

Nỗi niềm của Kiều càng buồn và xót xa hơn, như biến thành lớp lớp sóng lòng trào dâng cuồn cuộn, dồn dập tới:

‘Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới xa

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

Dường như nỗi buồn của Kiều đã dâng lên đến đỉnh điểm. Nó không chỉ là nỗi buồn đơn thuần nữa mà đã dàn trải lên từng cảnh vật. Đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hình ảnh “thuyền” với “cánh buồm”, “hoa trôi man mác” cho thấy nỗi lo âu của Kiều trên hành trình lưu lạc mờ mịt. Nàng thương cho số phận nhỏ bé như “hoa trôi man mác” trôi dạt giữa dòng đời vô định. Hình ảnh “nội cỏ dầu dầu” báo hiệu một tương lai mờ mịt héo tàn. Trải dài đến chân mây mặt đất là “một màu xanh xanh”, xanh của nỗi buồn, xanh dầu dầu của sự tàn lụi, héo úa và vô vọng. “gió cuốn” cùng “ầm ầm tiếng sóng” là khung cảnh thiên nhiên bao la, dữ dội. Tất cả như đang bủa vây lấy người con gái lưu lạc trong nỗi buồn đau, cô lieu, hãi hùng. Với cách sử dụng từ láy “man mác”, “xanh xanh”, “dầu dầu”, “ầm ầm”, điệp từ “buồn trông” như những tiếng thở dài não nề cùng các câu hỏi tu từ đã tạo nên một âm điệu hắt hiu, trầm buồn đến ghê sợ. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh buồn thê lương.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Với bút pháp vịnh cảnh ngụ tình trong thơ Nguyễn Du, đoạn trich đã miêu tả rất thành công nội tâm nhân vật Thúy Kiều. Đoạn trích đã cho thấy sự cô đơn, buồn tủi đau đớn đến nát tan cõi lòng của Thúy Kiều. Tuy vậy người con gái xinh đẹp ấy vẫn giữ trọn mối tình thủy chung với Kim Trọng và tấm lòng hiếu thảo đối với mẹ cha. Đoạn trích chính là một bức tranh tâm tình đầy xúc động tiêu biểu trong thơ đại thi hào Nguyễn Du.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *