Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn thơ xưa – Bài làm 1
Thân phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến là một đề tài được rất nhiều nhà thơ, nhà văn lựa chọn làm đề tài sáng tác của mình. Qua các tác phẩm ấy, trước mắt chúng ta hiện lên hình ảnh những con người với vẻ ngoài xinh đẹp, cũng như nhân cách cao đẹp, thế nhưng số phận lại bị phụ thuộc vào rất nhiều người khác. Sự bó buộc của xã hội phong kiến, sự tàn ác của những thế lực đen tối đã khiến cho cuộc đời của họ đầy những chông gai, sóng gió. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ở họ vẫn luôn ánh lên một vẻ đẹp của nhân cách, của tình yêu thương, của niềm lạc quan, niềm tin vào cuộc sống.
Người phụ nữ thuở xưa, thường không được tự làm chủ cuộc sống của mình. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” khiến cho họ từ khi sinh ra cho đến khi từ rã cuộc sống, luôn phải sống, phải lo lắng, hi sinh cho rất nhiều người khác. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ tiêu biểu, và dĩ nhiên, những lời thơ của bà cũng là những lời bộc bạch, những lời lên tiếng bảo vệ cho người phụ nữ Việt Nam thuở xưa:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son…”
Họ là những người đẹp về cả ngoại hình và tâm hồn. Đầu tiên, đó là những người con gái trong trắng, xinh đẹp. Thế nhưng, họ cũng giống như hình ảnh của viên bánh trôi nước. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào quá nhiều điều, quá nhiều người. Họ không có quyền tự quyết định cuộc sống của mình. Chỉ có một thứ họ có thể tự quyết định, đó là, dù cho khó khăn đến đâu, vất vả đến đâu, họ vẫn quyết tâm giữ tấm lòng son sắt, thủy chung của mình. Chính Hồ Xuân Hương cũng phải tức giận mà thốt lên rằng:
“Giá đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”
Họ là phái yếu, nhưng họ cũng có khả năng làm được những điều mà nam giới làm. Thế nhưng xã hội không cho phép. Có mấy ai dám ngông ngênh nói như Hồ Xuân Hương. Không nói đến văn hay, nhiều người còn quan niệm con gái không cần đi học, không cần biết chữ. Vậy thì họ làm sao có thể làm chủ được số mệnh của mình?
Tuy vậy, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng họ vẫn là những người phụ nữ thương chồng, thương con, biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống gia đình. Họ vất vả, tảo tần những không một lời oán thán. Tú Xương – một nhà thơ rất bất mãn với tình cảnh đất nước lúc bấy giờ, cũng như với những gò bó của xã hội phong kiến, đã lên tiếng “bênh vợ”, cũng như bênh cho cả một xã hội phụ nữ không được lên tiếng, không được bảo vệ:
“ Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Xã hội phong kiến bất công, xã hội mà con người trở thành nô lệ của đồng tiền, khiến cho người phụ nữ phải vất vả, tần tảo đi chợ sớm hôm nuôi chồng, nuôi con. Thế nhưng họ coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng. Ta bỗng nhớ đến hình ảnh mẹ cò trong câu ca dao của ông cha ta thuở trước:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Họ là những người giàu đức hi sinh. Dù có gian khổ đến mấy nhưng họ không một lời oán trách.
Thế nhưng, có mấy người thương vợ được như Tú Xương. Thuở xưa, chế độ đa thê vô cùng phổ biến. Một người phụ nữ có thể phải chịu làm lẽ cho một gia đình giàu có nào đó. Họ phải chịu sự ghen ghét của người vợ cả và những người vợ lẽ khác. Cuộc sống chung chồng ấy, thật vô cùng cực khổ. Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên rằng: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Nhưng bà cũng không tránh khỏi guồng quay của số phận, cũng phải đi làm vợ lẽ người ta, chỉ có thể hưởng một hạnh phúc không trọn vẹn. Sự ngang tàng, bướng bỉnh, vùng lên của bà, cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc.
Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết:
“Thương thay thân phận đàn bà
Dù rằng bạc mệnh vẫn là lời chung”
Đó là những đau khổ mà người phụ nữ trong thời đại phong kiến. Họ đẹp, đẹp cả về ngoại hình và nhân cách. Thế nhưng cuộc sống của họ không do họ làm chủ, phải sống kiếp sống lênh đênh, trôi dạt, không định trước được tương lai của mình. Tuy nhiên, họ vẫn vượt lên nhưng đau đớn, tủi nhục ấy, để kiếm tìm hạnh phúc cho mình.
Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn thơ xưa – Bài làm 2
Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước… không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền “năm thê bảy thiếp”, được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng. Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng thương quá đỗi. Hai từ “thân em” cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:
“Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu”
Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh “Tấm lụa đào”, hay “con cá rô thia” trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tạc, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:
“Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan”…
Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.
“Thân em như miếng cau khô
Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”
Câu ca nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.
“Năm nay em đi làm dâu
Thân khác gì trâu mang theo ách
Năm nay em đi làm vợ
Thân mang cày, dây khiến không biết ai?
Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”
Người con gái trong bài ca dao H’mông này đang than thân trách phận mình khi “xuất giá tòng phu’’. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời “theo ách” như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra”
Có khi họ bị chồng đánh đập:
“Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai”
Có khi bị chồng phụ bạc:
“Nhớ xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh,
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi.”
Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hanh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng… Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi’’
Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai… thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: “Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Một sự mời mọc ngập ngừng
Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn thơ xưa – Bài làm 3
Mỗi người chúng ta lớn lên trong những câu ca của mẹ của bà, được tắm táp trong những làn điệu dân ca mượt mà nhưng chất chứa cảm xúc của người xưa. Ca dao dân ca luôn là mạch nguồn tình cảm vô tận mà con người gửi gắm vào trong đó. Qua những lời mẹ hát, chúng ta cảm nhận được số phận của người phụ nữ với nhiều phẩm chất vừa đáng thương, vừa đáng quý.
Có thể nói ca dao là nơi khơi nguồn tình cảm, làm cho cảm xúc trong trái tim trỗi dậy. Và người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở cho người sang tác. Dù ở thời đại nào thì người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng ở thời đại phong kiến xưa, chế độ “trọng nam khinh nữ” còn ngự trị thì người phụ nữ bị coi rẻ, bị xã hội chèn ép, đè nén. Thân phận và cuộc đời của họ không thể kể hết trong mấy câu, mấy lời. Bởi nó đã được kể trong hàng nghìn câu ca dao, dân ca. Người xưa đã mượn những lời ca để vẽ lên một bức tranh nhiều màu sắc về phụ nữ Việt Nam thời đó.
Hẳn rằng chúng ta đã bắt gặp những câu hát:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng hạt ra ruộng cày
…
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Chỉ với cụm từ « thân em » đã gợi nhắc đến sự cô độc, lẻ loi, không được coi trọng. Phận con gái mỏng manh, yếu đuối, không được nâng niu trân trọng. Xã hội coi rẻ người phụ nữ, coi họ như những món hàng, thích thì « mua « , không thích thì lại « bán ». Sự bạc bẽo đến tái tê lòng đó khiến cho người phụ nữ chạnh lòng nhưng cũng không biết làm thế nào, đành cam chịu và chấp nhận số phận đó.
Thân phận của những người phụ nữ đi lấy chồng xa còn khắc nghiệt và chua xót :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Trăm bề đều là nỗi đau, là nỗi nhớ. Sống trong cảnh xa nhà, theo chồng nơi phương xa, người phụ nữ không biết giãi bày tâm sự cùng với ai. Với quan niệm « Xuất giá tòng phu » nên người phụ nữ chỉ biết câm lặng sống bên chồng, vì chồng mà chôn vùi tuổi xuân, chôn vùi đi nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà vào sâu trong trái tim mình. Chỉ biết đau đáu nhìn về quê mẹ mà đau, mà xót. Bởi rằng kêu ai ai thấu, gọi ai ai thưa.
Chúng ta bắt gặp người phụ nữ trong bài ca dao « Con cò »
Con cò mà đi ăn đêm
Dậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ong ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Dừng xáo nước đục đau lòng cò con
Đây là tấm lòng của người mẹ người quanh năm bôn ba, lặn lộn vất vả vì con. Chăng may gặp chuyện chẳng lành nên người mẹ kêu gào thảm thiết, rằng có khổ có vất vả tới đâu thì vẫn nguyện hi sinh vì chồng vì con. Đó là những con người đáng trân trọng, đáng quý trong xã hội phong kiến. Họ vẫn âm thầm và lăng lẽ hi sinh đời mình vì con cái, vì gia đình nhiều như thế. Tấm lòng của họ trong thiên hạ thật đáng quý.
Mỗi câu ca dao, dân ca viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến đều khiến cho người đọc chua xót và cảm thông. Họ là những người thấp cổ bé họng trong thiên hạ, chịu thương, chịu khó, nhọc nhằn vất vả nhưng vẫn giữ được tấm lòng son với chồng, giữ đạo làm me với con. Họ khổ, họ nghèo nhưng trái tim có sáng, tấm lòng họ trong. Đó là những con người đáng nhẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, nhưng cuộc sống khắc nghiêt, xã hội khắc nghiệt.
Ca dao dân là mềm mại, mượt mà là nơi làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt. Họ đáng đươc sống sung sướng và hạnh phúc. Họ là những tượng đài bất diệt vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Họ là vợ, là mẹ, là chị, là bà.
Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn thơ xưa – Bài làm 4
Thần thoại Hi Lạp kể lại rằng: Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn con của loài dây leo, dáng run rẩy của loài có hoa, nét mềm mại của các loài lau cón, màu rực rỡ của nhị hoa, điệu nhẹ nhàng của những chiếc lá,… để tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Thật nghịch lí rằng người phụ nữ lại phải chịu bao bất hạnh đắng cay dù họ là tinh túy của đất trời, vũ trụ. Vì lẽ đó, hình tượng người phụ nữ luôn là ám ảnh tâm hồn của những người nghệ sĩ. Theo dòng chảy của thời gian, ta nhớ mãi những câu ca than thân, bài thơ “Bánh trôi nước” , “Tự tình” của Hồ Xuân Hương và “Thương vợ” của Tú Xương. Qua ba tác phẩm, ta phần nào thấy được những bi kịch, thiệt thòi, bất công và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Nhắc đến Hồ Xuân Hương, người ta thường nhắc đến bà Chúa thơ Nôm, nữ sĩ nổi loạn. Nổi bật trong sáng tác của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm với người phụ nữ, là sự đề cao, khẳng định vẻ đẹp của họ. “Bánh trôi nước”, “Tự tình” là hai bài thơ tiêu biểu cho thân phận người phụ nữ trong xã hội thời xưa. Còn nói đến Tú Xương, người ta thường hay nói tới ông Hoàng của thơ Nôm – một trong những đại diện xuất sắc nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Trong sáng tác của ông có hẳn một đề tài về người vợ rất phong phú về thể loại gồm văn, thơ, câu đối. Trong đó, “Thương vợ” là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất viết về đề tài người phụ nữ. Qua bài thơ, ta phần nào thấy được nỗi nhọc nhằn, vất vả cùng vẻ đẹp tâm hồn bà Tú – hình mẫu lí tưởng, đại diện cho người phụ nữ Việt Nam.
Người phụ nữ Việt Nam đã hiện lên qua nhiều câu thơ với hình ảnh người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, đắng cay. Đầu tiên, ta phải kể đến đó là “Bánh trôi nước” – bài thơ tiêu biểu cho thân phận “ba chìm bảy nổi” của người phụ nữ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Với những vẻ đẹp như vậy, đáng lẽ ra người phụ nữ phải được sống một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng không, họ phải chịu nhiều những đắng cay, uất ức. Họkhông làm chủ được số phận, không tự quyết định được hạnh phúc của mình, thân phận chìm nổi lênh đênh. Trong xã hội phong kiến, với quan niệm trọng nam khinh nữ, người đàn bà luôn bị nhào nặn, xô đẩy cũng như những câu ca dao than thân xưa kia:
Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
Không làm chủ được số phận của mình, duyên phận bẽ bàng, hạnh phúc dở dang, điều này được thể hiện rõ ràng qua bài thơ “Tự tình” (Hồ Xuân Hương).Tuy xuân sắc vẫn còn, xuân tình chưa cạn nhưng người con gái chịu cảnh lẻ loi, không kẻ đoái hòa, quan tâm:Trơ cái hồng nhan với nước non. Cô đơn, buồn tủi, thi sĩ đã dùng rượu để giải sầu nhưng trớ chêu thay, càng uống lại càng tỉnh trơ ra. Tìm đến rượu, thi sĩ chỉ còn biết tâm sự với trăng – người bạn tri kỉ muôn đời của những tâm hồn cô đơn, sầu tủi. Nhưng rồi thi sĩ cũng chỉ thấy:Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Vầng trăng nhạt nhòa như đồng điệu với tâm hồn của người nữ sĩ. Tuổi xuân đã sắp trôi qua, cuộc đời sắp sửa xế bóng mà tình yêu vẫn dang dở, chưa một lần chọn vẹn. Bi kịch chồng chất, nối tiếp nhau. Dù có vùng vẫy tìm mọi cách thoát khỏi bi kịch nhưng bi kịch vẫn đeo bám cuộc đời nữ sĩ. Chính vì vậy mà bài thơ Tự Tình cuối cùng vẫn kết lại trong tâm trạng chán trường, ngao ngán:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Không ngao ngán, chán trường sao được khi mùa xuân của đất trời cứ trở đi, trở lại nhưng còn tuổi trẻ tình yêu thì một đi không trở lại. “Mảnh tình” đã nhỏ bẻ mong manh lại san sẻ thành ra ít ỏi. Cuối cùng chỉ còn có một tí con con, có cũng như không. Đó là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa khi với họ, hạnh phúc là chiếc chăn quá hẹp: Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Người phụ nữ Việt Nam không chỉ chịu nhiều đắng cau, uất ức mà họ cũng phải lam lũ, vất vả, nhọc nhằn để nuôi chồng con. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua lăng kính đầy yêu thương của Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ”:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quẵng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò Đông.
Bà Tú hiện lên với hình ảnh người phụ nữ buôn bán nơi đầu sông cuối chợ, chỗ mom sông để kiếm đủ tiền, nuôi đủ “năm con với một chồng”. Buôn bán ở chốn ấy là hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm. Thấu hiểu phần nào nỗi cơ cực, nhọc nhằn của người vợ, Tú Xương đã đồng điệu thân cò với người bà Tú:
Lặn lội thân cò khi quẵng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò Đông
Bắt nguồn từ cao dao, dân ca nhưng Tú Xương vẫn có sáng tạo rất tinh tế. Ca dao nói theo chiều thuận « thân có lặn lội » Tú Xương lại đảo ngược « lặn lội thân cò ». Ca dao đặt hình ảnh cái cò trong không gian vắng lặng, lộng gió thì Tú Xương để « thân cò » trong không gian, thời gian khi quẵng vắng, mênh mông, heo hút, rợn ngợp. Eo sèo mặt nước buổi đò Đông. Câu thơ gợi lên cảnh buôn bán chen chúc, xô đẩy nhau trên con thuyền mỏng manh, chênh vênh, cheo leo. Vì chồng, vì con, bà Tú bất chấp hiểm nguy, quên đi lời dặn dò ân cần của cha mẹ thuở nào: Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi. Những câu thơ thể hiện phần nào nỗi vất vả, cơ cực, khó khăn, nhọc nhằn của người phụ nữ Việt Nam thời xưa kia.
Tuy chịu nhiều lam lũ, vất vả, nhọc nhằn, những người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ trong mình vẻ đẹp tâm hồn cao đẹp. Đó là tấm lòng son sắt, thủy chung, cao khiết: Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Thêm vào đó là bản lính mạnh mẽ, cứng cỏi, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh của người con gái:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đấm toạc chân mây đá mấy hòn
Nghệ thuật đảo ngữ kết hợp với những động từ, tính từ mạnh đã làm đặc tảsự phản kháng mãnh liệt, dữ dội đến mức như muốn “nổi loạn” của tâm hồn nữ sĩ. Hai câu luận mang đậm dấu ấn, bản lĩnh Xuân Hương: đó là một cá tính mạnh mẽ, táo bạo, không bao giờ chịu gục ngã trước hoàn cảnh, không bao giờ cúi đầu trước số phận. Hơn nữa, hai câu thơ không làm cho lòng người yếu mềm, bi lụy mà trái lại nó có sức cổ vũ người phụ nữ đứng dậy trong bi kịch của đời mình. Họ không chỉ thủy chung, son sắt cùng bản lĩnh kiên cường mà còn là người tần tảo, chịu khó, hi sinh vì chồng vì con của mình:
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Phép đếm « một …hai…năm…mười » như sự cơ cực, cay đắng chồng chấtmà bà Tú phải gánh chịu. Dẫu thế, bà Tú nào có oán trách, kêu ca. Từng trải, hiểu đời, thương chồng, yêu con, trước sau bà Tú vẫn giữ đúng đạo nghĩa vợ chồng. “Âu đành phận”, “dám quản công”, đó không phải là sự cam chịu mà là thái độ bình thản, mãnh liệt, quyết liệt. Dù khó khăn, nhọc nhằn thế nào, bà Tú vẫ tự nguyện hi sinh vì chồng, vì con. Vậy là, bức chân dung của bà Tú – một người hình mẫu lí tưởng cho người phụ nữ Việt Nam đã hoàn thiện trong nét vẽ yêu thương, kính trọng của Tú Xương. Bà Tú tiêu biểu cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt : đảm đang, tháo vát, tảo tần, chịu thương, chịu khó, hết lòng yêu thương chồng con. Đến đây, ta bỗng hiểu vì sao không chỉ có ông Tú mà bao thế hệ bạn đọc luôn yêu kính bà Tú.
Tóm lại, mỗi bài thơ một cảnh ngộ, một nỗi niềm nhưng các tác phẩm đều khiên chúng cảm thương trước thân phận người phụ nữ, thêm trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của họ. Chính sự gặp gỡ trong cảm xúc nhân văn đẹp đẽ của các nhà văn, nhà thơ đã tạo nên sức lâu bền của tác phẩm trong tâm trí người đọc.
Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn thơ xưa – Bài làm 5
Người phụ nữ Việt Nam ta từ xưa đến nay vốn dĩ chịu nhiều bất công. Là phận nhi nữ của ”truyền thống nho học” , họ phải luôn gắn mình với những ”khuôn phép mẫu mực”, những đạo lý áp đặt trớ trêu mà lễ giáo phong kiến đã gây nên. Ở xã hội hiện đại ngày nay, những suy nghĩ ấy phần nào đã được đổi mới. Thế nhưng, thật xót xa khi ta ngoảnh đầu nhìn lại. Nhìn lại thân phận những người phụ nữ bị vùi dập trong xã hội xưa, thật sự khiến ta phải giật mình thảng thốt. Ta có thể thấy, nền văn học đương thời cũng đã rất quan tâm đến mảng đề tài này, đó chính là tiếng lòng, tiếng thương cho số phận người phụ nữ – ”phường nữ nhi tầm thường” trong xã hội lúc bấy giờ. Chúng ta có thể thấu hiểu hơn phần nào về số phận và phẩm chất của họ qua các bài thơ như: ”Bánh trôi nước”,”Tự tình II” của bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương. Hay qua tiếng tự trào cười ra nước mắt của Trần Tế Xương trong tác phẩm ”Thương vợ”. Đó là những lời thơ hiện thực sâu sắc, đồng thời cũng mang những ý nghĩa nhân văn hết sức lớn lao.
Thân phận của những người phụ nữ luôn gắn với những bi kịch. ”Nhất nam viết hữu , thập nữ viết vô” – trong chế độ phong kiến xưa, người phụ nữ luôn luôn bị khinh rẻ và bị cho là ”vô dụng” , không làm được gì.Thân phận của họ giống như một món hàng không hơn không kém. Họ không thể làm chủ được cuộc đời của mình,buộc phải ”nhắm mắt đưa chân”…
”Bảy nổi ba chìm với nước non”.
Thật bấp bênh. Là thân phụ nữ, họ phải chịu cảnh ”bảy nổi ba chìm” , lênh đênh, nổi trôi vô định.Ấy chính là thân phận ”bèo dạt” của họ thời bấy giờ. Cuộc đời họ như một cuộc đánh cược, sung sướng hay khổ đau, họ không thể tự quyết định. Tất cả đều tùy thuộc vào duyên trời, như câu ca dao:
”Thân em như hạt mưa rào
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.
Hạt mưa rào, ngắn ngủi và buông mình rơi tự do vào khoảng không trơ trọi…
Thời phong kiến cũng chính là nơi không dành cho sự chung thủy. Ở đó, trai ”năm thê bảy thiếp” là lẽ thường tình. Ấy vậy nên tình yêu son sắt thủy chung của người phụ nữ sẽ không được xem trọng. Ở đó, người phụ nữ để đạt được tình yêu đã khó, để giữ chúng cho riêng mình xem ra lại càng khó hơn. Thân phận vốn dĩ như một món hàng rẻ mạt, người phụ nữ không có quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Vậy nên những đêm ”tự tình” trong thanh vắng như Hồ Xuân Hương có lẽ không hề hiếm ở xã hội ngày ấy. Hạnh phúc đối với họ như một món quà xa xỉ không thể với tới, không thể chạm tới.”Muốn hạnh phúc” có lẽ vẫn chưa đủ, họ ”khao khát”, họ ”thèm thuồng”, họ ”cầu xin” sự hạnh phúc. Thế nhưng, có được không ?
”Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Tất cả đã ”xế”. Mọi vật đã ”tà”. Đã qua rồi cái tuổi xuân của người phụ nữ. Trăng cũng đã đoạn cái thời khắc sung mãn nhất, tròn đầy nhất. Vậy tại sao, trăng lại ”khuyết chưa tròn” ? Hỡi ôi, ”tròn” sao được khi niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt kia chưa được trọn vẹn. ”Tròn” sao được khi mảnh tâm hồn vẫn đang ”khuyết” tình yêu thương ? Phận làm lẽ cho người khác, chỉ được vỏn vẹn một ”mảnh tình” , ấy vậy lại còn phải ”san sẻ tí con con”. Còn lại bao nhiêu trong niềm chua chát ấy ? Nghĩ mà thương.Ngẫm mà xót !
Trong xã hội mục nát ấy, thân phận họ rẻ rúng, tình yêu thương họ cầu xin, trong gia đình họ lại như tay, tớ. Người phụ nữ hiện lên trong tác phẩm ”Thương vợ” của Trần Tế Xương là một hình ảnh tiêu biểu của số phận mà họ phải chịu thời bấy giờ. Người phụ nữ ấy tần tảo, lam lũ, chông chênh nơi ”mom sông” , vất vả, cần cù dẫu ”năm nắng mười mưa” vẫn ”dám quản công” không nề hà, oán trách.”Thân cò” yếu đuối ấy làm tất cả chỉ để ”nuôi đủ năm con với một chồng”. Có quá sức không ? Có kham nổi không ? Những người phụ nữ không có quyền trả lời những câu hỏi này.Họ xem đó như là nỗi đắng cay mà phận làm nhi nữ phải gánh, phải ”đành phận”. Ôi, bạc bẽo…
Tất cả những nỗi tủi nhục, bẽ bàng, vất vả kia chính là hệ quả mà xã hội phong kiến gây nên cho họ. Họ chính là nạn nhân của xã hội thối nát kia, chính nó đã giết đi quyền được làm người một cách đúng nghĩa, quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ. Càng thương thân phận của những người phụ nữ bao nhiêu, ta lại càng căm ghét cái xã hội vô nhân kia bấy nhiêu.
Thế nhưng trân trọng thay, qua lớp bùn tanh ấy, ta mới thấy được sự tinh khiết của những đóa sen thắm hương. Xã hội có thể vùi dập cuộc sống của họ nhưng muốn vùi dập được nhân phẩm của họ ư ? Không thể !
”Thân em vừa trắng lại vừa tròn” , ”Trơ cái hồng nhan với nước non” – phận ”hồng nhan” ấy lận đận giữa dòng đời.Họ là phái đẹp, đẹp không chỉ về hình thức, họ còn đẹp ở cả tâm hồn.
‘Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Một lời khẳng định hết sức mạnh mẽ và chắn chắn. Trong xã hội, họ không bao giờ được thể hiện chính kiến của mình. Nhưng ở đây, ta thấy được sự vươn mình trỗi dậy như ”cỏ mọc trên đá”. Có lẽ chỉ khi nói về ”đức hạnh” thì họ mới có thể vững vàng khẳng định như vậy. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì họ vẫn hết mực ”giữ tấm lòng son” của mình.
Phẩm chất của người phụ nữ cũng thể hiện ở đức tính cần cù, chăm chỉ. Ở tấm lòng yêu thương chồng con, lo lắng cho gia đình, luôn luôn ”lặn lội” mưu sinh chẳng ngại khó khăn, gian khổ. Ấy chính là những phẩm chất đáng quý, đáng ngợi ca và trân trọng.