Nghị luận xã hội về câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” và “Im lặng là vàng” – Bài làm 1
Trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống khiến cho chúng ta khó xử, không biết nói gì cho đúng để duy trì cuộc nói chuyện một cách tốt đẹp. Mỗi người sẽ có một cách xử lí khác nhau sao cho phù hợp. Hai câu nói “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” và “Im lặng là vàng” là hai câu nói của ông cha ta để lại, đề cập đến một cách ứng xử mà chúng ta có thể áp dụng trong một số trường hợp nhất định, hay cũng là một trong những quan niệm sống của nhân dân ta.
Đầu tiên là câu nói “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Voi là một loài động vật to lớn, hiền lành, nhưng khi bị chọc giận thì sẽ trở nên vô cùng hung dữ, và nguy hiểm. Khi gặp voi trên đường, đa số mọi người sẽ tránh né để không chọc giận con voi. Ai cũng như vậy, nên sẽ không có ai chê cười những người tránh gặp voi là hèn nhát, yếu kém cả. Dần dần, từ đời này truyền sang đời khác, chúng ta có thói quen gặp voi thì sẽ tránh để không rơi vào tình trạng bị voi tấn công, phá phách gây thiệt hại về người và của.
Tuy nhiên, nghĩa sâu xa trong câu nói trên mang ý nghĩa là: Chúng ta luôn cần có một thái độ mềm mỏng, đúng đắn với người đang giao tiếp với mình, nhất là khi người ta đang nóng giận, bực tức. Khi ấy, chúng ta nên nhẹ nhàng, hoặc im lặng trong mức độ có thể để làm giảm cơn nóng giận của họ. Tuyệt đối chúng ta không nên to tiếng lại với họ, sẽ làm cho cuộc nói chuyện trở nên gay gắt và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, câu nói này còn muốn nói đến một lối sống an phận thủ thường, không muốn chống lại cái sai, cái xấu mà chỉ biết yên ổn một chỗ để đem lại an toàn cho bản thân mình. Đó là thái độ sống ích kỉ, không dám đứng lên bảo vệ lẽ phải mà một số người nên sửa.
Bên cạnh câu nói ấy còn có câu nói mang ý nghĩa tương tự đó là “ Im lặng là vàng”. Vàng là một thứ kim loại vô cùng quý, thương được dùng để làm đồ trang sức hay được ông chả ta mua để tích trữ trong nhà. Ở đây, sự im lặng được ví như vàng quý giá, để nói lên sự quan trọng của việc im lặng. Trong một số cuộc giao tiếp nhất định, chúng ta cần dừng lại, im lặng trong một khoảng thời gian nhất định để giúp người nghe lấy lại sự chú ý, hay giúp họ bình tĩnh lại khi họ đang tức giận. Chỉ khi người nghe chú ý và có tâm trạng tốt thì cuộc nói chuyện mới có thể đạt được kết quả tốt như mong đợi. Không nên đối thoại gay gắt hay nói liên tục mặc kệ người kia có chú ý, có lắng nghe hay có ý kiến gì không. Ngoài ra, việc im lặng còn thể hiện bạn là một người biết lắng nghe, không cắt ngang lời người khác, trở thành một người đáng tin cậy để mọi người nói chuyện cùng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào câu nói này cũng đúng. Có một nhà văn nước ngoài đã nói rằng: “Chúng ta không chỉ xót xa vì những lời nói và hành động của người xấu, mà còn bởi sự im lặng của người tốt.” Người xấu làm chúng ta đau lòng vì mất mát tiền bạc, vật chất, con người đã đành. Nhưng sự im lặng của người tốt cũng làm cho người ta phải xót xa. Chúng ta phải biết im lặng đúng lúc, cũng như biết nói đúng lúc. Trong cuộc nói chuyện không phải lúc nào cũng im lặng. Chúng ta cần biết nói lên ý kiến của mình, biết chỉ ra những điểm chưa được của bạn, và phải biết nói để bảo vệ lẽ phải khi cần thiết. Không phải lúc nào, im lặng cũng là vàng. Có đôi khi, im lặng là gián tiếp tiếp tay cho kẻ xấu lộng hành, gián tiếp hại mình, hại người.
Hai câu tục ngữ trên của ông cha ta sẽ còn có giá trị trong cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Hai câu nói khuyên chúng ta, trong cuộc sống nên có những thái độ, hành động và lời nói đúng đắn, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, biết bảo vệ bản thân nhưng cũng phải biết suy nghĩ đến người khác. Không phải lúc nào im lặng, tránh xa những rắc rối cũng là tốt. Chúng ta cần có lòng đoàn kết của cả cộng đồng, lên án để loại bỏ những hành động xấu xa của kẻ ác. Có như thế, xã hội của chúng ta mới ngày càng tốt đẹp lên được!
Nghị luận xã hội về câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” và “Im lặng là vàng” – Bài làm 2
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Đó là nhận định đúng đắn của Các Mác khi nói về tính phức tạp, đa dạng của các mối quan hệ trong xã hội loài người. Để thích ứng với cuộc sống, mỗi người thường lựa chọn cho mình những cách ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn là kho báu lưu giữ nhiều kinh nghiệm ứng xử quý giá của con người. Hai câu: Tránh voi chẳng xấu mặt nào và Im lặng là vàng phần nào nói lên quan niệm sống của nhân dân ta.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về câu: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Đây là một câu thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, nội dung nói về cách đối nhân xử thế.
Nghĩa hiển ngôn của câu tục ngữ nói đến cách đối xử của con người đối với loài voi. Voi là con vật to lớn nhất trong rừng. Nó không dũng mãnh như hổ báo, sư tử, không nhanh nhẹn, khôn ngoan như khỉ, cáo. Voi có hình dáng khổng lổ, thích ăn cây cỏ, sống theo bầy đàn. Bình thường, voi rất hiền lành, nhưng khi bị trêu chọc hoặc tấn công, voi trở nên hung dữ, phá phách. Đó là cách tự vệ của voi. Vì vậy, kinh nghiệm từ xưa truyền lại là mọi người không nên làm cho voi tức giận. Nếu gặp voi đang trong cơn tức giận thì hãy tìm cách tránh xa, để phòng nguy hiểm, tai họa có thể xảy ra.
Tuy vậy, nghĩa hàm ngôn mới là nghĩa chính: Trong cuộc sống, chúng ta cần có cách ứng xử khéo léo để không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cần mềm mỏng, nhã nhặn, lễ phép khi ứng xử với cấp trên, người trên, nhất là khi họ đang nóng nảy, tức giận vì một lí do nào đó. Cần có thái độ ôn hòa trong khi đối thoại, tránh đối đầu căng thẳng, gay gắt. Cách ứng xử khôn ngoan như vậy sẽ làm cho sự giao tiếp sẽ trở nên nhẹ nhàng, công việc trôi chảy, giữ được mối quan hệ đoàn kết, hòa thuận lâu dài.
Bên cạnh ý nghĩa tích cực nêu trên, câu thành ngữ này còn có một nét nghĩa khác. Trong cuộc sống, không ít người có tính cách rụt rè, thụ động, nể nang, an phận thủ thường, tránh né cấp trên, ngại đụng chạm đến sai phạm của lãnh đạo. Họ co mình lại không dám đấu tranh để được yên ổn, để giữ quyền lợi của bản thân. Vì thế mà cái sai, cái xấu vẫn tổn tại, sự trì trệ của cấp trên vẫn không được thay đổi. Đó là cách ứng xử tiêu cực, đáng phê phán.
Gần nghĩa với câu: Tránh voi chẳng xấu mặt nào còn có câu: Im lặng là vàng. Xét ở góc độ tích cực, im lặng ở đây chỉ thái độ bình tĩnh, ôn hòa của con người trong những tình huống, hoàn cảnh có vấn đề gay cấn, khó xử. Trước một sự việc nào đó, ta cần có thái độ điềm tĩnh, chớ vội vàng, nóng nảy. Chẳng hạn trước sai sót, khuyết điểm của bạn bè, nếu ta phê bình kiểu “đao to búa lớn”, thì sẽ làm cho bạn tự ái khó tiếp thu, thậm chí phản ứng lại.
Trong gia đinh hay đối với lối xóm, khi một người nào đó đang bực tức, nóng giận thì ta không nên “đổ thêm dầu vào lửa”. Thái độ im lặng của ta sẽ làm cho người đối thoại bình tĩnh lại, bớt giận, dần dần nhận ra lầm lỗi của mình. Hoặc giả đối với một người do sơ suất, vô tình phạm khuyết điểm, nếu ta biết bỏ qua với lòng vị tha, chắc chắn người đó sẽ cảm phục mà tìm cách sửa chữa.
Tuy nhiên, xét theo mặt khác thì im lặng không thể là vàng vì bản chất cuộc sống là vận động, đấu tranh và phát triển. Nếu trước một sự việc hiện tượng xấu xa mà ai cũng im lặng thì đó là thái độ “vô cảm”. Người xưa có câu: Con đường dẫn tới cái ác thường là người tốt không làm gì cả. Đối với những điều tích cực, chúng ta cần bênh vực, cổ vũ. Đối với cái tiêu cực cần phê phán, bác bỏ. Nếu cứ giữ im lặng thì đó là biểu hiện của tính cách thụ động, xu thời của loại người “mũ ni che tai”, cố thu mình lại trong cái vỏ ốc vị kỉ.
Thực tế cuộc sống đã chứng minh có những kẻ sống theo kiểu im lặng tiêu cực, uốn mình gió chiều nào che chiều ấy, sợ sệt, né tránh, ngại va chạm, cầu an. Chẳng hạn vừa qua ở Hà Nội có cô gái giúp việc bị vợ chồng chủ quán đánh đập tàn bạo suốt 13 năm trời, vậy mà trong ngõ xóm không ai dám tố cáo, vạch mặt bọn người độc ác vì ngại dây dưa rắc rối. Rất may có bà cụ 72 tuổi đã dũng cảm tìm cách cứu cô gái. Bà cụ không thể im lặng mãi trước sự lộng hành của cái ác cho nên các ác đã bị phơi bày.
Hai câu thành ngữ, châm ngôn nói trên mang ý nghĩa triết lí sâu sắc. Nó giáo dục con người bằng những hình ảnh cụ thể, giản dị và cách diễn đạt mộc mạc, nhẹ nhàng. Ý nghĩa sâu xa của nó nhắc nhở chúng ta cần có cách ứng xử linh hoạt, mềm mỏng, văn minh và không nên vô trách nhiệm, quay lưng trước cuộc sống. Chúng ta phải biết bênh vực lẽ phải, lên án cái xấu và mạnh dạn, chủ động đóng góp ý kiếm tìm giải pháp cho những vấn để phức tạp của gia đình, cơ quan và xã hội. Đó là nhân sinh quan đúng đắn, là đạo lí của mỗi con người chân chính.