Suy nghĩ về ý kiến: “Có những cái bền chắc là hạnh phúc, có những cái bền chắc là tai hoạ.” – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về sự bền chắc
Đề bài:
Có những cái bền chắc là hạnh phúc, có những cái bền chắc là tai hoạ.
Anh chị hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Hướng dẫn làm bài
Đề bài này đòi hỏi người viết phải có cái nhìn rộng, hiểu được cái bền chắc được đề cập ở đây là phẩm tính của những sự vật, đối tượng khác nhau. Phải có sự phân biệt giữa cái bền của những gì có giá trị, có ý nghĩa, rất cần cho cuộc sống với cái bền của những gì vô dụng, thậm chí là tai ương cho con người. Trên cơ sở nhận thức ấy, người viết tập trung làm nổi bật quan điểm của mình bằng lí lẽ và dẫn chứng lấy từ thực tế.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Trước đây, Nguyễn Trãi từng chiêm nghiệm: Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi. Hoa đẹp thế, sao sớm nở tối tàn, cỏ đáng ghét thế, sao bốn mùa tươi tốt? Hãy để sang một bên tâm lí yêu hoa ghét cỏ (vốn là tâm lí chung của của dân nông nghiệp), điều ta thấy ở câu thơ Nguyễn Trãi là độ bền khác nhau của từng đối tượng mà nhà thơ tỏ ra rất thấu hiểu. Một sự vật, một hiện tượng nào đó được xem là bền khi trụ vững được với thời gian. Với thời gian, không gì là không thay đổi. Có những thứ thay đổi rất nhanh, có những thứ thay đổi tương đối chậm. Những gì biến đổi chậm, giữ được lâu dài hình dáng, tính chất thì được xem là có độ bền chắc.
Nhưng trên đời này, có những thứ bền chắc là hay, là tốt; ngược lại, có những thứ bền chắc là điều dở, điều không may.
– Hằng ngày, có biết bao vật dụng gắn với đời sống của cá nhân chúng ta. Một chiếc áo ta mặc, một cái điện thoại hoặc máy tính ta dùng, một chiếc xe ta thường đi… Sẽ may mắn biết bao nếu ta gặp được những đồ vật dùng lâu mà không hỏng hóc, nghĩa là có độ bền. Một hãng sản xuất máy giặt của Nhật Bản đã quảng cáo cho sản phẩm của mình bằng câu: Ba mươi năm vẫn chạy tốt! Họ biết đánh vào tâm lí khách hàng bằng việc đề cao độ bền của những chiếc máy dò hãng mình chế tạo. Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đang tập trung trí tuệ để nâng cao độ bền vật liệu dùng trong nhiều ngành công nghiệp. Thử hỏi, một chiếc máy bay chở hành khách, một chiếc tàu vũ trụ mà không được đảm bảo bằng những vật liệu bền chắc, thì tình hình sẽ ra sao?
– Văn minh vật chất của nhân loại được duy trì từ xưa đến nay cũng nhờ có những công trình vĩ đại. Những kì quan của thế giới như kim tự tháp ở Ai Cập, Vạn Lí Trường Thành của Trung Quốc, hai ngôi đền Angkor Wat, Angkor Thom ở Campuchia… đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm nay, mặc dù chúng cũng đang bị thời gian đe doạ. Nếu những kiệt tác kiến trúc ấy không vững bền với mưa nắng, nhân loại trong tương lai liệu có còn cơ hội được chiêm ngưỡng chúng nữa không? Câu chuyện tương tự cũng thường xuyên đặt ra với những kiệt tác hội hoạ trọng các viện bảo tàng. Ở đó, các chuyên gia đã phải tìm tòi, nghiên cứu nhiều phương cách khác nhau để làm sao giữ được độ bền của những bức tranh nổi tiếng.
– Bên cạnh sự bền chắc hữu hình là những sự bền chắc vô hình. Người ta thường nói đến độ bền của tình cảm, sự bền lòng, bền chí… Nhờ những sự bền chắc đó mà cuộc sống của con ngưòi luôn luôn tốt đẹp. Có gì hạnh phúc hơn khi những tình cảm vợ chồng, anh em, bè bạn, thầy trò… qua bao nhiêu thử thách của thời gian, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm vẫn luôn thắm thiết? Có niềm vui nào lớn hơn khi con người cập bến thành công nhờ sự bền lòng vững chí trên con đường phấn đấu? Những cái bền chắc như thế là những nhân tố góp phần tạo nên những mảng tươi sáng trong cuộc sống của chúng ta.
– Tuy nhiên, bên cạnh những sự bền chắc cần thiết, còn vô số sự bền chắc trở thành tai ương cho cuộc sống của con người. Trong bản thân chúng ta, có những thói xấu cứ bám dai dẳng. Sự lười biếng, vô cảm, sự đố kị, ghen ghét, sống thiếu lí tưởng, thiếu mục đích, thích hưởng thụ mà không muốn làm việc… những thứ đó, “ban đầu là mạng nhện, sau là dây cáp”. Khi đã là “dây cáp”, chúng có độ bền đáng sợ, loại bỏ chúng là điều không dễ. Thông thường, hình thành một thói quen tốt thì hết sức khó khăn, nhưng chỉ cần lơ là, thiếu trách nhiệm với bản thân, một thói quen xấu sẽ nhanh chóng ngự trị. Sự bền chắc của những điều xấu xa đúng là một thứ tai hoạ.
– Nhìn rộng ra, trong xã hội cũng có rất nhiều những cái bền chắc kìm hãm sự phát triển, sự tiến bộ. Mấy chục năm trước đây, chế độ bao cấp đã biến dân ta thành những con ngưòi kém năng động, sáng tạo. Đại bộ phận chỉ biết trông chờ, ỷ lại, đến mức, cứ ngỡ tâm lí thụ động ở người Việt không bao giờ thay đổi. Cái bền chặt đó quả là tai hoạ. Gần đây, người ta không ngại nói về những thói quen rất xấu của người nước mình. Chính những điều đó đã làm cho hình ảnh ngưòi Việt trở nên rất nhem nhuốc trong con mắt người nước ngoài. Tiếc thay, những thói quen xấu đó là có thật, có sức bền ghê gớm, không dễ gột rửa trong ngày một, ngày hai.
– Bài học cho bản thân: Phân biệt được những sự bền chắc tích cực và những sự bền chắc tiêu cực (trong bản thân và trong đời sống xã hội) để có thái độ và hành động đúng đắn.
(Cần chọn được các dẫn chứng tiêu biểu đưa vào bài để lập luận có sức thuyết phục.)
Theo hoctotnguvan.vn