Bình giảng bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên
Hướng dẫn
Bình giảng bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên
Tình yêu quê hương đất nước luôn là một trong những chủ đề nóng hổi của nền thơ ca thời kháng chiến. Trong đó, không thể không kể đến khúc tâm tình da diết, nặng trĩu những yêu thương, những khát khao về một tình yêu cháy bỏng dành cho Tổ quốc của Chế Lan Viên. Khúc tâm tình ấy mang tên “Tiếng hát con tàu” với những vần thơ rất đỗi gần gũi, giản dị và thấm đượm phong cách giàu chất trí tuệ, tư duy, sáng tạo đến tạo bạo của nhà thơ.
Có thể nói “Tiếng hát con tàu” là điểm sáng trong đời thơ miệt mài của thi sĩ. Với tất cả tâm tư, tình cảm vừa trong sáng, vừa mãnh liệt, Chế Lan Viên đã bộc bạch ngay tấm chân tình của mình qua những lời tựa đề ngắn gọn, xúc tích:
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu“
Có quá vội vàng không khi nhà thơ ngay lập tức hướng lòng mình đến Tây Bắc với câu hỏi rất ngẫu nhiên “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”. Rồi ông lại vội vàng tự mình trả lời câu hỏi, vội vàng giang cả cánh tay, mở cả tấm lòng ôm trọn lấy Tây Bắc. Chưa đủ, nhà thơ còn trực tiếp khẳng định “Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”. Thế mới hiểu tình yêu quê hương đất nước chứ không riêng gì Tây Bắc của Chế Lan Viên mãnh liệt đến nhường nào. Ông không hề dùng những từ ngữ cao sang mỹ miều nhưng những vần thơ mộc mạc vẫn đi vào lòng người một cách rất ngọt ngào, tự nhiên.
“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”
Trăn trở với lời mời gọi lên đường kháng chiến cứu nước, nhà thơ không mảy may nghĩ gì đến những gian lao vất vả của cuộc hành trình tiến về Tây Bắc đầy chông gai. Thay vào đó là tinh thần hào hứng, là tấm lòng đầy nhiệt huyết được thể hiện trong từng vần thơ, từng câu chữ. Lẽ ra, một khi đã gọi là thơ thì phải có những từ ngữ hoa mỹ, nhưng ở đây, Chế Lan Viên lại đưa ra câu thơ hết sức bình dị, như thể đang nói chuyện trực tiếp với mọi người: “Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?”. Rồi ông lại gán cho những cơn gió “đang rú gọi” như một lời mời gọi rất tha thiết. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy tấm lòng của ông đang cồn cào da diết muốn đến ngay với Tây Bắc, với mảnh đất đã thấm đượm bao vần thơ của ngòi bút thi ca. Ông tự nhận “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp”. Nhà thơ đã vô tình hay cố ý lấy cái bao la của đất nước mênh mông so sánh với sự nhỏ hẹp của cuộc đời mình? Chính sự táo bạo này càng thể hiện niềm khắc khoải đang bùng cháy trong ông. Và một lần nữa ông đặt ra câu hỏi “Tàu gọi anh đi, sao anh chửa ra đi”. Nỗi niềm da diết mỗi lúc càng tăng lên. Rõ ràng tay cầm bút viết thơ nhưng ông lại nói “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” vì “Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”. Chế Lan Viên không quên khẳng định viết thơ là phải có tâm hồn, có suy nghĩ nhưng vì “trên kia” đã chiếm trọn hồn ông và đang “chờ gặp” ông. Có lẽ ông muốn bỏ ngay cây bút để chạy đến miền đất mình đang thương nhớ.
Hướng về Tây Bắc, bao nhiêu kỷ niệm dạt dào lại ùa về trong tâm trí ông:
“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”
Tây Bắc – “Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”, Tây Bắc – một địa danh cụ thể nhưng đại diện cho mọi miền Tổ quốc, đã thấm đẫm bao giọt máu anh hùng để có được những “chín trái đầu xuân”, Tây Bắc – như một phần máu thịt của nhà thơ, khiến ông phải thốt lên:
“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương”
Không có một mối tình nào gắn bó hơn, thiêng liêng hơn mối tình mẫu tử. Chính vì vậy, Chế Lan Viên đã thu mình lại làm một đứa con bé bỏng mong ước được đến ngày trở về “gặp lại mẹ yêu thương”, gặp lại những con người, những tháng ngày chất chứa bao kỷ niệm rất đơn sơ, giản dị nhưng đầy nghĩa tình. Đặc biệt, nhà thơ đã dùng hết tất cả những hình ảnh có tính gắn kết nhất có thể để nói lên nỗi niềm thương nhớ của mình:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
Nỗi nhớ ấy không đơn thuần chỉ là những hình ảnh chân thực, giản dị mà hơn hết là quy luật của tự nhiên. Bởi còn gì vui hơn khi “nai về suối cũ”, “chim én gặp mùa”, “trẻ thơ đói lòng gặp sữa”, “chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”. Lại một lần nữa, Chế Lan Viên mượn tình mẫu tử để thể hiện tấm lòng nhớ thương da diết của mình dành cho Tây Bắc. Tình cảm ấy thật cao quý, thiêng liêng. Chưa dừng lại ở đó, nhà thơ dường như không kìm được cảm xúc của mình khi nhớ lại tất cả những gì đã in dấu nơi đây. “Anh con”, “em con” – hai đại từ sở hữu rất ngọt ngào – là đại diện cho tất cả mọi người trong lớp trẻ đã anh dũng đứng lên cầm súng chiến đấu chứ không riêng gì ai. Trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề, nhưng tình cảm lúc nào cũng chất chứa và thiêng liêng. Đặc biệt là chi tiết:
“Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”
“Chiếc áo nâu” khiến lòng người không khỏi xúc động, xuyến xao. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, chiếc áo ấy tuy “một đời vá rách” nhưng lại là kỷ vật mang đậm nghĩa tình nặng sâu để đến đêm cuối cùng, “anh cởi lại cho con”. Một hình ảnh rất đẹp, rất chân thật và đáng trân trọng. Nhà thơ cũng không quên “thằng em liên lạc” tuy bé nhưng ý chí kiên cường, vượt bao sóng gió để hoàn thành nhiệm vụ. Hình ảnh này lại khiến ta nhớ đến chú bé liên lạc rất đáng yêu của Tố Hữu:
“Chú bé loắt choắt
Cái sắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh …”
(Trích “Lượm” – Tố Hữu)
Ở đây, chú bé liên lạc của Chế Lan Viên cũng đầy can đảm, hi sinh để “Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư”. Tất cả những hình ảnh ấy vừa thể hiện tình cảm yêu thương mãnh liệt của nhà thơ với đất nước, vừa ca ngợi ý chí anh hùng của cả một thế hệ đi trước đã không tiếc thân mình hi sinh cho nền hòa bình độc lập. Khi nỗi nhớ lên đến cao trào, ta bắt gặp một cảnh tượng đẹp vô cùng:
“Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi“
Cảm xúc vẫn nồng nàn tuôn chảy từ ngòi bút của nhà thơ. “Mế” bên ánh bếp lửa hồng, mái tóc mế lộ những sợi bạc vì năm tháng pha sương, vì dãi dầu mưa nắng che chở cho đàn con. Có thể nói đây là hình ảnh đắt giá nhất trong cả bài thơ. “Lửa hồng” vừa là ánh lửa thực tế bập bùng trong đêm, vừa là ánh lửa bùng cháy những nỗi nhớ niềm thương trong lòng tác giả, là ánh lửa của sự khát khao độc lập tự do, ánh lửa rực cháy của tinh thần chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trong tim mọi người. Quay trở lại với những tiếng lòng thổn thức của nhà thơ, ông thừa nhận:
“Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”
Có lẽ trong lúc này, ông đang nhớ “mế” vô cùng. Dù không phải ruột thịt nhưng những gì “mế” dành cho “con” trong suốt những năm tháng dài của cuộc kháng chiến, “con” sẽ mãi mãi ghi nhớ trong lòng. Dù không quen biết, không máu mủ ruột thịt nhưng trên hết có cùng chung một tinh thần yêu nước nồng nàn, những con người ấy đã gắn bó với nhau, trao cho nhau những ân tình sâu nặng. Trong thơ của Tố Hữu cũng từng có một cảnh tượng tương tự:
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
(“Việt Bắc” – Tố Hữu)
Hay những người lính của Chính Hữu:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”
(“Đồng chí” – Chính Hữu)
Nhớ con người, nhớ cả mảnh đất đầy yêu thương:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! ”
Hình ảnh vừa đẹp, vừa thể hiện địa hình hiểm trở của nơi rừng thiêng nước độc “bản sương giăng”, “đèo mây phủ”. Thế nhưng nơi nào cũng khiến cho lòng người luyến lưu, để khi bước chân đi, mảnh đất bất động hàng ngày bỗng “hóa tâm hồn”. Động từ “hóa” càng làm tăng tình cảm nồng nàn mà nhà thơ dành cho miền quê Tây Bắc xa xôi. Và rồi, nỗi nhớ càng lúc càng tăng, ông bỗng thốt lên:
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”
Hình ảnh người con gái thân thương trong trái tim ông bỗng nghẹn ngào bao cảm xúc với những kỷ niệm rất gần gũi thân thương. Nhưng cũng như trên, nỗi nhớ ấy lại được hiện thực hóa bằng những hình ảnh rất đơn sơ giản dị: “đông về nhớ rét”, “cánh kiến hoa vàng”, “chim rừng lông trở biếc”. Bằng ngôn từ chân thực, giàu hình ảnh cùng dòng cảm xúc đang dạt dào ùa về, tình yêu đôi lứa hòa trộn với tình yêu đất nước khiến “đất lạ hóa quê hương”. Những tháng ngày chiến đấu gắn bó bên nhau, cùng trải qua bao gian nan vất vả, phút chia xa khiến “anh” nao lòng nhung nhớ, nhớ giây phút “anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch” và những lần “vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng”.
Người con gái ấy không chỉ là người yêu trong trái tim nhà thơ mà còn là người đại diện cho những người phụ nữ đảm đang, anh dũng vừa nuôi quân vừa cầm súng chiến đấu. Thế nên, dù “đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch”, dù chỉ là trong nỗi nhớ niềm thương, tác giả cũng vẫn cảm nhận được mùi hương của “bữa xôi đầu” “em” nấu.
Tình yêu Tây Bắc cũng là tình yêu đất nước được tác giả đặt lên trên đầu rồi mới đến tình yêu đôi lứa. Điều đó cho thấy tâm hồn cao cả và tấm lòng trong sáng của nhà thơ. Và rồi từ đó ông hào hứng cất lên khúc hát khởi hành đầy say mê, tin tưởng:
“Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”
Những hình ảnh thật đẹp lại tràn trề trên trang thơ cùng âm điệu hào hứng, sôi nổi. Nào là “tình em”, nào là “tình mẹ” đang mong đang chờ. Dường như ông muốn phi thẳng ngay lập tức đến với “mẹ” với “em”, với “mái ngói đỏ trăm ga” để được tận mắt nhìn mặt, được trực tiếp nghe tiếng của những con người rất đỗi thân thương ấy. Khoảng thời gian mười năm tuy không phải dài những cũng không hề ngắn để thấm đượm bao tình cảm mến yêu của cả người lẫn cảnh vật nơi đây. Đến nỗi, Chế Lan Viên phải khẳng định rằng “Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ”. Trong lúc này, tâm trí ông chỉ có một điều duy nhất là nhớ Tây Bắc như nhớ một người mẹ hiền hòa, vĩ đại. Nhớ những ngày dài chiến đấu oanh liệt để “lấy cả những con mơ”. Đặc biệt hình ảnh “Ai bảo con tàu không mộng tưởng, mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng” là biểu tượng mang ý nghĩa vô cùng lớn lao.
“Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”
Tác giả đã lấy cái cụ thể “mặt hồng em” so sánh với cái rộng lớn của “mùa xuân”. Mùa xuân ở đây cũng không phải là một mùa xuân bình thường mà là cả “suối lớn mùa xuân”. Đây là một trong những cách so sánh rất mới lạ, độc đáo và táo bạo. Từ đó cho ta thấy niềm vui phơi phới, niềm tin yêu lớn lao trong lòng tác giả đang trào dâng. Ông tin rằng bằng tinh thần anh dũng, quả cảm, đất nước nhất định sẽ hòa bình, độc lập tự do để đàn em được đón thật nhiều, thật nhiều “mùa xuân” như “suối lớn”.
Như vậy, xuyên suốt cả bài thơ, từ nỗi niềm băn khoăn đến nỗi nhớ thương dạt dào và cuối cùng là niềm tin yêu vào con người, vào đất nước, Chế Lan Viên đã truyền lại cho thế hệ sau niềm cảm hứng tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. Bài thơ cũng chính là khúc hát da diết đầy xúc động được cất lên từ tấm chân tình của tác giả với những biểu tượng chân thực, giàu hình ảnh thể hiện rất thành công “mười năm nhân dân đổ máu” không riêng gì Tây Bắc mà ở tất cả mọi miền của Tổ quốc thân yêu.