Nghị luận về đức tính khoan dung
Hướng dẫn
Nghị luận về đức tính khoan dung
Khoan dung là rộng lòng tha thứ cho người có lỗi, và người biết khoan dung, độ lượng là người đức độ. Khoan dung có thể cảm hóa được con người, làm bản thân ta thấy nhẹ lòng mà không phạm vào những điều hẹp hòi, độc ác, trái đạo.
Trong mỗi con người đều có hai mặt tốt xấu, sáng tối, và để chiến thắng chính là lòng tốt, khoan dung độ lượng. Người xưa nói “nhân vô thập toàn” là con người ai cũng mắc lỗi, có điều lỗi nhỏ hay lớn. Nhưng dù thế nào, khi người mắc lỗi được tha thứ cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Ngược lại ta tha thứ cho người khác sẽ thấy tâm thanh thản, nhẹ nhõm. Đó chính là ý nghĩ của lòng khoan dung, tha thứ.
Cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, xung đột trong việc làm và lời nói, nhưng khi xong, ta cần biết nhìn lại chính mình, chủ động giảng hòa, sẵn lòng tha thứ, cởi oán thù, ghét bỏ…
Ngay cả trong cuộc sống vợ chồng, con cái cũng những lúc mâu thuẫn, bất đồng ý kiến, nhớ câu: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì”; “Một điều nhịn chín điều lành”.
Ta tha thứ cho người, sẽ có lúc có người tha thứ cho ta, “Oán thù nên cởi không nên buộc”. Niềm vui của khoan dung là niềm vui to lớn, đích thực, đáng là một phương châm để trước hết tự mình thanh thản. Và đó cũng là lối sống đẹp, thể hiện nhân cách con người.
Cuộc sống đầy những khó khăn, phức tạp, cần phải biết khoan dung, độ lượng cho tinh thần thanh thản. Bản thân mỗi người phải tự rèn luyện lòng khoan dung, đó là đức tính tốt đẹp mang lại lợi cho ta và cho người khác.
Theo Hocsinhgioi.com