Soạn bài đọc tiểu thanh kí của Nguyễn Du
(Độc Tiểu Thanh kí)
I.Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Vì sao Nguyễn Du lại đồng cảm với số phận của Tiểu Thanh?
Trước tiên, bởi vì Nguyễn Du là một nhà nhân đạo lớn, trái tim ông nhìn thấu suốt nỗi đau, nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Đã bao lần ông khóc thương cho số phận những người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh như khóc nàng Đạm Tiên, khóc cho nàng Kiều, khóc người ca nữ đất Long Thành… Và ở tác phẩm này, Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh, một người con gái xinh đẹp, tài năng, sống trong bất hạnh, chết trong oan ức.
Thứ hai, Tiểu Thanh cũng như Nguyễn Du, đều là “khách văn chương”. Nếu cuộc đời của nàng Tiểu Thanh bất hạnh thì cuộc đời của Nguyễn Du cũng chẳng suôn sẻ. Đọc các tác phẩm của ông, ta vẫn thường thấy có điều gì đó day dứt, u uẩn. Xưa nay những người cùng chung cảnh ngộ vẫn thường khóc thương cho nhau, đó cũng là lẽ thường trong thiên hạ vậy.
Câu 2. Câu “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?
Câu thơ chữ Hán “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” có nghĩa là “những mối hận xưa nay khó mà hỏi trời được”. Phần dịch thơ đã không lột tả hết ý của câu thơ trong nguyên tác”. (“nỗi hận” mà dịch thành “nỗi hờn” thì ý nghĩa đã giảm nhẹ đi rất nhiều). “Cổ kim hận sự” có nghĩa là nỗi hận của người xưa và người nay. Người xưa là nàng Tiểu Thanh và những người cùng cảnh ngộ trước thời Nguyễn Du, còn người nay là Nguyễn Du và những người bất hạnh cùng thời với ông. Nguyễn Du rằng bất hạnh luôn đi cùng với người tài năng (tài mệnh tương đố). Đó là một định luật của trời đất, do vậy không thể đem nỗi hận đó mà hỏi trời được.
Câu 3. Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ?
Nguyễn Du thương cảm số phận của nàng Tiểu Thanh, một người giỏi thơ văn, xinh đẹp mà bất hạnh. Niềm thương cảm đó, ngoài ý nghĩa là sự thương cảm dành cho số phận một người bất hạnh (cũng như nàng Kiều, hay nàng ca nữ đất Long Thành…), còn là niềm thương cảm dành cho một người nghệ sĩ. Ông đau đớn bởi “Văn chươn không có số mệnh mà bị đốt bỏ”. Ông trân trọng những giá trị tinh thần của người nghệ sĩ (ở đây là một nữ nghệ sĩ), đó là một giá trị nhân bản tiến bộ của Nguyễn Du.
Câu 4. Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài.
Hai câu đề: Nêu lên cảnh vật, sự việc cụ thể có tác dụng gợi cảm xúc cho tác giả. Tác giả nhìn thấy Tây Hồ, nơi chứng kiến cuộc đời buồn tủi của nàng Tiểu Thanh, xưa là vườn hoa xinh đẹp nay đã xác xơ và đọc tập kí kể về cuộc đời nàng, nhân đó mà cảm xúc trỗi dậy.
Hai câu thực: Suy nghĩ, liên tưởng của nhà thơ được khơi gợi từ cảnh và vật. Nhân đọc tập kí về nàng Tiểu Thanh mà nhà thơ thương cảm cho nàng, đồng cảm với nàng.
Hai câu luận: Khái quát vấn đề ở tầm cao hơn. Từ số phận của nàng Tiểu Thanh mà tác giả chạnh lòng nghĩ về mình, từ đó nghĩ đến nỗi hận xưa nay của những con người tài năng.
Hai câu kết: Khái quát lại vấn đề. Nàng Tiểu Thanh chết ba trăm năm trước, nay có Nguyễn Du đọc thơ rồi đồng cảm mà nhỏ cho nàng giọt lệ xót thương. Còn Tố Như, ba trăm năm sau liệu có ai đồng cảm? Đó là câu hỏi lớn, cũng là ước mong của thi hào về sự đồng cảm của người đời sau.
II.Luyện tập
Tìm sự tương đồng giữa đoạn thơ sau đây của “Truyện Kiều” và chỉ ra điểm tương đồng với bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”.
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
(Trích Truyện Kiều)
Gợi ý:
Đoạn thơ trên được trích từ câu 107 đến câu 110, là lời của Thúy Kiều nói về Đạm Tiên, một người con gái tài sắc mà bạc mệnh.
Mượn lời Thúy Kiều: “Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa; Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”, Nguyễn Du đã nói lên quan niệm của mình về thuyết tài mệnh tương đố. Khi mở đầu Truyện Kiều, ông cũng đã nói:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Ông cho rằng bất hạnh luôn đi cùng với những người tài năng. Đó là một định lệ của đất trời. Quan niệm đó cũng được Nguyễn Du lặp lại trong Đọc Tiểu Thanh kí. Khi ông nói “Nỗi hận xưa nay khó mà hỏi trời được”, cũng là vì không thể hỏi cái định lệ do trời đặt ra.
Hai câu sau, Thúy Kiều từ cảm cho số phận bất hạnh của nàng Đạm Tiên mà chạnh lòng nghĩ đến mình “Thấy người năm đó biết sau thế nào?”. Đó là lời Kiều hay là tâm sự của Nguyễn Du? Tâm trạng của Kiều khi ấy phải chăng cũng là tâm trạng của Nguyễn Du khi nói :
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng.
Cả hai cũng là tiếng khóc của người đời sau dành cho người đời trước. Cả hai đều là tiếng nói của một tấm lòng đa cảm, đau đáu trong lòng ước mong về một kẻ tri âm. Đó không hẳn là sự tương đồng mà đều là tiếng nói của thi nhân vậy.