Đề bài: Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới bài 43) của Nguyễn Trãi.
Bài làm
I – NHỮNG KIẾN THỨC BỔ TRỢ
1.Về tác giả và thòi điểm tác phẩm ra đời
Nguyễn Trãi (1380 – 1442), là bậc đại anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, nhưng là người phải chịu nhiều oan khiên thảm khốc dưới chế độ phong kiến. Ông là danh nhân văn hoá, là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất. Ông có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của văn hoá, văn học dân tộc, một con người suốt đời canh cánh nỗi lo cho dân cho nước.
Không có tài liệu nào viết trực tiếp về thời điểm ra đời của bài thơ. Theo Bùi Duy Tân, có thể nghĩ ràng bài thơ được viết vào thời trị vì của Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Sự suy luận này có cản cứ vì cuộc sống được tả trong bài thơ có không khí thời bình, có nét thịnh vượng. Là một người hết lòng lo cho dân cho nước, lại đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh tàn phá khốc liệt, Nguyễn Trãi hết sức trân trọng và biết rõ giá trị của những tháng ngày hoà bình trên đất nước mình.
Theo Tiểu dẫn ở SGK, Quốc âm thi tập được chia làm bốn phần : Vỡ đề, Môn thì lệnh (Thời tiết), Môn hoa mộc (Cây cỏ), Môn cầm thú (Thú vật).
Phần Vô đề gồm toàn thơ không có tựa đề, nhưng được sắp xếp thành một số mục : Ngôn chí (Nói lên chí hướng), Mạn thuật (Kể ra một cách tản mạn), Tự thán (Tự than), Tự thuật (Tự nói về mình), Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình),… Mục Bảo kính cảnh giới gồm 61 bài, Cảnh ngày hè là bài số 43.
2.Tri thức văn hoá
Theo quan niệm xưa, nhà nho là nhân vật kinh bang tế thế (tạm dịch là dựng nước giúp đời). Họ tự nhận lãnh sứ mệnh trên vì vua, dưới vì dân, đem tài năng và học vấn ra phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Vì nhà nho đồng nhất vua với nước nên ngay cả khi nói đến trung quân (trung với vua) thì cũng tức là nói đến ái quốc (yêu nước). Tâm sự vì nước vi dân, lo cho dân cho nước là một mạch tâm sự chủ đạo trong thơ Nguyễn Trãi. Có thể kể khá nhiều câu thơ của Nguyễn Trãi cho thấy tấm lòng vì dân vì nước của ông :
-Vua Nghiêu Thuấn dân Nghiêu Thuấn,
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền.
-Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thuở ích chưng dân.
Tư tưởng vì dân vì nước trong bài thơ Cảnh ngày hè nằm trong mạch chung đó.
3.Tri thức về thể loại
Bài thơ này tuy câu mở đầu và kết thúc có dạng lục ngôn (sáu chữ) nhưng vẫn có những nét đặc trưng của thơ Đường luật. (Xem lại bài Tỏ lòng, mục I. 3. trong sách này). Chú ý mối quan hệ giữa cảnh, sự (tức các yếu tố thuộc hiện thực khách quan) và tình (tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ) của tác giả được thể hiện trong bài thơ : cảm xúc nảy sinh trên cơ sở tác giả quan sát những cảnh và sự việc nào ?
II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Đặc điểm về nội dung
a) Những khái niệm cần chú ý
Bài thơ này có nhắc đến việc gảy đàn Ngu cầm. Theo truyền thuyết, Ngu là tên một triều đại thái bình thịnh trị lí tưởng thời cổ do vua Thuấn lập nên. Ngu cầm là đàn của vua Thuấn, ông thường gảy khúc Nam phong (Gió nam) mong cho gió nam mát mẻ, gió nam thổi đúng lúc để dân giàu có, hết ưu phiền. Chú ý hình tượng “cây đàn” có chức năng giống như một bài thơ, theo quan niệm xưa, là hình thức bộc lộ chí nguyện, tâm nguyện của tác giả. Ước mơ có cây đàn Ngu Thuấn có thể hiểu theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất : Đây là niềm vui khi thấy cảnh đất nước thái bình, thịnh trị, tác giả hứng khởi trước cảnh hè nên ước ao có cây đàn ca ngợi cảnh “Dân giàu đủ, khắp đòi phương”. Cách hiểu thứ hai : Tác giả ước mơ có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong, mong cho dân khắp đất nước được hạnh phúc, giàu đủ mãi mãi. Mỗi cách hiểu đều có lí riêng, tuy nhiên như sự phân tích chỉ rõ, cách hiểu thứ nhất có cơ sở hơn.
Không gian thiên nhiên và xã hội được tả như trong bài thơ bộc lộ rõ cảnh thái bình, thịnh trị. Cảm hứng ca ngợi, khẳng định hiện thực thời vua Thái Tổ, Thái Tông, tức là ca ngợi, khẳng định cuộc sống của nhân dân rất rõ nét qua ước ao có “Ngu cầm”. Nói khác đi, “Ngu cầm” là tượng trưng cho tấm lòng thương yêu dân, biết chia sẻ với dân những niềm vui hạnh phúc.
b) Hình tượng tác giả
Chủ ngữ của hành động trong bài thơ này cũng bị tỉnh lược (ta không rõ ai hóng mát, ai muốn có cây đàn Ngu Thuấn). Tuy nhiên, người đọc đều hiểu chủ thể của các hành động trên là chính tác giả. Nhân vật trữ tình ở đây chính là tác giả.
Thời gian trong đó xuất hiện nhân vật trữ tình là mùa hè với những cảnh vật và sự việc được chọn lọc khá tiêu biểu. Chú ý tác giả cảm nhận mùa hè qua các giác quan như thế nào : mắt nhìn thấy cây hoè xanh lục với “tán rợp giương” (xoè bóng mát), thấy hoa lựu đỏ, phối họp với màu xanh lục, mắt nhìn màu hồng và mũi cảm nhận hương thơm ngát của sen dưới ao, tai nghe từ xa vọng lại tiếng lao xao của phiên chợ cá, và xung quanh tiếrig ve kêu râm ran. Mùa hè thường nóng nực, khó chịu nhưng mùa hè qua cảm nhận của tác giả không hề gợi nên ấn tượng nóng nực, chói chang mà trái lại, một ấn tượng dễ chịu, đáng yêu. Cảnh hè ở bài thơ đầy thân thiện, chan hoà sự sống. Không gian mùa hè có ý nghĩa gì ? Nó tạo nên không khí và quang cảnh để dẫn dắt liên tưởng đến khúc ca Nam phong mừng cảnh đất nước thái bình thịnh trị. “Cái tôi” tác giả mừng vui vì được chứng kiến cảnh thái bình, thịnh trị của đất nước, cuộc sống no đủ, thanh bình của nhân dân ; sự mừng vui đó đã quyết định cái nhìn đẹp về cảnh mùa hè. Đây là nét độc đáo của bài thơ, vì thơ xưa thường viết nhiều về cái đẹp của mùa xuân, mùa thu, đặc biệt là mùa thu mà hiếm có bài viết về mùa hè.
2. Đặc điểm về nghệ thuật
a) Kết cấu của bài thơ
Bài thơ tuy có tám câu nhưng có đặc điểm riêng là phần tả cảnh và sự việc chiếm tới sáu câu, cảm xúc suy tư chỉ có hai câu cuối cùng. Do đó không nên chia bài thơ này thành bốn phần đề, thực, luận, kết để phân tích mà chỉ nên tách thành hai phần.
Phần thứ nhất gồm sáu câu đầu : một câu kể sự việc “hóng mát”, năm câu còn lại dành cho tả cảnh. Chú ý cấu trúc không gian được tả nhằm tạo nên bức tranh toàn cảnh với hai cực đối xứng gần – xa (gần có tán cây hoè, hàng thạch lựu bên hiên nhà, xa có tiếng lao xao vọng lại từ đâu đó tiếng mua bán của phiên chợ cá) và đối xứng trên – dưới (trên là tiếng ve – thường trên ngọn cây; dưới là những bông sen hồng dưới ao). Nhìn chung thơ xưa tả không gian thường chú ý các cặp đối xứng để tạo nên tính chất toàn cảnh, tính chất rộng lớn của bức tranh thiên nhiên.
Phần thứ hai gồm hai câu cuối : suy nghĩ, thể hiện niềm vui của một nhà nho suốt đời vì dân vì nước. Một cảm giác mát mẻ, thanh bình, no ấm được gọi nên từ cảnh mùa hè đã dấy lên một khao khát được cây đàn của Ngu Thuấn để ngợi ca và mong ước cảnh thái bình ấy trường cửu trên khắp đất nước – “khắp đòi phương”. Nghệ thuật kết cấu của bài thơ là chọn những cảnh và sự tiêu biểu của ngày hè có thể gợi ra cảm xúc, suy tư. Sự ưu tiên cho tả cảnh ở bài thơ này là hợp lí : cảnh tự nó nói lên tất cả, sự bình luận hay suy tư phải dựa trên cảnh, tức là hiện thực cuộc sống mới có sức thuyết phục.
b) Ngôn ngữ
Chú ý các từ ngữ giàu tính tạo hình của bài thơ như màu xanh của tán hoè “đùn đùn”, cây thạch lựu “phun” màu đỏ. Các từ này làm cho cảnh vật sống động, dường như biết cựa quậy, cử động, có hồn.
Cấu trúc câu thơ trong toàn bài cũng có sự thay đổi : Ba câu thơ số 2, 3 và 4 nhắc đến cây hoè, thạch lựu, sen trước rồi mới tả màu sắc, hương vị, hình khối của chúng, tức là tả đối tượng trước sau đó mới tả tính chất của đối tượng. Hai câu 5 và 6 đảo lại trật tự : tả không khí lao xao của chợ trước khi nhắc đến phiên chợ cá của làng chài, tả tiếng ve inh ỏi trước khi tả nơi nghe tiếng ve (trên lầu), tức là tả tính chất, đặc điểm và hoạt động trước rồi mói nói đến đối tượng. Thay đổi kết cấu của câu thơ như thế có ý nghĩa quan trọng, khiến bài thơ không lặp lại, luôn mới mẻ về tiết tấu, nhịp điệu. So sánh sự thay đổi nhịp của những câu thơ dưới đây :
Thạch lựu hiên/ còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì /đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá / làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve / lầu tịch dương.