Phân tích bài thơ “Sang thu” – Ngữ Văn 9
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Sang thu
Đề bài: Phân tích khổ thở đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
1. Yêu cầu
– Viết bài văn nghị luận về một khổ thơ trong bài thơ.
– Vấn đề cần nghị luận (phân tích, cảm nhận) là khổ đầu của bài thơ Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh.
– Cần phân tích cảm nhận về cái hay, cái đẹp của nội dung và hình thức khổ thơ.
– Những điều cảm nhận, phân tích phải đặt trong tương quan với cả bài và làm nổi rõ tư tưởng chủ đề của cả bài.
2. Gợi ý
– Cần đọc kĩ cả bài thơ, nhất là khổ đầu.
– Cần đọc các bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình về bài thơ, kể cả một số bài viết của các bạn trong tập Những bài làm văn chọn lọc lớp 9 (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998).
– Những cảm nhận về mùa thu thể hiện qua các giác quan nào? Sự tinh tế và mới lạ trong cách cảm nhận và thể hiện là gì?
– Cần kết hợp nghị luận với biểu cảm.
3. Lâp dàn ý (dàn ý sơ lược)
a.Mở bài: Thơ về mùa thu và bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
b. Thân bài
– Cảm nhận mùa thu của tác giả.
– Phân tích vai trò các giác quan (khứu giác, xúc giác, thị giác).
– Vẻ đẹp của các từ ngữ hương ổi, phả, gió se, chùng chình, hình như.
– Suy nghĩ về mùa thu thiên nhiên thời khắc giao mùa.
c. Kết bài: Nhấn mạnh vẻ đẹp của khổ thơ trong vẻ đẹp của toàn bài: mùa thu của đất trời và mùa thu trong hồn người.
Bài 1
Xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa trôi qua đã trở thành đề tài quen thuộc cho biết bao tác phẩm văn thơ và cũng là nguồn thi cảm vô tận của nhiều thi nhân. Đặc biệt là mùa thu với những nét buồn man mác, với nắng vàng và hương thơm dịu dàng cùng gió, cùng hoa… Chúng ta đã gặp thu trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, trong Thu của Chế Lan Viên hay Chiều thu của Thái Can,… Nhưng Hữu Thỉnh lại đem đến cho bạn đọc một nét riêng biệt của mùa thu, đó là thời khắc giao hoà của cuối hạ với đầu thu. Bài thơ Sang thu của ông đã gợi lên một cảm xúc bồi hồi, bâng khuâng của những rung động ngọt ngào và tinh tế.
Đọc thơ mà ta thấy quen đến kì lạ. Những hình ảnh không hề cao sang mà vẫn gần gũi. Những cảm xúc hình như ta đã có, đã bắt gặp ở đầu rồi. Y như khi ta đột ngột nhận ra cái gì mà rất lâu mình không nhớ, không để ý tới. Có phải đó là khi thiên nhiên chuyển mình, là khi thời gian nhẹ nhàng bước những bước khẽ khàng, kín đáo:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Tác giả dùng từ “bỗng” thật khéo, câu thơ không kéo dài mà trở nên đầy thú vị, bất ngờ. Nó như cái giật mình nhẹ, lôi ta ra khỏi những công việc thường ngày. Đọc câu thơ khiến ta nhớ đến một đoạn văn mà nhà văn nào đó đã viết: “Ngày và đêm theo nhau qua đi trên trái đất này” giữa bao mối lo và công việc, giữa bao nỗi buồn và niềm vui “Chúng ta quên đi rất nhiều điều mà lẽ ra không được quên”. Thế thì chính cái giật mình ấy đã kéo ta ra khỏi sự quên lãng bấy lâu nay, để lại hoà mình với thiên nhiên, thấy được từng vẻ đẹp li ti nhất của nó. Mà “chợt” cũng như một phát hiện thật mới mẻ, một tiếng kêu vang thích thú, một khoảnh khắc nhanh chóng qua đi mà để lại biết bao cảm xúc. Kìa! Mùa hạ đã sắp qua, hình như mùa thu đã đến! – Trái tim nhà thơ sau khoảnh khắc ấy đã tự nhủ thầm như vậy.
Tác giả đã cảm thấy gì đầu tiên? Giống như tiếng tu hú đã đánh thức nỗi khao khát tự do trong bài thơ của Tố Hữu, thì chính hương thơm của ổi chín đã tác động mạnh mẽ tới tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.
Đọc câu thơ mà ta biết mùa hè chưa qua hẳn. Bởi hình ảnh những chùm ổi chín vàng ruộm, trĩu cành dưới cái nắng gay gắt đã trở thành hình ảnh của mùa hạ. Nhưng qua câu thơ, ta biết mùa thu đã về. Mùa thu đặt những bước chân nhẹ nhàng, buông mình về theo những cơn gió se – thứ gió khô và lạnh đặc trưng của khí thu. Và hương ổi cũng hết sức đặc biệt, nó không “thoảng”, không “bay”, không nhẹ dịu như ổi khi vừa chín mà đậm đặc, mà ngào ngạt thơm nồng. Đó là hương thơm của ổi cuối mùa. Hương thơm ngọt ngào ấy mạnh đến mức có thể “phả” vào từng cơn gió, đánh thức khứu giác của cả những người vốn vô cảm với thiên nhiên. Khi Hữu Thỉnh cảm được cái lạ lùng ấy của hương ổi bằng khứu giác và cảm nhận được bằng da thịt (xúc giác) cơn gió thu đủ làm ông vừa bối rối lại vừa vui mừng. Có lẽ, ông còn nghi ngờ, sợ rằng mình nói ra thì cái cảm giác ấy sẽ bay mất, sẽ tan biến mất.
Câu thơ thứ ba như khẳng định mùa thu về rõ ràng hơn: Sương chùng chình qua ngõ.
Lần này thu được nhìn bằng mắt qua cái vẻ dùng dằng nửa đi nửa ở của sương thu. Từ “chùng chình” thật đặc biệt. Nó là từ láy của thanh bằng, tạo nên một cảm giác êm ả, dịu dàng. Nhà thơ đã nhân hoá màn sương để nó trở nên có hồn, sống động bởi từ láy chỉ hành động lưỡng lự, lưu luyến trong động thái của con người. Sương như muốn ở lại để ngắm nhìn khoảnh khắc giao mùa. Điểm thú vị là với từ “chùng chình” sương thu trở nên gợi tả vô cùng. Đọc thơ ta lại nhớ đến đoạn văn Pau-tốp-xki viết trong Một mình với mùa thu về “mơ-ga”. Đó là một làn khói lam nhàn nhạt bao phủ trên mặt sông Ô-ka. Nó “khi thì sẫm màu tụ lại, khi thì bàng bạc tan ra” ; “Khi ấy qua màn sương nhẹ nhàng mỏng như tấm kính mờ mờ, ẩn hiện bóng dáng hàng liễu rủ bên sông, những bãi chăn thả cằn khô và những cánh đồng mơn mởn màu xanh”. Chúng ta như cảm được sương ở giữa hai mùa tụ lại thành từng đám mây trong suốt màu bạc “chùng chình” chắn cả con ngõ nhỏ chứ không tan loãng vào không gian.
Mỗi bước đến của mùa thu thật bất ngờ. Thu đến vội vã mà thật nhẹ nhàng, không ồn ào. Chỉ cần quan sát và cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả sự tinh tế của các giác quan là ai trong chúng ta cũng có thể thấy được. Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, đó cũng là những phát hiện liên tiếp, nối nhau mà mỗi phát hiện lại đem đến một cảm xúc riêng tư, tinh mới. Sự vội vã ấy được thể hiện qua cách ngắt nhịp tài tình:
Bỗng / nhận ra hương ổi
Phả / vào trong gió se.
Sương / chùng chình qua ngõ
Cái nhịp điệu vội vàng ấy cứ như nhịp điệu của mùa hạ, khi mọi thứ đắm chìm trong cái nắng rực rỡ, khi cây trái vội vàng ra hoa, ra quả. Và đó cũng là nhịp điệu của những cái giật mình liên tiếp. Cái cảm giác bất ngờ còn chưa đi hẳn. Nhưng đến câu cuối cùng, nhịp ngắt 2/3 lại trở nên dàn trải, nhẹ nhàng như khoảnh khắc mùa thu, như một niềm vui mơ hồ mà mãnh liệt, hoặc như một nụ cười kín đáo: Hình như thu đã về.
Không khẳng định, mà chỉ “hình như”. Bởi thu đến nhẹ quá, mơ hồ quá. Tác giả thấy thu, nhưng vẫn còn bâng khuâng lo ngại. Trong lòng tác giả như có một băn khoăn, da diết như một câu hỏi: “Thu đã về rồi đấy” hay là “Không, thu chưa về đâu!”. Trong tâm tư tác giả vẫn còn cái nắng chói của mùa hè nhưng lại có cảm giác phảng phất, như một cánh bướm nhẹ chạm vào tà áo mỏng manh của tiết thu? Chính niềm vui bối rối, bâng khuâng, lúc khẳng đình, lúc nghi ngờ đã làm nên cái duyên dáng của Sang thu.
Dù chỉ là một khổ thơ đầu, nhưng cái rung cảm tinh tế trong tâm hồn Hữu Thỉnh với thiên nhiên khiến độc giả càng thêm yêu mùa thu, càng thêm yêu bài thơ. Nó làm ta chợt nhớ tới câu thơ của Trần Đăng Khoa:
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
Nhờ tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết nhà thơ đã cho ta thấy được những bước đi nhẹ nhàng, duyên dáng của thời gian. Sự chuyển tiếp lúc rất mềm mại, uyển chuyển lúc lại như tinh nghịch, vui đùa. Và một bài thơ đầy cảm xúc, đầy rung cảm ra đời từ chính cảm nhận ấy…
(Lưu Hoài An, lớp 9A9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhận xét
Bài viết chặt chẽ, giàu cảm xúc. cảm nhận thơ khá tinh tế, cộng với ngôn ngữ diễn đạt giàu chất thơ đã dẫn người đọc vào những vẻ đẹp của cảm xúc, ngôn ngữ, hình ảnh thơ độc đáo của khổ thơ đầu bài Sang thu. Bạn đã cố gắng cắt nghĩa nhịp của đoạn thơ này:
Bỗng / nhận ra hương ổi
Phả / vào trong gió se.
Sương / chùng chình qua ngõ
Cái nhịp điệu vội uàng ấy cứ như nhịp điệu của mùa hạ, khi mọi thứ đắm chìm trong cái nắng rực rở, khi cây trái vội vàng ra hoa, ra quả. Và đó cũng là nhịp điệu của những cái giật mình liên tiếp. Cái cảm giác bất ngờ còn chưa đi hẳn. Nhưng đến câu cuối cùng, nhịp ngắt 2/3 lại trở lên dàn trải, nhẹ nhàng như khoảnh khắc mùa thu, như một niềm vui mơ hồ mà mãnh liệt, hoặc như một nụ cười kín đáo: Hình như thu đã về.
Không khẳng định, mà chỉ “hình như”. Bởi thu đến nhẹ quá, mơ hồ quá.
Việc liên hệ với thơ Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, văn Pau-tốp-xki giàu chất thơ đúng chỗ đã tăng thêm giá trị của bài viết. Tuy nhiên, sự liên hệ với thơ Trần Đăng Khoa lại chưa thật thích hợp. Tuy vậy đây vẫn là một bài viết tốt, giàu chất thơ.
Bài 2
Thiên nhiên đi vào thi ca đã từ lâu và trong bốn mùa, có lẽ thu được chú ý hơn cả. Phải chăng bởi nó gợi ra nỗi buồn nhẹ nhàng, kín đáo với nhiều dư âm khó gọi thành tên? Hình như cảnh trong thơ càng trầm buồn lại càng thi vị, tha thiết. Nói đến thu ta vẫn nhắc đến Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Nguyễn Bính – những ngòi bút xuất sắc của thi ca Việt Nam. Ớ đó, thu hiện lên bằng những vẻ đẹp muôn hình, muôn sắc, muôn thanh âm của thiên nhiên. Nhưng với người yêu thơ và yêu mùa thu hẳn sẽ ngạc nhiên, bất ngờ lắm khi thu tới với họ qua Sang thu của Hữu Thỉnh. Mà khổ thơ thứ nhất chính là khúc nhạc dạo đầu cho bản hoà ca tràn đầy cảm xúc này.
Chỉ với bốn câu thơ ngắn thôi nhưng như thế cũng là quá đủ để phác lên một bức tranh vô hình của thời gian: khúc giao mùa hạ – thu. Bức tranh ấy được vẽ lên bởi giác quan đa dạng của người hoạ sĩ, vẽ thu bằng ngôn từ. Bắt đầu bằng khứu giác và xúc giác với mùi hương ổi “phả vào trong gió se”. Câu thơ có cái ấm nồng nàn của hoa trái mùa hạ, lại có cái lạnh se se của mùa thu. Sự giao hoà kì diệu ấy khơi gợi kí ức tuổi thơ và thức dậy kỉ niệm xa lắc…
Dòng xúc cảm tự nhiên đến, đầy bất ngờ, vì thế ngay ở đầu câu, tác giả đã đặt vào đó từ “bỗng”. Đột ngột, mùi hương “phả” mạnh mẽ, nên lại thấy vị thơm mát, ngọt ngào? Hai câu thơ như thoáng chút bâng khuâng, xao xuyến. Mạch cảm xúc tiếp tục tràn xuống câu sau với sự đón nhận của thị giác:
Sương chùng chình qua ngõ
Giữa bầu trời quang đãng, trong xanh, tác giả chợt bắt gặp một màn sương mờ ảo. Mỏng manh thôi nhưng cũng là nét gì đó báo hiệu thu sắp về. Sương đi qua, “chùng chình” như cố ý chậm lại. Nó đang đón chờ ai hay đang luyến tiếc điều gì? Có lẽ đó là sự luyến tiếc, bịn rịn, không muốn rời xa, khi hạ sắp sửa bước đi, nhường chỗ lại cho thu với những màn sương sớm, với những cơn gió heo may, diu mát. Cái cảm giác mơ hồ, hư hư thực thực ấy đã gợi nên một thời điểm nhạy cảm, rất khó xác định:
Hình như thu đã về.
Hạ vẫn còn đó nhưng trong không gian phải chăng mùa thu đang về? Trước những tín hiệu của thiên nhiên, của đất trời, làm cho lòng người băn khoăn, rạo rực những tình cảm khó tả. Rõ ràng là thu đấy mà cũng chẳng phải đâu! Mọi thứ cứ chuyển động không ngừng, có cái gì gấp gáp, mãnh liệt nhưng cũng có cái gì đó chậm rãi, nhẹ nhàng. Khung cảnh hiện lên vừa đậm nét, vừa mơ hồ. Vì thế, thu đến với tác giả trong một sự cảm nhận rụt rè, kín đáo. Một làn gió nhẹ thoảng qua đưa theo cùng thứ hương vị cỏ cây hay một màn sương êm ái, khẽ lướt đi cũng vương vấn lại sợi dây cảm xúc rung lên thứ nhạc điệu kì diệu mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, những trái tim biết rung động trước thiên nhiên mới có.
Khổ thơ mang cái man mác buồn lắng nhưng ngọt ngào thi vị của mùa thu. Từ đây cũng cho thấy con người của thi ca đến với thiên nhiên bằng sự khám phá từng nét nhỏ nhất, tinh xảo nhất của vũ trụ bao la. cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh không có lá rụng, không phải một màu vàng úa héo của không gian mà được tiếp nhận bằng những bước chuyển mình của trời đất. Rất mới lạ và độc đáo. Đó cũng là cái hay tạo nên sự riêng biệt cho Sang thu mà ngay ở bốn câu đầu ta đã thấy.
Thành công của khổ thơ này bên cạnh việc tả cảnh còn là bởi sự cảm nhận tinh tế về một thứ trừu tường như thời gian. Và hai mươi chữ cô đọng, súc tích đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp – đẹp từ chính những bước đi lặng lẽ, thầm thì của nó hay đẹp ở tâm hồn của thi nhân.
(Nguyễn Thuận Yến, lớp 9H1, Trường THCS Trưng Vương,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhận xét
Bài làm đạt được yêu cầu của bài nghị luận về một khổ thơ. Người viết bằng một giọng văn nhẹ nhàng, đĩềrn đạm, có phần tinh tế đã chỉ ra cách cảm mùa thu bằng các giác quan khác nhau của nhà thơ. Bạn đã cảm nhận đúng và lí giải được sự gửi gắm tình cảm của tác giả qua những hình ảnh thơ được vỗ bằng ngôn từ. Nhận xét của bạn là một nhận xét sắc sảo, chứng tỏ người viết đã cảm nhận bài thơ trong sự so sánh đúng đắn:
Cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh không có lá rụng, không phải một màu vàng úa héo của không gian mà được tiếp nhận bằng những bước chuyển mình của trời đất. Rất mới lạ và độc đáo. Đó cũng là cái hay tạo nên sự riêng biệt cho “Sang thu” mà ngay ở bốn câu đầu ta đã thấy.
Thành công của khổ thơ này bên cạnh việc tả cảnh còn là sự cảm nhận tinh tế về một thứ trừu tượng như thời gian. Và hai mươi chữ cô đọng, súc tích đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp – đẹp từ chính những bước đi lặng lẽ, thầm thì của nó hay đẹp ở tâm hồn của thi nhân.
Bài 3
Sang thu là một trong những tác phẩm thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh, thể hiện những rung cảm trữ tình của nhà thơ trước thời điểm giao mùa. Trong đó, khổ thơ đầu của bài đã khắc hoạ rõ nét sự bất ngờ, ngỡ ngàng của tác giả khi nhận ra mùa thu đã về:
Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về.
Với các mùa khác trong năm, ta đều có thể nhận thấy rất rõ những tín hiệu chuyển mùa. Mùa xuân đến với những cơn mưa nhè nhẹ và những lộc non mơn mởn trên cành cây. Hè về mang theo những cơn mưa rào bất chợt, những tia nắng vàng rực rỡ và tiếng ve kêu râm ran. Đông tới cùng những cơn gió buốt lạnh từ phương bắc kéo về trải trên khắp các nẻo đường. Khác biệt hẳn với các mùa trong năm, thu sang một cách nhẹ nhàng, âm thầm, dịu dàng, rất khó nhận biết được. Bằng khứu giác và xúc giác nhạy cảm tinh tế, nhà thơ đã nhận ra những tín hiệu giao mùa của mùa thu:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.
“Gió se” khiến ta liên tưởng tới một cơn gió nhẹ; khô và hơi lạnh – một cảm giác rất thu. Từ “phả” vừa cho thấy sự hoà quyện hài hoà của mùi hương vào làn gió, vừa tạo cảm giác rõ ràng, chắc chắn về những tín hiệu của mùa thu đang về. Sự thoảng qua mà rõ ràng trong nhận thức của tác giả về mùa thu đã được thể hiện rất thành công. Qua đó, tác giả vừa thể hiện được một số đặc trưng của mùa thu như hương ổi đang vào độ chín, là gió se lạnh, vừa khắc hoạ được phần nào nét đẹp nhẹ nhàng mà tinh tế của mùa thu.
Vẻ đẹp của thiên nhiên độ giao mùa đã được thể hiện rõ hơn trong câu thơ thứ ba, nếu như ở hai câu thơ đầu, tác giả sử dụng khứa giác và xúc giác để nói lên những dấu hiệu của mùa thu thì ở đây, một lần nữa ta thấy được sự cảm nhận sâu sắc hoàn hảo của nhà thơ bằng những hình ảnh tiếp thu từ thị giác:
Sương chùng chình qua ngõ
Vào mỗi buổi sớm mùa thu, ta có thể thấy cảnh vật luôn bị sương trắng bao phủ, đến khi gặp ánh mặt trời chúng mới dần tan đi, tựa như một tấm màn mỏng trùm lên thiên nhiên đang dần được kéo lên. Bằng việc sử dụng từ láy “chùng chình” và phép nhân hoá thành công, tác giả đã cho ta hình dung như màn sương kì ảo ấy còn chậm rãi lướt đi, còn ngập ngừng chưa muốn ra đi. Phải chăng nó đang ngỡ ngàng, say mê ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên giao thoa tuyệt đẹp, hay còn gì khác để vương vấn, quyến luyến, tiếc nuối, không muốn rời xa? Như vậy, chỉ bằng một câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã thể hiện rất đặc sắc, sinh động quang cảnh mùa thu vừa mang nét thơ mộng, huỵển ảo lại vừa nồng nàn cảm xúc trữ tình.
Trước những vẻ đẹp kì diệu của mùa thu, nhà thơ đã bộc lộ rất rõ những cảm xúc của mình. Qua những cảm nhận tinh tế của tác giả, bằng nhiều giác quan khác nhau, ta có thể hiểu nhà thơ là một con người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu mùa thu, yêu làng quê, vì quả thật không yêu quý, không trân trọng thì tác giả không nói lên được những cảm nhận đẹp đến thế. Ngày ở câu thơ đầu, từ “bỗng” đã cho thấy tâm trạng bất ngờ, ngạc nhiên của tác giả khi chợt nhận ra tín hiệu mùa thu đang về. Từ cái bất ngờ ấy, ta nhận thấy xen lẫn vào những cảm xúc ngạc nhiên đó có phần nào sự bâng khuâng, luyến tiếc. Điều này càng được đúc kết bằng câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ:
Hình như thu đã về?
Câu thơ ngắn mà lắng đọng, đan xen nhiều cảm xúc, vừa thực vừa mơ hồ không rõ ràng. Có lẽ ở đây, sự luyến tiếc của tác giả xuất phát từ sự liên tưởng về hình ảnh mùa thu. Cuộc đời con người cũng trôi theo dòng chảy củạ thời gian trong thiên nhiên. Ngỡ hạ còn chưa qua mà thu đã tới rồi, giống như con người chợt nhận ra mình đã bước vào tuổi “sang thu”, lòng không khoi bất ngờ hay lưu luyến. Khổ thơ khép lại mở ra trong lòng người đọc bao cảm xúc, liên tưởng.
Qua những hình ảnh, hương vị quen thuộc, gần gũi đặc tưng của mùa thu, cùng với ngòi bút đặc sắc và những cảm nhận tinh tế, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện thành công vẻ đẹp thiên nhiên độ giao mùa cùng những cảm xúc trữ tình của chính tác giả.
(Khúc Mai Thương, lớp 9A1, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhận xét
Một bài viết chắc tay. Bạn đã có những nhận xét có tính chất khám phá về các mùa so với mùa thu: Với các mùa khác trong năm, ta đều có thể nhận thấy rất rõ những tín hiệu chuyển mùa. Mùa xuân đến với những cơn mưa nhè nhẹ và những lộc non mơn mởn trên cành cây. Hè về mang theo những cơn mưa rào bất chợt, những tia nắng vàng rực rỡ và tiếng ve kêu râm ran. Đông tới cùng những cơn gió buốt lạnh từ phương Bắc kéo về trải trên khắp các nẻo đường. Khác biệt hẳn với các mùa trong năm, thu sang một cách nhẹ nhàng, âm thầm, dịu dàng, rất khó nhận biết được.
Người viết đã đặc biệt chú ý đến tính chất giao mùa và cắt nghĩa những xúc cảm của tác giả một cách tinh tế và hợp lí. Những từ ngữ phả, gió se, chùng chình, hình như đã được cảm nhận và phân tích khá thuyết phục.
Theo hoctotnguvan.vn