Qua các kì thi học sinh giỏi quốc tế, em có suy nghĩ gì về trí tuệ Viêt Nam – Ngữ văn 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ về trí tuệ của Việt Nam
Đề bài: Qua các kì thi học sinh giỏi quốc tế, em có suy nghĩ gì về trí tuệ Viêt Nam.
1. Yêu cầu
– Vấn đề cần bàn luận là trí tuệ Việt Nam.
– Bài viết đặt ra việc tìm hiểu và thâm nhập thực tế cuộc sống, việc tích luỹ kiến thức qua sách báo, qua các phương tiện truyền thông.
– Quá trình nghị luận ngoài vốn kiến thức, người viết phải có sự kết hợp khéo léo, hợp lí với các phương thức miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh.
– Cần thể hiện rõ niềm tự hào và niềm tin tưởng các tài năng của thế hệ trẻ Việt Nam để từ đó càng thấy rõ trách nhiệm và vai trò của bản thân đối với việc học hỏi, rèn luyện ý chí vươn lên.
2. Gợi ý
– Nên tìm đọc các tài liệu nói về các kì thi học sinh giỏi quốc tế, thi sáng tạo robot.
– Tham khảo các cuộc thi “Thắp sáng tài năng trẻ Việt Nam”, “Trí tuệ Việt Nam”, thi chế tạo Rôbôtcon do đài truyền hình Trung ương tổ chức và phát hình trực tiếp.
– Theo dõi cuộc họp mặt của thành phố Hà Nội sắp tới với học sinh đã đạt giải kì thi quốc tế trong 5 năm trở lại đây (2000 – 2005).
– Cần thuyết phục người đọc tin tưởng, tự hào về trí tuệ Việt Nam qua những gương mặt tài năng trẻ.
3. Lập dàn ý
a. Mở bài
– Truyền thống hiếu học và truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc (hoặc trích dẫn lời Nguyễn Thiếp, hoặc văn thơ).
– Học sinh đạt giải trong các kì thi quốc tế luôn là niềm tự hào của thế hệ trẻ nói riêng và cả nước nói chung.
b. Thân bài
– Các kì thi học sinh giỏi quốc tế là một sân chơi trí tuệ cho những người trẻ tuổi.
– Học sinh Việt Nam được đánh giá như thế nào trong các cuộc thi này?
(Dự thi các môn? Thành tích đạt được? Thứ hạng và những giải đặc biệt.)
– Suy nghĩ của bản thân (trọng tâm)
- Xúc động sâu sắc, tự hào khi quốc kì và quốc ca Việt Nam cất lên ở lễ trao giải (theo dõi truyền hình)
- Suy nghĩ về truyền thống cần cù, chăm chỉ tạo nên trí thông minh linh hoạt và sáng tạo của dân tộc Việt Nam – đặc biệt thanh niên học sinh Việt Nam. (liên hệ với với văn bản Chuẩn bị hành trang uào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan)
- Suy nghĩ về việc tham gia các kì thi học sinh giỏi quốc tế, vượt qua muôn ngàn khó khăn khách quan, chủ quan bởi hoàn cảnh của học sinh nước ta.
- Suy nghĩ về thành tích đạt được: vui mừng, sung sướng, tự hào.
– Những đề bạt mong muốn
- Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được bộc lộ tài năng và có chính sách đãi ngộ thoả đáng.
- Mong cuộc thi quốc tế viết thư UPU có giải cao. Đây thực chất là một dạng thi học sinh giỏi văn quốc tế.
c. Kết bài: Nhấn mạnh niềm tự hào, cảm ơn những người đã đem vinh quang về cho đất nước.
4. Bài làm minh hoạ
Việt Nam được biết đến không phải chỉ là đất nước anh hùng với bao chiến công lẫy lừng, với những con người cần cù chịu thương chịu khó mà bạn bè năm châu còn trân trọng chúng ta vì tài năng, trí tuệ. Biết bao công trình khoa học, bao phát minh, sáng chế, bao thành tích đáng vị nể, bao huy chương đã đưa dân tộc ta bước lên “đài vinh quang” để “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đặc biệt, thành tích của học sinh, sinh viên ta đạt được trong các kì thi học sinh giỏi quốc tế là niềm kiêu hãnh và tự hào cho mỗi chúng ta.
Hằng năm đều có rất nhiều các cuộc thi quốc tế được tổ chức trên thế giới với các bộ môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lí, Hoá, Tin,… thu hút các bạn trẻ thuộc nhiều độ tuổi tham dự. Việt Nam cũng là một đất nước đã có khá nhiều học sinh ưu tú dự thi và giành được những thành công đáng kể.
Chúng ta có bao nhiêu hào kiệt, nhân tài làm rạng danh cho đất nước, khiến cho các quốc gia khác phải nể phục, kính trọng.
Xưa kia, đi sứ sang Trung Quốc, Lương Thế Vinh, nổi tiếng với bài toán cân voi khiến triều đình Trung Hoa phải lắc đầu nể phục. Mạc Đĩnh Chi với bài phú Hoa sen giếng ngọc thể hiện cốt cách thanh tao của một người con đất Việt. Tuy vẻ bề ngoài xấu xí nhưng tài năng của ông đã khiến cho sứ thần Trung Quốc phải kinh ngạc và e dè. Cậu bé Nguyễn Hiền là người đã đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi và là ông Trạng trẻ nhất trong lịch sử dân tộc ta. Đây chỉ là một vài tên tuổi tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ mẫn tiệp của người Việt Nam xưa. Họ đã làm nên những điều đủ cho ta thấy được trí tuệ Việt Nam từ lâu đời đã tạo nên danh tiếng cho nước Việt Nam nhỏ bé, làm cho bạn bè yêu quý, nể phục còn kẻ thù thì khiếp sợ.
Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn luôn tiếp bước ông cha xưa, nỗ lực vươn lên học tập không ngừng nhằm đem vinh quang cho Tổ quốc. Thanh thiếu niên ở mọi lứa tuổi đang liên tục giành được các huy chương vàng, bạc, đồng, các giải thưởng của các cuộc thi uy tín trên toàn thế giới tô thêm màu son chói lọi vào bảng vàng thành tích của dân tộc ta.
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh những em học sinh tiểu học rạng rỡ bước ra từ trên máy bay ùa vào vòng tay người thân trước cửa sân bay Tân Sơn Nhất sau khi tham gia cuộc thi Toán quốc tế tháng 9 năm 2004 từ Ấn Độ trở về. Với 20 huy chương, trong đó 14 huy chương vàng, đoàn học sinh Việt Nam đã giành giải nhất toàn đoàn. Những con số đã từng khiến ta thấy sung sướng và tự hào khi nghĩ về những giây phút ấy. Trí tuệ Việt Nam quả thật đã toả sáng trên đất bạn. Chúng ta có thể tự hào hình dung được những cái nhìn đầy bất ngờ, đầy khâm phục của bè bạn năm châu. Những thành công mà các bạn học sinh gặt hái hôm nay sẽ là nền tảng cho những bước tiến sau này của đất nước. Những chiếc huy chương quý giá ấy sẽ là một sự tôn vinh của tài năng người Việt Nam ta trên con đường chinh phục những đỉnh cao tri thức của nhân loại.
Nói về lứa tuổi phổ thông trung học, phải kể đến Đỗ Hoài Anh – một học sinh tuổi “teen” Việt Nam khiến nhiều học sinh xuất sắc nhất nước Mĩ phải ghen tị. Nếu nghe qua bảng thành tích của chị, chúng ta không thể nào không trầm trồ thán phục: Giải nhất kì thi học sinh giỏi các trường phổ thông Đông Bắc Mĩ ; là một trong năm học sinh có điểm tổng kết cao nhất toàn Đông Bắc Mĩ với số điểm 99,7/100, chưa kể số điểm tuyệt đối 800/800 của môn Toán trong kì thi đại học. Cô gái trẻ tuổi này đã nhận được “Giải thưởng giáo dục” của Tổng thống Mĩ dành cho những học sinh trung học xuất sắc nhất toàn Mĩ và đã có tên trong Who is who among American High School Students (cuốn sách viết về những học sinh xuất sắc nhất của Mĩ). Chị nhận được học bổng của ba trường đại học Mĩ… Đó mới chỉ là một phần trong những thành tích mà chị Hoài Anh đã đạt được. Ngoài ra, chúng ta còn nhiều học sinh đi du học ở nhiều nước trên thế giới. Họ tuy gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, về phong tục, tập quán và cả sự eo hẹp về tài chính,… nhưng họ đã vượt qua những trở ngại đó để học tập thật tốt, đạt được những thành tích cao, làm rạng danh dân tộc Việt Nam ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Ba học sinh của khối chuyên trường Đại học Khoa học tự nhiên đã đoạt giải nhì AGAMES một cuộc thi sáng tạo lập trình do Liên minh công nghệ truyền thông – thông tin Châu Á (AIC) tổ chức. Đây là một cuộc thi có đẳng cấp quốc tế vì có sự góp mặt của các cường quốc công nghệ thông tin sừng sổ như Xin-ga-po, An Độ, Nhật Bản, Hồng Kông, In-đô-nê-xi-a,… Giải nhì này cùng với giải ba của các anh chị đội Học viện Bưu chính Viễn thông giành được trong nội dung Micro Mouse đã giúp đoàn Việt Nam vượt qua những cường quốc công nghệ thông tin khác. Thật đáng tự hào biết bao!
Nếu so sánh Việt Nam với những đất nước như Nhật Bản hay Ấn Độ về cơ sở vật chất và nền giáo dục tân tiến thì có thể nhận thấy rõ sự chênh lệch rất bất lợi của ta, vậy mà những thanh thiếu niên học sinh ưu tú đó không ngần ngại vượt qua bao khó khăn, trắc trở để đến với những đình cao tri thức mới. Chúng ta thật tâm đắc với câu nói: “Nhân tài là do 99% của sự cần cù chăm chỉ còn 1% của sự thông minh”. Những học sinh Việt Nam đã thấm nhuần câu nói đó và hơn thế nữa đã biết kết hợp hai yếu tố chăm chỉ và thông minh một cách hợp lí để đạt được thành tích ngày càng cao trong các kì thi quốc tế góp phần tôn vinh trí tuệ Việt Nam với bạn bè năm châu bốn bể.
Nền giáo dục của Việt Nam chưa phát triển bằng nhiều nước khác nên học sinh giỏi của chúng ta đã phải nỗ lực không ngừng để đạt được thành tích trên. Hình như càng khó khăn thì họ càng được tôi luyện và thử thách để thể hiện tài năng và bản lĩnh của người Việt Nam.
Có được người tài đã là khó nhưng sử dụng và phát huy được tài năng của họ là việc không đơn giản. Chế độ, chính sách, đãi ngộ,… là những việc làm trước mắt cần được quan tâm đúng mực hơn nữa. Riêng cuộc thi viết thư UPU, về thực chất là một dạng thi học sinh giỏi văn quốc tế, cũng cần được quan tâm để tim ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc giành giải cao. Mong rằng, trong cuộc thi Olimpic các môn tự nhiên vào tháng tám này tại Mê-xi-cộ, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục đứng lên bậc cao nhất làm rạng danh non sông đất nước ta. Cũng mong rằng ánh sáng bất diệt của trí tuệ Việt Nam sẽ toả ngời trong cuộc gặp gỡ các gương mặt đoạt giải quốc tế trong 5 năm trở lại đây của Thành phố Hà Nội. Đây là sự tụ hội của các anh tài, là sự bày tỏ niềm tự hào và tin tưởng của thành phố cũng như cả nước đối với các anh chị.
Hãnh diện và tự hào, khâm phục và ước mơ… Đó chính là cảm xúc của mỗi chúng ta trước các thành tích đáng quý đó.
(Vũ Ngọc Trâm, lớp 9A9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
⇒ Nhận xét
Bài viết bàn về một vấn đề lớn “trí tuệ Việt Nam”, nhưng chỉ giới hạn trong các kì thi quốc tế. Bạn đã dành một số dòng cần thiết điểm lại một vài danh nhân đất Việt xưa để khẳng định rằng trí tuệ mẫn tiệp của người Việt là một dòng chảy không ngừng. Về các cuộc thi quốc tế, người viết đã cập nhật thông tin dẫn ra kì thi tiểu học và gương cô gái Việt trên đất Mĩ, ba sinh viên khối chuyên Đại học Khoa học tự nhiên. Tuy vậy, các con số về thi Toán quốc tế mà đội tuyển Việt Nam luôn đứng ở tốp đầu, Lê Bá Khánh Trình đạt điểm tuyệt đối và là người có lời giải đẹp nhất (lần thi ở Vương quốc Anh) ; các huy chương Vàng của cuộc thi Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học chỉ được nhắc sơ lược trong một câu là một điều đáng tiếc.
Một đề bài khó, nhưng bạn đã vượt qua được bằng một bài viết khá.
Theo hoctotnguvan.vn