Nghị luận xã hội về nhân cách con người – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận về nhân cách con người
Đề bài
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình (bằng một bài văn khoảng 600 chữ) về lời ca sau trong một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi!”
Hướng dẫn làm bài:
Câu đầu tiên trong một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” có ý nghĩa khá rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng câu “Để gió cuốn đi” thì không dễ lí giải, bởi điều được nêu lên ở đây có vẻ bất thường. Vì thế, để giải quyết đề bài này, người viết phải trả lời các câu hỏi: Tại sao “sống trong đời cần có một tấm lòng”? Tấm lòng ấy biểu hiện cụ thể như thế nào? “Để gió cuốn đi” nghĩa là gì? Tại sao có một tấm lòng lại “để gió cuốn đi”?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Được sinh ra trong đời là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, sống thế nào cho xứng danh hai tiếng “con người” lại là điều không đơn giản. Nhân cách của con người, chung quy được thu gọn ở hai chữ tài và tâm. Nguyễn Du quan niệm: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Cũng đề cao cái tâm, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại nêu một quan niệm độc đáo: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!”
– Vế đầu của lời ca này đọc lên, đã cảm thấy ngay là một điều hiển nhiên, thoạt nghe, ai cũng có thể đồng tình vói tác giả. Đúng vậy, sống trong đời cần có một tấm lòng, và phải có một tấm lòng thì mới được xem là người chân chính. Nhưng tấm lòng ấy được biểu hiện cụ thể như thế nào, đó mới là điều đáng quan tâm.
+ Tấm lòng ấy trước hết phải là tấm lòng nhân ái. Xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu kẻ bất hạnh, khổ đau, đáng được yêu thương, thông cảm. Có người thiếu thốn về vật chất, có người bế tắc về tinh thần. Một sự ân cần giúp đỡ dù lớn dù nhỏ đều có tác dụng làm dịu đi nỗi thống khổ của tha nhân. Hãy luôn sẵn sàng chìa bàn tay của mình ra cho bất cứ ai cần chia sẻ bằng tấm lòng chân tình, thân thiện.
+ Tấm lòng ấy là tấm lòng vị tha, độ lượng. Hãy luôn nhìn và nghĩ về người khác bằng sự tin tưởng, quý mến. Con người sinh ra không ai là thánh nhân. Mỗi người, bên cạnh những ưu điểm, còn có những khuyết điểm, thậm chí là sự yếu kém. Nhưng hãy tin rằng, hướng thiện vẫn là xu hướng tất yếu của con người. Từ vấp ngã, người ta sẽ đứng dậy, từ yếu kém, người ta sẽ vươn lên, tiến bộ. Chính tấm lòng vị tha, độ lượng sẽ có tác dụng nâng đỡ, giúp con người vượt lên chính mình.
+ Tấm lòng ấy là tấm lòng thấu hiểu, trân trọng phẩm chất, tài năng của người khác. Xung quanh ta có không ít ngưòi tài năng hoặc có những phẩm chất vượt trội. Thái độ đúng đắn là không bao giờ gạnh ghét đố kị mà biết quý trọng, bởi đó là tinh hoa của cộng đồng. Chính họ là nhũng nhân tố tích cực thúc đẩy cuộc sống không ngừng đi lên.
+ Tấm lòng mà một người cần có còn là tấm lòng biết rung động, yêu quý cái đẹp. Trong cuộc sống và trong nghệ thuật, có biết bao cái đẹp có khả năng nâng tâm hồn con người lên. Như một lẽ tự nhiên, sự lương thiện của con người được xác nhận ở thái độ, tình cảm đối với cái đẹp. Ở chiều ngược lại, chính cái đẹp có sức mạnh níu giữ, không để con người sa vào sự tầm thường, phàm tục, hoặc hành động trái với lương tâm.
– Con người có tấm lòng để làm gì? Câu trả lời, chắc chắn phần lớn gặp nhau ở một điểm: để cuộc đời này trở nên tốt đẹp hơn. Quan niệm như vậy cũng không sai. Nhưng với Trịnh Công Sơn, câu trả lời phải là: ‘“Để gió cuốn đi!”. “Để gió cuốn đi” không phải là mất, mà là được. Gió cuốn đi nghĩa là được trở về với thiên nhiên. Trong con mắt người nghệ sĩ, thiên nhiên là tối thượng, là nguyên sơ tốt đẹp nhất. Lòng tốt được hoà vào thiên nhiên nghĩa là trở nên vĩnh hằng, bất tử.
“Để gió cuốn đi” còn là cách nói thể hiện sự vô tư, vô vụ lợi. Lòng tốt đích thực là lòng tốt tự quên mình. Giá trị của một tấm lòng không phải ở chỗ được nhắc bởi miệng lưỡi người đời, không vì để khắc vào bảng vàng, bia đá, mà là ở chỗ, nó đã góp phần làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Và một khi sứ mệnh cao cả đó hoàn tất, nó trở nên trọn vẹn, đẹp đẽ ở sự vô tư, thầm lặng.
Theo hoctotnguvan.vn