Nghị luận xã hội về môn Lịch Sử – văn lớp 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về môn Lịch Sử – văn lớp 12
Bài làm
Victor Huygo từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ.” Lịch sử của một đất nước tái hiện toàn bộ chặng đường phát triển gian nan cũng đầy huy hoàng của cả dân tộc. Và môn lịch sử chính là phương tiện cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc của thế hệ sau đối với quá khứ của chính đất nước mình. Quan trọng là vậy nhưng liệu trong thực tế, môn lịch sử có được đối xử xứng tầm?
Từ cấp tiếu học cho tới bậc đại học, môn Lịch sử không bao giờ thiếu trong chương trình học. Đây là môn học mang lại tri thức cũng như tái hiện lại toàn bộ đất nước từ thời khai thiên lập địa cho tới ngày đất nước toàn vẹn, hai miền thống nhất cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không những đề cập tới riêng lịch sử đất nước, môn học này còn đem đến những kiến thức tổng quan về lịch sử thế giới như những trận chiến tranh thế giới cam go hay nguồn gốc hình thành nên chủ nghĩa tư bản. Từ những thông tin bên ngoài đất nước, học sinh có cái nhìn bao quát và toàn diện, xâu chuỗi được các vấn đề liên quan đến hoàn cảnh thế giới tác động tới lịch sử đất nước. Môn Lịch sử giúp cho các thế hệ con em sau này hiểu và biết được, để được nền hòa bình như ngày nay, dân tộc ta đã phải oằn mình lên chống đỡ bao nhiêu cuộc chiến tàn khốc, từ đó thêm yêu và trân trọng nền hòa binh như ngày nay.
Về mặt lý thuyết, môn Lịch sử là môn học lí thú, được học sinh quan tâm và yêu mến, chủ động tìm hiểu. Nhưng trên thực tế, đây lại là môn học khiến đại đa số học sinh lẫn sinh viên ngao ngán và chán học. Sự thờ ơ của học sinh đối với Lịch sử đang ở mức báo động. Hồ Chủ Tịch từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy nhưng hầu hết học sinh, sinh viên có hiểu biết rất mơ hồ về lịch sử của chính đất nước mình. Đau đớn hơn, nhiều người có thể đọc vanh vách từng triều đại của Trung Quốc nhưng lại không thể nhớ được chiến thắng đế quốc Nguyên-Mông hung hãn của dân tộc ta diễn ra trong thời nào. Trong một phóng sự ngắn gần đây, khi một số em học sinh được hỏi về Quang Trung đã không ngần ngại khi khẳng định Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, hoặc Hai Bà Trưng gồm Bà Trưng và Bà Triệu. Điều này phản ánh sự hời hợt trong việc học môn Lịch sử ngay cả khi các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Có một luật bất thành văn trong các nhà trường: Lịch sử là môn phụ, học để hoàn thiện chương trình học; còn môn chính cần dành nhiều thời gian và công sức là Toán, Lí, Hóa, Văn và Anh. Cũng chính vì vậy, thời lượng cho môn học cũng bị rút ngắn đi và tỷ lệ học sinh yêu thích hay dành thời gian nhất định để nghiên cứu môn học ngày càng giảm. Dù là phân môn chính thức nhưng từ việc học cho tới kiểm tra kiến thức lịch sử vẫn còn rất hình thức. Trông bên ngoài thì có vẻ môn Lịch sử được quan tâm nhưng thực chất như nào thì ai cũng tự hiểu với nhau.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất cũng như đã được ghi nhận về tình trạng học môn Lịch sử chính là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 vừa qua. Theo thông tin thống kế tỷ lệ đăng ký môn thi của học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội mà báo Vnexpress đã đăng tải, “có 51.290 thí sinh đăng ký hai môn Ngữ Văn, Toán; 50.310 thí sinh chọn thi môn Ngoại ngữ; 26.270 em thi Vật lý; 19.830 em đăng ký môn Hoá; 15.720 em thi Địa lý; 6.050 thí sinh chọn môn Sinh; Lịch sử chỉ 4.410 em đăng ký thi. Trước đó, nhiều lãnh đạo trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, qua khảo sát học sinh đăng ký môn thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016, có rất ít em lựa chọn môn Lịch sử. Ở Trung học phổ thông Ứng Hoà A có 9 học sinh, Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có khoảng 70 em, Trung học phổ thông Ba Vì có 60 trong số 520 học sinh…” Kết quả khảo sát này đã gióng lên hổi chuông báo động đến các ban ngành trong lĩnh vực giáo dục cũng như toàn hệ thống giáo dục của nước ta.
Nhiều nghiên cứu, tọa đàm được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng này nhưng đều không có kết quả khả quan. Các cấp, các ban ngành và các nhà sử học cứ tổ chức tọa đàm, còn học sinh thì cứ vẫn thờ ơ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh chán học sử. Đầu tiên cần khẳng định, trang sử của dân tộc ta hào hùng và bi tráng không thua kém gì lịch sử nước bạn. Nhưng có một thực tế, những gì được dạy cho học sinh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lịch sử có rất nhiều vấn đề về chính trị, xã hội cũng như trong hàng ngàn hàng vạn trận đánh, dân tộc ta không thể 100% thắng trận. Bởi nếu chỉ có thắng trận như trong sách Lịch sử thì sao lại có những hiện thực đau đớn mà văn học phản ánh. Ta chỉ chú tâm vào việc thay đổi phương pháp dạy và học nhưng lại không hề xem lại nội dung phản ánh trên trang sách Lịch sử. Bác Hồ có nói: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn bè ta. Đồng thời viết để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì có chừng mực, chớ có phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.” Áp dụng vào việc biên soạn nội dung của môn Lịch sử, liệu chúng ta đã có cái nhìn thẳng thắn và sòng phẳng với lịch sử khi tô lên lịch sử một màu hồng của những chiến thắng? Đọc sách lịch sử từ Sách giáo khoa Lịch sử 6,7… cho tới cuốn Lịch sử Việt Nam đại cương đang được giảng dạy trong các trường đại học, có trang nào viết về dân ta chết bao nhiêu người trong chiến dịch này hay ta từng thất bại trong chiến dịch kia? Bản thân lịch sử vốn đã hay, đã cuốn hút, và bản chất của nó là những điều đã xảy ra, là bài học để hiện tại soi chiếu vào quá khứ. Thay vì đổi mới đủ thứ, cái cần thiết chính là đổi mới nội dung trong trang sách Lịch sử.
Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận lối mòn trong giảng dạy môn học này ở trong các trường học. Học sinh chủ yếu chỉ được tiếp xúc với tranh ảnh, slide trình chiếu hay nghe thụ động. Tại sao không thay những tiết học nhàm chán trên lớp về cách mạng tháng Tám bằng một buổi đi thực tế tại bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ những từ liệu, tài liệu sống động hơn rất nhiều?. Lối học thụ động cũng là nguyên nhân gây nên sự chán chường trong học Sử đối với học sinh, sinh viên. Tiết học nào cũng ngồi nghe cô giảng sẽ không thể hứng thú bằng việc để người học tự nghiên cứu ở nhà, sau đó lên lớp tiến hành thuyết trình, thảo luận cũng như phản biện các quan điểm khác nhau của từng nhóm.
Quan niệm chỉ tập trung vào môn thi chuyển cấp, thi đại học, những môn khác không cần quan tâm cũng nên xóa bỏ. Mỗi môn học mang đến một kiến thức riêng, đặc thù, giúp cho hệ thống tri thức của mỗi người được toàn diện. Vậy nên số tiết học môn Lịch sử trong phân phối chương trình cần có sự phân chia đồng đều với các môn khác để giáo viên có thể có thêm những hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, tăng hứng thú giảng dạy cũng như học tập.
Bản thân em cũng như các bạn khác đang là học sinh trên ghế nhà trường tự nhận thấy mình chưa hoàn toàn tập trung và có cách nhìn nhận đúng đắn về môn học. Em tự thấy mình cần siêng năng và chủ động hơn trong việc tìm hiểu lịch sử đất nước. Đó không chỉ là nhiệm vụ của học sinh mà còn là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, đối với sự hy sinh của cha ông. Học thật tốt môn lịch sử cũng chính là sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, trân trọng cống hiến của người đi trước và có được những bài học cho việc xây dựng đất nước trong tương lai.