Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm – văn lớp 12
Hướng dẫn
Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm – văn lớp 12
Bài làm
Tấm Cám là câu truyện cổ tích dân gian quen thuộc đối với mọi thế hệ người Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, mọi đứa trẻ đều từng được bà và mẹ kể cho nghe câu truyện về cuộc đời nàng Tấm xinh đẹp, dịu hiền và đầy đáng thương. Tuy có nhiều dị bản nhưng nội dung cơ bản của cốt truyện không khác biệt nhiều giữa các dị bản, trừ phần kết truyện. Câu truyện kết thúc bằng sự trả thù khá tàn nhẫn của Tấm được lưu truyền với nội dung khác nhau song dù là hình thức trả thù nào cũng không tránh khỏi sự ghê rợn và gây tranh cãi cho người đọc.
Nhân vật chính của câu truyện là Tấm – một cô gái hiền lành, đảm đang nhưng số phận không yên ả. Bố mất sớm, Tấm ở với mẹ kế và Cám. Dù khoong một lần phản kháng hay cãi lại yêu cầu quá quắt của hai mẹ con Cám nhưng chuỗi ngày tháng sống cùng một ngôi nhà với hai mẹ con dì ghẻ là sự cơ cực, đau khổ và bị chửi bới thậm tệ mà Tấm phải trải qua. Không còn bất cứ quyền lời nào của con người, Tấm trở thành nô lệ cho hai mẹ con. Dưới sự bóc lột và đối xử thậm tệ mà hai người dành cho Tấm, ta chỉ thấy một sự im lặng và cam chịu đến đáng sợ. Tấm không dám phản đối hay đấu tranh cho quyền lợi của mình. Những người xung quanh cũng không lên tiếng để bảo vệ cô. Điều này cho thấy sự bất công và đầy nghịch lí đang tồn tại trong xã hội ấy. Đó là xã hội “thắng làm vua, thua làm giặc”, là xã hội của kẻ mạnh, có quyền, có tiền.
Cuộc sống của Tấm sẽ mãi mãi tiếp diễn trong sự lặng câm đau khổ và chẳng đổi thay nếu như không xuất hiện sự kiện Tấm đi lễ hội gặp được vua. Bắt đầu từ đây, cuộc đời Tấm chuyển sang một trang khác với sự luân hồi chuyển kiếp, hạnh phúc cùng khổ đau đan xen nhau. Từ ngày Tấm được về sống trong cung vua, có quyền, có tiền nhưng cô vẫn vậy, mọi đức tính tốt đẹp vẫn còn nguyên đó. Tấm cũng không mượn thế lực của nhà vua để trả thù hai mẹ con Cám. Vậy nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, long ghen ghét và đố kị đã xóa đi toàn bộ nhân tính trong con người hai mẹ con bà dì ghẻ. Bất chấp thủ đoạn, hai người sử dụng mọi phương pháp, biện pháp nhằm đuổi cùng giết tận số kiếp Tấm. Lừa Tấm về nhà đẻ ngày giỗ cha rồi chặt cây cau cho Tấm ngã chết, sau đó hí hửng để Cám tiến cung. Tấm hóa thành vàng anh về bên người mình yêu thương không bao lâu cũng bị giết. Rồi Tấm chuyển hóa kiếp thành cây xoan đào, khung cửi cũng bị hai mẹ con nhà Cám tìm kế loại bỏ khỏi cuộc đời. Nếu để ý ta sẽ thấy, ở Tấm có sự đáng thương nhưng cùng với đó là sự nhu nhược, cam chịu một cách ngốc nghếch từ kiếp người đầu tiên cho tới khi thành cây xoan đào. Không một lần vùng lên sống vì mình, Tấm cứ để cuộc đời mình bị hãm hại hết lần này đến lần khác. Nhưng đến kiếp khung cửi thì khác. Trong khi Cám đang dùng khung cửi do Tấm hóa thành, khung cửi kêu kẽo kẹt vang lên lời cảnh báo:
“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy chung chồng chị
Chị khoét mắt ra”.
Chính thời điểm này, Tấm đã thể hiện sự vùng dậy của mình. Dù mới chỉ dừng lại ở lời nói, câu đe dọa nhưng có thể thấy, đến đây, ở Tấm có sự chuyển biến rõ rệt. Không một ai biết liệu Tấm sẽ khiến hai mẹ con Cám trả giá ra sao nhưng ít nhất, nó cũng là một điều dự đoán tương lai – khi Tấm trở về trừng phạt tội ác mà hai người kia gây ra cho Tấm. Hơn nữa, lần hóa kiếp thành quả thị cũng hoàn toàn khác so với những lẫn trước. Tấm không còn xuất hiện ở gần hoàng cung hay nơi ở của Cám và mẹ kế nữa để đảm bảo cho sự an toàn của chính mình. Tấm đã biết bảo vệ bản thân trước sự ác độc không còn tính người của bà mẹ kế cùng con gái.
Sau nhiều lần bị hãm hại cùng sự lặng câm hứng chịu mọi thứ, Tấm trở về và đòi lại tất cả. Tấm đã từng rộng lượng, đã từng rất vị tha nhưng sự đuổi cùng giết tận của hai mẹ con dì ghẻ đã đi quá xa sức chịu đựng của một con người. Và Tấm đã dùng hình thức dã man để trừng phạt hai kẻ bất nhân bất nghĩa: lừa Cám tắm nước sôi, dùng xác Cám làm mắm cho dì để bà bị sốc mà chết. Nhiều người cho rằng hành động này đã xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh một cô gái hiền dịu, nhẹ nhàng, trở thành một người độc ác nhưng để xét về hoàn cảnh thực tế, ta sẽ thấy một góc nhìn nhận khác. Có áp bứ thì có đấu tranh, Tấm giết hai mẹ con Cám nhưng ngược lại, hai người họ đâu chỉ giết Tấm chỉ một lần? Gieo nhân nào thì gặt quả đấy, hai người đó đã gieo nên nghiệt ác quá lớn nên hậu quả họ gánh lấy cũng cần tương đương với tội ác họ gây nên. Hơn nữa, với tư tưởng làm người cần biết đấu tranh cho hạnh phúc chính đáng của mình, đồng thời luôn đấu tranh diệt trừ cái xấu cho xã hội thêm tốt đến, nhân dân để cho tự bản thân Tấm trừng trị thích đáng những kẻ đáng bị trừng phạt. Bởi nếu để chúng sống, Tấm sẽ lại bị giết hại một lần nữa. Không phải trởi đất trừng trị, ở đây là những người bị áp bức đích trừng trị kẻ hãm hại mình để bảo vệ quyền sống chính đáng của bản thân. Điều này là hoàn toàn hợp lí.
Nếu Tấm không để hai mẹ con Cám chết, người ta sẽ luôn phải lo lắng và cho rằng kẻ ác mãi mãi không làm sao cả, cái ác sẽ lấn át cái thiện không sớm thì muộn. Hành động trả thù của Tấm hoàn toàn không đáng trách. Tuy nhiên đối với một câu truyện dành cho trẻ em, những yếu tố như này cũng nên lược bỏ và có thể dùng để giảng dạy vào các bậc học lớn hơn, khi học sinh đã có đủ nhận thức để phân tích và hiểu được dụng ý của dân gian.