Hướng dẫn thuyết minh về một cuộc đối thoại về con trâu – Tập làm văn 9
Hướng dẫn
Một cuộc đối thoại về con trâu. Văn 9
Đề bài: Một cuộc đối thoại về con trâu.
Bài làm
Trời thu mát mẻ đang đần trải khắp làng quê Việt Nam. Chiều tà, ông mặt trời đang khoan thai hưởng thụ chút gió, chút nắng cuối cùng của một ngày. Gió hiu hiu thổi làm cách đồng lúa nhẹ nhàng dập dềnh như sóng biển vỗ bờ: không ào ạt mà mềm mại, dịu dàng. Trên cánh đồng, một nhóm bạn đang ngồi bàn luận rất sôi nổi: nào là bạn Ngô, Khoai, Sắn và cả bạn Lúa nữa. Các bạn đang tranh luận xem điều gì trực tiếp giúp đỡ các bác nông dân trên cánh đồng để có được những mùa bội thu như bây giờ đấy.
Ngô mở đầu:
– Theo tớ nghĩ, để có được những vụ mùa tốt tươi, con người phải có được loại hạt giống tốt. Chắc chắn hạt giống là quan trọng nhất.
Ngô đang chắc chắn như đinh đóng cột thì Khoai phản đối ngay:
– Ngô ơi, cậu quên mất rằng phải có đất thì mới gieo trồng được chứ. Đất mới là đúng nhất.
– Nhưng các cậu không nhớ câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” à? Cánh đồng nào mà chả cần nước để sinh sống? Không là chết khô hết đấy! – Sắn không đồng tình với hai bạn.
Ba bạn tiếp tục tranh cãi gay gắt, chỉ riêng Lúa nãy giờ vẫn suy nghĩ.
– Kìa Lúa, ý kiến cậu thế nào? Đất là quan trọng nhất đúng không? – Khoai thúc giục Lúa, mong Lúa sẽ theo ý kiến của mình.
Lúa nghĩ ngợi thêm một chút rồi lên tiếng, giọng phân vân:
– ừm… Các cậu đều nói đúng cả. Đất, nước và hạt giống đều rất quan trọng nhưng đó đều là những yếu tố tự nhiên, được trời đất ban cho. Nhưng điều trực tiếp giúp đỡ con người trên đồng ruộng là gì nhỉ?… Sự chăm chỉ chăng?… Cũng không phải… A! Tớ nghĩ ra rồi!
Cả ba bạn cùng chăm chú lắng nghe Lúa nói. Chắc hẳn, đây chính là một điều gì cao quý lắm đây.
– Đó chính là Trâu – Lúa mỉm cười nói tiếp.
– Hả! Là bác Trâu ấy à! – bất giác, cả ba bạn cùng đồng thanh rồi phá lên cười.
Nhưng bị bạn bè chê cười không làm cho Lúa thay đổi ý kiến. Lúa tự tin bảo vệ ý kiến của mình:
– Đúng thế, là bác Trâu. Các cậu không biết đấy thôi chứ bác Trâu đã gắn bó với con người lâu lắm rồi. Từ thuở khai thiên lập địa, con người không thể tự san bằng đất được nên đã cầu cứu đến các con vật. Thế nhưng chỉ duy nhất có trâu là đồng ý giúp đỡ con người. Từ đó trở đi, trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết của cánh đồng Việt Nam đấy.
Ngô vẫn lắc đầu:
– Cậu nói thế nào ấy chứ. Làm sao mà con trâu đen đen, người thì to đùng, cục mịch, chân thì ngắn cũn lại giúp đỡ nhiều cho bác nông dân được? Mà riêng miệng trâu nhé, lúc nào tớ cũng thấy nhai nhóp nhép mấy miếng cỏ non từ hôm trước ấy. Ghê lắm! – Ngô lấy tay che miệng, thì thầm cho chúng bạn nghe.
– Thật á? Sao bác Trâu lại phải ăn uống khổ sở thế? – Sắn ngạc nhiên hỏi.
Lúa cười phá lên rồi hân hoan nói:
– Đấy là do các cậu không biết thôi. Trâu có nguồn gốc từ trâu rừng, được con người thuần hoá. Loài trâu là thuộc họ Bò, bộ Guốc chẵn, nhóm Sừng rỗng và đặc biệt là thuộc phân bộ Nhai lại. Thế nên, bác Trâu nhai đi nhai lại cỏ non là một đặc điểm riêng trâu có chứ không xấu đâu nhé!
Nghe Lúa nói, Ngô, Khoai và sắn vẫn chưa tin lắm, càng nghe càng thấy tò mò về bác Trâu. Khoai thắc mắc:
– Thế còn cậu bảo trâu giúp ích cho con người nông dân là giúp ích thế nào? Không lẽ chỉ vì chuyện từ hồi xưa thế thôi à?
– Ừ, đúng đấy, cậu nói đi xem nào! – các bạn còn lại đồng thanh nói.
– Đây nhé! – Lúa bắt đầu giải thích – Vì mỗi bác trâu đều nặng từ khoảng 200 đến 400 kg nên các bác rất khoẻ mạnh, việc gì khó nhọc, các bác đều giúp đỡ người nông dân hết. Từ sáng sớm tinh mơ, bác trâu đi trước, chăm chỉ, cần mẫn kéo chiếc cày, theo sau là bác nông dân. Thế mà mỗi ngày trâu phải kéo cày được 1,5 đến 4 sào cơ đấy. Mà chưa hết, trâu còn kéo xe chở hàng hoá giúp con người. Hay thịt trâu, sữa trâu đều cung cấp chất dinh dưỡng; phân trâu thì để bón ruộng, Tất có lợi cho cây trồng. Mà hằng ngày, các cậu đều nghe thấy tiếng trống trường làng ta vang lên, nhắc nhở các bạn học sinh vào lớp thì chính mặt trống ấy được làm bằng da trâu, trông vừa đẹp lại rất bền. Thế nhưng, một khi nhà ai đó có trâu thì yêu quý trâu nhiều lắm, không muốn xẻ thịt nó đâu. Trâu là bạn của con người mà!
Ngồi nghe chăm chú, tới lúc này, cả ba bạn đều gật gật đồng ý với Lúa. Khoai vui vẻ nói:
– Ừ, đúng đấy nhỉ. Công nhận là trâu thật sự rất quan trọng với làng quê Việt Nam. Mà hôm nào tớ cũng thấy các bạn nhỏ dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Các bạn không chỉ ngồi nhìn trâu ăn cỏ mà còn cưỡi lên lưng, ngồi đó đọc sách, thả diều hay thổi sáo. Không chỉ có vậy mà các bạn còn chơi đùa với trâu vui vẻ lắm nhé!
– Dĩ nhiên rồi! Các bạn nhỏ đều gắn bó với trâu từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành cơ mà. Trâu gắn liền với tuổi thơ của không chỉ các bạn nhỏ mà còn của các cụ sinh ra và lớn lên ở làng quê đấy nhé – Ngô đồng tình.
– Các cháu đúng là giỏi quá! – Bác cổ Thụ ở gần đó lên tiếng.
– A! Bác Cổ Thụ! Chúng cháu chào bác ạ! – Cả bốn bạn cùng đồng thanh chào bác.
– Chào các cháu – bác cổ Thụ ôn tồn nói tiếp – Nãy giờ, bác đã nghe hết câu chuyện và rất đồng ý với các cháu. Quả thật, hình ảnh những chú trâu giản dị, vạm vỡ đang thung thăng gặm cỏ non trên cánh đồng mênh mông, xanh mượt; trên lưng chở một chú bé ba chòm tóc đang ngồi thổi sáo diều vi vu, trong trẻo,… trông mới đẹp làm sao!
– Còn nữa bác ạ, con trâu còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Ở Đồ Sơn ấy bác, năm nào người ta cũng tổ chức một hội hội trâu tưng bừng, náo nhiệt lắm. Cờ hoa tung bay phấp phới. Những chú trâu được chọn để thi đấu khi bước ra thì bệ vệ, trông quyết tâm lắm. Rồi khi đã vào cuộc đấu, hai chú trâu bao giờ cũng chọi nhau cho tới khi phân biệt thắng bại rõ ràng thì thôi. Cuộc chiến đấu gay go, kịch tính lắm bác ạ — sắn nói trong niềm phấn khởi – Mà chẳng phải đi đâu xa, ở làng mình ấy, hôm nào có lễ hội gì, các bác nông dân đều dẫn trâu ra đình, mặc cho trâu những tấm áo màu vàng, đỏ rất trang trọng. Trâu chính là niềm tự hào của người nông dân đấy mà!
– Chưa hết đâu – Lúa tiếp lời – Hình ảnh con trâu còn có trong cả thơ ca, lời hát đấy nhé. Mà các cậu có nhớ, trong đợt SEA GAME 22 tổ chức ở Việt Nam, con trâu vàng được chọn làm biểu tượng chính thức đấy nhé – Mắt Lúa ánh lên vẻ tự hào về Việt Nam mình.
Bác Cổ Thụ khen:
– Các cháu đều nói đúng cả! Con trâu chính là biểu tượng của cánh đồng, của làng quê và đặc biệt, trâu tượng trưng cho con người Việt Nam: chăm chỉ, cần cù, kiên trì và dũng cảm; không bao giờ lùi bước. Những chú trâu mang đến cho chúng ta một cảm giác quen thuộc và ấm áp. Con người, dù là đi đến nước nào trên thế giới, khi quay lại chỉ cần nhìn thấy con trâu trên cánh đồng là biết ngay mình đã về quê nhà.
Năm bác cháu tiếp tục ngồi trò chuyện. Ở đằng xa, mặt trời đã xuống núi. Những tia nắng cuối cùng cũng khuất dần. Phía cuối con đường, bác nông dân đang dắt trâu về sau một ngày làm việc vất vả. Hình ảnh ấy mới đẹp làm sao! Con trâu của làng quê Việt Nam là một nét đẹp truyền thống cao quý mà không gì có thể thay đổi được!
Trần Hà Giang
(Trường THCS Trưng Vương)
Xem thêm Giới thiệu con trâu đối thoại. Văn 9
Tags:Cuộc đối thoại về con trâu · Tập làm văn 9 · Văn thuyết minh
Theo hoctotnguvan.vn