Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn ngày nay – Ngữ Văn 12

Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn ngày nay – Ngữ Văn 12

Hướng dẫn

Loading…

Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn

Đề bài

“Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.

(Norman Kusin, Những vòng tay âu yếm, NXB Trẻ, 2003)

Hướng dẫn làm bài

Anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về ý kiến trên bằng một bài văn khoảng 600 chữ.

Câu nói của Norman Kusin đặt ra tương quan so sánh: sự mất mát về thể xác (cái chết) và sự mất mát về tâm hồn (lụi tàn) và ông cho rằng, mất mát về tâm hồn còn lớn hơn cả cái chết. Từ đó, có thể thấy nhà văn đề cao vai trò của tâm hồn trong đời sống con người. Để giải quyết đề này, người viết cần đặt ra một số câu hỏi để tự trả lời bằng lập luận và dẫn chứng: Cái chết có phải là điều mất mát lớn? Tại sao nói, cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời? Tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống nghĩa là thế nào? Tại sao để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống là sự mất mát còn lớn hơn cả cái chết?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

Loading…

– Con người hơn hẳn muôn loài ở chỗ: không chỉ biết sống, mà còn biết suy tư về cuộc sống của mình. Những suy tư ấy xoay quanh những câu hỏi từng được đặt ra từ bao đời nay: Thế nào là sống đẹp? Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì? Làm sao để nâng cao giá trị cuộc sống?… Trên đồng tư tưởng ấy, Norman Kusin đã nêu một quan điểm rất đáng chú ý: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.

– Câu nói của Norman Kusin nêu lên tầm quan trọng của tâm hồn đối với cuộc sống con người. Ông diễn đạt tư tưởng của mình bằng hai vế, quan hệ với nhau theo lối đòn bẩy. Trước hết, câu nói của Norman Kusin đã ngầm chứa một ý: cái chết là sự mất mát lớn của con người. Đúng vậy. Một trong những niềm hạnh phúc không gì sánh nổi của con người là được sinh ra trên cõi đời này, là được sống. Nhờ được sống, chúng ta mói có thể tận hưởng mọi niềm vui, mọi hương vị của thế giới diệu kì. Vì sự sống thể xác đáng quý như vậy, nên tứ xưa đến nay, hễ là người, ai cũng ham sống. Người ta không ngừng tìm mọi cách nâng cao và duy trì lâu dài sự sống của mình. Lương thực, thực phẩm được cải thiện, thuốc men chữa bệnh được bào chế, các hình thức tập luyện một cách khoa học được khám phá tất cả đều hướng tới mục đích thiết thực ấy.

Xem thêm:  Màu sắc nam bộ trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

– Vì sự sống là thiêng liêng và đáng quý như vậy, cho nên, đối với con người, cái chết thực sự là một điều mất mất lớn. Bởi cái chết xoá đi tất cả, biến con người thành hư vô. Thể xác con người đẹp đẽ là thế, vậy mà sẽ bị hư hoại. Trong cõi nhân gian này, ở đâu cũng thế, nơi nào có người chết, nơi đó không khí đau thương, tiếc nuối bao trùm.

– Tuy nhiên, cái chết chưa phải là sự mất mát lớn nhất, bởi vì, sự tàn lụi của tâm hồn là điều mất mát lớn hơn cả cái chết. Con người tồn tại không chỉ có thể xác mà còn có tâm hồn. Điều kì diệu thiêng liêng này không tạo vật nào sánh nổi. Những gì thuộc về đời sống tâm hồn đều hết sức phong phú. Đó là lí tưởng cao đẹp mà con người hướng tới; là đạo đức, lẽ sống mà con người không ngừng xây đắp; là danh dự, niềm tin, khát vọng vẫy gọi con người vươn lên; là nhu cầu thưởng thức cái đẹp của cuộc sống và của nghệ thuật… Chính tâm hồn mới làm cho sự sống về thể xác của con người trở nên thực sự cao quý. Không có thể xác thì không có tâm hồn, ngược lại, nếu không có tâm hồn thì thể xác sẽ rơi vào vũng bùn của sự tầm thường, phàm tục. Câu nói của Dumbatze – nhà văn Liên Xô trước đây: “Ở đời, tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác” là sự xác nhận tương quan giữa phần hồn và phần xác của mỗi con người. Từ điểm nhìn ấy, ta thấy Kusin thật có lí khi khẳng định: “Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”.

Xem thêm:  Quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh

– Tâm hồn lụi tàn thì cũng chẳng khác gì tâm hồn chết. Đó là khi con người không còn tính người, sổng kiểu bản năng, thú tính. Đó là khi con người sống vô cảm, ích kỉ, không còn khả năng yêu thương, xúc động trước bất hạnh của đồng loại; là hết mọi hoài bão, khát vọng; là trơ lì cảm xúc, chỉ chăm chút cho cái thể xác của mình như con thú chăm sóc bộ lông… Một cuộc sống như thế, có hơn gì cuộc sống của súc vật như cách nói của Karl Marx. Nếu so với cái chết của thể xác thì cái chết của tâm hồn có vẻ âm thầm lặng lẽ, nhưng đáng sợ hơn nhiều. Trên đời này, có những người đã chết về thể xác từ lâu, nhưng những giá trị mà họ để lại thì mãi mãi bất tử. Ngược Jai, có những kẻ còn sống trơ ra đấy, nhưng do thoái hoá biến chất, tâm hồn tàn lụi mà họ như đã chết trong lòng người khác.

– Câu nói của Norman Kusin là một chân lí, động chạm đến những vấn đề hệ trọng nhất của mỗi đời người. Suy ngẫm về lời của Kusin, ta tự hỏi: có phải trong cuộc sống sôi động, gấp gáp hiện nay, do mải mê với cuộc mưu sinh, nhiều lúc ta đã quá lo lắng chăm sóc phần thể xác mà bỏ quên đời sống tâm hồn? Xã hội hiện đại quả thật đang quay cuồng trong lối sống thực dụng. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đang đem đến những tiện nghi vật chất hiện đại, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống con người. Nhưng ngược lại, cũng chính điều đó đã góp phần làm cho tâm hồn con người ngày càng cằn cỗi. Ngày ngày, con người đang huỷ hoại môi trường sống, trở nên xa lạ với thiên nhiên, mất dần khả năng đồng cảm với người khác. Những lí tưởng cao đẹp, thiêng liêng bị coi thường. Nghệ thuật cũng đang tự biến đổi để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng như một món hàng ở chợ trời. Giữa bức tranh hỗn độn ấy, ý thức của mỗi cá nhân về giá trị cuộc sống của mình là vô cùng quan trọng. Lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống, tạo nên sự hài hoà giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần phải là hành động của mỗi con người. Nó là trách nhiệm của cá nhân đối với đời sống của chính mình và đối với xã hội.

Xem thêm:  Phân tích đoạn đầu của bài thơ Đất nước

– Mỗi khi cảm thấy bức xúc vì khó khăn, thiếu thốn, mỗi khi cảm thấy tâm hồn minh có dấu hiệu lụi tàn, hãy nhớ lại câu nói của Kusin để hiểu rằng, tình trạng đó có khi còn tệ hại hơn cái chết. Nhận thức được như vậy là để xác định cho mình một thái độ sống đúng đắn, như cách nói của người Ả Rập: “Nếu tôi có hai cái bánh mì thì tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng, bởi vì, tâm hồn tôi cũng cần ăn uống”.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *