Đề bài: Cảm nhận tác phẩm Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng của Nguyễn Đăng Mạnh.
Bài làm
Trước lúc Nguyễn Đăng Mạnh viết bài tưởng niêm này đã có nhiều công trình, tiểu luận nghiên cứu về Nguyên Hồng ở các phạm vi, với các quy mô khác nhau. Đây là bài viết có tính chất tổng kết, đánh giá sự nghiệp của một nhà văn lớn khi ông vừa qua đời. Giá trị khoa học hài hoà với tính nghệ thuật, những nhận xét sâu sắc, những khái quát chính xác được diễn đạt bằng lời văn giàu cảm xúc, giàu hình ảnh – đó là đặc sắc nổi bật của bài viết này. Nguyên Hồng có vị trí như thế nào trong lịch sử văn học dân tộc ? Sức mạnh riêng của văn chương Nguyên Hồng là gì ? Cái gì làm nên sức mạnh, sức cuốn hút ấy ? Đó chính là những vấn đề nhà nghiên cứu, phê bình muốn lí giải, muốn giãi bày cảm nghĩ. Bài tưởng niệm có bố cục mạch lạc của một tác phẩm nghị luận. Có thể hình dung hệ thống luận điểm như sau :
-Niềm tin mãnh liệt của Nguyên Hồng đối với phẩm giá tốt đẹp của người dân lao động mà ông suốt đời gắn bó, yêu thương.
-Cảm xúc dạt dào, chất thơ bay bổng của văn chương Nguyên Hồng, chủ nghĩa lạc quan vững khoẻ ở nhà văn này.
-Quá trình sáng tác bền bỉ của Nguyên Hồng và vị trí không ai thay thế nổi của ống trong lịch sử văn chương dân tộc.
“Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người”. Tác giả mở đầu bài viết thật tự nhiên và ngay từ đây đã khẳng định tấm lòng của Nguyên Hồng đối với cuộc đời, con người. Giữa ba yếu tố cần thiết của một nhà văn lớn là tài, trí và tâm, Nguyễn Đăng Mạnh đã nhấn mạnh ở Nguyên Hồng cái tâm. Tâm ấy chính là lòng thương yêu sâu sắc những con người nghèo khổ, bất hạnh, trước hết là người phụ nữ. Đi suốt dời văn Nguyên Hồng là hình ảnh người phụ nữ lao động khổ nghèo, cơ cực dưới nhiều tầng áp bức.
Đối với người dân lao động thấp cổ bé họng, Nguyên Hồng không chỉ thương yêu đến xót xa mà còn tin tưởng, trân trọng. Vì yêu, vì hiểu họ đến tận cùng nên mới thế chăng ? Tác giả bài viết đã gắn tình cảm nhân đạo thống thiết của Nguyên Hổng với chủ nghĩa lạc quan – một chủ nghĩa lạc quan chắc khoe từ niềm tin mãnh liệt đối với “thiện căn” bền vững của nhân dân lao động. Nguyễn Đăng Mạnh đã có một so sánh giàu sức gợi cảm : “Từ vực thẳm tối tăm ngày trước, từ đống bùn rác ngập ngụa trong xã hội cũ, những Tám Bính, những mẹ La của tiểu thuyết Nguyên Hồng vẫn giữ chắc bản chất hồn hậu, trong sáng của mình mà vươn lên, như những mầm cây căng nhựa, xuyên thủng lớp lớp bùn đất dày đặc để nhô lên đón lấy ánh sáng mặt trời”. Nhà phê bình đã liên tưởng đến sự gần gũi giữa Nguyên Hồng với Mác-xim Goóc-ki. “Cả hai đểu từng lăn lộn thật sự với những tầng lớp dưới đáy của xã hội cũ… Họ cùng xây dựng được nhiều hình tượng bà mẹ rất đẹp đi từ bóng tối mịt mù của cuộc đời cũ, của thành kiến cũ, tới ánh sáng của thời đại mới”.
Từ niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của nhân dân lao động mà văn Nguyên Hồng đầy cảm xúc, đầy chất thơ. Đối với không ít trường hợp khác, chất thơ của tác phẩm nằm ngay ở bản thân đối tượng miêu tả, ở chất liệu. Nhà phê bình thật tinh tế, thật hiểu con người và văn chương Nguyên Hồng khi viết : “Ngòi bút ấy đã chế tạo lấy cho mình một chất thơ độc đáo, không phải từ mây, gió, trăng, hoa, mà luyện bằng than bụi của những nhà máy, những bến tàu, bằng sỏi đá những đồi khô cỏ cháy., hoà với chất mồ hôi mặn chát và nóng bỏng của những người lao động…”. Đặc sắc của chủ nghĩa lạc quan, của chất thơ trong tác phẩm Nguyên Hồng được tác giả bài viết nhấn mạnh ở các nhân vật thân quen, các hình ảnh quen thuộc. Bài viết dành một đoạn cũng thật giàu chất thơ về hình ảnh nắng trong văn Nguyên Hồng : “Nguyên Hồng như có cái bản năng tự nhiên của cỏ cây luôn hướng về ánh sáng. Một tâm hồn đầy ánh sáng, đầy ánh nắng. Dưới ánh náng ấy, mọi cảnh vật ông mô tả đều tươi tốt, nở nang, màu mỡ, tràn đầy sức sống…”. Lí giải chủ nghĩa lạc quan chắc khoẻ ở Nguyên Hồng, bài viết đã chỉ ra chính xác các nguyên nhân bằng một đoạn văn ngắn gọn (lí tưởng cách mạng mà nhà văn đã tiếp thu được, bản tính yêu đời, yêu sống, thái độ nhiệt thành, hăm hở, bao giờ cũng sống hết mình với cuộc sống, với mọi người, mọi việc xung quanh).
Tình cảm nhân đạo thống thiết, chủ nghĩa lạc quan vững khoẻ như thế đã làm nên sức sáng tạo bền bỉ, làm nên vị trí không ai thay thế nổi của Nguyên Hồng.Tác giả bài viết đã khẳng định quá trình sáng tác bốn mươi sáu năm liên lục “không có lúc nào viết xuống tay hẳn”, khẳng định vị trí của Nguyên Hồng trong lịch sử văn học dân tộc bằng hình ảnh ví von cụ thể mà có giá trị khái quát. Văn học sử một dân tộc như một phòng triển lãm hội hoạ phong phú. Giá như trong phòng tranh ấy thiếu vắng đi những bức tranh của Nguyên Hồng thì sẽ ra sao ? Từ đó, bài viết xác nhận vị trí không ai thay thế nổi, tính độc đáo của sự nghiệp văn chương Nguyên Hồng, ngợi ca những nhân vật, những trang văn “không dễ gì có ai viết thay được” mà nhà văn này để lại cho đời. Phần này của bài viết tiếp tục thể hiện sự hiểu biết toàn diện và kĩ lưỡng về đời văn Nguyên Hồng, thể hiện sự cảm nhận văn chương tinh tế.
Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng là bài viết tưởng niệm nhà văn lớn này ngay sau khi ông mất (tháng 5 – 1982). Trong không khí đó, bài viết giàu tình cảm trân trọng và tiếc thương. Nhà phê bình, nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thật thấu hiểu tấm lòng nhà văn Nguyên Hồng với cuộc đời, với nhân dân lao động, đổng cảm thật sâu sắc cùng tình cảm nhân đạo, cùng niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và con người của nhà vãn này. Giàu cảm xúc đồng thời bài tưởng niộm cũng mang nội dung khoa học, có tính lí luận cao. Nó như một tiểu luận có ý nghĩa tổng kết những điểm cốt lõi, cơ bản nhất của đời văn Nguyên Hồng, ở đây, những nhận xét, đánh giá được kết hợp nhuần nhuyễn với sự giãi bày cảm nghĩ, lời văn khúc chiết mà giàu hình ảnh với các liên tưởng, so sánh gợi cảm. Đó chính là đặc điểm phong cách phê bình, nghiên cứu của Nguyễn Đăng Mạnh. Phong cách ấy, sức hấp dẫn ấy của bài viết thật sự bắt nguồn từ sự hiểu biết đầy đủ và chính xác vể con người và sự nghiệp văn chương Nguyên Hồng, từ sự đồng cảm sâu sắc với một tấm lòng lớn gửi vào những trang văn.