Cảm nhận về bài “Độc Tiểu Thanh Ký” – Bài làm 1
Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh cũng “định mệnh” như Thuý Kiều đến với Đạm Tiên vậy. Ngày tết Thanh minh mà sao sắc xuân không đến với Đạm Tiên trên nấm cỏ:
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Sắc cỏ vàng úa giữa mùa xuân thật hợp cho cuộc gặp gỡ giữa hai con người có tên trong sổ đoạn trường. Nguyễn Du với Tiểu Thanh không chỉ là sự cách biệt âm dương. Đó còn là sự cách biệt của khoảng cách thời gian vời vợi : ba trăm năm lẻ. Nhưng không phải vì có nhiều khoảng cách mà thiếu đi sự cảm thông. Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du chính là tiếng lòng vượt lên bao khoảng cách để mà cảm thông và thương xót cho một kiếp người.
Nguyễn Du gặp gỡ Tiểu Thanh mà sao giống như cuộc gặp trong định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người tài hoa và đầy duyên nợ với văn chương :
Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Cảnh được tả thật hoang tàn. Nguyễn Du nhắc đến một địa danh trong câu thơ thứ nhất : Tây Hồ (Tây Hồ thuộc tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc), nơi có núi Cô Sơn, chỗ Tiểu Thanh, một cô gái sắc tài nhưng bất hạnh từng sống. Một sự đổi thay được cảm nhận như là bước đi của lẽ đời dâu bể. Đó là sự đổi thay tuyệt đối từ quá khứ sang hiện tại, từ vườn hoa thành gò hoang và từ có đến không. Từ tẫn trong nguyên bản “hoa uyển tẫn thành khư” gợi sự thay đổi dữ dội, khốc liệt : thay đổi hết, không còn chút dấu vết gì. Hoá ra câu thơ không phải nói lẽ đời dâu bể. Nguyễn Du đang thương cho cái đẹp bị dập vùi. Câu thơ mới chỉ tả cảnh mà đã gợi đến bao nỗi xót xa. Toàn bộ câu chuyện đau thương năm xưa về nàng Tiểu Thanh hiện về. Câu thơ nói chuyện riêng tư nhưng cũng là nỗi lòng nhân thế.
Câu thơ thừa đề mới thực là cuộc gặp gỡ của Nguyễn Du:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ)
Khi còn sống, Tiểu Thanh có làm một tập thơ (Tiểu Thanh kí) để ghi lại nỗi xót xa, lẻ bóng của mình. Khi nàng tự vẫn, vợ cả đem ra đốt, may còn lại vài bài. Vậy ra cuộc viếng thương Tiểu Thanh không phải diễn ra tại Cô Sơn. Sự tiếc thương của Nguyễn Du đã vượt qua khoảng cách thời gian, không gian (chỉ viếng nàng qua tập sách đốt còn dang dở). Câu thơ tiếp tục khơi vào số phận bất hạnh của Tiểu Thanh. Phần dư cảo của Tiểu Thanh kí phải chăng cũng chính là cuộc đời tan vụn của nàng ? Tan vụn nhưng chưa vĩnh viễn mất đi, tan vụn nhưng vẫn còn vương lại để mà tiếp tục giận hờn oán trách.
Tiểu Thanh đẹp mà bất hạnh, tài năng mà yểu mệnh. Đó có phải là số mệnh của những kẻ nhan sắc lại tài hoa ? Day dứt ấy ám ảnh Nguyễn Du cả một đời :
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Hai câu thơ khái quát lại nỗi oan trái của Tiểu Thanh. Son phấn là nỗi oan của sắc. Văn chương là nỗi oan của tài. Hai vật vô tri được nhân cách hoá để có thần, có mệnh, làm nên cái thần, cái mệnh của Tiểu Thanh. Tập sách kia dẫu có bị đốt đi nhưng cuộc đời Tiểu Thanh vẫn luôn hiển hiện để mà tiếp tục kêu than, đau đớn thay cho những kiếp như mình. Hai câu thơ viết bằng cảm hứng xót xa và ngợi ca cái đẹp, cái tài.
Bốn câu thơ sau là hai sự đổi thay về ý. Từ thương một người con gái tài hoa, Nguyễn Du thương cho muôn kiếp tài hoa ; từ thương người, Nguyễn Du ngậm ngùi trong nỗi thương mình.
Nỗi oan, nỗi hận của Tiểu Thanh được Nguyễn Du khái quát thành nỗi hờn, nỗi oan của bao kẻ cùng hội cùng thuyền :
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Câu thơ chất chứa bao nỗi hờn kim cổ thành một câu hỏi lớn treo lơ lửng giữa không trung không lời đáp. Tại sao khách má hồng lại gặp nỗi truân chuyên ? Tại sao những kẻ tài hoa lại hay yểu mệnh ? Câu thơ là nỗi lòng nhân thế, là những nghịch cảnh thường gặp trong cuộc đời : khách phong lưu lại phải oan, phải khổ. Câu hỏi như hướng vào vô vọng, không lời đáp. Nỗi hận, nỗi oan cũng vì thế mà càng nhức nhối.
Sau này khi đến thăm chùa Tây Phương, Huy Cận còn nhìn thấy nỗi hờn của thời đại Nguyễn Du hiện trên mặt tượng đầy bế tắc:
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
Hai câu luận còn là một sự nhập thân. Đó là sự nhập thân tự nguyện của Nguyễn Du với những kiếp tài hoa bạc mệnh : “Phong vận kì oan ngã tự cư”. Chữ ngã ở đây có nghĩa là “tôi”, “ta”. Bản dịch, dịch thành “khách” là chưa đạt. Nhưng cũng phải đến hai câu kết, chủ thể trữ tình mới hiện ra rõ nét :
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Hai câu cuối lạ, chuyển ý bất ngờ, niêm luật không chú trọng mà không lạc dòng cảm xúc. Ý tứ đến cũng tự nhiên và hợp lí. Từ thương người, Nguyễn Du chuyển mạch đến thương mình. Hai câu thơ kết cấu thành một câu hỏi. Câu hỏi hướng đến những điệu hồn tri âm. Không hỏi quá khứ, không hỏi hiện tại, vì quá khứ và hiện tại đều bế tắc. Câu hỏi hướng đến tương lai. Nguyễn Du cũng không hỏi trời, ông hỏi người vì còn mong ở đời có thể tìm thấy những tri âm. Với nàng Tiểu Thanh, ba trăm năm sau đã có một Nguyễn Du “thổn thức”, không biết “với mình” liệu ba trăm năm sau có ai biết đến mà cảm thông ? Câu thơ trĩu nặng. Hai từ bất tri (không biết) đầy tủi hổ tưởng có thể buông xuôi. Nhưng câu thơ vẫn là một niềm tin. Nguyễn Du vẫn tin ở nhân tâm của con người.
Thơ hoài cổ thường là tiếng khóc dành cho những cố nhân. Thơ Nguyễn Du không hoàn toàn như vậy. Nhớ đến, thương đến cố nhân, tác giả chạnh lòng thương chính bản thân mình và những người nghệ sĩ. Nó chính là khởi nguồn cho cảm hứng nhân văn cao cả của bài thơ.
Độc Tiểu Thanh kí còn là sự day dứt cả đời của Nguyễn Du. Đó là niềm day dứt của thi nhân về nỗi bấp bênh của thế thái nhân tình. Niềm day dứt ấy phải vì thế mà ôm trọn sự bế tắc của “thời đại Nguyễn Du”.
Cảm nhận về bài “Độc Tiểu Thanh Ký” – Bài làm 2
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi
Trước song một mình nhớ tới người xưa qua một tờ giấy viết).
Câu thơ mở đầu như một tiếng thở dài não ruột. Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa. Cái “hữu” đã thành cái không, cái “đẹp” đã bị thay bởi cái “tàn tạ” hủy diệt. Từ “tận” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối; đã thay đối hết không còn một dấu vết gì nữa. Chứng thực một không gian đẹp là khoảng đất bên Tây Hồ, để đối chứng quá khứ vàng son với hiện tại hủy diệt, Nguyễn Du đã nhìn thấy cuộc thương hải tang điền trong chớp mắt “Trải qua một cuộc bể dâu”, “Thế gian biến cải vũng nên đồi”,một con người được ghi ở một tờ giấy viết thật mong manh. Tờ giấy viết đây chính là bài “kí” có khoảng 2300 chữ ghi lại chuyện Tiểu Thanh của người đời sau.
Nếu vườn hoa đã tận thành gò hoang là chứng tích của một thời thì mảnh giấy này là chứng tích còn sót lại của một đời người. Một oan hồn thông khổ trong hành lang hun hút của thời gian ba trăm năm trước. (Theo trong bài kí thì Tiểu Thanh chết 1492 và Nguyễn Du đi sứ nhớ tới nàng, khóc nàng năm 1813 nghĩa là hơn 300 năm).
Cái nhìn trầm ngâm của Nguyễn Du về cuộc bể dâu của sự vật và cái lẻ nhân sinh của kiếp người sao mà cô đơn đến thế. Cái đẹp bị hủy hoại cùng triệt, dòng thời gian cứ chảy vô tình. Cái lẻ loi và đơn độc của Nguyền Du không chỉ hiện hình ở cái cảnh buổi chiều tàn bên song cửa sổ, ngồi dọc chuyện buồn mà còn thể hiện ở hai chữ “độc” và “nhất” đó.
Hai câu thực:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
(Son phấn có thần sắc chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết).
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở
Trong truyện Tiểu Thanh kí tác giả kể, trước khi chết, Tiểu Thanh thuê họa sĩ vẽ chân dung mình. Bức hình thứ nhất nàng chê có hình tự mà không có thần, bức thứ hai có thần nhưng phong thái khô cứng, gò bó. Sang bức thứ ba nàng khen vừa có hình, có thần, lại dịu dàng yểu điệu. Tiểu Thanh treo bức hình mình lên tế rồi khóc đến chết. Người chồng nghe tin chạy đến nhìn sắc mặt vợ và bức tranh thấy như người còn sống thương tiếc và khóc lóc. Lúc vợ cả cái nạp tranh và thơ, người chồng chỉ nạp thơ và bức tranh thứ nhất. Do đó, Nguyễn Du đã viết rất thực tế để tả cái oan trong đời Tiểu Thanh. Sắc là thế nhưng chết rồi mới được chồng đoái thương, văn chương là thế mà cũng bị đốt, may còn sót lại mấy bài.
Ý nghĩa của hai câu thực còn chìm ấn bên trong tính chất luận. Bề ngoài thì Nguyễn Du dã nắm bắt hai chi tiết có thần nhất để làm nổi bật cốt truyện, nhưng bên trong thì nói lại một quan điểm. Dù có bị những lực lượng hắc ám phũ phàng tận diệt thì nhan sắc của giai nhân, tài hoa của con người không dễ gì bị tiêu diệt. Qui luật vô hình vẫn dành cho nó những cơ may để tồn tại. Nó không chết, nó vẫn cùng cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy nhiên, để tồn tại sắc tài vẫn phải vật vã và trầm luân đau khổ lắm!
Nếu như bốn câu trên có phần “hướng ngoại”, quan tâm tới câu chuyện Tiểu Thanh thì bốn câu sau tác giả suy ngẫm về mình. Cảm hứng bốn câu trên nằm trong cảm hứng chung của Nguyễn Du về sự thương xót và ngưỡng mộ những tài tử giai nhân: “Sắc tài sao mà chịu kiếp truân chuyên”. Bốn câu sau “hướng nội”. “Trông người lại ngẫm đến ta”, cảm xúc chủ đạo ỡ đây là sự cô độc tuyệt đối của Nguyễn Tiên Điền!
Hai câu luận:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư.
(Những việc tiếc hận ngày xưa không hỏi trời
Ta tự ở vào cái oan kì lạ của phong vận)
Ở đây ta nên hiểu “hận sự” đó là những việc không hài lòng một cách sâu sắc có thể để hối tiếc mãi. Nó không phải là “thù hận” mà là “tiếc hận”. Vì thế nghĩa hàm ẩn của nó là: “Những việc tiếc hận xưa nay không thể truy tìm được nguyên nhân”. Ta nên lưu ý các nhà Nho không oán người, không trách trời, nên không thể coi đây là lời chỉ trích oán hận trời.
“Phong vận” là từ nói tắt của “lưu phong dư vận” nghĩa là gió thổi nước trôi, biểu hiện sự hài hòa rất mực, biểu hiện của tài tình, của bất diệt. Những kẻ “phong vận” thường có con đường hạnh phúc may mắn vạch ra phía trước, họ phong lưu tức họ bất diệt. Thế nhưng sao ở ta, ở số kiếp bao nhiêu người mà ta chứng kiến thì những người ấy thường gặp oan trái kì lạ khó hỏi trời. Các quy luật đã bị lộn ngược oái oăm đến mức không thể giải thích. Nghĩa hàm ẩn của câu này là: Những kẻ phong vận tài tình bị oan trái thì thông cảm được với nhau.
Ta thấy mình cũng chịu nỗi oan kì lạ như người phong vận đấy (Người thơ phong vận như thơ ấy). Nguyễn Du đã xếp mình đồng hội đồng thuyền với những số kiếp tài hoa bạc mệnh. Ông không lí giải được tại sao đời mình lại gặp nhiều trầm kha oán trái thế: “Tráng niên ngã dực vi tài giả” (Thời trẻ ta cũng là kè có tài mà). Ý thức được mình như thế, để hôm nay ngậm ngùi ngơ ngác hỏi vào thinh không. Thế mà sao ta cứ như những người phong vận mắc nỗi oan lạ lùng? Các câu thơ thúc ép nhau để rồi “thiên nan vấn”. Câu hỏi ấy va đập vào cái vô hình tạo thành một nỗi đau thấm đến gan ruột.
Hai câu kết:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai nhỏ nước mắt khóc cho Tố Như chăng?)
Người xưa cho rằng những kẻ đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì sẽ gặp nhau. Vì thế chỉ cần Kiều tỏ lòng thành với Đạm Tiên: “Chớ nề u hiển mới là chị em”, thì: “Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay”. Con người “đồng khí” thường tái sinh và gặp nhau ở tương lai. Nguyễn Du sống sau Tiểu Thanh hơn ba trăm năm, ông hiểu và đống nỗi oan kì lạ như Tiểu Thanh nên ông khóc nàng. Chẳng biết sau khi ta nhắm mắt ai là kẻ đồng oan khóc ta? (Hôm nay em khóc chị, ngày mai ai khóc em?).
Nguyễn Du quả nhắm mắt không yên khi không biết tương lai có ai hiểu ông không? Niềm khắc khoải ấy lại là một sự tiên cảm của thiên tài; ông mong chờ một tấm lòng hô ứng nhưng chỉ mới hai trăm năm trôi qua Nguyễn Du đã được đánh giá là đại thi hào dân tộc:
Tiếng tha ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
(Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Con cháu của Nguyễn đã khóc Nguyễn thực lòng. Đã “khấp” tức là nhỏ nước mắt chân thành chứ không phải “khốc” tức là khóc to lên, nhiều lúc không cần nước mắt.
Cảm nhận về bài “Độc Tiểu Thanh Ký” – Bài làm 3
Nguyễn du một đại thi hào của dân tộc. Ông đã đóng góp một phần lớn vào nền văn học nước nhà. Những tác phẩm của ông luôn lắng đọng những cảm xúc trong lòng người đọc, những giọt nước mắt khi đau đớn, xót xa hay căm giận bởi ông là một nhà thơ đa tình, đa cảm lại thấu hiểu người dân hơn ai hết. Sự dung cảm của ông trước những cuộc đời bất hạnh, chịu đựng nhiều oan ức đã giúp ông sáng tạo nên những tác phẩm để đời, trở thành tiếng lòng nức nở của hồn thơ nhạy cảm.
Tác phẩm Độc Tiểu Thanh Kí của ông là câu chuyện của nàng Tiểu Thanh có tài, có sắc mà bạc mệnh, là mối thương tâm cho những người thương yêu nàng. Và chính Nguyễn Du là người luôn thấu hiểu lòng nàng và thương nàng nhất dù có cách xa hàng nghìn trùng khoảng cách về không gian và thời gian. Ông đã không khóc nàng bằng tiếng khóc thương tình, nhỏ một vài giọt lệ rồi quên ngay, mà ông khóc bằng chính trái tim quằn quại, đau thắt xe tâm can. Trong tiếng khóc cho nàng Tiểu Thanh thì cũng chính là tiếng khóc cho nỗi lòng của tác giả.
“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.”
Câu thơ mở đầu như một tiếng thở dài não ruột. Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa. Nguyễn Du gặp gỡ Tiểu Thanh mà sao giống như cuộc gặp trong định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người tài hoa và đầy duyên nợ với văn chương. Nguyễn Du đang thương cho cái đẹp bị dập vùi. Câu thơ mới chỉ tả cảnh mà đã gợi đến bao nỗi xót xa. Toàn bộ câu chuyện đau thương năm xưa về nàng Tiểu Thanh hiện về. Câu thơ nói chuyện riêng tư nhưng cũng là nỗi lòng nhân thế. Vườn hoa là chứng tích của một thời thì mảnh giấy tàn là cái còn lại của một đời người. một oan hồn thông khổ trong hành lang hun hút của thời gian. Cái nhìn trầm ngâm của Nguyễn Du về cuộc bể dâu của sự vật và cái lẻ nhân sinh của kiếp người sao mà cô đơn đến thế. Cái đẹp bị hủy hoại cùng triệt, dòng thời gian cứ chảy vô tình. Cái lẻ loi và đơn độc của Nguyền Du không chỉ hiện hình ở cái cảnh buổi chiều tàn bên song cửa sổ, ngồi dọc chuyện buồn mà còn thể hiện ở hai chữ “độc” và “nhất” đó.
“Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương”
Hai câu thơ là tổng thể nỗi oan của Tiểu Thanh, phận gái son sắc, xinh đẹp, tài giỏi nhưng lại phải chịu nỗi oan ức. Tác giả đã sử dụng những vật vô chi vô giác để nhân cách hóa cho nó có hồn, có thần thái và có mệnh để toát lên đưuọc cái vận mệnh và thần thái của nàng Tiểu Thanh. Nguyễn Du đã viết rất thực tế cho để tả cái oan trong đời Tiểu Thanh. Sắc là thế nhưng chết rồi mới được chồng đoái thương, văn chương là thế mà cũng bị đốt, may còn sót lại mấy bài. Mới nhìn vào ta chỉ thấy được Nguyễn Du đã nắm bắt hai chi tiết có thần nhất để làm nổi bật cốt chuyện nhưng bên sâu sắc thì đó lại là một quan điểm của ông. Dù có bị những lực lượng hắc ám phũ phàng tận diệt thì nhan sắc của giai nhân, tài hoa của con người không dễ gì bị tiêu diệt. Qui luật vô hình vẫn dành cho nó những cơ may để tồn tại. Nó không chết, nó vẫn cùng cây đời mãi mãi xanh tươi. Có tài, có sắc và muốn tồn tại được thì vẫn phải lăn lộn, trầm luân đau khổ.
“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.”
Nỗi oan hận của Tiểu Thanh dần đã trở thành nỗi hờn, nỗi oan khuất của biết bao kẻ cùng hội cùng thuyền. Câu thơ chứa chất bao nỗi hờn kim cổ thành một câu hỏi lớn mà không có lời giải đáp. Câu hỏi ấy vô vọng, nỗi oan từ đó mà càng thêm nhức nhối. Đọc lên những câu thơ ấy ta như cảm nhận mình cũng chịu nối oan kì lạ. Nguyễn Du như nói mình đang cùng cảnh ngộ với những số kiếp tài hoa mà bạc mệnh. Và tác giả đã không lí giải được tại sao cuộc đời lại như thế. Nhưng chính nỗi đau ấy ý thức được lại ràng buộc gắn kết với ông sâu sắc, mạnh mẽ và xót xa hơn bao giờ hết bởi ông biết đó chính là đường đời cảu cuộc đời mình. con đường trước mắt thì vời vợi đâu biết trước ngày mai sẽ ra sao. Đau đớn tận đáy lòng, ông không khỏi kêu lên tiếng than của một trái tim đầy ắp nỗi sầu nhân thế.
“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời có ai khóc Tố Như chăng.”
Những câu thơ cuối, tác giả chuyển ý bất ngờ, niêm luật không chú trọng mà không lạc dòng cảm xúc. Ý tứ đến cũng tự nhiên và hợp lí. Từ thương người, Nguyễn Du chuyển mạch đến thương mình. Hai câu thơ kết cấu thành một câu hỏi. Câu hỏi hướng đến những điệu hồn tri âm. Không hỏi quá khứ, không hỏi hiện tại, vì quá khứ và hiện tại đều bế tắc. Câu hỏi hướng đến tương lai. Nguyễn Du cũng không hỏi trời, ông hỏi người vì còn mong ở đời có thể tìm thấy những tri âm. Niềm khắc khoải của ông là một sự tiên cảm của thiên tài, ông mong chờ một tấm lòng hô ứng nhân đạo. Thơ hoài cổ là tiếng khóc dành cho những số phận cố nhân. Nhớ đến, thương đến cố nhân, tác giả chạnh lòng thương chính bản thân mình và những người nghệ sĩ. Nó chính là khởi nguồn cho cảm hứng nhân văn cao cả của bài thơ.
Suốt đời ông khóc cùng người đời, nói lên tiếng lòng thương cảm vô hạn cùng thân phận của người đời bằng trái tim xót xa và nhạy cảm. Trong ông luôn day dứt, nguôi ngoai vẫn cứ còn bật lên tiếng khóc thầm, lặng lẽ ủ kín trong nỗi đau đớn, khắc khoải của nhân gian dài dằng dặc. Niềm day dứt ấy phải vì thế mà ôm trọn sự bế tắc của “thời đại Nguyễn Du”.
Cảm nhận về bài “Độc Tiểu Thanh Ký” – Bài làm 4
Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, ông có rất nhiều những tác phẩm hay và để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, trong đó bài Độc tiểu thanh kí là bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho người đọc nhất, bởi tâm trạng xót thương của tác giả về những số phận lênh đênh.
Mở đầu bài thơ tác giả đã thể hiện cảnh Tây Hồ với những cảnh đẹp lạ lùng, nhưng giờ đây nó lại hóa thành những đóng gò hoang, gò hoang phải chăng là những nơi mà không còn ai để ý hay quan tâm về nó nữa, những dòng tâm trạng heo hút và nó đang thổn thức trước những điều đã qua, tác giả dường như đang xót thương cho những số phận, trước những cảnh hoàng sơ, tàn lụi, những điều đó thể hiện việc tác giả đang dùng chính tâm trạng và tấm lòng của mình để viếng thăm nàng qua những song sắt ngoài cửa sổ, bằng những mảnh giấy, viết lên những tâm trạng đau đớn, xót sa:
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Tâm hồn của tác giả đang thả vào những dòng thơ văn trên, chính vì vậy những câu thơ như có hồn, nó thổn thức và da diết trong những dòng tâm trạng của chính tác giả, với những dòng cảm xúc đầy xót thương đó, sự ra đi và nuối tiếc của chính tác giả về nàng Tiểu Thanh. Giờ đây những đồ trang điểm kia vẫn như đang chứ đựng tâm trạng của chính nàng, nó thể hiện những cảm xúc đau đớn, khi chôn cất đi nó vẫn để lại những mối hận trên cuộc đời, văn chương thì không có số mệnh tốt đẹp, khi đốt đi, nó vẫn còn đang lưu luyến trên chính cuộc đời này, những điều khác lạ và thể hiện một cảm xúc lớn lao nhất trong chính cuộc đời của tác giả. Với một tâm hồn như vậy, tác giả đang thể hiện những đau đớn trong từng dòng chữ của mình, sự xót thương và luyến tiếc về một con người đã ra đi. Những dòng cảm xúc đó đang dần che đi một phần nào đó sự bi lụy trong cái chết của nàng tiểu thanh.
Đánh nhẽ ở cảnh Hồ Tây vẫn còn vương vấn những cảnh sắc của cả thiên nhiên, và cả con người, nhưng khi nàng ra đi, nó lại biến thành những nơi hoàng vắng, không thấy bóng dáng của con người phảng phất nơi đây, tình cảm mà tác giả thể hiện cho nhân vật của mình cũng vô cùng sâu sắc, nó thể hiện một cái nhìn đầy thiện cảm, xót thương cho số mệnh ngắn ngủi, hồng nhan bạc mệnh của nàng Tiểu thanh, ở đây không biết khi nào mới có thể trả lại như bình thường, nó thể hiện một cái nhìn đầy dụng ý của tác giả về chính cuộc đời và mang nhiều nỗi khuôn hỏi với cảnh vật, và thiên nhiên nơi đây.
Sự ra đi của Tiểu Thanh đã để lại cho cuộc đời nhiều nỗi đau, và thương xót, những cảnh sắc đó đã mang cho tâm hồn của tác giả, nhiều cảm xúc và sự khuôn hỏi về những điều mà khách phong lưu đã mang cho cuộc đời của nàng:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng ?
Những nỗi xót thương đó đang được thể hiện để hỏi trời đất, tác giả tự hỏi để những nỗi đau đó có phần nào nguôi ngoai đi, cái án phong lưu xưa này xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Nguyễn Du, nếu như chính Thúy Kiều đã phải mang những nỗi đau đớn trong cảnh sắc của vùng thiên nhiên hiu quạnh, thì đến nay, Tiểu Thanh cũng phải chịu những đau đớn đó, tất cả do cuộc sống, xã hội đã đẩy những con người đó rơi vào những tình trạng éo le, họ phải sống những năm tháng mà rày vò lên cả tâm can, và bao nhiêu dòng cảm xúc, tâm trạng của chính nhân vật của mình.
Nỗi hơn kim cổ có thể được hiểu đó là những nỗi xót xa mà nhân vật này đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua, mặc dù hỏi trời hỏi đất nhưng cũng không thể lý giải được. Nguyễn Du là một nhà văn luôn muốn hướng tới những người phụ nữ chịu nhiều xót xa và đau đớn do xã hội này gây ra, đây chính là những đặc điểm và nó thể hiện một tình cảm vô cùng đặc biệt trong chính những sáng tác riêng của mình, những nỗi hờn kim cổ đã được thể hiện từ rất lâu nhưng nó cũng đủ để xoáy sâu những dòng cảm xúc, sự đau đớn trong tâm hồn của những người phụ nữ đó.
Tác giả cũng tự đặt câu hỏi cho chính bài thơ của mình, sau này khi ba trăm năm nữa đi qua không biết có còn ai thương xót cho Nguyễn Du như ông đang thương xót cho nàng Tiểu Thanh hay không, những mối hờn đó đã để lại cho tác giả, nhiều những cảm nhận sâu sắc và nó đang rằng xé lấy tâm hồn và cảm xúc của chính nhân vật. Những giá trị đó đã thể hiện một cái nhìn mới mẻ và giàu có về giá trị nhất. Bài thơ đã thể hiện những nỗi đau đớn, sự xót thương của nhà văn về nàng Tiểu Thanh.
Với những dòng cảm xúc đầy dự xót thương, tác giả đã thể hiện những suy tư và dòng cảm xúc đầy tâm trạng của mình đối với nhân vật Tiểu Thanh, với bao nhiêu cảm xúc và sự suy nghiệm về chính cuộc đời của mình thông qua nhân vật.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- cảm nhận đọc tiểu thanh kí
- cảm nhận về bài thơ đọc tiểu thanh kí
- cảm nhận bài đọc tiểu thanh kí
- cảm nhận của em về bài thơ đọc tiểu thanh
- cảm nhận về bài đọc tiểu thanh kí