Chủ nghĩa nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Chủ nghĩa nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – Bài làm 1

Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm. 

van mau chu nghia nhan dao trong truyen kieu cua nguyen du Chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Cốt lõi của cảm hứng nhân đạo là lòng thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Một tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi nó ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người, không những thế phải đồng cảm xót thương những số phận bị chà đạp, lên án tố cáo những thế lực thù địch, đồng thời phải biết đồng tình với khát vọng và ước mơ chính đáng của con người. 

Nguyễn Du yêu thương con người đến tận cùng, vì vậy các tác phẩm của ông cũng nhân đạo đến tận cùng. Chỉ qua ba đoạn trích Truyện Kiều và bài thơ Độc Tiểu Thanh ký trong SGK, người đọc cũng hiểu được phần nào tấm lòng nhân đạo của thi hào Nguyễn Du. 

Cảm thương cho những kiếp hồng nhan mà đa truân, tài tử mà đa cùng không phải là cảm hứng mới mẻ trong văn học, nhưng phải đến Nguyễn Du, người đọc mới thực sự đau lòng vì “những điều trông thấy” bởi Nguyễn Du viết về nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình. 

Sắc đẹp khuynh thành và tài năng hiếm có của Thúy Kiều đã được Nguyễn Du đặc tả trong hai câu thơ: 

“Một hai nghiêng nước nghiêng thành 

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” 

(Truyện Kiều) 

Còn Tiểu Thanh, một con người có thật sống cách Nguyễn Du 300 năm ở Trung Quốc cũng là một người con gái đẹp, có tài thơ, còn để lại tập di cảo Tiểu Thanh ký. Truyện kể lại rằng trước khi chết, Tiểu Thanh đã khóc vì nhìn bức chân dung của mình và nhận ra mình đẹp. Đau đớn biết bao nhiêu khi một người con gái còn rất trẻ khi sắp chết lại thấy mình đẹp. Thế nhưng chính Nguyễn Du lại thấm thía hơn ai hết rằng: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, rằng: “Có tài mà cậy chi tài – Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cuộc đời Thúy Kiều và Tiểu Thanh chính là minh chứng và cũng là nạn nhân của những bất công, phi lý của cuộc đời. 

Thúy Kiều tài sắc như vậy nên người nàng yêu cũng phải là một văn nhân “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Hai người đã thề nguyền “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” và có vầng trăng trên trời làm chứng. Nhưng rồi tai họa ập đến với gia đình khiến Thúy Kiều đành phải hy sinh chữ tình vì chữ hiếu. Việc Kiều bán mình chuộc cha không phải vì nàng hành động theo đạo lý tam cương của Nho gia mà đó là đạo hiếu của kẻ làm con: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Nhưng chỉ Nguyễn Du mới hiểu đến tận cùng bi kịch của Thúy Kiều khi phải trao duyên cho em, nhờ em thay mình trả nghĩa chàng Kim. Nàng giờ sống mà như đã chết. Biết bao đau đớn khi Kiều nhận mình là kẻ phụ bạc: 

“Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang 

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” 

(Truyện Kiều) 

Màn trao duyên ấy chính là bi kịch đầu tiên mở ra quãng đời 15 năm “oan khổ lưu ly” của Thúy Kiều. Cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che” ngày xưa giờ đã thay bằng cuộc sống “Dập dìu lá gió cành chim – Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”. Thúy Kiều không tìm thấy chút vui thú nào trong cuộc sống “bướm lả ong lơi” ấy, mà tâm trạng thực của nàng là vui gượng, là sầu, buồn, cuối cùng đọng lại ở nỗi đau, một nỗi đau luôn dày vò, không thể giải tỏa. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng cái “giật mình mình lại thương mình xót xa” của cô Kiều mới đáng quý biết chừng nào. Nếu không có những phút “giật mình” ấy thì nàng Kiều cũng tầm thường như một cô gái làng chơi mất hết nhân phẩm. Cái “giật mình” ấy chứng tỏ Thúy Kiều đã đau đớn biết bao nhiêu khi nhân phẩm bị nhơ bẩn, “Mặt sao dày gió dạn sương – Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”. Nàng phẫn uất, đay nghiến thực trạng phũ phàng, cuộc sống bị cầm tù trong một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát: 

“Đã cho lấy chữ hồng nhan 

Làm cho cho hại cho tàn cho cân 

Đã đày vào kiếp phong trần 

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi” (Truyện Kiều) 

Người đọc dường như không phân biệt được đâu là lời của nhân vật, đâu là lời của nhà thơ vì Nguyễn Du đã nhập thân để hiểu tận cùng nỗi đau của Thúy Kiều và bất bình thay cho nàng. 

Thúc Sinh xuất hiện trong cuộc đời Kiều không phải chỉ như một khách làng chơi mà còn như một người tình, một người chồng, một ân nhân. Chính Thúc Sinh đã chuộc nàng ra khỏi xanh và cưới nàng làm vợ lẽ. Nhưng mối duyên này ngắn ngủi. Thúc Sinh phải về quê báo tin “vườn cũ thêm hoa” với vợ cả là Hoạn Thư. Cảnh từ biệt của hai người không chỉ có buồn, có lưu luyến như các cuộc chia ly thong thường khác mà còn có dự cảm về một cuộc chia tay vĩnh viễn 

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi 

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều) 

Những nỗi đoạn trường cứ bám lấy cuộc đời Thúy Kiều như một định mệnh, không cho nàng được sống thanh thảnh, vui vẻ, dù là ngắn ngủi. 

Tiểu Thanh cũng vậy. Nàng tài sắc là thế mà phải làm lẽ, sống trong sự dày vò của người vợ cả độc ác. Tiểu Thanh không giống Thúy Kiều, 16 tuổi đã phải dấn thân vào kiếp đoạn trường, nhưng cảnh sống bị cầm tù ở núi Cô Sơn, ngày ngày lo sợ bị người vợ cả hãm hại thì có khác gì cái chết. Một cái chết dần dần, mòn mỏi, và không kém phần đau đớn. Sau 300 chỉ có Nguyễn Du lặng lẽ viếng nàng bên khung của qua tập di cảo còn sót lại. Cảnh đẹp Tây Hồ cũng chịu số phận truân chuyên của giai nhân: 

“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang 

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn” 

(Độc Tiểu Thanh ký) 

Nguyễn Du xót thương cho số phận của “văn chương”, của “son phấn” cũng bị liên lụy vào nỗi đoạn trường bởi chúng mang cái mệnh của con người: 

“Chi phấn hữu thần liên tử hận 

Văn chương vô mệnh lụy phần dư” 

(Son phấn có thần chôn vẫn hận 

Văn chương không mệnh đốt còn vương) (Độc Tiểu Thanh ký) 

Vẫn biết rằng “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nhưng đó vẫn là “nỗi hờn kim cổ” mà Nguyễn Du muốn chất vấn trời cao, hay chất vấn cuộc đời, song rốt cuộc vẫn không có lời giải đáp. Chỉ biết rằng đó là “phong vận kì oan” (nỗi oan lạ lùng) của những kẻ mang nết phong nhã. Hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng là cái án tiền định của những người như Thúy Kiều, Tiểu Thanh phải mang. Tiếng khóc của nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên: 

“Đau đớn thay phận đàn bà 

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” 

(Truyện Kiều) 

cũng chính là tiếng khóc của nàng cho chính mình mai sau và là tiếng khóc cho những phận đàn bà nói chung. 

Rốt cuộc thì Đạm Tiên, Thúy Kiều hay Tiểu Thanh dù số phận có nhiều điểm khác nhau thì cũng là “cùng một lứa bên trời lân đận”. Nguyễn Du cũng tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với những người mắc nỗi oan lạ lùng vì vết phong nhã. Tố Như đau cho số phận của Tiểu Thanh cũng là tự thương cho chính những lận đận của mình, bởi vậy mới khao khát tri kỷ: 

“Bất tri tam bách dư niên hậu 

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” 

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa 

Người đời ai khóc Tố Như chăng) 

(Độc Tiểu Thanh ký) 

“Khấp” có nghĩa là khóc thầm, còn “khốc” là khóc lớn, khóc thành tiếng. Nguyễn Du cả đời khóc thương cho những bất hạnh của con người nhưng cuối cùng cũng chỉ mong được người đời sau khóc thầm. Đó là khao khát tri âm khiêm nhường của một con người rất hiểu đời. 

Đọc “Truyện Kiều” và “Độc Tiểu Thanh ký”, Nguyễn Du luôn hỏi trời về những đau khổ của con người nhưng thực tế trong tác phẩm, Nguyễn Du lại cho thấy nguyên nhân nhưng đau khổ của con người là do những thế lực thù địch chà đạp lên cuộc sống và quyền sống chính đáng của con người. Nếu không có chế độ phong kiến với sự thống trị của đồng tìền thì Kiều đâu có 15 năm lênh đênh trong bể đoạn trường, nếu không có chế độ đa thê thì Tiểu Thanh chắc cũng không có số phận bi kịch như thế. Nguyễn Du đau nỗi đau của con người, hiểu thấu được nguyên nhân của những bi kịch ấy nhưng Nguyễn Du bất lực bởi chính ông cũng là nạn nhân của những bể dâu cuộc đời. Nỗi đau của Nguyễn Du, sự cô đơn của Nguyễn Du, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đều xuất phát từ một trái tim nghệ sĩ lớn. 

Chủ nghĩa nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – Bài làm 2

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (1820) bình luận: “… Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột… Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Nếu là một tâm hồn không bị sóng gió vùi dập, một trái tim không thổn thức trước những nỗi đắng cay của bức tranh thế sự, một lương tâm không phẫn nộ trước những thói đời vô nhân bạc nghĩa, thì Nguyễn Du, dẫu có tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không tìm ra được nhưng âm điệu, những vần thơ khiến cho người đọc trong cuộc nghe như khóc, như than, như uất ức, như oán hờn. 
Quả đúng như vậy, Truyện Kiều không chỉ là vấn đề số phận con người bị áp bức trong xã hội, mà còn là tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa cất lên tha thiết từ xã hội đó. Đó là tiếng nói của tầng lớp người đau khổ, đòi tự do yêu đương, đòi công lý. 

Tinh thần nhân đạo bao la trong Truyện Kiều là sự kết tinh truyền thống nhân đạo cao đẹp của dân tộc hằng bao thế kỷ. 

Truyện Kiều là tiếng nói thiết tha bảo vệ quyền sống con người. Trong vô số nạn nhân của xã hội xưa; Nguyễn Du đặc biệt trân trọng và xót thương cho số kiếp mỏng manh của người phụ nữ có tài, có sắc. Với Nguyễn Du, họ là hình ảnh kết tinh về số kiếp bi đát của con người trong cuộc đời bế tắc.
Tiêu biểu là Thuý Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, nhân hậu, thuỷ chung, trong sạch, cao thượng nhưng phải ngụp lặn triền miên trong vũng bùn ô nhục của cuộc đời.

Kiều đã từng trãi qua hầu hết những kiếp đời oan khổ của người phụ nữ dười chế độ phong kiến : tình duyên tan vỡ, làm gái lầu xanh, làm nô tì, làm vợ lẻ, bị làm nhục khi chồng vừa chết . Và khi Từ Hải chết, lòng Kiều đã tắt hết mọi niềm ước ao hạnh phúc trên cõi đời 

“Còn chi nữa cánh hoa tàn

Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lân

Rộng thương còn mảnh hồng quần

Hơi tàn được thấy gốc phần là may.”

Người ngoài cuộc nghe tiếng nói của Kiều cũng phải thổn thức cùng nỗi niềm tuyệt vọng ẩn chứa trong ước mơ bé nhỏ ấy! Cuộc đời nàng được nhà thơ vĩ đại giàu lòng nhân đạo tổng kết bằng những lời thơ đau xót : 

“Thương thay cũng một kiếp người

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Những là oan khổ lưu li

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân”.

Tuy nhiên, Thuý Kiều không chỉ xuất hiện với tư cách là một nạn nhân đau khổ mà còn là hình tượng tiêu biểu cho giá trị phẩm chất, cho tinh thần chiến đấu, tiêu biểu ở thái độ chống lễ giáo phong kiến, dám vươn lên tìm lấy hạnh phúc chính đáng . 

Chỉ phút đầu gặp gỡ với chàng Kim; Kiều đã rung động, ước mơ thầm kín nhưng vô cùng tha thiết : “Người đâu gặp gỡ làm chi – Trăm năm biết có duyên gì hay không?” mặc dù Kiều vẫn biết rằng : “Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”. Khi Kim Trọng tỏ tình, Kiều mạnh dạn nhận lời gắn bó.

Khi thuận lợi, Kiều chủ động vượt rào sang nhà người yêu tình tự “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình .Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.
Mối tình vượt lễ giáo phong kiến ấy lại là một mối tình rất trong sạch, thuỷ chung. 

Kiều chính là người phụ nữ trong trắng, đoan trang :

“Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Ra tuồng trên bộc trong dâu

Thì con người ấy ai cầu làm chi”

Khi buộc phải cách xa, nàng khắc sâu hình bóng chàng Kim . Tất cả đều nói lên rằng những thế lực hắc ám của chế độ phong kiến chỉ có thể làm tan nát hạnh phúc của Kiều nhưng không thể tiêu diệt tình yêu trong trái tim chung thuỷ ấy, đúng như lời Chu Mạnh Trinh đã viết: 

“Tấm lòng này như tuyết, như băng, mối sầu nọ qua ngày, qua tháng . Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì. Nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng hãy còn vơ vẩn . ” 

Mối tình Kim Trọng – Thuý Kiều là thiên diễm tình tuyệt đẹp trong văn học thời phong kiến ! 

Chế Lan Viên viết : “Tố Như ơi ! Lệ chảy quanh thân Kiều.”

Quả vậy, tấm lòng thương người cao cả, sâu sắc của nhà thơ như “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy.”, như hoà trong từng chữ, từng câu thơ xé ruột. Ở đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều”, Thuý Kiều là hiện thân của con người bị chà đạp, của sắc tài bị vùi dập thảm thương. 
Miêu tả đúng tâm trạng của Kiều trong cảnh mua bán – đó là hiện thực; nhưng nói lên được nỗi đau xót khôn cùng khi sắc tài bị vùi dập – đó lại là nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Nguyễn Du đã từng trân trọng tài sắc con người khi miêu tả chị em Thuý Kiều; giờ đây ông lại đau đớn lòng trước tài sắc bị vùi dập bởi những thế lực bạo tàn mà tiêu biểu chính là tên buôn người vô lương tàn ác với sức mạnh tàn nhẫn, lạnh lùng của đồng tiền trong xã hội cũ : “Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong”

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về vấn đề tham những trong truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày”

Và, khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, bị Tú Bà “khoá xuân”, trong cái nỗi buồn mênh mang vô tận, không thể gì làm vơi bớt, không có ai để sẻ chia – nỗi buồn của một con người hoàn toàn cô đơn giữa một khung cảnh cô đơn, vắng lặng; Kiều chỉ còn biết nhớ về người thân. Nhà thơ lại đảo tình lên hiếu, trái với trật tự cương thường của đạo lý phong kiến khi miêu tả Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau. 

Nếu trước kia, Nguyễn Du đã không tiếc lời ngợi ca thiên diễm tình tuyệt đẹp vượt lễ giáo phong kiến thì giờ đây, khi mối tình đầu trong sáng ấy “trâm gẫy bình tan”; chính ông lại đồng cảm hết sức với tâm sự của người con gái đang yêu buộc phải xa cách người yêu. Nguyễn Du thật thấu hiểu nhân tình !

Nỗi nhớ người thân cũng không làm Kiều khuây khoả nỗi buồn rợn ngợp. Buồn mà trông ra cảnh vật :

Buồn trông cửa biển chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buồn trông ngọn nước mới sa 

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng quanh quanh ghế ngồi

Tám câu thơ dựng lên bốn bức tranh buồn được bắt đầu bằng hai chữ “Buồn trông”. Dường như ở đây không có con người, chỉ có cái nhìn hay đúng hơn, chỉ có tâm trạng. Tâm trạng của Kiều mà cũng là tâm trạng của Nguyễn Du. Lòng nhà thơ tưởng như cũng hoà vào với lòng nhân vật, cùng đồng cảm, buồn thương, đau xót với nhân vật . 

Không dừng lại ở sự ca ngợi, đồng cảm với người trong cuộc bể dâu . Nhà thơ còn dựng lên cả một bức tượng đồng Từ Hải – tượng trưng cho công bằng, công lý, dân chủ trong xã hội phong kiến xấu xa, mục nát. 
Đó là một bậc anh hùng cái thế với tính chất phi thường về diện mạo, vóc dáng : Râu hùm , hàm én, mày ngài Vai năm tấc rộng thân mười thước cao, Phi thường cả về bản lĩnh, tài năng, phong độ, chí khí :

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài

Đội trời đạp đất ở đời 

Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Từ Hải chính là nhân vật phản ánh ước mơ tự do và công lí. Từ Hải là một người anh hùng cái thế, tài cao trí cả, dũng mãnh vô song, rất mực phóng túng ngang tàng, sống chí khí “đội trời đạp đất”, “Dọc ngang trời rộng vẫy vùng biển khơi”. Từ Hải thiết tha với lí tưởng : “Chọc trời khuấy nước mặc dầu – Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” 

Với giọng điệu anh hùng ca, Nguyễn Du kể về sự nghiệp anh hùng của Từ Hải : 

“Thừa cơ trúc chẻ ngói tan 

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài

Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn vũ, rạch đôi sơn hà!”

Thái độ vô quân ấy, về nhiều mặt có ý nghĩa phản phong khá mạnh mẽ . Hình tượng Từ Hải là một minh chứng cho sự sụp đổ của quyền lực phong kiến. 

Đặc biệt, Từ Hải còn là con người có tấm lòng bao dung, nhân ái hào hiệp, tình cảm nhân văn bình dị tôn trọng phẩm giá con người, đường hoàng cứu vớt Kiều ra khỏi lầu xanh, đem lại cho Kiều cuộc sống hạnh phúc :

Vinh hoa bõ lúc phong trần

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày . 

Từ Hải là ân nhân lớn nhất của Kiều, là người duy nhất có thể đem Kiều từ thân phận một cô gái lầu xanh lên địa vị một phu nhân ngồi ở ghế quan tòa để báo ân, báo oán :

Trướng hùm mở giữa trung quân

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi

Tiên nghiêm, trống chửa dứt hồi

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên

Từ rằng : “Ân oán hai bên

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh” 

Từ Hải đã thiết lập một toà án, một pháp trường để xét xử những kẻ gian manh, độc ác đã từng giày xéo, đọa đày Kiều. Phiên tòa ấy thể hiện khát vọng lẽ công bằng, công lí sẽ chiến thắng. 

Từ Hải đến và đi trong cuộc đời Kiều như một ngôi sao vụt sáng; là giấc mơ dẹp tan mọi bất bình, xoá sạch những bất công ngang trái, sống tự do ngoài khuôn khổ chật hẹp của xã hội phong kiến. GIẤC MƠ TỪ HẢI !

Vừa đau xót, thông cảm; vừa ca ngợi đồng tình với những con người bị chà đạp, áp bức; Nguyễn Du đã biểu lộ trong Truyện Kiều tinh thần nhân đạo sâu xa của một nghệ sĩ thiên tài. 

Chính giá trị nhân đạo đã làm cho Truyện Kiều trở thành kiệt tác của nghìn đời. 

Chủ nghĩa nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – Bài làm 3

Trong đề từ tập thơ Đoạn trường tân thanh  tiến sĩ Phạm Quý Thích đã viết:

... Mặt ngọc lỡ sao vùi đáy nước,

Lòng trinh không thẹn với Kim lang.

Đoạn trường mộng tỉnh duyên đà đứt,

Bạc mệnh đàn ngưng hận vấn vương…

(Nguyễn Quảng Tuân dịch)

Phạm Quý Thích là người cùng thời với Nguyễn Du. Lời đề từ của nhà nho danh tiếng này đã khẳng định và ngợi ca giá trị nhân đạo của kiệt tác Truyện Kiều. Mười lăm năm trời lưu lạc của nàng Kiều là một thiên bạc mệnh thấm đầy lệ làm xúc động lòng người “Cảo thơm lần giở trước  đèn…” 3254 câu thơ Kiều dào dạt một tình thương mênh mông của Nguyễn Du trước những bi kịch cuộc đời“những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Tinh thần nhân đạo là cảm hứng nhân văn bao trùm lên toàn bộ Truyện Kiều. Đó là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người như tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thủy trong tình yêu… Đó còn là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương với bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là cảm hứng trân trọng và thương yêu con người bị áp bức, bị chà đạp.

Tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều, trước hết là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người. Kiều là hiện thân của cái đẹp và tài năng tuyệt vời. Nàng kiều diễm, rực rỡ “Hoa ghen thua thắm. liễu hờn kém xanh”. Kiều không chỉ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” mà còn có một tài năng toàn diện, rất đáng tự hào:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Kim Trọng, một văn nhân, tài tử “vào trong nho nhã, ra ngoài hào hoa”. Là một “thiên tài” hội tụ của tinh hoa thời đại “ văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Mỗi bước đi của chàng Kim đều đem đến cho đất trời, cỏ cây hoa lá một sức sống đẹp tươi kỳ diệu:

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Mối tình của “Kim Trọng- Thúy Kiều” là một thiên diễm tình. Đó là một tình yêu tự nguyện vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo phong kiến, rất trong sáng và thủy chung của “người quốc sắc, kẻ thiên tài”.

Kiều là một đứa con chí hiếu. Gia đình gặp tai biến. Tài sản bị bọn sai nha “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, cha bị tù tội. Kiều đã quyết hy sinh mối tình riêng, để cứu cha và gia đình. Hành động bán mình chuộc cha của Thúy Kiều thấm đượm một tinh thần nhân đạo cao đẹp, làm cho người đọc vô cùng cảm phục và xúc động:

–        Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

–         Thà rằng liều một  thân con

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.

Đọc Truyện Kiều, lần theo con đường khổ ải của Kiểu, ta vô cùng cảm phục trước tấm lòng đôn hậu, hiếu thảo, tình nghĩa của nàng. Kiều như quên hết nỗi đau của riêng mình mà dành tất cả tình thương nhớ thắm thiết cho cha mẹ và hai em. Nàng lo lắng cha mẹ già yếu, buồn đau, không ai chăm sóc đỡ đần:

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ…

Tình tiết “trao duyên” trong Truyện Kiều cũng là một nét rất đẹp của tình cảm nhân đạo. Trước bi kịch cuộc đời “Hiếu tình khôn nhẽ hai đường  vẹn hai” Kiều đã “cậy em” và trao duyên cho Thúy Vân thay mình trả nghĩa “nước non với chàng Kim:

… Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Chiếc thoa với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ, vật này của chung

Tinh thần nhân đạo trong Truyện Kiều  còn là tiếng nói đồng tình, đồng cảm của thi hào Nguyễn Du với những ước mơ về công lý, những khát vọng về tự do.

Từ Hải là một hình tượng mang màu sắc sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh phi thường. Một ngoại hình siêu phàm: “Râu hùm hàm én mày ngài – Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Những chiến công hiển hách, lẫy lừng: “Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”. Từ Hải là một anh hùng đầy chí khí  “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Người anh hùng ấy, khi lưỡi gươm vung lên là công lý được thực hiện:

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.

Từ Hải đã đem uy lực của người anh hùng ra giúp Kiều “báo ân báo án” .Hình tượng Từ Hải là một thành công kiệt xuất của Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, là một biểu hiện sâu sắc về tinh thần nhân đạo. vẻ đẹp nhân văn toát lên qua hình tượng này, tựa như ánh sao băng lướt qua màn đêm giông bão tăm tối của đời nàng Kiều vậy. Tuy ngắn ngủi nhưng sáng ngời hy vọng và niềm tin.

Số phận con người – đó là điều day dứt khôn nguôi của Nguyễn Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc bạc mệnh sự cảm thông và xót thương sâu sắc.

Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay đắng, nhục nhã: “ Thanh lẫu hai lượt, thanh y hai lần”. Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết chết. Kiều phải hầu rượu, đánh đàn trong bữa tiệc quan,… uất ức quá, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Câu thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc cất lên não lòng. Những từ ngữ: thương thay, hại  thay, làm chi, còn gì là thân”  tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo, khóc thương cho số đoạn trường:

… Thương thay cũng một kiếp người,

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.

Những là oan khổ lưu ly

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!…

Nhân vật Đạm Tiên mãi mãi là một ám ảnh đối với mọi người. Người kỹ nữ “ nổi danh tài sắc một thời” nhưng mệnh bạc đau đớn “Sống làm vợ khắp người ta – Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Kiều đứng trước mộ Đạm Tiên, cất lên lời đồng cảm thê thiết! Kiều khóc Đạm Tiên hay Nguyễn Du khóc thương cho nỗi đau của bao người phụ nữ bị vùi dập trong xã hội cũ?

     Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Nguyễn Du, nhà thơ thiên tài của dân tộc, thông qua số phận và tính cách nhân vật trung tâm – Thúy Kiều – đã biểu hiện trong áng thơ tuyệt tác Đoạn trường tân thanh cảm hứng nhân đạo sâu sắc, cảm động.

Tinh thần nhân đạo cao cả là nội dung tư tưởng đặc sắc tạo nên vẻ đẹp nhân văn của áng thơ này. Chúng ta vô cùng tự hào về Nguyễn Du, một tâm hồn nhạy cảm trưóc vẻ đẹp của thiên nhiên, một trái tim giàu yêu thương, đồng cảm với tâm tư và số  phận của con người, một tài năng lớn về thi ca đã làm rạng rỡ nền văn học cổ Việt Nam.

Nguyễn Du và Truyện Kiều sống mãi trong tâm hồn dân tộc, như tiếng hát lời ru của mẹ. Cảm hứng nhân đạo của nhà thơ là tiếng thương muôn đời:

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày…

(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)

Chủ nghĩa nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – Bài làm 4

Đến với Truyện Kiều, ta thấy cái tâm thể hiện rất rõ trên từng nét bút của tác giả. Một tình yêu thương con người vô tận theo cách Nguyễn Du! Có những nhân vật dù được ưu ái trên trang viết như Thúy Kiều, Từ Hải thì ông vẫn rất công bằng, khách quan trước những phần khuyết thiếu của họ. Đặc biệt từ câu chuyện về Thúy Kiều, ông đang mở ra một con đường giúp con người giữa cuộc đời nhìn  thấy bóng dáng mình trong đó để ngẫm nghĩ, soi xét, tìm lấy những giá trị đích thực trong việc hoàn thiện mình. Hay nếu một lần được trở lại, nàng Kiều  trên trang viết sẽ luôn là niềm kiêu hãnh trong lòng người. Phải chăng đó là tiếng lòng của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình qua cách đề cao bản ngã, ý thức sống cá nhân- điểm cần nhấn mạnh khi tìm hiểu giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều? 

Tìm hiểu giá trị nhân đạo Truyện Kiều ở phương diện đề cao bản ngã, thức dậy ý thức sống cá nhân con người, ta bắt đầu từ việc  chọn cặp nhân vật mang tính tương đồng, tương phản về hình thức và nội dung cách xử lí vấn đề để thấy rằng ở cùng một vị trí, trước cùng một tình huống thử thách họ đã thể hiện cách ứng xử như thế nào nhằm bảo vệ sự tồn tại của chính mình. Từ hệ thống nhân vật của Truyện Kiều, trong các cặp nhân vật mang tính chất trên, Hoạn Thư/ Thúy Kiều là hai nhân vật thể hiện sâu sắc nhất của cách ứng xử đa dạng, mang ý nghĩa điển hình cho một số kiểu dạng con người tồn tại ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại. Nhìn nhận những nhân vật này, ta bắt đầu từ hai không gian đối thoại, ở nhà Hoạn Thư và ở “giang sơn” Từ Hải để thấy rằng khi đứng trước thử thách họ đã thể hiện bản ngã, ý thức sống cá nhân của mình ra sao. Trên sân khấu chật hẹp trong phạm vi gia đình họ Hoạn đã xuất hiện màn kịch nhỏ chỉ gồm có ba nhân vật: Hoạn Thư trong vai nhân vật chính, đồng thời là đạo diễn; Thúy Kiều trong vai Hoa nô, người hầu, bị động; Thúc Sinh trong vai trung gian của mối tình tay ba, cũng rất bị động. Màn diễn tuy mở đầu đầy tính bi kịch nhưng ta vẫn nhận thấy được một kết thúc có hậu qua cách xử sự của tiểu thư họ Hoạn. Hoạn Thư đang nắm trong tay cơ hội xử lí tình địch và người chồng bội bạc, ai cũng xót xa trước cảnh Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm mà chẳng thể oán trách được tiểu thư .Thực chất, trong hoàn cảnh này, nguyên nhân của bi kịch xuất phát từ cách xử sự của Thúc Sinh, Thúy Kiều chỉ là nạn nhân đáng thương. Truyện đặt nhân vật Thúc Sinh vào lợi thế được “mớm cung” Bướm ong lại đặt những điều nọ kia ở thời điểm trước khi trở về Lâm Tri với Kiều, cũng có nghĩa Hoạn Thư đang ngầm thông báo rằng đã biết những điều gì đã xảy ra. Giả định đây là câu chuyện có thật, ta có quyền đòi hỏi rằng: Tại sao chàng Thúc không nhân cơ hội này bộc bạch với vợ việc đã rồi theo cách đàn ông mà lại còn Tình riêng chưa dám rỉ răng, cố tình che giấu? Hoạn Thư đâu phải kẻ hẹp hòi. Nàng vừa rộng lượng Ví bằng thú thật cùng ta/ Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên, vừa ứng xử khôn ngoan đến mức Dại chi chẳng giữ lấy nền. Biết đặt thanh thế gia tộc lên trên hết, ai nằm trong hoàn cảnh ấy khó có cách nghĩ như nàng! Dù nằm trong cảnh nát ruột tan hồn, Thúc Sinh cũng thật đáng phải như thế. Chỉ tiếc rằng Hoạn Thư không hiểu hết ngọn nguồn sự xuất hiện của Thúy Kiều bên chồng mình nên Kiều nằm trong cảnh “cháy thành vạ lây”. Không dùng cách trả đũa bằng trò hành hạ thể xác theo kiểu ghen tuông đàn bà thường vẫn làm, Hoạn Thư đã xử lí rất thâm nho nhằm tạo sự ngầm hiểu của ba nhân vật. Từ cách xử sự khôn khéo của Hoạn Thư, người ngoài khó lòng biết được những gì đã xảy ra trong nhà họ Hoạn . Tình huống truyện từ chỗ căng kéo đã bất ngờ chùng xuống, Chút tình khép lại màn diễn, đồng thời tấm lòng bao dung, độ lượng, sự hiểu biết của Hoạn Thư Tài nên trọng mà tình nên thương đã mở đường sống cho Thúy Kiều trong sự đồng tình của độc giả. Hoạn Thư đã  thay đổi vị trí cho Thúy Kiều Áo xanh đổi lấy cà sa/ Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền trong không gian thanh tịnh ở Quan Âm các để giữ chùa chép kinh. Cho đến giờ Thúc Sinh đâu đã thật lẽ với Hoạn Thư, vậy mà nàng vẫn dành cho tình địch một cuộc sống yên ấm trong không gian đẹp đẽ, thanh tĩnh ở gia đình họ Hoạn Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa/ Có cổ thụ, có sơn hồ để tu tịnh. Khi Thúy Kiều chạy trốn đã cắp theo chuông vàng, khánh bạc- những đồ thờ  quí giá trong chùa- vướng điều cấm kị nhất ít ai dám làm, tiểu thư không hề truy đuổi. Nàng thật biết điểm dừng! Con quan Lại bộ, có tất cả mọi ưu thế để xử lí tình địch, nhưng Hoạn Thư đã không dựa vào đó để “làm to tát”, trái lại kín đến mức chỉ ba người trong mối liên quan thầm biết. Mặc dù tình địch và người chồng bội bạc có khi phải gánh chịu đau đớn, vậy nhưng đối với Hoạn Thư, độc giả ít ai có thể coi nàng là người cay nghiệt.

Xem thêm:  Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

Nhà họ Hoạn bây giờ, Thúy Kiều chỉ ở trong vai kẻ hầu, lại là nạn nhân của bi kịch ghen tuông nên khó tránh khỏi hậu quả của cơn “bão tố” đang dâng trào của Hoạn Thư . Mặc dù yếu tố khách quan là như vậy, nhưng xét  tình tiết trong cách xây dựng tình huống truyện, ta thấy nhân vật Thúy Kiều đang được đặt vào một lợi thế chủ quan, vậy mà khi đứng trước thử thách gay cấn, nàng đã không biết dựa vào đó để tháo gỡ cho mình. Đường đường chính chính được kiệu hoa lướt gió rước về trong phận dâu con trướng đào sánh đôi, vậy mà khi Hoạn Thư Cậy chàng tra lấy, thực tình cho nao, nàng đã không biết coi đây là cơ hội để biện hộ cho vị trí, bậc thứ của mình trong nhà họ Thúc.  Sao một người được coi là thông minh, sắc sảo mà trong hoàn cảnh này nàng không biết dùng lí lẽ để bào chữa cho danh phận của mình? Mặc dù Hoạn Thư chưa biết hay chưa đồng thuận đi chăng nữa thì cũng Ngoài thì là lí song trong là tình, Thúc ông đã chấp nhận nàng cơ mà. Còn nếu như vì giữ cho Thúc Sinh mà cố tình che giấu thì cũng thật phi lí bởi trong cách xử sự của chàng Thúc bây giờ đâu còn đáng mặt đàn ông, không thể “nhìn mặt gửi vàng”. Thông minh vốn sẵn tính trời, vậy nhưng mổ xẻ sự kiện theo hệ thống bi kịch trong chặng đường lưu lạc của Thúy Kiều, ta thấy thật lãng phí khi giá trị trời ban ấy chỉ là thứ tài sản nàng đem cất giữ nó để được tôn thờ chứ không phải  đưa vào cuộc sống nhằm bảo vệ sự tồn tại của chính mình.  Phải chăng qua cách xây dựng nhân vật, tác giả đặt Kiều vào những thử thách để xem sự thông minh, sắc sảo của nàng có được vận dụng vào cuộc sống một cách có ý nghĩa hay không? Trước thử thách, Thúy Kiều đã buông xuôi, chấp nhận, phó mặc cho hoàn cảnh. Với một kiểu sống thiếu sự khẳng định, thiếu ý thức của con người cá nhân như vậy, việc nàng không tự mình vượt qua chướng ngại giữa đời thường, phải gánh chịu bi kịch là lẽ đương nhiên. Tình huống truyện đã thay đổi về không gian đối thoại. Trong “giang sơn” Từ Hải đang diễn ra sự hoán đổi vị thế  giữa Hoạn Thư và Thúy Kiều. Giờ đây, với tư cách là phu nhân bậc hảo hán một cõi biên thùy,  Thúy Kiều đang làm chủ tình thế, có quyền sinh quyền sát; còn Hoạn Thư là nạn nhân số một trong màn báo oán của Kiều, đang đứng trước hiểm họa bị đe dọa về tính mạng. Trái ngược với cách xử sự của tiểu thư nhà Lại bộ, Thúy Kiều đã dựa vào uy quyền của Từ Hải tìm cách trả thù theo kiểu “đao to búa lớn”, Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra với những ai đã làm nàng khổ nhục.  Như tư thế đối mặt của một trận chiến, Thúy Kiều đã chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo cho việc báo thù mang tầm vóc, quy mô. Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi cùng súng ống Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân, một không gian đầy uy hiếp. Trướng hùm mở giữa trung quân với cảnh tượng Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra, câu chuyện báo oán do Thúy Kiều sắp đặt mang tính cảnh báo dữ dội giữa Ba quân đông mặt pháp trường. Trong tay Hoạn Thư, ở phạm vi nhỏ hẹp chỉ ba con người với nhau, nàng Kiều đã tự vô hiệu hóa ưu thế của mình để cuối cùng phải gánh chịu cay đắng về tinh thần và chính Hoạn Thư gỡ bí cho Kiều; trong tay Kiều, nơi không gian rộng lớn đằng đằng sát khí giữa ba quân thiên hạ, lại là đối tượng đầu tiên trong việc trả thù của Kiều, ta xem cách ứng xử của tiểu thư họ Hoạn ra sao?

Trong Một mẻ tóm về đầy nơi ấy, Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư là bị cáo đưa ra xét xử đầu tiên. Trong hoàn cảnh giao tiếp đầy nghịch tính, qua cách diễn tả thái độ chào thưa kèm ngôn ngữ xưng hô Tiểu thư của Thúy Kiều dành cho Hoạn Thư, ta dễ dàng nhận thấy nàng Kiều đang trong vai diễn một cách giả tạo. Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây, giọng điệu mỉa mai, châm chọc của kẻ đang mượn quyền hành người khác để lên mặt. Lời lẽ của Kiều thật thâm thúy Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan không ngoài mục đích kích bác, uy hiếp, trấn áp đối phương. Thúy Kiều giờ đây cũng chẳng vừa vặn gì, không phải cảnh báo, đe dọa nữa mà thông báo thẳng thừng chủ ý của sự việc trả thù cho Hoạn Thư Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều! Trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, Hoạn Thư hồn lạc, phách xiêu. Tác giả miêu tả khách quan trạng thái của tiểu thư họ Hoạn về tình thế hoàn toàn bất lợi trước số phận của nàng đã đem lại sự âu lo cho độc giả. Trong tình thế nguy hiểm, tính mạng đang như “cá nằm trên thớt”, đối thoại với Kiều, lí lẽ đầu tiên tiểu thư đưa ra Rằng: Tôi chút dạ đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Cúi đầu nhận tội, nhưng qua lời lẽ, Hoạn Thư biết cách nêu tội của mình, đó là cái tội theo lẽ thường của đàn bà. Tội như thế thì đâu đáng phạt! Dù có đáng phạt thì tội từ dạ đàn bà ở mức thường tình cũng chẳng thể quy vào án mạng. Một cách hạ tội rất khéo léo! Sau khi hạ tội, tiểu thư triển khai thao tác kể công Nghĩ cho khi gác viết kinh nhằm gợi mở, nhắc nhở về ân nghĩa của Hoạn Thư đối với Kiều, đó là mở một con đường sống ở Quan Âm các. Tiếp theo vẫn là lí lẽ, chứng cứ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo, xem ra bề ngoài Hoạn Thư nhắc đến cái tình người của mình là không truy đuổi khi Kiều chạy trốn, nhưng ngầm ẩn trong đó là sự cảnh báo. Một dấu ấn lớn trong cuộc đời khi trốn khỏi nhà Hoạn Thư, lẽ nào Kiều không chột dạ về tội tự tiện cắp Chuông vàng, khánh bạc của Quan Âm các. Không ý thức được “Giấy rách giữ lấy lề” cũng như phạm vào điều cấm kị chốn linh thiêng, đây là điểm yếu về thanh danh, đạo đức của Kiều mà Hoạn Thư đang biến nó thành lợi thế cho mình trong sự ngầm hiểu của hai con người đang đối lập nhau về vị thế. Sau khi khai thác triệt để lợi thế bằng cách dùng lí lẽ, chứng cứ xác thực, Hoạn Thư mới đề cập đến nguyên nhân gây tội Lòng riêng, riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!. Biện hộ về nguyên nhân gây tội, Hoạn Thư đưa ra những lí do thật khó bắt bẻ, trót lòng gây tội chỉ vì do yêu chồng, không muốn chồng chia sẻ tình cảm, tìm mọi cách dành lại chồng để giữ gia đình yên ấm. Trong từ chồng chung Hoạn Thư đã dùng, ngoài ý không muốn chia sẻ, nhắc nhở mối quan hệ về lí của khuôn phép phong kiến còn là cách đề cao danh phận của nàng Kiều. Ngôn ngữ chặt chẽ, sắc sảo qua việc dùng từ chồng chung, lượng bể cũng là chủ ý của Hoạn Thư trong việc tâng bốc Kiều về mặt tâm lí. Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!, cách thể hiện sự ân hận, cầu xin nhưng trong lời lẽ ta nhận thấy Hoạn Thư như đang mở đường cho Thúy Kiều tìm lối thoát. Bài nào chăng, một bài toán lấy công trừ tội gẫm ra còn thiệt cho Hoạn Thư, đó là chưa nói trong lời lẽ Hoạn Thư chứa ẩn ý những vấn đề bất lợi cho Thúy Kiều mà trong lúc này, không tỉnh táo Kiều rất dễ mất mặt. Tại sao Kiều đã gạt bỏ ý đồ ban đầu đối với Hoạn Thư và cách ứng xử của nàng bây giờ tỏ ra rất khôn ngoan? Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen, đâu phải vì tấm lòng lượng bể của Kiều mà Hoạn Thư được sống. Lúc này, Thúy Kiều đã không đủ già dặn để khép tội tiểu thư họ Hoạn. Hơn nữa, qua sự “nhắc nhở” của Hoạn Thư, ít ra Kiều cũng tự cảnh tỉnh mình để bảo vệ thể diện. Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay, Hoạn Thư thoát hiểm một cách ngoạn mục! Một Hoạn Thư qua ngôn ngữ trần thuật trong sự xuất hiện hoảng loạn tinh thần hồn lạc, phách xiêu và một Hoạn Thư khuê các qua ngôn ngữ đối thoại với hệ thống lí lẽ, chứng cứ đầy tính thuyết phục bằng cách lập luận sắc sảo, bình tĩnh đến cao độ, đó chính là sự thống nhất về bản lĩnh của nàng. Một tình huống diễn ra đầy kịch tính trong sự đối lập giữa trạng thái bên ngoài và tâm thế chủ động của Hoạn Thư tạo sự hấp dẫn cho mạch truyện. Cả Thúy Kiều và Hoạn Thư đều “diễn”, nhưng cách diễn của tiểu thư họ Hoạn sâu sắc đến mức khó lòng nhận ra. Chẳng phải Hoạn Thư đã thành công xuất sắc ở vai diễn vừa bị cáo, vừa luật sư bào chữa cho mình hay sao? Trong tình huống này, so với Kim Vân Kiều truyện, Truyện Kiều có nhiều điểm thay đổi. Ở Kim Vân Kiều truyện, Kiều cho hành quyết Bạc Hạnh, Bạc Bà một cách man rợ rồi mới đưa Hoạn Thư xét xử. Trong xét xử Hoạn Thư, Thúy Kiều tra khảo thuộc hạ khi bắt Kiều ở Lâm Tri và cũng để Hoạn Thư chứng kiến cảnh đao phủ đem Hoạn Ưng,Hoạn Khuyển ra chém. Tiếp đến, Thúy Kiều sai cung nữ lột quần áo Hoạn Thị, treo lên xà nhà, hai người cung nữ nắm hai tay, rồi phía sau, hai người cầm roi ngựa nhất tề động thủ. Một người vút từ trên xuống, một nguời vút từ dưới lên, đánh cho Hoạn thị như cá rơi than nóng, lươn phải nước sôi, kêu rên rầm trờ, mình quay như chong chóng, khắp mình không còn chỗ nào lành lặn . Những cảnh tượng cầm mác đâm nhừ từ chân đến đầu làm cho tội nhân đứt thành trăm mảnh. Đang là con người nguyên vẹn, tức khắc biến thành một đống thịt nát, hay trộn xương thịt ấy vào với rơm cỏ để cho ngựa ăn đã tạo nên cảm giác ghê rợn cho người đọc. Như thế, ở Kim Vân Kiều truyện, sự việc được miêu tả cụ thể, chi tiết đã thu hút độc giả hướng vào vấn đề chính đó là sự trả thù kinh hoàng. Còn ở Truyện Kiều, ngôn ngữ, hình tượng thơ cô đúc, dù tả cảnh Máu rơi thịt nát tan tành thì cũng không gợi cảm giác tanh tưởi như trong Kim Vân Kiều truyện. Cách xử lí Hoạn Thư của Kiều ở Kim Vân Kiều Truyện là vừa đối thoại, vừa nhục hình, nhưng ở Truyện Kiều chỉ đơn thuần đối thoại. Có sự thay đổi như thế phải chăng Nguyễn Du chỉ tập trung khai thác sự kiện với dụng ý tập trung cho việc hướng tới trọng tâm tác phẩm là đề cao cách ứng xử khôn ngoan của con người trong thử thách? Với Truyện Kiều, tác giả đã xây dựng một hệ thống thử thách và đây chỉ là một mắt xích từ chuỗi sự việc được xây dựng trong tác phẩm nhằm hướng tới chủ đề của tác phẩm. Từ rất nhiều vấn đề được đưa vào Truyện Kiều, chung quy lại, vấn đề chính- bức thông điệp Nguyễn Du muốn gửi gắm trong tác phẩm là câu chuyện về cách ứng xử của Thúy Kiều, cũng là câu chuyện để người đời soi chiếu. Qua sự thể hiện của nhân vật Hoạn Thư và Thúy Kiều trong hai không gian đối thoại, điều không thể phủ nhận về vai trò quan trọng của con người chính là biết cách ứng xử. Cùng sự việc trả thù về câu chuyện ghen tuông, tại sao Hoạn Thư muốn gói ghém trong nội bộ một cách thầm lặng, kín đáo ở phạm vi nhỏ nhất, rồi còn tạo cho tình địch một lối thoát mà Thúy Kiều lại muốn làm ầm ĩ, phanh phui một cách rộng rãi và muốn trừng phạt đến thế? Một việc chẳng hề tốt đẹp gì giữa cuộc đời, phải chăng Hoạn Thư con nhà dòng dõi Lại bộ biết giữ tai tiếng, thể diện thanh danh; còn Kiều thường thường bậc trung, may mắn được làm phu nhân nhưng không ý thức được vị trí xã hội hiện tại của mình bên bậc anh hùng Từ Hải nên đã biến nó thành cơ hội phục vụ cho lợi ích cá nhân nàng? Qua hai không gian đối thoại, tác giả đặt nhân vật vào những lợi thế, những thử thách trong việc hoán đổi công bằng, khách quan đủ cho ta nhận thấy điều cần thiết nhất trong sự tồn tại đó là sự hiểu biết, cách ứng xử của con người. Trải qua bao thử thách, dù không biết cách ứng xử, Thúy Kiều vẫn tồn tại vì nàng đã gặp không ít may mắn. Dù Kiều may mắn thoát thân thì cũng cay đắng, nhục nhã ê chề bao phen, một sự tồn tại không đúng nghĩa! Còn nếu như Hoạn Thư không bản lĩnh, không sống bằng ý thức cá nhân để tự bảo vệ mình, không khôn ngoan trong ứng xử thì chẳng thể nào tồn tại trong không gian đằng đằng sát khí được sắp đặt công phu của Kiều. Một sự đấu tranh bảo vệ sự tồn tại đầy ý nghĩa! Như thế, trước một vấn đề cùng giải quyết, so sánh Thúy Kiều và Hoạn Thư, ta nhận thấy hơn nhau là sự hiểu biết, cách xử sự. Thế mới biết bên cạnh Hoạn Thư, Kiều quả là non nớt. Với cách xây dựng nhân vật Thúy Kiều như thế, có phải Nguyễn Du đã làm tổn thương đến bậc giai nhân tuyệt sắc hay vô cảm trước một số phận bi thương trong chặng đường mười lăm năm lưu lạc của một con người?

Xem thêm:  Phân tích giá trị tuyên ngôn độc lập của “Bình Ngô đại cáo”

Tấm lòng Nguyễn Du luôn trăn trở về nhân vật Thúy Kiều trên mỗi bước đường, điều đó được thể hiện trong nhiều câu thơ day dứt, ngậm ngùi của ông. Mở đầu thiên truyện, một nàng Kiều tài sắc sống trong cảnh Êm đềm trướng rủ màn che nhưng cũng không ít dự cảm Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu đã trở nên ám ảnh với nàng khi Trông người lại ngẫm đến ta. Qua nét bút miêu tả tài hoa của tác giả, Thúy Kiều được ngợi ca ở mức tuyệt đỉnh về tài sắc Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. Không chỉ thế, trong khát vọng hạnh phúc Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có điều lả lơi, Nguyễn Du cũng rất trân trọng, dành cho nàng những câu thơ đẹp để miêu tả một tình yêu đã vượt ra ngoài biên giới thời đại. Rồi bắt đầu chặng đường mười lăm năm lưu lạc, những khi đau đớn nhất của đời Kiều, vẻ đẹp nàng vẫn được toát lên qua ngôn ngữ miêu tả ước lệ cao sang Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai, hay vùi liễu, dập hoa…Tiếng khóc thương của Thúy Kiều trước nấm mồ vô chủ Đau đớn thay, phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung đầy dự báo về số phận của nàng. Trên chặng đường khổ ải, Thúy Kiều bị  sự đọa đày của Tú Bà, câu thơ Nguyễn Du đã cất lên đầy dằn vặt, đau xót, thương cảm Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau! Một tình thương con người của Nguyễn Du trong sự đồng cảm nỗi đau đớn, ê chề nhục nhã trên chặng đường đầy nghiệt ngã của Thúy Kiều. Thương mà cũng không kém phần xót xa khi tai ương cuộc đời cứ chực vồ lấy Kiều. Có phải Thúy Kiều phải gánh chịu bi kịch khi không có lối thoát? Hay Thúy Kiều vẫn có thể tìm ra lối thoát nhưng do không biết cách ứng xử để đối phó hoàn cảnh nên vẫn chịu bi kịch? Đặt nhân vật Thúy Kiều trong sự đối mặt đầy thách thức trước hiện tượng xã hội, Nguyễn Du đang hướng độc giả chứng kiến cách xử sự của nàng để có sự nhìn nhận, đánh giá nhân vật bằng cái nhìn lí trí chứ không phải cảm tính. Nếu quả thật trong những thử thách của cuộc đời Thúy Kiều hoàn toàn bế tắc, không thể có lối thoát thì hẳn Nguyễn Du đã chẳng phải ngậm ngùi Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. Nguyễn Du đã dành tình thương yêu cho nhân vật Thúy Kiều không chỉ đơn thuần một chiều mà ẩn trong đó cả một niềm day dứt! Một tấm lòng yêu thương của Nguyễn Du đối với Thúy Kiều trong cái nhìn công bằng, khách quan đã tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của Truyện Kiều. Nhìn nhận Thúy Kiều, nếu chỉ ca ngợi, thương xót và cảm thông, như thế cũng có nghĩa ta đã  bằng lòng trước số phận của nàng. Dù vô tình đi chăng nữa, đó là cách ta đang thờ ơ trước nỗi bất hạnh của nhân vật, bởi một nàng Kiều thiếu hiểu biết, ứng xử rất bản năng đã bất lực, bế tắc giữa cuộc đời đang sừng sững trong trang sách của Truyện Kiều. Nguyễn Du khát khao được thấy một nàng Kiều thông minh, đẹp đẽ biết sống có ý thức, biết đối phó, ứng xử trước thử thách chứ không muốn nhìn nàng đang chết yểu trong sự thương hại, vô nghĩa. Phải chăng đó là sự trân trọng, tôn vinh cái đẹp bằng cái tâm của người cầm bút? Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta thấy rằng, một nàng Kiều với những yếu tố trời ban nổi trội hơn người, nếu không được nhào nặn  trong trường đời để học bài học ứng xử của con người thì sẽ luôn luôn thất bại trước thử thách, khó lòng tồn tại giữa cuộc đời. Sâu xa hơn nữa, từ nhân vật trong văn học, những nàng Kiều giữa cuộc đời được tạo hóa ban tặng những thế mạnh đặc biệt, soi chiếu vào Thúy Kiều của Nguyễn Du hẳn sẽ ngẫm nghĩ để bồi bổ, mài dũa cho mình những kiến thức của cuộc sống, luôn luôn biết làm chủ trước mọi tình huống thử thách để giành lấy những điều tốt đẹp. Từ việc tìm hiểu trên, ta nhận thấy cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Du rất linh hoạt. Ông để nhân vật hoạt động trong tác phẩm rất và tự nhiên, không hề gượng ép, một sự công bằng, khách quan trong từng chi tiết, tình huống, điều đó cho thấy Nguyễn Du đã nhìn nhận con người ở mặt bản chất nhất, không để sự hào nhoáng bên ngoài che lấp, đánh lừa cảm giác. Cuộc đời đi vào văn học, và văn học cũng để cuộc đời soi chiếu, nhiều khi chỉ vì cái nhìn cảm tính, thiếu khách quan, vô tình ta đã làm méo mó đi vẻ đep hình tượng nhân vật, một giá trị thẩm mĩ trong sự sáng tạo công phu của nhà văn. Không phải ngẫu nhiên khi đi sứ ở Trung Quốc, tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du đã có sự đồng cảm sâu sắc với Thanh Tâm Tài Nhân để khi trở về Việt Nam ông viết ngay Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Đó chính là “cái duyên” gặp gỡ của hai nhà văn ở sự quan tâm tới giá trị con người trong sự đấu tranh để trường tồn. Dù có khác nhau về hình thức thể hiện giữa Kim Vân Kiều truyện và Đoạn trường tân thanh nhưng cả hai tác giả đều chung niềm trăn trở trước số phận của nhân vật, đặc biệt là Thúy Kiều. VớiNguyễn Du, ông đã chọn hình thức chữ Nôm để viết nên Truyện Kiều cũng đủ thấy dụng ý  trong việc phổ biến thiên truyện. Một truyện thơ Nôm, nhân vật chính không phải ở chốn lầu son  gác tía mà chỉ thường thường bậc trung với những mặt khiếm khuyết đã bao phen thất bại giữa cuộc đời trong sự nhìn nhận khách quan của Nguyễn Du sẽ lắng đọng trong lòng người đọc bao suy ngẫm. Đặt nhân vật Thúy Kiều bên cạnh Hoạn Thư để so sánh cách ứng xử- một sự nhìn nhận công bằng tưởng chừng như nghiệt ngã- nhưng đó là  ý đồ của Nguyễn Du trong việc xây dựng nhân vật Thúy Kiều. Một nàng Kiều  trong lòng độc giả được thức dậy bằng một ý thức sống có bản lĩnh để hoàn thiện mình, đó chẳng phải là sự trân trọng, điều mong muốn nhất của tác giả hay sao? Truyện thơ Nôm 3254 câu được viết theo thể lục bát truyền thống gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ đã đi vào lòng người mọi lúc mọi nơi, nhất là tầng lớp bình dân để ai cũng có cơ hội đọc và ngẫm nghĩ, soi chiếu! Nguyễn Du gửi gắm vào Truyện Kiều nhiều vấn đề, ở nhiều phương diện nên câu Kiều luôn gần gũi với chúng ta. Từ một mặt của cuộc sống, Thiếu tướng- nhà văn Nguyễn An, nguyên Phó tư lệnh bộ đội Trường sơn (Đoàn 559) đã xuất bản hẳn cuốn hồi kí “Trên đỉnh Trường Sơn kể Truyện Kiều” đầy ý nghĩa (Nhà xuất bản thanh niên).

 Dựa trên một câu chuyện có sẵn để sáng tác, nhưng đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du, người đọc không hề nhàm chán, trái lại còn cuốn hút một cách say mê trong các tầng lớp tiếp nhận. Đọc Kim Vân Kiều truyện, cái để lại trong lòng người chỉ là câu chuyện bằng văn xuôi kể một cách trần trụi về nhân vật Thúy Kiều với những sự kiện diễn ra trong cuộc đời nàng. Còn đọc Truyện Kiều, vẫn là câu chuyện về bậc tài sắc đứng trước những tình huống thử thách qua cách đối nhân xử thế, nhưng với tài năng sáng tạo ngôn ngữ của Nguyễn Du đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người. Để có được điều đó, Nguyễn Du đã thay đổi phương thức sáng tác dưới hình thức truyện thơ qua cách miêu tả đặc sắc, đa dạng cũng như cách lựa chọn, thay đổi tình tiết truyện hợp lí trong từng văn cảnh đã tạo nên những điểm nhấn của ngôn ngữ nghệ thuật. Xây dựng hình tượng nhân vật Thúy Kiều với những ưu thế cũng như mặt hạn chế của nàng không ngoài mục đích hướng tới vấn đề trung tâm của tác phẩm, đó là cái đẹp không chỉ ở hình thức hay là những ưu thế trời ban mà còn là ở cách xử sự, ý thức sống của con người khi đứng trước thử thách. Chính điều này đã làm nên ưu điểm của Truyện Kiều, một sự hơn hẳn so với Kim Vân Kiều truyện, cũng là sự khẳng định tài năng sáng tạo của Nguyễn Du đã làm nên một Truyện Kiều có sức sống, tồn tại bền vững trong lòng người. Đến với Truyện Kiều, người đọc luôn cảm nhận được cái tâm, cái trí, cái tài của Nguyễn Du trên từng trang viết. Cái tâm bộc lộ qua tình yêu thương con người và thái độ biết trân trọng, đề cao cái đẹp, luôn trăn trở trước mỗi bước đi của nhân vật; cái trí bộc lộ qua cách nhìn nhận công bằng khách quan những mặt ưu điểm hay hạn chế để cho nhân vật của mình nếu bước ra giữa cuộc đời, quay đầu nhìn lại sẽ không bằng lòng với cả chính mình; cái tài phát sáng khả năng sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm mãi mãi lắng đọng trong lòng độc giả.

Một tình yêu thương con người theo cách Nguyễn Du đã làm nên giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều!

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • chủ nghĩa nhân đạo trong truyện kiều

Bài liên quan

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè” – Bài làm 1 Nguyễn…
Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động…
Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 1 Đã là người Việt Nam,…
Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi – Bài…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *