Đề 41 – Trình bày suy nghĩ của em về đức tính kiên trì – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ về đức tính kiên trì
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí
– Giải thích khái niệm “lòng kiên trì, quyết tâm”?
– Những dẫn chứng nào cụ thể minh chứng cho sự kiên trì, quyết tâm?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: khi một con người không có lòng kiên trì, quyết tâm có làm được mọi việc mà mình mong muốn hay không
– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Sử dụng các câu tục ngữ, ca dao về kiên trì để dẫn dắt “Có chí thì nên”, “Không có việc gì khó…”,
– Gợi dẫn vào nội dung của khái niệm: Ý chí, quyết tâm, kiên trì.
II. THÂN BÀI
a. Giải thích:Khái niệm trên có ý nghĩa là gì?
=> Kiên trì có nghĩa là khi ta thất bại một việc nào đó thì ta cần cố gắng nỗ lực tiếp tục thực hiện cho tới khi nào thành công thì thôi.
b. Giải quyết vấn đề:Tại sao khi có sự kiên trì ta sẽ thành công trong mọi việc?
– Mọi kết quả, thành công không tự dưng có được mà phải trải qua một quá trình học tập, lao động gian khổ, đòi hỏi con người phải có sự kiên trì, sự quyết tâm cao độ. Đó là bí quyết để thành công.
– Trong cuộc sống, đôi khi ta cũng cần phải có sự thất bại thì mới thành công được. Phải biết kiên trì, nhẫn nại với sự thất bại đó.
– Cho dẫn chứng, biểu hiện cụ thể: Bác Hồ, thầy Nguyễn Ngọc Ký, bản thân em…
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:Làm gì để rèn luyện đức tính kiên trì?
– Phê phán những kẻ nghèo ý chí, sự kiên trì, nhẫn nại. Chỉ biết hưởng thụ mà không biết bỏ sức lực của mình ra. Đức tính kiên trì khi chúng ta rèn luyện nó là để phục vụ cho con người với những việc tốt, phấn đấu đi lên chứ không phải là những mục đích thấp hèn.
III. KẾT BÀI
– Tóm lại, khi ta có đức tính kiên trì thì ta dễ dàng thành công trong mọi việc.
– Bản thân em rút ra được điều gì trong câu nói trên? (Phải luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức đặc biệt là đức tính kiên trì nếu muốn thành công trong mọi việc.)
BÀI VĂN THAM KHẢO
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy có rất nhiều người đã thành công ở lĩnh vực mà họ đang làm. Để đạt được thành công rực rỡ như vậy, họ đã phải cố gắng rất nhiều trong việc trui rèn tri thức, kĩ năng và trên hơn hết chính là đức tính kiên trì, nhẫn nại. Nếu muốn cuộc sống sung túc và hạnh phúc thì chúng ta cần kiên trì và nỗ lực trong công việc.
Vậy kiên trì là gì? Kiên trì là biết nhẫn nại, chờ đợi, phải có sự quyết tâm khi làm bất cứ công việc nào mà mình đang mong muốn. Nhờ có kiên trì học tập thì ta mới có thành quả tốt đẹp và được mọi người trân trọng, đạt được những lợi ích quý giá. Nhờ có kiên trì mà ta không bị thất bại. Kiên trì giúp cho chúng ta đạt được ước mơ. Ví dụ như tôi ước mơ được trở thành bác sĩ thì tôi phải kiên trì, nỗ lực nhiều hơn trong học tập, rồi mai đây tôi cũng sẽ trở thành bác sĩ như mình đã hằng mơ ước. Các bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình nếu có sự kiên trì, nhẫn nại. Những người thành công trong cuộc sống đó là những người luôn biết phấn đấu, kiên trì, nhẫn nại. Bởi họ đặt hết niềm tin, quyết tâm vào công việc thì chắc chắn họ sẽ thành công. Ví như Ê-đi-xơn đã tìm tòi, nghiên cứu cách tạo ra bóng đèn tròn nhưng ông vẫn kiên trì nhẫn nại tiếp tục công việc nghiên cứu sau 10.000 lần thất bại. Cuối cùng ông cũng thành công.
Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn đâu đó một số người hay nản chí, chỉ thất bại lần đầu đã vội bỏ cuộc. Những người thiếu ý chí như vậy chắc chắn trong tương lai sẽ không bao giờ thành công được. Trong đời sống hàng ngày ta vẫn thấy có rất nhiều người nghèo nàn đó là do họ không ăn học đàng hoàng ngày trước chỉ biết trốn học, không thích học. Sau này họ phải buôn bán vé số hay phải trộm cắp…bởi họ sống mà không có một mục đích rõ ràng, không kiên trì phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống. Những đối tượng này sẽ dễ sa ngã vào con đường phạm pháp.
Nếu trong cuộc sống ta không kiên trì, nhẫn nại thì khó mà dẫn đến thành công trong mọi việc được. Vì vậy ta hãy cố gắng học tập, phấn đấu đến mục tiêu mà mình đã đặt ra. Tôi sẽ kiên trì nhiều hơn nữa để có thể đạt được thứ mình mong muốn và được mọi người tôn trọng.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 42: Trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tranh giành và nhường nhịn tại đây.
Tags:Đề 41 · Kiên trì · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn