Suy nghĩ về câu: “Khát vọng vươn lên phía trước, đó chính là mục đích cuộc sống” – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về nghị luận sống
Đề bài
“Khát vọng vươn lên phía trước, đó chính là mục đích cuộc sống”.
Anh (chị) hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày quan điểm của mình về câu nói trên của M. Gorki.
Hướng dẫn làm bài
Câu này đòi hỏi người viết phải hiểu được bản chất của khát vọng, phân biệt được khát vọng và dục vọng, thấy được khát vọng là động lực chân chính thúc đẩy con người đi đến thành công. Nói cách khác, mục đích của cuộc sống chính là khát vọng vươn lên phía trước. Từ nhận thức chung, rút ra bài học thiết thực cho bản thân.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Khát vọng là mong muốn, đòi hỏi của nội tâm với một sức thôi thúc mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hướng tới việc thực hiện những dự định cao cả, tốt đẹp. Bên cạnh khát vọng còn có dục vọng. Chúng đều là nguồn sức mạnh vô hình, nhưng một bên hướng tới mục đích cao đẹp, một bên nhằm thoả mãn những ham muốn của cá nhân, thậm chí là những thèm muốn thấp hèn. Chẳng hạn, muốn có một vị trí cao trồng xã hội để được cống hiến nhiều hơn, có điều kiện thực thi những dự án lớn lao vi lợi ích cộng đồng là khát vọng, nhưng giành giật, tranh chấp quyền lực để được thể hiện quyền uy và để hưởng thụ cá nhân lại là dục vọng.
– Trong câu nói của mình, M. Gorki muốn đề cập đến một biểu hiện cụ thể của khát vọng con người: khát vọng vươn lên phía trước. Vươn lên phía trước nghĩa là luôn hướng tới những gì cao xa hơn hiện tại. Nói cách khác, đó là sự phát triển, sự tiến bộ. Chẳng hạn, đã có tri thức, cần học hỏi nữa để tri thức giàu có thêm. Đã gặt hái được những thành công, phải làm sao để thành công hơn nữa. Người có khát vọng vươn lên phía trước thi không bao giờ thoả mãn với thực tại, mà sẽ vạch ra một lộ trình để phấn đấu không ngừng trong tương lai
– Sở dĩ cần có khát vọng vươn lên phía trước, bởi trước hết, khát vọng là một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp con người có khả năng vượt qua mọi gian nan, thách thức, đi tới cái đích đã được vạch ra. Một người không có khát vọng khác nào cỗ xe thiếu năng lượng. Nhờ khát vọng mà con người tự xác định được những việc cần làm trong cuộc đời và có kế hoạch để hoàn thành những công việc đó. Khát vọng sẽ đánh thức năng lực, trí tuệ để con người trở nên sáng suốt, thông minh hơn, tìm được con đường ngắn nhất đi đến thành công. Nhờ có khát vọng, con người mới không gục ngã sau mỗi thất bại, thậm chí vươn lên mạnh mẽ hơn nhờ kinh nghiệm và sự từng trải.
– Khát vọng thường không mơ hồ, mà bao giờ cũng gắn với một vấn đề cụ thể của đời sống, vì thế, nó luôn luôn đi đôi với mục đích. Ta đang nghèo ư? Vậy phải tìm cách để thoát nghèo và sau đó trở nên sung túc hơn. Ta chưa vững vàng về chuyên môn ư? Vậy phải quyết liệt hơn nữa trong học tập và làm việc để bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Ta còn thiếu kĩ năng sống ư? Vậy phải tìm cách tự trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để thích ứng với cuộc sống hiện đại. Đó đều là biểu hiện của khát vọng vươn lên phía trước, và nó chưa bao giờ xa rời những mục đích thiết thực do chính con người đặt ra một cách có ý thức.
– Câu nói của M. Gorki thực sự là một chân lí. Chân lí này trước hết đã được kiểm chứng bằng chính cuộc đời tác giả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ thuở nhỏ đã phải bỏ học để đi làm thuê kiếm sống, nhưng với khát vọng mãnh liệt, Gorki đã tự học, tự phấn đấu vươn lên để trở thành một nhà văn tài năng, có vốn học vận rất cao, đạt nhiều thành tựu trong sáng tạo nghệ thuật. Cuộc đời và sự nghiệp của M. Gorki là tấm gương mẫu mực về việc xác định mục đích lớn lao trong cuộc sống: đánh thức trong mình những năng lực tiềm ẩn nhờ không ngùng khát vọng vươn lên.
Hiện nay, tên tuổi cúa Nick Vujicic hẳn nhiều người biết đến. Sinh ra bị khuyết tật, không chân, không tay, ngỡ sống được đã là khó, vậy mà không ngờ, nhờ khát vọng, trí tuệ và bản lĩnh, Nick đã kiên trì khắc phục khó khăn để có thể làm được mọi việc như người bình thường: vệ sinh cá nhân, nấu nướng, bơi lội, chơi thể thao… Hơn thế, anh còn tự trang bị cho mình một vốn học vấn sâu rộng để viết sách và diễn thuyết ở hàng chục quốc gia trên thế giới, trở thành một diễn giả nổi tiếng và là một biểu tượng về nghị lực sống cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật. Một con người như thế hoàn toàn có thẩm quyền để truyền đến cho nhân loại thông điệp: Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng – tên một cuốn sách nổi tiếng của anh. Khát vọng được đề cập đến trong cuốn sách là khát vọng vươn lên, để không bao giờ gục ngã trước những đòn nghiệt ngã của số phận – điều rất gẳn gũi với tư tưởng của M. Gorki.
– Tính đúng đắn trong thông điệp của Gorki còn được kiểm chứng một cách Sống động qua thành công của các nhân vật lỗi lạc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhà khoa học đến người nghệ sĩ, từ người sản xuất đến nhà kinh doanh, từ chính trị gia đến bậc tu hành… Những thành quả mà họ đạt được đều có dấu ấn sâu sắc của khát vọng cao cả, chân chính và mục đích rõ ràng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bộc lộ khát vọng lớn nhất của đời mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là sự nỗ lực không mệt mỏi để phấn đấu thực hiện khát vọng thiêng liêng đó.
– Từ câu nói của Gorki, rút ra bài học cho bản thân.
(Lưu ý: Ý này, thí sinh cần viết một cách chân thành, thiết thực, xuất phát từ hoàn cảnh riêng của bản thân, tránh kiểu viết sáo rỗng.)
Theo hoctotnguvan.vn