Suy nghĩ về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du – Ngữ Văn 9

Suy nghĩ về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Suy nghĩ về nhân vật Thúy Kiều

Đề bài: Suy nghĩ về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.

1. Yêu cầu

– Viết bài văn nghị luận về nhân vật của truyện thơ trong một đoạn trích.

– Vấn đề cần nghị luận (phân tích, cảm nhận) là nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

– Cần phân tích cảm nhận về thái độ và tình cảnh của Thuý Kiều khi phải tự nguyện biến thành một món hàng.

– Những điều cảm nhận, phân tích phải đặt trong tương quan với nhân vật trong toàn bộ tác phẩm.

2. Gợi ý

– Đọc kĩ đoạn trích, nhất là những câu nói về Kiều.

– Cần đọc các bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình về đoạn trích và về nhân vật Thuý Kiều.

– Hoàn cảnh của Kiều (để cho người mua xem mặt, thử tài).

– Thái độ của nàng: ngượng ngùng, đau khổ.

– Hành động của nàng: lặng lẽ, không nói một lời.

– Kết hợp nghị luận với biểu cảm.

3. Lập dàn ý (dàn ý sơ lược)

a. Mở bài: Giới thiệu nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích.

b. Thân bài

– Phân tích thái độ “nỗi mình thêm tức nỗi nhà”, “thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” của Thúy Kiều.

– Thái độ “ngại ngùng dợn gió e sương”.

– Sự im lặng mặc cho Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài”.

c. Kết bài: Nhấn mạnh nỗi đau của người con gái hi sinh tình yêu, trở thành vật bán mua của kẻ buôn người.

4. Bài làm minh họa

Nguyễn Du được tôn vinh không chỉ đơn thuần vì tài năng mà ở tấm lòng của ông với những kiếp sống bị đoạ đày, đau khổ. Trái tim nhỏ bé của nhà văn đập bởi nhịp đập của quần chúng cần lao, để mỗi ngày sống qua, mỗi cảnh trông thấy đều khiên cho nhà thơ “thêm đau đớn lòng“. Mà dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, người đau khổ nhất trong những người đau khổ vẫn là người phụ nữ. Lòng nhân hậu của bậc thiên tài đã giúp ông hiểu sâu sắc được nỗi bất hạnh muôn đời của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thối nát, để thốt lên đầy xót xa, ai oán trong thơ của mình:

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Bến quê

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Thuý Kiều là một trong những nhân vật có số phận như vậy. Trong Truyện Kiều của ông, nàng hiện thân cho những kiếp “hồng nhan bạc mệnh” điển hình của chế độ phong kiến xưa kia. Điều đó được thể hiện sinh động qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu lứơng thiện, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, Thuý Kiều và Thuý Vân vừa xinh đẹp tuyệt trần vừa trong trắng ngây thơ. Một buổi chiều xuân đi tảo mộ, nàng có hai cuộc gặp gỡ đầy định mệnh. Một là số phận bi kịch của Đạm Tiên như thầm dự báo trước tương lai của Kiều, cuộc gặp sau là niềm đam mê, hạnh phúc với chàng Kim Trọng tài hoa nhất bậc. Nếu không có “tai biến bất kì” thì cuộc đời cô gái “nghiêng nước nghiêng thành” này đã chẳng có trong thơ Nguyễn Du. Trước biến cố của gia đình, nàng biết chịu đựng và hi sinh khi quyết đính bán mình chuộc cha. Mặc dù đau đớn vô cùng, Kiều vẫn phải rời xa gia đình, từ bỏ mối tình đầu đép đẽ và trong sáng với Kim Trọng để trở thành món hàng mua bán với gã con buôn đê tiện Mã Giám Sinh.

Khi mụ mối đưa người viễn khách họ Mã tới để hỏi Kiều về làm vợ thì cuộc gặp gỡ ban đầu đã diễn ra trong đau đớn tuyệt vọng. Mã Giám Sinh xuất hiện trong buổi đến xem mặt như một kẻ bất nhân, đê tiện nhất mà chỉ ngay đêm hôm đó Kiều đã nhận xét với mẹ mình rất đúng về hắn:

Khác màu kẻ quỷ người thanh

Chẳng hay con lại mắc tay bợm già.

Khó có thể hình dung ra cuộc gặp mặt nào não nề, đớn đau hơn thế!

Tâm tình ngổn ngang, nỗi đau vì mối tình đầu tan vỡ, nỗi uất ức vì án oan mà cha và em trai phải chịu, nỗi xấu hổ, thẹn thùng khi bản thân lâm vào cảnh phải để người đàn ông lạ tới xem mặt,… Hình ảnh nàng khi bước chân ra khỏi khuê phòng thật muôn vàn xót thương:

Xem thêm:  Đề thi Học Kỳ II Ngữ Văn lớp 9 Huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.

Nước mắt của nàng thấm đẫm cả trang giấy, mỗi bước đi là mỗi bước xót đau. Những giọt nước mắt của tan nát, khổ đau làm quặn thắt lòng người đọc, khiên ai cũng thương thay cho thân phận nàng Kiều. Bước vào phòng khách với vẻ dè dặt, tủi hổ của người con gái khuê các:

Ngại ngùng dợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

Hình ảnh thẹn thùng của nàng là nỗi xấu hổ của người con gái mới lớn không may rơi vào hoàn cảnh trớ trêu lại vừa là sự hổ thẹn cho thân phận bất hạnh của mình. Trước nỗi đau đớn của Kiều, Mã Giám Sinh không một chút mảy may thương cảm mà còn xem nàng như xem một món hàng cần mua ở chợ:

Mối càng vén tóc bắt tay

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.

Xem xét mọi vẻ chứa đủ, hắn còn thử tài của Kiều theo kiểu của kẻ có tiền muốn mua hàng hoá xứng đáng với đồng tiền sẽ bỏ ra:

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.

Người thiếu nữ “sắc đành đòi một tài đành hoạ hai” được tên lái buôn họ Mã “đắn đo” mãi để “cân sắc cân tài”: ước lượng để sao mua được thật rẻ “món hàng” vô giá này. Chúng ta không thể không thương xót cho Kiều khi kẻ đê tiện “cò kè”, “thêm bớt” từng tí để ngã giá mua nàng với bốn trăm lượng… Kiều đau đớn thế nào khi nghĩ gã buôn thịt bán người ti tiện nhất thế gian này lại có thể làm chồng mình? Càng tan nát lòng hơn khi trong trái tim nàng in sâu hình bóng chàng Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Bắt đầu từ đây cuộc đời nàng bước ngoặt sang một trang khác, không còn êm đềm, ngọt ngào như trước nữa.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy phần nào số phận ai oán, bi thương của Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh’ mua Kiều. Đáng ra con người tài sắc “mười phân vẹn mười” này xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhất trong những người hạnh phúc, vậy mà xã hội phong kiến thối nát đã chà đạp phũ phàng khiến nàng phải gánh chịu khổ đau và bất hạnh trong mười năm đoạn trường cay đắng. Trái tim tràn đầy nhân ái, yêu thương của nhà thơ đã để cho Kiều trong khi quyết liệt đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc cho người phụ nữ nói chung thì cũng tố cáo sâu sắc cái xã hội lúc bấy giờ.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng Lẽ Sa Pa

(Đinh Thuỳ Linh, lớp 91, Trường THCS Trưng Nhị, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Nhận xét

Bạn đã viết về Thúy Kiều trong đoạn trích với những hiểu biết chung về nhân vật trong cả tác phẩm. Đó là một cố gắng đáng biểu dương, về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích, người viết đã nhấn mạnh sự đau khổ, ngượng ngùng khi phải tự mình bước ra như một món hàng để kẻ mua tha hồ “cân sắc, cân tài”. Nhất là khi trong lòng vẫn còn nặng tình với chàng trai Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Sau buổi ngã giá của Mã Giám Sinh, còn có bao nhiêu chuyện nữa xảy ra như nhờ. Chung công “khất từ” để Vương Ông được tha ; Vương Ông định tự tử, Mã Giám Sinh sang trao vàng “tờ hoa đã kí cân vàng mới trao”, rồi Kiều trao duyên cho Thuý Vân,..Vì vậy nếu viết “ngay đêm hôm đó” là không chính xác. Đúng ra là ngay sau đêm Mã Giám Sinh rước Kiều về trú phường, hôm sau nàng nói với mẹ: Xem gương lòng bấy nhiêu ngày – Thân con chang kẻo mắc tay bợm già và Khác màu kẻ quý người thanh -Ngẫm ra cho kĩ như hình con buôn.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *