Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 1

Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của thơ ca dân gian Việt Nam. Điều này đã làm nên sự khác biệt của ông với những nhà thơ đương thời theo phong trào Thơ mới. “Tương tư” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông.

Loading…

van mau binh giang bai tho tuong tu cua nguyen binh Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Mở đầu bài thơ đó là nỗi nhớ của người đang yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Nhà thơ xưng “tôi” – không quá trang trọng và cũng không quá trìu mến – tạo sự hài hòa, gần gũi mà vẫn có chừng mực.  Ý thơ mang đậm chất ca dao dân tộc tạo sự liên tưởng đến cảnh làng quê yên bình cùng một tình yêu chân thành, mộc mạc. Lời trách của “tôi” cũng vì thế mà trở nên đáng yêu:

“Hai thôn chung lại một làng

Loading…

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”

Mối tương tư của “tôi” kéo dài theo thời gian:

“Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

“Tôi” lại hờn dỗi buông lời:

“Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…”

Đó là bởi “tôi” đã quá mong mỏi đọi chờ:

“Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!”

Thế mà “nàng” lại quá đỗi vô tâm, khiến cho nỗi niềm mong mỏi của “tôi” trở nên vô vọng

“Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”

“Bến” với “đò”, “Hoa khuê các” với “bướm giang hồ” – đó là lỗi nói ước lệ tượng trưng vốn thường xuất hiện trong ca dao Việt Nam. Nó thể hiện khát khao mãnh liệt của “tôi” với “nàng” nhưng đồng thời cũng là nỗi buồn vì tình yêu chưa đâm hoa kết trái. Bởi vậy, nhà thơ thay đổi cách xưng hô: từ “tôi” sang “anh”, từ “nàng” sang “em” để ngỏ lời yêu:

“Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một giàn cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Không còn những trách móc vu vơ, thay vào đó là những mong ước chân thật, mộc mạc. Một nhà có giầu, một nhà có cau, nếu ghép lại thì thật vừa khéo. Lời ngỏ thể hiện mong ước, chờ đợi về hạnh phúc lứa đôi son sắt, bền lâu.

Viết theo thể thơ lục bát với cách dùng từ mang đậm nét ca dao dân gian, Nguyễn Bính đã đem nét đẹp thôn quê thổi hồn vào Thơ mới vốn được xem như là một phong trào xuất hiện từ Tây phương. Nét mộc mạc, duyên dáng trong “Tương tư” nói riêng và thơ Nguyễn Bính nói chung đã tạo nên những ấn tượng nhẹ nhàng mà sâu sắc trong lòng độc giả yêu thơ văn.

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 2

Nhận xét về thơ Nguyễn Bính, Tô Hoài có nói rằng: “ Chỉ có quê hương mới tạo nên được từng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỉ đời thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt ướt đầm lên ngây ngất, day dứt không thế yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình quê tuyệt của Nguyễn Bính.” Thật vậy, trong phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính đã tạo ra một dòng riêng. Trong khi các nhà thơ lãng mạn khác cùng thời hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm về và hướng tới nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian.

Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê Việt , thơ ông hấp dẫn người đọc bởi lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang đậm hình dáng quê hương đất nước cũng như con người Việt Nam. “Tương tư” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính.

Cũng như các nhà thơ lãng mạn, Nguyễn Bính bị “mê hoặc” bởi đề tài tình yêu. Trước Nguyễn Bính, Nguyễn Công Trứ cũng có “Tương tư”:

Tương tư không biết cái làm sao

Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào…”

Cùng thời với Nguyễn Bính, không ai xa lạ, “Ông hoàng của thơ tình”_ Xuân Diệu cũng có bài thơ “Tương tư chiều”. Nhưng cách biểu hiện của hai thi sĩ thật trái ngược nhau biết mấy! Mỗi bài có một nét cuốn hút và hấp dẫn riêng của nó. Xuân Diệu thì rất Tây mà Nguyễn Bính thì “chân quê”…

Mở đầu bài thơ đó là nỗi nhớ, nỗi mong của kẻ đang yêu. Cái nỗi ấy nó thật quá sôi sục, mãnh liệt dường như nó hòa vào từng cảnh, từng vật của thôn quê nơi “tôi” và “nàng” cùng chung sống:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Có thế nhận xét rằng, cái tôi trong thơ Nguyễn Bính nó không quá nổi bật hẳn lên mà hòa quyện với từng câu chữ, hòa vào với từng ý thơ, hòa vào không gian nơi làng quê yên ả. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với hoán dụ thật tài tình được Nguyễn Bính kế thừa và phát huy từ những câu ca dao dân tộc. Ngân nga đôi dòng thơ đầu tiên, ta liên tưởng ngay tới câu:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than.”

Cái “ngồi nhớ”, sự “chín nhớ mười mong” của dân ca giờ đã trở thành “bệnh” của “tôi” mất rồi bởi đơn giản một điều rằng “tôi yêu nàng”. Sự cụ thể hóa nỗi nhớ cùng với cấu trúc đòn gẩy sau đây thật thú vị:

MỘT NGƯỜI chín nhớ mười mong MỘT NGƯỜI

Mỗi người một đầu, như “thôn Đoài” và “thôn Đông” vậy, sự thế hiện nỗi xa cách kia quả rất hay và ý nhị. Tâm trạng tương tư của người yêu đơn phương còn ảnh hưởng tới cả trời đất:

“Tương tư là bệnh của giời

Nắng mưa là bệnh của tôi yêu nàng”

 Câu thơ này của Nguyễn Bính khiến rất nhiều người nhầm tưởng đó là ca dao và sử dụng chúng rất linh hoạt, đặc biệt là các nam thanh niên. Quả là vui mừng thay cho Nguyễn Bính! Đối với văn nghệ sĩ mà nói thì không có thành công nào của nghệ thuật sánh bằng việc những đứa con tinh thần của mình được nhân dân áp dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Trở lại với bài thơ, “tôi” nhớ mong “nàng”, yêu đơn phương “nàng” nhưng “tôi” cũng phải trách “nàng”, “tôi” chạnh long:

“Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”

Thật tội nghiệp cho cả hai bên, bên bị trách nào biết mình đã lọt vào đôi mắt “tôi” bên thôn Đoài đây. Nhưng cớ sao “nàng” vô tâm quá? “Tôi” và “nàng”, chúng ta ở “Hai thôn chung lại một làng” vậy mà nàng vẫn khiến tôi chờ mong vò võ bao ngày, thời gian ấy sao dằng dặc, triền miên:

“Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”

Tiếp tục là những âm hưởng của dân gian với lối láy chữ tựa luyến láy trong âm nhạc bình dân. Trong hai câu thơ trên, sự sáng tạo của Nguyễn Bính ở chỗ:  thể hiện được sự vận động của thời gian vừa có thanh mà vừa có sắc. Ở đây, thời gian tâm lí đã khiến cho “tôi” đã phát “bệnh” mà ngày thêm trọng.

Sự trách móc, hờn dỗi rất đáng yêu kia của “tôi” chưa dừng lại ở đó. “Tôi” lại tiếp tục kiếm cớ với những lí lẽ:

“Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…”

“Tôi” cứ kể lể dài dòng cũng chỉ vì tôi muốn ai đó tường lòng tôi rằng tôi nhớ mong ai đó thật nhiều:

“Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!”

Chân tình “tôi” đó, có tủi phận không khi mà “nàng” cứ vô tâm mãi, để lòng tôi héo hon trong não nề vì mong ước của “tôi” sao mà vô vọng quá:

“Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”

Nguyễn Bính đã vận dụng lối nói ước lệ tượng trưng thương thấy trong ca dao đó là “bến” – “đò” và “hoa khuê các” – “bướm giang hồ” để thể hiện một mong muốn, khao khát yêu đương mãnh liệt nhưng đã dự báo trước được kết quả. Yêu vụng dấu thầm thật là tội nghiệp biết mấy.

“Nhớ mình ra ngẩn vào ngơ

Trông mây trông nước, nay chờ mai mong”

(Tản Đà)

Kết cấu xoay vần, kết lại bài thơ, Nguyễn Bính trở lại giai điệu quen thuộc trong khổ đầu và thêm thắt và lồng khéo vào đó một vài mong ước mộc mạc, chân thật:

“Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một giàn cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

“Nhà anh” và “nhà em”, mỗi nhà chỉ có MỘT hoặc “cau” hoặc “giầu” tức là vẫn còn cô đơn, lẻ bóng. Ý “anh” phải chăng là muốn chung đôi xe duyên kết phận với “em”? Cấu trúc song hành này thể hiện sự mong muốn về một hạnh phúc lứa đôi son sắt, bền lâu.

Câu hỏi tu từ đã kết lại lại thơ hai mươi câu lục bát. Lời bỏ ngỏ còn đó, như nỗi “tương tư” em còn đó cùng tình yêu này rất chân thành và mộc mạc. Với tài năng và tâm huyết cùng nghệ thuật dân tộc, Nguyễn Bính đã thành công trong việc giữ lại “hương đồng gió nội” cho thơ mình và thơ Việt nói chung khi cơn gió Tây học ùa vào lúc bấy giờ. “Tương tư” đến giờ vẫn giữ được vị trí rất riêng của nó trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, nó chính là một phần của hồn thơ Việt, hồn quê Việt.

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 3

Nguyễn Công Trứ thuở “hàn nho” đã có lần viết:

“Tương tư không biết cái làm sao

Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào… “

(“Tương tư”)

Xuân Diệu – Ông chúa thơ tình – người đồng thời với thi sĩ Nguyễn Bính cũng có bài “Tương tư chiều” (Thơ thơ – 1938) nồng nàn thương nhớ:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm”.

Năm 1939, Nguyễn Bính viết “Tương tư” in trong tập “Lỡ bước sang ngang” xuất bản tại Hà Nội, năm 1940. Với 20 câu thơ lục bát, Nguyễn Bính đã có một cách nói riêng về nỗi nhớ, nỗi buồn tương tư. Chàng trai đa tình, mơ mộng khắc khoải chờ mong và thương nhớ cô gái “chung làng” với một tình yêu chưa được đáp đền… nên mới tương tư như thế. Nỗi tương tư buồn dịu ấy được đặt vào một khung cảnh bình dị đáng yêu trong hương đồng gió nội thuần khiết, trong sáng như một mối tình dan díu xưa cũ trong bài hát giao duyên thuở nào.

Có yêu lắm nhớ nhiều nên mới tương tư. Yêu lắm nhớ nhiều,… mà không được “người tình” đáp lại, không được gặp mặt người yêu… thì mới tương tư, mang nỗi buồn tương tư. “Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều – Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang” (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du).

Khổ thơ đầu nói lên nỗi “nhớ”, nỗi “mong” của kẻ đang yêu, nỗi nhớ mong đầy ắp trong lòng, đã thành “bệnh” bởi lẽ “tôi yêu nàng”:

“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

“Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Chữ “tôi” xuất hiện trong bài thơ thật đáng yêu. Thôn Đoài với thôn Đông là nơi nhà “Nàng” và nhà Tôi” đang ở. Cách sử dụng hoán dụ – nhân hóa kết hợp với thành ngữ và nghệ thuật phân hợp số từ – vị ngữ “chín nhớ mười mong” làm cho lời thơ trở nên hình dị mà hồn nhiên, đằm thắm. Nỗi “chín nhớ mười mong một người” không chỉ đầy ắp, da diết trong lòng chàng trai đa tình mà còn tràn ngập cả xóm thôn, cả thôn Đông lẫn thôn Đoài. Yêu nàng tôi tương tư đã thành “bệnh”, thật đáng thương,… cũng như bệnh nắng mưa của trời vậy. Cách so sánh “bệnh giời” với bệnh “tương tư “của tôi yêu nàng”, Nguyễn Bính đã diễn tả một cách hồn nhiên, thi vị về nỗi buồn tương tư trong tình yêu là lẽ tự nhiên, là tất yếu. Yêu thì mong được gần nhau, mà xa nhau thì nhớ; yêu lắm nên nhớ nhiều; càng nhớ mong thì càng tương tư. Tương tư là một nét đẹp của tình yêu nên khác gì “Nắng mưa là bệnh của giời”…

Mười hai câu tiếp theo nói lên tâm trạng tương tư “bệnh của tôi yêu nàng”. Trước hết là nỗi băn khoăn thắc mắc. Tuy chẳng được ở gần nhau “bên giậu mùng tơi”, “bên giàn thiên lí”, nhưng tôi với nàng gần gũi biết bao “Hai thôn chung lại một làng”. Có mong có nhớ… có đi mà không có lại, nên băn khoăn thắc mắc biết ngỏ cùng ai bây giờ? Một câu hỏi cất lên nghe thật là thương, thật là buồn:

“Cớ sao bên ấy chảng sang bên này?”.

Đã bao lâu rồi chưa được gặp nàng, nỗi buồn tương tư càng da diết, nôn nao:

“Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.

Ba chữ “ngày” kết hợp với chữ , “qua” một chữ “lại” diễn tả nỗi buồn triền miên dằng dặc. Từ mùa xuân, khi lá xanh nay đã cuối thu “cây lá vàng”, thế mà “bên ấy” chẳng sang bên này? Làm sao chẳng mỏi mòn mong nhớ? Làm sao chẳng tàn úa như lá vàng mùa thu? Nguyễn Bính đã học tập cách nói của dân gian lấy cây cỏ sắc màu để diễn tả thời gian li cách. Thời gian tâm lí, thời gian tâm trạng: dằng dặc mong nhớ, triền miên buồn trông – được nói lên một cách rất thơ, rất đậm đà, ý vị.

Thắc mắc rồi trách móc, rồi hờn tủi. Băn khoăn tự hỏi, tự giày vò mình: “Bao rằng”, “không… là chăng… đã đành”, “nhưng”, “có xa xôi mấy…”, hỏi để rồi lại băn khoăn, hờn dỗi. Và chỉ biết hỏi mình mà thôi, càng hỏi càng cô đơn lẻ loi, hờn tủi:

” Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”.

“Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?”.

Trải qua những “chín nhớ mười mong”, hết trách móc hờn đỗi rồi lại trông đợi cầu mong. Thật chân tình, thật chân thành, tha thiết:

“Bao giờ bến mới gặp đò,

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”.

Vận dụng lốì nói ước lệ ẩn dụ trong ca dao (bến, đò) trong thơ văn truyền thống (hoa khuê các, bướm giang hồ) để thể hiện một nỗi ước mong, một khao khát về tình yêu hạnh phúc của lứa đôi rất thiết tha. Cái tôi trữ tình của chàng trai đa tình, nỗi buồn tương tư, nỗi khát khao ước mong về hạnh phúc “của tôi yêu nàng “, trở thành “cái chung” của nhiều chàng trai, cô gái khác. Vì thế đã 70 năm qua, tiếng thơ “Tương tư” vẫn được bao thế hệ độc giả trân trọng coi nó như tâm hồn mình, tiếng lòng mình – Có một số người cho rằng câu thơ “Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau” dường như lạc hệ thống, thiếu sự dung dị (?) Chàng trai trong “tương tư” đâu phải là anh trai cày “tát nước đầu đình” mà có thể là một chàng trai đang học trường làng, trường huyện và đã từng đọc “Hồn bướm mơ tiên”… thích mơ mộng. Nguyễn Bính không chỉ làm cho vần thơ mang vẻ đẹp mộc mạc như ca dao mà lại cũng khác ca dao, là ở chỗ ấy.

Ở phần hai bài thơ, chàng trai lúc thì trách móc, lúc thì nhắn hỏi liên tiếp mà “nàng” vẫn hững hờ, biệt tăm. Kẻ thì đa tình mơ mộng… mà đối tượng lại mơ hồ, vô định, nhớ thương mong đợi, có đi mà chẳng bao giờ có lại. Chỉ là chuyện hão huyền, vô vọng vì đó đều mơ hồ, vu vơ. Ở đời vẫn có những mối tình yêu như thế, lãng mạn như thế: “Ai biết tình ai có đậm đà?” (Hàn Mặc Tử). Năm 1912 thi sĩ Tản Đà viết trong bài thơ “Thư trách người tình không quen biết”:

“Nhớ mình ra ngẩn vào ngơ

Trông mây  trông nước, nay chờ mai mong”.

Và năm 1926, ông còn viết:

“Mong ai mỏi mắt chân trời,

Nhớ ai, đi, đứng, ăn, ngồi thẩn thơ”.

(“Thư trách người tình không quen biết”)

Qua đó, ta giới có thể cảm nhận được tình tương tư “một người chín nhớ mười mong một người” trong thơ Nguyễn Bính. Và đó chỉ là yêu vụng dấu thầm mà thôi.

Bốn câu thơ cuối bài nói lên niềm mơ ước muôn đời của lứa đôi. Và ở đây là của “anh”. Yêu nhau đâu chỉ có “chín nhớ mười mong”, đâu chỉ có tương tư mà còn ước mơ hạnh phúc:

“Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phong.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thân Đoài nhớ giầu không thôn nào”.

“Có một giàn giầu”, “có một hàng cau liên phòng”, nhà anh, nhà em mới đều chỉ có “một” nghĩa là còn lẻ loi, đơn chiếc. Anh và em vẫn đôi nơi: Anh ở thôn Đoài, em vẫn ở thôn Đông, vẫn còn xa cách quá chừng, vẫn là một trời mong nhớ: “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”. Anh nhớ em, tưởng như: “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”. Hình ảnh ẩn dụ “giầu – cau” dân dã biểu lộ niềm mơ ước: duyên trầu cau cũng là duyên đôi lứa sắt son, bền chặt. Câu trúc song hành gợi tả mối quan hệ gắn bó của đôi trai gái trong một tình yêu đẹp: nhà tôi và nhà em, thôn Đoài và thôn Đông, trầu và cau. Tình yêu là chuyện muôn đời của lứa đôi, của trai gái. Nguyễn Bính đã khép lại bài thơ bằng một lối diễn đạt tinh tế, đậm đà, nhiều man mác, bâng khuâng. Mơ ước về trái ngọt hạnh phúc sẽ làm lịm môi, mơ ước về con thuyền tình sẽ cập bến bờ hạnh phúc… đó là mơ ước đẹp rất nhân văn, vần thơ, câu thơ của tác giả “Lỡ bước sang ngang” được tuổi trẻ thời áo trắng yêu thích là vì thế.

“Tương tư” vượt lên thời gian, đã sống trong lòng người, trong trái tim, tâm hồn bao chàng trai, cô gái. Ngôn ngữ và chất thơ dung dị, hồn nhiên, dân dã và không kém phần lãng mạn thơ mộng. Một hệ thống ẩn dụ – ước lệ: thôn Đoài, thôn Đông, bến – đò, hoa – bướm, cau – trầu… – với cách nói ví von bình dị đã tạo nên một không gian nghệ thuật gần gũi, thân quen là làng xóm, quê nhà, là “hồn xưa đất nước”. Cái mới trong thơ lục bát của Nguyễn Bính là chất biểu cảm nồng nàn, là niềm khao khát về tình yêu hạnh phúc, là cái tôi trữ tình, là “của tôi yêu nàng”, là cảm xúc của tuổi trẻ bấy lâu nay.

Trong “Tương tư” có mong nhớ và buồn, có trách móc và giận hờn, nhưng chủ yếu là vươn tới, là mơ ước, khát khao để anh và em, để cau thôn Đoài và giầu không thôn Đông thắm lại, son sắt, thủy chung. Mọi mơ ước đều đẹp. Mơ ước về tình duyên hạnh phúc lại càng đẹp. “Tương tư” thể hiện hồn thơ Nguyễn Bính: lãng mạn mà chân quê, man mác hương đồng gió nội một thời quá vãng.

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 4

Tương tư là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bính. Bài thơ viết về một đề tài khá quen thuộc trong đời sống và văn chương: sự tương tư, tức một trạng thái tình cảm nam nữ khi yêu nhau, hoặc phải xa cách, hoặc không được đáp lại. Nhà thơ lại sáng tác bằng thể thơ cũng rất quen thuộc – lục bát.

Song, để bài thơ có thể sống dài lâu trong lòng bạn đọc không phải là chuyện dễ. Tương tư của Nguyễn Bính vừa có vẻ thân quen như một làn điệu dân ca khiến bao người thuộc lòng. Thậm chí trở thành một bài hát ru em, vừa mang tâm tình mới của lớp thanh niên thời bấy giờ. Nói cách khác, Tương tư cũng như rất nhiềụ bài thơ khác của Nguyễn Bính trước năm 1945, đậm đà chất dân tộc, trong điệu tâm hồn, cả trong lối diễn đạt, nhưng lại là tiếng thơ của một thời đại mới. Vì thế, khi bình giảng cần biết rằng Tương tư là nỗi nhớ, là tâm trạng của một chàng trai đối với một cô gái. Cô gái ấy vô tình, hay hữu ý không biết nỗi lòng ấy. Tình cảm của chàng trai rất đỗi tha thiết. Tương tư là một thứ bệnh của tình yêu. Chàng trai ấy đang mang bệnh đó. Anh ta buồn, anh ta nhớ, anh ta thao thửc và cả trách móc nữa, nhưng là sự trách móc của một người đang yêu nên cũng rất đáng yêu:

Bảo ràng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình 

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

Nhà em một gian giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Khi bình giảng lại lần theo tâm trạng đó. Tuy nhiên, không phải là sự diễn xuôi, kể lại (vì có gì đáng kể đâu) mà để thay từng cung bậc tình cảm trong trái tim chàng trai đang tương tư.

Tương tư là bài thơ tình yêu, bài thơ diễn tả nỗi tương tư. Thành công của nó ở chỗ bao tâm hồn đã tìm thấy ở đó sự đồng điệu, tiếng thơ. Điều này tưởng chừng bình thường, đơn giản, song thật ra không phải ai cũng làm được. Nhiều bài thơ tuy rất hay, rất nổi tiếng, nhưng người ta nhận ra trước hết đó là nỗi lòng rất đơn chiếc của một người, và nếu có chỉ là tiếng lòng của một số người, một bộ phận tương đối hẹp nào đó. Chẳng hạn:

Ai bảo em là giai nhân 

Cho đời anh sầu khổ?

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ 

Cho vướng víu nợ thi nhân. 

(Luu Trọng Lư – Một mùa đông)

hoặc:

Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng,

Mà sầu trong dạ đã mang mang.

Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh,

Lạnh lẽo đêm trường, giãi gió’sương.

(Lưu Trọng Lư – Một chút tình)

Thơ Nguyễn Bính, ở Tương tư, cũng như nhiều bài thơ khác, không phải vậy. Rất đông thanh niên, nhất là những người bình thường, thời bấy giờ và sau đó nữa, tìm thấy sự đồng điệu ở thơ ông. Có được như vậy, trước hết là do thơ Nguyễn Bính có nhiều hình ảnh quen thuộc của thế giới ruộng đồng, dân dã (Ở bài thơ này là: bướm, hoa, thôn Đoài, thôn Đồng, đình làng, bến đò, hàng cau, giàn trầu.,.). Dường như tiếng nói trong thơ Nguyễn Bính được cất lên từ chính thế giới thân thuộc đó, là một phần của thế giới ấy, chứ không là sự vay mượn. Thành ra lốì diễn đạt cũng thế. Nó mang dáng vẻ mộc mạc, chân thành, bình dị (Ngày qua ngày lại qua ngày / Bao giờ bến mới gặp đò? / Nhà em có một giàn giầu…). Và dĩ nhiên, đây là hình thức thể hiện của một cái khác, sâu xa hơn, ở thơ Nguyễn Bính, đó chính là tình quê, hồn quê thấm đẫm trong tâm hồn nhà thơ. Chính cái tình, cái hồn ấy làm nên sự quen thuộc, gần gũi và thân thiết của thơ Nguyễn Bính đối với bao người Việt Nam, dù ở bất cứ thời đại nào.

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 5

Với phong cách thơ bình dị, nhẹ nhàng, chân chất; Nguyễn Bính được xem là nhà thơ của đồng nội. Thơ Nguyễn Bính đi sâu vào tâm hồn người đọc bằng chất “quê” đặc biệt, chất “quê” của nông thôn Việt Nam.Tình yêu trong thơ ông rất đỗi ngọt ngào, sâu lắng và dìu dặt như chính con người ông. Bài thơ “Tương tư” rút trong tập “Lỡ bước sang ngang” giãi bày tâm sự thầm kín của một người đang yêu, đang thương nhớ, đang khắc khoải và mong chờ đau đáu.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính đặt tên bài thơ là “Tương tư”, đây là cảm giác nhớ thương của một kẻ đang yêu, nói đúng hơn là của kẻ yêu đơn phương, đang mong chờ được đáp lại. Mối tình ấy được ấp ủ, được dồn nén thành lời qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhất:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Một không gian thôn quê hiện lên thật bình dị, đơn sơ, và yên bình đến lạ. Thủ pháp nhân hóa được sử dụng rất tài tình, tinh tế. Tác giả mượn “thôn Đoài” và “thôn Đông” để nói lên nỗi nhớ từ tận sâu đáy lòng của mình. Chắc hẳn rằng người mà tác giả đang tương tư ở thôn Đông, còn tác giả lại ở thôn Đoài. Mối tình ấy ẩn mình trong sự thanh mát và bình dị của đồng quê.

Tinh tế và sâu sắc hơn nữa tác giả đã mượn chuyện nắng của của giời để trải lòng mình. Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh đã tiềm ẩn trong chính con người mình, cũng rất đỗi bình thường như bao chuyện khác, giống như quy luật của đất trời.

Chỉ với 4 câu thơ ấy, đã khiến người đọc thích thú muốn tìm hiểu về mối tương tư của anh chàng thôn Đoài và cô nàng thôn Đông này.

Tuy nhiên đến những câu thơ tiếp theo, dường như lại là lời trách móc nhẹ nhàng và rất chừng mừng. Trách cô gái hững hờ, trách người ta sao lại vờ như không biết gì như thế:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Những đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi ?

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho ?

Bao giờ bến mới gặp đò ?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?

Những câu hỏi dồn dập, nối tiếp nhau tạo nên sự nối rối, lo lắng và chồng chất nỗi niềm trong lòng chàng trai đang yêu. Tác giả đã mượn lối nói dân gian của ca dao, dân ca để hỏi dò cô gái sao lại hững hờ như vậy.

Giọng điệu của câu thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tha thiết như truyền tải thông điệp đến cho cô gái. Từ “cớ sao” như một lời trách nhưng lại rất tế nhị, đáng yêu. Mối tương tư của chàng trai trằn trọc suốt bao nhiêu đêm, nhưng chẳng biết ngỏ cùng ai, rồi cũng chẳng ai thấu cho. Bởi vậy mà chàng trai chỉ chờ đợi “bến gặp đò” để mình có thể gặp nàng. Nỗi băn khoăn trong lòng chàng trai cứ chồng chất, cứ dai dẳng và đợi chờ.

Và rồi chàng trai lại tự hỏi:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?

Nhịp điệu của thơ lục bát uyển chuyển, nhẹ nhàng, tha thiết. Tác giả mượn “giàn trầu” và “hàng cau” để diễn tả nỗi nhớ da diết và quấn quýt như dây trầu quấn lấy thân cau. Nguyễn Bính thật khéo léo và tài hoa khi diễn tả nỗi nhớ bằng những hình ảnh thân quen và mộc mạc ấy. Ở 4 câu thơ này, người đọc nhận ra có sự thay đổi giữa cách xưng hô, tác giả đã mạnh dạn chuyển “tổi-nàng” thành “anh-em” rất táo bạo. Dấu hiệu này chứng tỏ mối tình này đã quá lớn, đã quá sâu và chàng trai muốn giãi bày trực tiếp với cô gái.

Cái “tôi” trữ tình của Nguyễn Bính đã được đẩy cao lên, dám bày tỏ, dám yêu. Nhưng tình cảm đó không táo bạo mà ngược lại rất chân thành, mãnh liệt, đồng thời lại rất tế nhị.

Bằng những vần thơ gần gũi, chân thành, đậm hương vị đồng quê, tác giả đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm nhẹ nhàng, tha thiết nhất của những người đang yêu. Bài thơ như một nốt nhạc trong lành và yên bình nhất.

Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính – Bài làm 6

Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám. Giữa những giọng điệu mới lạ, thơ Nguyễn Bính vẫn giữ được âm hưởng gân gũi với ca dao dân ca, giản dị hồn nhiên mà ngọt ngào, thắm thiết. Tương tư in trong tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Tập thơ này đã mang lại tiếng vang cho tác giả và dấy lên trong đông đảo người đọc một phong trào thuộc thơ, yêu thơ Nguyễn Bính. Bài thơ Tương tư nói lên tâm trạng khắc khoải chờ mong của một chàng trai đang yêu với tình yêu đơn phương không được đáp đền. Mối tương tư ấy được đặt vào khung cảnh nông thôn với dáng dấp một mối tình chân chất như trong ca dao và mang hương vị đồng quê mộc mạc…

Tâm lí của những kẻ đang yêu là luôn muốn được gần gũi bên nhau. Bởi vậy, một ngày không gặp dài bằng ba thu. Những người đang yêu nhớ nhau mà không gặp được nhau thì sinh ra tương tư. Thường là một người thương nhớ một người mà không được đền đáp lại, trường hợp này trong văn chương mới gọi là tương tư. Lịch sử tình yêu xưa nay đã ghi nhận bao trái tim Trương Chi tan nát bởi mối hận tình. Chàng trai trong bài thơ này cũng tương tư nhưng có phần nhẹ nhàng hơn bởi tình yêu chưa đặt được cơ sở rạch ròi.

Bốn câu thơ đầu bày tỏ nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu. Chàng trai không giấu là mình tương tư:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…

Mối tương tư ấy được thể hiện bằng những hình thức quen thuộc trong cã dao xựa, ở đây, lối hoán dụ nghệ thuật, thủ pháp nhân hóa và thành ngữ dân gian kết hợp với nhau hài hòa, tự nhiên: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, rồi bệnh của giời, bệnh của tôi… Dường như đất trời cũng chia sẻ nhớ mong, dự phần tương tư với con người.

Tôi yêu nàng, tôi tương tư, nào có khác chi trời lúc gió lúc mưa. Tâm trạng tương tư của chàng trai cũng tự nhiên như quy luật của trời đất vậy.

“Cái tôi” trong thơ Nguyễn Bính xuất hiện cùng với những “cái tôi” khác trong Thơ mới lúc bấy giờ; có điều nó mang màu sắc độc đáo bởi nó thiết tha, chân thành, gần gũi với cuộc đời bình dị của người dân quê. Nó có thôn Đông, thôn Đoài, có chín nhớ mười mong, có giầu, có cau… Tưởng như một đôi trai gái đồng quê mới bén duyên nhau bên hàng rào dâm bụt, bên giậu mùng tơi, vừa rõ ràng mà vừa mơ hồ. Nhân vật tôi thì đã rõ, còn nhân vật nàng thì vẫn thấp thoáng, vu vơ.

Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ nói thật là mình đang tương tư thì đến ba khổ thơ sau, nhà thơ trách người mình yêu sao quá hững hờ:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Những đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi ?

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho ?

Bao giờ bến mới gặp đò ?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau ?

Vậy là chàng trai đang nhớ thật, đang tương tự thật, nhưng khổ tâm ở chỗ nhớ thương có đi mà không có lại. Âm điệu thơ lục bát uyển chuyển, mượt mà rất hợp với cách thể hiện dung dị: nào là hai bên chung lại một làng, bên ấy, bên này; nào là Cách nhau có một đầu đình; Có xa xôi mấy mà tình xa xôi… Trách móc rồi tự bộc bạch là mình Tương tư thức mấy đêm rồi và ước mong: Bao giờ bến mới gặp đò, Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? Trách, hỏi liên tiếp, dồn dập mà người ta vẫn hững hờ, xa xôi. Ở đời có những tình yêu như thế bởi đối tượng mình yêu đến tương tư kia lại mơ hồ, vô định. Trách và hỏi đều rơi vào khoảng trống khiến cho nỗi tương tư càng trở nên xót xa, vô vọng.

Vẫn là bên ấy, bên này cách biệt. Ngày qua ngày lại qua ngày, Lá xanh nay đã thành cây lá vàng. Thời gian cứ lạnh lùng trôi mà bên ấy vẫn bằn bặt bóng chim tăm cá. Hỏi làm sao bên này chẳng chờ đợi đến hao mòn, tàn úa? Mơ làm chi đến chuyện bao nhiêu ngói bấy nhiêu tình hay chuyện tam tứ núi, ngũ lục sông…?

Thế là đã rõ: Tất cả đều vu vơ, chỉ có một điều rất thật là nỗi buồn da diết của chàng trai đang tương tư. Yêu người mà chẳng được người yêu, nhớ mong mà chẳng gặp. Một mối tình như thế sẽ kết thúc ra sao? Chàng trai trở lại với ước mơ thầm kín về một cuộc hôn nhân tốt đẹp cùng nỗi băn khoăn, khắc khoải của lòng mình:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?

Đến lúc này thì không cần vòng vo, ẩn giấu chi nữa, chàng trai không còn xưng tôi mà mạnh dạn xưng là anh và gọi nàng bằng em. Cũng chẳng cẩn bóng gió xa xôi: Bao giờ bến mới gặp đò… hay Tương tư thức mấy đêm rồi… mà nói thẳng đến chuyện hôn nhân:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thử hình dung cau ấy, giầu này mà kết thành một mâm xinh đẹp thì thật tà đúng nghi lễ cưới xin. Nhưng trớ trêu làm sao: giầu thì ở nhà em, cau lại ở nhà anh. Em ở thôn Đông, anh ở thôn Đoài: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông. Vậy: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ? Như vậy là tương tư chưa đi quá nỗi nhớ và nỗi nhớ vẫn chỉ là một bên, một chiều. Tuy có nhích lên một chút cho thân mật hơn trong cách xưng hô anh và em, nhưng rồi lại quay về nơi ẩn náu cũ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, nghĩa là chẳng tiến lên được một bước nào. Mon men tới chuyện trầu cau nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi buồn bởi nhớ nhung người ta mà chẳng được người ta đền đáp lại. Cho nên đành chấm dứt nỗi sầu bằng một câu hỏi tu từ: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ? “Cái tôi” hiện đại bộc lộ một cách tự nhiên dưới hình thức quen thuộc của ca dao xưa: thôn Đoài, thôn Đông… và nhờ dó mà nỗi đau dường như vợi bớt. Cho nên nỗi tương tư cũng mới chỉ đến mức chín nhớ mười mong hoặc thức mấy đêm rồi, kể cả sự vô vọng dường như kéo dài dằng dặc trong không gian và thời gian kia cũng chỉ là chuyện bến chưa gặp đò, hoa chưa gặp bướm mà thôi.

 Nguyễn Bính sáng tác Tương tư năm 1939. Bài thơ là một mảnh hồn của nhà thơ, là “cái tôi”mang đậm phong cách Nguyễn Bính: giản dị, hồn nhiên, dân dã mà không kém phần thơ mộng, lãng mạn. Nhà thơ nói chuyện tương tư, kì thực là nói tới khao khát tình yêu và hạnh phúc. Qua dó khẳng định “cái tôi cá nhân” với quyền được sống đúng nghĩa của nó. Tương tư là một trong nhiều dẫn chứng chứng minh cho nhận xét tinh tế của Tô Hoài: Nguyễn Bính là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.

Xem thêm:  Bình giảng bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu

Bài liên quan

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1 Loading……
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em…
Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân…
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận – Bài làm…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *