Mỗi người chúng ta cần phải đặt ra những mục tiêu phấn đấu và phải phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu ấy. Đừng vì nghĩ rằng cái khó bó cái khôn, mà không chịu đi tìm cái khôn nảy sinh trong cái khó
Thông thường, khi cố gắng mà không đạt được một ý định nào đó, chúng ta thường tự động viên mình: “Cái khó bó cái khôn”.
Vậy, “cái khó bó cái khôn” có nghĩa là gì? “Cái khó” được hiểu là hoàn cảnh, điều kiện khó khăn không cho thực hiện một việc nào đó. “Cái khôn” là những dự kiến, kế hoạch, dự định tốt, sáng suốt. “Bó” nghĩa là trói buộc, hạn chế, không cho thực hiện. Cả câu có nghĩa chung là: hoàn cảnh khó khăn cản trở việc thực hiện một dự định, một kế hoạch tốt đẹp.
Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta nghe những câu, đại ý như: vẫn biết là như thế, nhưng “cái khó bó cái khôn”, chưa thể làm được…
Có lẽ, thành ngữ này ra đời là để giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn tìm được lời giải thích về sự bất lực của mình, cũng như động viên, an ủi họ.
Dân gian còn có câu: “Lực bất tòng tâm”, nghĩa là: trong lòng rất mong muốn nhưng khả năng không thể đạt được. Đây cũng là một cách để giúp người ta nhìn vào thất bại mà không hoàn toàn mất tinh thần trước thất bại ấy.
Từ trong ý nghĩa sâu xa, ta thấy, câu tục ngữ xác nhận một thực tế: hoàn cảnh tạo nên tính cách con người; hoàn cảnh thực tế quyết định ý chí, ý thức… của mỗi chúng ta. Chính “cái khó” (tức hoàn cảnh) đã quyết định “cái khôn” (tinh thần) của người ta.
Câu nói trên phản ánh thực tế và quy luật khách quan: vật chất sinh ra ý thức, hoàn cảnh quy định tính cách con người…
Tuy nhiên, câu tục ngữ trẽn cũng có mặt phiến diện: nó chưa phải đã chi hết tính quy luật của sự tác động ngược chiều giữa ý thức đối với vật chất, giữa ý chí, nghị lực đối với hoàn cảnh.
Thực ra, còn có câu tục ngữ khác: “Cái khó ló cái khôn”. Lúc này, ý nghĩa của nó đã hoàn toàn thay đổi. “Cái khó”, “cái khôn” vẫn được hiểu với ý nghĩa trên. “Ló” nghĩa là chợt nảy ra, tìm ra. Nghĩa chung của cả câu là: hoàn cảnh khó khăn sẽ làm nảy sinh những ý định, những lối thoát khôn ngoan nhất.
Câu tục ngữ sau dường như đã bù đắp cho câu nói trước như một sự phản ánh toàn diện mối quan hệ qua lại giữa hoàn cảnh đối với cuộc sống con người.
Với người Việt Nam, quy luật chi phối của hoàn cảnh đối với bản chất con người cũng luôn được ghi nhậu trong hàng loạt các câu tục ngữ.
– “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
– “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
– “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
Tuy vậy, người Việt Nam cũng không bao giờ, chịu khuất phục hoàn cảnh theo ý nghĩa chịu sự tác động tiêu cực. Hình ảnh bông sen vươn lên thơm ngát giữa đầm lầy trong ca dao dân ca luôn là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam, dẫu sống trong hoàn cảnh nghìn năm phong kiến, nhiều khó khăn, gian khổ và chiến tranh, nhưng vẫn vươn lên để khẳng định bản sắc của mình:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng,
Nhị vàng, bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Ngày nay, chúng ta được sống và học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, được các thầy cô và cha mẹ cưu mang đùm bọc, phần đông trong chúng ta đã có được hoàn cảnh thuận lợi, qua được thời khó khăn. Nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn có thói quen dựa dẫm, không chịu vươn lên, luôn thấy trước mắt là “khó khăn”.
Mỗi người chúng ta cần phải đặt ra những mục tiêu phấn đấu và phải phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu ấy. Đừng vì nghĩ rằng “cái khó bó cái khôn”, mà không chịu đi tìm “cái khôn nảy sinh trong cái khó”.
Hoctotnguvan.vn